Ngành dệt may cơ hội lịch sử

Thứ năm, 31/01/2019 10:02 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Năm 2019 và những năm tiếp theo được dự báo là những điều tốt lành vẫn tiếp tục đến với các DN ngành dệt may khi các Hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA mà VN tham gia sẽ được thực thi. PV báo NB&CL đã có cuộc bàn tròn cùng một số lãnh đạo DN ngành này.

+ Làm sao để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam (DMVN) tối đa hóa được lợi thế từ những Hiệp định sắp được thực thi? Các DNDMVN đã chuẩn bị ra sao để đón đầu cơ hội từ những điều khoản có lợi khi các Hiệp định thương mại TPCPP, EVFTA chính thức có hiệu lực?

Báo Công luận

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex: 

Hiện nay, đối với DMVN - ngành được xem có thể được hưởng nhiều lợi thế khi các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP sắp được thực thi, thì việc làm sao để tối đa hóa lợi thế không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân doanh nghiệp trong ngành.

Báo Công luận

CPTPP có nội dung về tốc độ của thủ tục thông quan, phấn đấu từ 24h-48h. Do đó, doanh nghiệp DMVN phấn khởi trước quyết định cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh hiện có, nhưng còn mong muốn hơn việc cắt giảm này tiến tới tốc độ kỳ vọng như Hiệp định CPTPP đã đưa ra. Với doanh nghiệp DMVN, tỷ lệ cắt giảm bao nhiêu % thủ tục không quan trọng bằng cái đích cuối cùng là thời gian xử lý thủ tục phải giảm tới mức tối thiểu.

Ngoài ra, trong diễn biến mới nhất, thì khả năng Hiệp định EV FTA được thực thi tháng 3/2019. Muốn tận dụng được lợi thế cao nhất từ hiệp định này, DNDMVN ngoài việc chủ động nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh thì còn cần hiệu quả cụ thể số thời gian được cắt giảm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu. DN thay đổi tích cực, nhưng cũng cần sự thay đổi của cơ chế kiểm soát kinh doanh trong nước.

Nguyên liệu vẫn luôn là bài toán đối với DN DMVN. Hiện nay, nước ta đã sản xuất được 2,7 tỷ mét vải/năm. Trong tổng lượng xuất khẩu tới châu Âu, chúng ta cần khoảng 2 tỷ mét vải. Ngoài việc sản xuất trong nước, chúng ta có thể nhập khẩu vải từ Hàn Quốc và Nhật Bản, đây là hai nước cũng có FTA với EU (Trong đó Nhật Bản ký FTA với EU từ tháng 7/2018). Hiện chúng ta đã nhập khẩu tới 20% lượng vải từ Hàn Quốc trong tổng lượng vải nhập để sản xuất phục vụ xuất khẩu và cũng nhập một lượng vải cao cấp từ Nhật Bản. Việc cần làm trong thời gian tới là cần phải cân đối điều chỉnh lượng vải sản xuất trong nước, vải nhập từ Hàn Quốc và Nhật Bản cho các đơn hàng may mặc xuất đi châu Âu, là hoàn toàn nằm trong tầm tay của các DN DMVN. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tận dụng lợi thế về thuế quan.

Với tinh thần chuẩn bị tốt nhất để tận dụng lợi thế từ EVFTA, CPTPP kể từ 2015 tới nay, các DNDMVN đã tích cực đầu tư vào sản xuất nguyên liệu. Vùng sản xuất nguyên liệu đã được mở ra với quy mô lớn vượt trội, trong đó có cả DN trong nước và nước ngoài, như  sợi Thiên Nam, Sợi - Vải Nam Định, Sợi Phú Bài, Sợi - Dệt 8/3, Sợi Texhong… Hướng tới năm 2020, toàn ngành DMVN sản xuất được 3 tỷ mét vải (trên tổng lượng 8,2 tỷ mét vải DMVN cần cho sản xuất kinh doanh). Nguyên phụ liệu sản xuất trong nước sẽ tiến tới đáp ứng 50% trong tỷ lệ xuất khẩu tiến tới năm 2020. Như vậy, trong 35 tỷ USD xuất khẩu, sẽ có 17,5 tỷ USD nguyên phụ liệu sản xuất trong nước. Hiệu quả sẽ đưa giá trị gia tăng lên khá hơn cho ngành DMVN.

Ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư và thương mại TNG:

 Năm 2018, Công ty TNG có sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu với 30%, tăng gấp hơn 2 lần so với bình quân chung của ngành dệt may. Sở dĩ TNG đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy là do 3 yếu tố. Năm 2018, TNG lấp đầy được công suất của tất cả các nhà máy đã đầu tư từ trước. Hơn nữa trong năm 2018 Công ty ký được một số hợp đồng với các khách hàng rất lớn, tạo được việc làm ổn định trong năm. Đặc biệt, tỷ lệ gia công của TNG gần như bây giờ không còn nữa nên giá trị kim ngạch tăng kéo theo lợi nhuận tăng so với năm trước. Công ty bước đầu chuyển sang hình thức bán ODM (tức là từ khâu thiết kế đến mua nguyên liệu đến khâu sản xuất) góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Báo Công luận

Năm 2018, chúng tôi cơ cấu lại các cửa hàng và cơ cấu lại thị trường, tập trung vào những khách hàng lớn. Ví dụ như ở thị trường châu Âu chỉ tập trung vào sản phẩm lông. Các thị trường nhỏ lẻ cũng sẽ cắt đi. Khách hàng Canada được mở rộng và tăng lên rất nhiều, sắp tới khách hàng Canada chuyển sang hình thức bán ODM, giúp công ty tăng doanh thu, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Về việc khai thác nguyên phụ liệu trong nước để hưởng những lợi thế từ Hiệp định, TNG đã làm rất tốt điều này. Chúng tôi chủ động khai thác các nguồn nguyên liệu ở trong nước và được các khách hàng ủng hộ. Đặc biệt là khi chuyển sang hình thức bán ODM, chúng tôi đã chủ động khai thác được nguồn nguyên liệu trong nước và nguồn nguyên liệu ở các nước tham gia các Hiệp định thương mại. Với các hướng khai thác nguyên liệu chúng tôi đã và đang đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Đây thực sự là điều thuận lợi đối với Công ty TNG.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco):

Năm 2018, May Hưng Yên có mức tăng trưởng trung bình từ 10-15%. Sở dĩ có được thành quả này là do năm qua cùng với công nghệ 4.0 hầu hết các doanh nghiệp trong ngành trong Tổng Công ty đều đầu tư một số thiết bị công nghệ tiên tiến gồm thiết bị tự động như máy dập, máy may tự động cho công tác nhồi bông, nhồi lông vũ rồi máy chải, cắt tự động. Sự đầu tư này đã có tác động mạnh đến việc tăng năng suất lao động trong công ty, từ đó doanh thu của công ty tăng từ 10-15%.

Báo Công luận

Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực thì vẫn kèm theo một điều kiện đó là về xuất xứ từ vải. Nếu chúng ta chỉ lấy vải từ Trung Quốc thôi chẳng hạn thì việc đó chẳng bao giờ được hưởng những lợi ích về thuế. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phải tìm nguồn cung nguyên liệu từ các nước tham gia hiệp định thương mại. Nếu họ có thì mình sẽ dùng. Bên cạnh đó mình phải tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên điều đáng nói là hầu hết các địa phương đều không muốn đầu tư các nhà máy dệt nhuộm ở tỉnh mình do liên quan đến vấn đề ô nhiễm. Đây là điều rất bất cập.

+ Bên cạnh những thị trường truyền thống, Hiệp định CPTPP, EVFTA còn giúp các DNDMVN mở rộng ra nhiều thị trường lớn. Thị trường của ngành dệt may sẽ dịch chuyển ra sao trong thời gian tới?

Báo Công luận

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex:

Với CPTPP có hai quốc gia là Úc và Canada có khả năng mang lại sự phát triển thị trường khá lớn cho xuất khẩu DMVN. Chúng ta mới chỉ xuất khẩu tới Úc và Canada được 2% thị phần. DMVN hoàn toàn có khả năng tăng tỷ lệ lên 6% thị phần tại hai nước này khi CPTPP được thực thi. Riêng Vinatex trong những năm qua đã tích cực chuẩn bị cho Hiệp định này, nên tập trung đầu tư các dự án sản xuất nguyên liệu, còn các dự án may mặc thì do các công ty con, công ty thành viên phát triển. Đầu tư mới cho sản xuất sợi - dệt vải chiếm tỷ lệ 90% đầu tư của Vinatex từ 2013 tới nay. Tính trong ngành DMVN thì tỷ lệ nội địa hóa được 49%, riêng Vinatex tỷ lệ nội địa hóa lên tới 56%. Việc đầu tư sản xuất vải và sợi của Vinatex là nhằm mục tiêu đáp ứng các quy tắc xuất xứ của hai hiệp định EVFTA và CPTPP, tận dụng lợi thế về thuế quan, mở rộng biên lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư và thương mại TNG:

Theo nhận định của Công ty chúng tôi, năm 2019 vẫn là năm tiếp tục có nhiều thuận lợi nhưng về mặt chiến lược dài hạn thì chúng ta cũng cần phải xem xét cơ cấu lại thị trường và một số yếu tố khác.

Trong ngắn hạn, Việt Nam vẫn tiếp tục hưởng một số yếu tố thuận lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hiện các khách hàng đang rút đơn hàng từ bên Trung Quốc sang Việt Nam. Trước tình hình đó, chúng tôi lựa chọn những khách hàng nằm trong số các quốc gia tham gia các Hiệp định thương mại thuận lợi. Ví dụ như Hiệp định FTA với EU, khi mức thuế giảm xuống thì số lượng đơn hàng sẽ tăng lên. Với thị trường Mỹ sẽ giữ nguyên không mở rộng nữa, còn thị trường Canada với Hiệp định CPTPP chúng tôi cũng sẽ tăng các sản lượng lên. Khách hàng này có nhu cầu mua hàng lớn tại TNG nên chúng tôi cũng sẽ sắp xếp lựa chọn những đơn hàng phù hợp, tạo ra những sản phẩm ổn định để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của công ty.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco): 

Trong năm qua, May Hưng Yên về cơ cấu đơn hàng vẫn giữ ổn định ở mức như thị trường Mỹ khoảng 65%, Nhật có nhúc nhắc tăng một chút và châu Âu cũng có tăng, còn lại một số thị trường mới như là thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đang có những dấu hiệu khả quan.

Năm 2019 chúng tôi đánh giá sẽ tiếp tục giữ được những xu thế tốt từ năm 2018 chuyển sang nhưng đồng thời cũng như đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam. Theo đánh giá chung, vấn đề này cũng không ảnh hưởng mạnh vì dòng thuế bị đánh tăng với Trung Quốc thì những mặt hàng của chúng ta nằm trong diện tăng thuế không nhiều. Nhưng cái đáng ngại lớn nhất đó là việc phụ thuộc nguyên phụ liệu mà chúng ta nhập khẩu từ nước ngoài mà lớn nhất là từ Trung Quốc (45%).

Định hướng của chúng tôi là đi tìm giải pháp để có thể mở rộng sang các thị trường khác nhất là thị trường Trung Quốc bởi họ đang có xu hướng đưa một số cơ sở sản xuất sang nước ngoài. Chẳng hạn như tại Bắc Giang, một số nhà máy của Trung Quốc được đầu tư rất lớn. Tôi cho rằng có thể đây cũng là một cơ hội để chúng tôi hướng đến việc sản xuất hàng để nhập cho Trung Quốc. Đó là định hướng trong vài năm tới của Công ty chúng tôi. Với các thị trường như Mỹ hiện đang chiếm 65% sau này có thể giảm xuống 50%, thậm chí 30% để tập trung cho các thị trường khác.

