Tiêu điểm Quốc tế

Ngành công nghiệp quốc phòng sẽ giúp kinh tế châu Âu thoát khỏi trì trệ?

Ngọc Ánh (theo Politico, Euronews) 19/05/2025 16:01

(CLO) Châu Âu đang đổ hàng nghìn tỷ euro vào quốc phòng với hy vọng công nghệ quân sự sẽ kéo nền kinh tế ra khỏi trì trệ. Nhưng liệu đạn dược có thật sự giúp kinh tế tăng trưởng?

Từ lò vi sóng, GPS đến máy bay không người lái và băng keo — các phát minh định hình cuộc sống hiện đại đều từng ra đời từ các phòng thí nghiệm quân sự. Giờ đây, khi châu Âu chuẩn bị bơm hàng nghìn tỷ euro vào lĩnh vực quốc phòng để bù đắp hàng thập kỷ cắt giảm chi tiêu, giới chức kỳ vọng phép màu quân sự sẽ một lần nữa thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế èo uột.

Châu Âu đang theo đuổi những dự án tham vọng không kém Mỹ — từ hệ thống phòng thủ tên lửa tầm lục địa đến mạng vệ tinh quỹ đạo thấp thay thế Starlink vốn ngày càng bất ổn. Mục tiêu không chỉ là phòng thủ mà còn là đổi mới: công nghệ quân sự tiên tiến sẽ lan tỏa vào lĩnh vực dân sự, giúp tăng năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

Nhưng giấc mơ ấy có quá viển vông?

untitled(2).png
Một cuộc họp không chính thức của các bộ trưởng ngoại giao NATO trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO. Ảnh: X/SecGenNATO

Khi ngân sách quốc phòng thành chất xúc tác công nghệ

Tổng thư ký NATO Mark Rutte thừa nhận châu Âu đã lơ là quốc phòng quá lâu. Dù 2/3 các nước NATO đã đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quân đội, ông nói vẫn là "chưa đủ".

Lời cảnh báo ấy nhanh chóng được đáp lại. Ủy ban châu Âu hiện mở hầu bao 800 tỷ euro cho lĩnh vực quân sự. Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – công bố kế hoạch chi 1.000 tỷ euro để tái thiết quân đội và cơ sở hạ tầng.

Và nơi nào có tiền, nơi đó có doanh nghiệp.

Loïc Mougeolle, cựu kỹ sư quốc phòng, thành lập Comand AI vào năm 2022 sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra. Startup này phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ sĩ quan điều hành chiến dịch nhanh gấp hàng chục lần so với con người. Theo Mougeolle, chỉ một sĩ quan sử dụng hệ thống của họ cũng đủ sức đảm đương công việc của 4 người.

Dù hiện chỉ phục vụ quốc phòng, Comand AI đang nghiên cứu mở rộng sang lĩnh vực dân sự như robot giao hàng hoặc ứng phó tấn công mạng. Mô hình “lưỡi kiếm thành lưỡi cày” có thể vận hành ngược: từ công nghệ chiến tranh đến đột phá dân dụng.

Đặt cược vào "cuộc đua không gian" kiểu mới

Giáo sư Chris Miller (Đại học Tufts) khẳng định Mỹ là ví dụ sống động cho tiềm năng từ chi tiêu quốc phòng. Chính Lầu Năm Góc từng tài trợ cho GPS, vi xử lý và các công nghệ nền tảng của thời đại số. Nghiên cứu của Viện Kiel công bố tháng 2 cũng cho thấy: mỗi 1% GDP đầu tư vào R&D quân sự có thể giúp năng suất dài hạn tăng 0,25%.

Theo nhà kinh tế Ethan Ilzetzki (Trường Kinh tế London), bối cảnh cạnh tranh sinh tử, như thời Chiến tranh Lạnh hay Cuộc đua Không gian, luôn thúc đẩy sáng tạo. Ông nói: “Chiến tranh không phải cách lý tưởng để đổi mới, nhưng nó khiến công nghệ tiến bộ không ngừng nghỉ”.

