(Congluan.vn) - Phải tự chủ từ khâu nguyên liệu sản xuất cho đến phân phối sản phẩm là điều khiến cho các doanh nghiệp da giày Việt Nam nản lòng và không có tham vọng chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Các sản phẩm da giày nhập ngoại chiếm 60% thị phần trong nước đồng nghĩa với việc các sản phẩm của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 40% - một con số khá khiêm tốn khi ngành da giày Việt Nam hiện đang đứng trong nhóm 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng với giá trị xuất khẩu trung bình đạt hơn 10 tỷ USD mỗi năm.
Đơn cử như doanh nghiệp giày Việt Á Châu, là một doanh nghiệp sản xuất và cung cấp chính cho thị trường nội địa, tuy nhiên mỗi năm cũng chỉ đưa ra được cho thị trường 1 triệu sản phẩm. Điều đó có nghĩa chỉ tương ứng 50% năng lực sản xuất mà doanh nghiệp đã đầu tư. Nguyên nhân chính là do giá thành sản phẩm được sản xuất trong nước cao hơn so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu.
[caption id="attachment_26358" align="aligncenter" width="470"]
Ngành da giày Việt Nam không mong muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước - Ảnh: Internet[/caption]
"Các doanh nghiệp Việt Nam không có đủ cơ hội và điều kiện cần thiết để có thể chiếm lĩnh thị trường và phục vụ cho người Việt. Một trong những nguyên nhân mà theo cách đánh giá của chúng tôi, ảnh hưởng rất lớn vào giá thành là nguồn nguyên liệu đầu vào," bà Văn Thuý Hạnh - đại diện doanh nghiệp giày Việt Á Châu chia sẻ.
Theo Hiệp hội Da, Giày - Túi xách Việt Nam, do ngành da giày lâu nay phát triển vẫn chủ yếu là gia công với việc thiếu quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ khiến cho các doanh nghiệp trong nước khó có thể chủ động nguyên phụ liệu cũng như nâng cao giá trị gia tăng và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại.
"Bây giờ, cái nghị định về quá trình thực hiện ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp của chúng ta vẫn chưa được thông qua", theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da, Giày - Túi xách Việt Nam
"Tiêu thụ nội địa của chúng ta cho ngành da giày hiện nay chiếm khoảng xấp xỉ 50% còn 50% còn lại vẫn phải nhập khẩu. Hiện nay chúng tôi cũng đang nỗ lực thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia vào thị trường nội địa để nhận diện được các thương hiệu riêng và nâng cao hình ảnh của thương hiệu đó đồng thời quảng bá để người tiêu dùng nắm được", chia sẻ từ bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công thương.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến 2020 tầm nhìn 2025, năm 2015 toàn ngành da giày Việt Nam sẽ đạt tỉ lệ nội địa hoá là 65% và nâng lên 80% năm 2020. Vấn đề quy hoạch ngành đặc biệt là quy hoạch ngành công nghiệp phụ trợ được kỳ vọng là giải pháp để các doanh nghiệp da giày trong nước tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã và đang đàm phán kí kết.
Quỳnh Liên (tổng hợp)