Dự kiến trong năm tới chúng tôi có mức tăng trưởng từ 5- 7%, trong đó có một phần của tăng năng suất và một phần từ việc mở rộng để đầu tư thêm để sản xuất ở các cơ sở hiện có khả năng thu hút được lao động ở địa phương.

Ông Phí Ngọc Trịnh - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm:

Khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực thì DNDMVN có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước thành viên tham gia Hiệp định, đặc biệt như thị trường Úc, Canada. Tuy nhiên, vẫn là vấn đề liên quan đến nguồn cung thiếu hụt thì các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam.

EVFTA đã được đàm phán từ năm 2015, kể từ đó đến nay, các DN DMVN đã nghiên cứu kỹ các điều kiện của Hiệp định và chuẩn bị để đáp ứng tốt nhất. Điểm cốt lõi của Hiệp định này là quy tắc xuất xứ từ vải. Lưu ý trong thỏa thuận có nội dung, ngoài vải sản xuất ở Việt Nam được cắt giảm thuế, thì áp dụng tương tự với vải nhập khẩu từ các nước cũng đã ký Hiệp định thương mại tự do với EU (với sự đồng thuận của ba bên).

Báo Công luận

Nguồn vải hiện nay của các doanh nghiệp dệt may nước ta chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Nhưng do Trung Quốc không tham gia vào CPTPP nên dẫn đến việc Trung Quốc có thể sẽ nâng giá vải và phụ liệu lên gây khó khăn với dệt may. Từ giá nguyên vật liệu tăng lên dẫn đến giá thành của sản phẩm dệt may tăng lên.

Đối với Tập đoàn Hồ Gươm về lĩnh vực may thì Công ty là một đơn vị gia công có nhiều đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian). Tôi nghĩ nó là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp lớn xuất khẩu các sản phẩm sang các thị trường của các nước tham gia Hiệp định.

Minh Lê (ghi)

Tin khác

Giá vàng hôm nay: Biến động trái chiều, nơi tăng, nơi giảm

Giá vàng hôm nay: Biến động trái chiều, nơi tăng, nơi giảm

(CLO) Trong phiên giao dịch ngày (20/4), giá vàng trong nước có nhiều biến động trái chiều giữa các “nhà vàng”.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vào hè, thợ sửa điều hoà đắt “sô”, bỏ túi bạc triệu mỗi ngày

Vào hè, thợ sửa điều hoà đắt “sô”, bỏ túi bạc triệu mỗi ngày

(CLO) Dù làm việc dưới thời tiết nắng nóng cùng cường độ công việc cao nhưng thợ lắp điều hòa phấn khởi bởi có thể “cá kiếm” hàng triệu đồng mỗi ngày.

Thị trường - Doanh nghiệp
Đồng euro chạm mức thấp lịch sử trong giao dịch SWIFT

Đồng euro chạm mức thấp lịch sử trong giao dịch SWIFT

(CLO) Dữ liệu giao dịch do dịch vụ tài chính toàn cầu tổng hợp cho thấy tỷ trọng của đồng euro trong các hoạt động thanh toán xuyên biên giới toàn cầu thông qua hệ thống SWIFT vào tháng trước đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC

Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC

(CLO) Chiều 19/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo về việc đấu thầu vàng miếng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Mỹ tái áp đặt trừng phạt năng lượng Venezuela

Mỹ tái áp đặt trừng phạt năng lượng Venezuela

(CLO) Nhà Trắng đã khôi phục các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Venezuela. Động thái này diễn ra khi Venezuela đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống.

Thị trường - Doanh nghiệp