Nhưng không phải ai cũng hào hứng. Các chính trị gia cánh tả và nhà kinh tế cảnh báo: chi tiêu quốc phòng đang lấn át phúc lợi xã hội. Tại Anh, chính phủ Lao động cắt 4,8 tỷ bảng cho an sinh trong khi tăng ngân sách quốc phòng 2,2 tỷ bảng.

Bên ngoài tranh cãi chính trị, có một thực tế không thể chối bỏ: sản xuất súng ống và đạn dược có thể tăng GDP,nhưng không trực tiếp làm năng suất tốt lên. Và vì phần lớn kế hoạch tái vũ trang được tài trợ bằng nợ công, vốn đã ở mức cao, rủi ro dài hạn là rất thật.

Tự lực thay vì lệ thuộc Mỹ

Một cách để tháo gỡ bài toán quốc phòng là chi tiêu khôn ngoan hơn. Châu Âu cần tự phát triển những vũ khí mà họ đang lệ thuộc vào Mỹ. Hiện hơn 50% ngân sách mua sắm quốc phòng của khối vẫn đang chảy vào tay các tập đoàn Mỹ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi thay thế tên lửa Patriot của Mỹ bằng SAMP/T, thay thế F-35 bằng máy bay Rafale “cây nhà lá vườn”. Berlaymont (Ủy ban châu Âu) cũng đang khuyến khích sản phẩm nội địa.

untitled(1).png
Module radar của hệ thống phòng không mặt đất SAMP/T. Ảnh: CC/Wiki

Song các nước ở “tiền tuyến” như Ba Lan, Phần Lan lại có ưu tiên khác: họ muốn vũ khí có ngay, thậm chí mua từ Hàn Quốc, Israel hay Mỹ cũng được. Một nhà ngoại giao châu Âu mô tả: “Các nước Baltic thấy lửa, Trung Âu thấy khói, còn phần còn lại thì chẳng thấy gì”.

Hiện tại, quá nhiều tiền quốc phòng châu Âu đang đổ vào các tập đoàn quốc gia cồng kềnh và lạc hậu. Trong khi đó, theo bài phân tích của Ilzetzki, Lầu Năm Góc đã thành công hơn nhờ thúc đẩy cạnh tranh qua mô hình "nguồn cung kép" — đặt hàng nhiều nhà sản xuất cùng lúc để tăng sức sáng tạo và giảm độc quyền.

Thay vì ràng buộc đấu thầu bằng tiêu chí kỹ thuật cứng nhắc vốn thiên vị các ông lớn lâu đời, Mỹ thường mở thầu theo hướng "giải bài toán", tạo cơ hội cho các công ty nhỏ, trẻ và công nghệ hơn tham gia.

Báo cáo từ Viện Kiel cho biết cách làm này đã dẫn tới số lượng sáng chế cao hơn và thúc đẩy các công nghệ lưỡng dụng – vừa phục vụ quốc phòng, vừa ứng dụng dân sự.

Mỹ chi tới 16% ngân sách quốc phòng cho nghiên cứu phát triển (R&D), trong khi con số này ở châu Âu chỉ là 4,5%. Khoảng cách đó giúp các công ty Mỹ luôn đi đầu về công nghệ, tạo lợi thế dài hạn cho cả lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.

Vì thế, nếu châu Âu thực sự muốn tái vũ trang hiệu quả, họ phải mở cửa hơn với các doanh nghiệp mới nổi – những đơn vị nhanh nhẹn, dám bứt phá, và đang dẫn đầu làn sóng công nghệ, theo lời Dan Breznitz, chuyên gia về đổi mới công tại Đại học Toronto.

“Muốn thành công, bạn phải sẵn sàng phá vỡ hệ thống cũ”, ông nói. “Phải chấp nhận những người chơi mới. Và một số người trong số họ sẽ trở thành gã khổng lồ tương lai. Thành thật mà nói, tôi không chắc EU đã sẵn sàng cho điều đó”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngành công nghiệp quốc phòng sẽ giúp kinh tế châu Âu thoát khỏi trì trệ?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO