Ngành du lịch Việt Nam đang 'lột xác'

Thứ năm, 11/06/2020 08:40 AM - 0 Trả lời

(CLO) Với những thành công trong kiểm soát đại dịch Covid-19, hình ảnh Việt Nam là một điểm đến an toàn với chi phí du lịch phù hợp và vẻ đẹp thiên nhiên phong phú là những lợi thế thúc đẩy Ngành du lịch phục hồi.

Báo Công luận

"Thời điểm vàng" để kích cầu du lịch nội địa Việt Nam hậu đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Hình ảnh Việt Nam là một điểm đến an toàn với chi phí du lịch phù hợp và vẻ đẹp thiên nhiên phong phú đang là một lợi thế để ngành du lịch phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên việc làm sao để thu hút du khách đang là bài toán đặt ra với các nhà quản lý, đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch,...khi người dân vẫn có xu hướng thắt chặt hầu bao, chi tiêu tiết kiệm.

Kích cầu nội địa cho ngành du lịch không chỉ là bài toán ngắn hạn đặt ra trong thời hậu Covid -19 mà cần được xem như một vấn đề cốt yếu đối với sự tăng trưởng “Ngành công nghiệp không khói” được định hướng là mũi nhọn của Việt Nam.

"Đổi món" để hút khách nội địa

Chị Thu Nga (Khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) đang tất bật sắp xếp hành lý cho chuyến du lịch nội địa dài ngày đầu tiên sau đại dịch Covid-19. Điểm đến được chị lựa chọn là tour du lịch khám phá vẻ đẹp hoang sơ như tranh vẽ với bãi cát trắng mịn, nước trong màu ngọc bích của biển Phú Quốc. Theo chị, đây là “cơ hội vàng” để trải nghiệm dịch vụ 5 sao sang chảnh với chi phí “không tưởng” của các thương hiệu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp hàng đầu Việt Nam.

Chị cho biết, thời điểm này, rất nhiều bạn bè của chị cũng đang lên kế hoạch du lịch trong nước bằng cách canh vé máy bay vào khung “giờ vàng”, săn voucher nghỉ dưỡng “giá rẻ” tại các resort nghỉ dưỡng hạng sang. “Đây là thời điểm tốt nhất cho khách trải nghiệm dịch vụ chất lượng 4-5 sao giá vô cùng hợp lý với ưu đãi giảm giá tới 50%, được hưởng dịch vụ cao cấp giá rẻ và được chăm sóc cẩn thận, an toàn” chị Nga hào hứng nói.

Đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa cũng là hướng phát triển của các công ty du lịch, lữ hành, tập trung vào các nhóm khách nhỏ, khách gia đình, điểm đến gần. Một trong những xu hướng sản phẩm đang được các công ty du lịch lựa chọn triển khai nhiều là “Free & Easy” (cung cấp các dịch vụ lẻ) dành cho nhóm khách nhỏ, nhóm khách gia đình với mức giá ưu đãi so với bình thường.

Ngoài các gói tour truyền thống, “Free & Easy” hay Combo nghỉ dưỡng cao cấp, lữ hành còn triển khai dịch vụ cung cấp “Travel Voucher” - phiếu du lịch có tính năng tiện dụng và linh hoạt phù hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện đại.

Mặc dù triển khai và giảm giá nhiều gói sản phẩm du lịch đa dạng như vậy nhưng đại diện các hãng lữ hành lớn khẳng định vẫn luôn đặt an toàn phòng chống dịch cho du khách đi tour lên hàng đầu cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ không đổi, hành trình thăm quan phong phú, mới lạ, lịch khởi hành linh hoạt.

Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, công ty sẽ thực hiện 4 gói tour du lịch nội địa có mức giảm sâu từ 30% đến 50%, trong đó đáng chú ý nhất là sản phẩm dành cho gia đình. Gói sản phẩm này hình thành nhờ sự phối hợp của công ty lữ hành, các hãng hàng không, cơ sở lưu trú 4 sao, công ty vận chuyển khách du lịch, nhằm giúp du khách tận hưởng chuyến bay và chỗ ở chất lượng; giá rẻ, nhưng vẫn có thể thực hiện hành trình tham quan theo ý muốn.

Còn theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Vietravel - Chi nhánh Hà Nội, doanh nghiệp đã xây dựng xong các sản phẩm du lịch mang tên “Việt Nam - Chào ngày mới” với mức ưu đãi chưa từng có, giảm giá đến 50% đối với các dịch vụ.

Với mức giá rẻ chưa từng có, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông lữ hành Saigontourist cho biết, các tour nội địa của đơn vị này sẽ đều đặn khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Hà Nội hậu giãn cách Covid-19. Dịch vụ đặt phòng khách sạn cao cấp khắp 3 miền giảm từ 30%-50% so với giá thường, dao động còn từ 880.000 đồng/khách đến 5,5 triệu đồng/khách.

Theo bà Thanh Trà, các combo cao cấp bay với hãng Hàng không Bamboo Airways, nghỉ dưỡng từ 3-4 ngày tại các khách sạn, resort 5 sao giảm từ 20%-50% so với giá thường, như combo nghỉ dưỡng tại FLC Quy Nhơn hay Mường Thanh Holiday Đà Lạt, giá còn từ 2,750 triệu đồng/khách, combo tại Vinpearl Riverfront Đà Nẵng, giá còn từ 3,390 triệu đồng/khách, combo tại Vinpearl Beach Front Nha Trang, giá còn từ 3,399 triệu đồng/khách, combo tại Vinoasis Phú Quốc giá còn từ 3,499 triệu đồng/khách (giá đã bao gồm vé máy bay).

Bên cạnh đó, các tour đường bộ khởi hành hàng ngày có mức giảm từ 20%-30% so với giá thường; các tour đường bay “Chào hè” khởi hành vào tháng Sáu, bay với hãng Hàng không Vietnam Airlines và Vietjet cũng giảm đến 12% so với giá thường.

Trong khi đó, từ đầu tháng 5, Công ty Du lịch Hanoitourist đã giới thiệu các tour du lịch đến miền Trung với mức giá “mềm”, khoảng 4-5 triệu đồng. Công ty Du lịch Vietsense kết hợp với các doanh nghiệp vận chuyển đẩy mạnh gói tour du lịch đường bộ giá rẻ. Công ty Saigontourist giới thiệu dịch vụ đặt phòng và du lịch tự túc với mức giá giảm đến 20%...

Qua đây cho thấy, các công ty du lịch đang chủ động thực hiện kế hoạch xây dựng lại thị trường, kích thích nhu cầu du lịch của khách nội địa trong mùa hè này. Bên cạnh việc thiết kế các tour du lịch trọn gói truyền thống, những “ông lớn” trong hoạt động lữ hành như: Hanoitourist, Vietravel, Hanoi Redtours, Saigontourist… đã bổ sung các dịch vụ, sản phẩm lẻ, phù hợp với nhu cầu của khách trong nước, như đặt vé máy bay, đặt phòng, cho thuê xe du lịch…

Công ty du lịch Khát Vọng Việt triển khai các gói du lịch trọn gói cũng như đơn lẻ phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng

Công ty du lịch Khát Vọng Việt triển khai các gói du lịch trọn gói cũng như đơn lẻ phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng

Phó Giám đốc Công ty du lịch Khát Vọng Việt Nguyễn Đình Quý nhận định, tâm lý sợ nhiễm bệnh vẫn sẽ đeo bám, nên sự an toàn cũng như thông tin về trình độ y tế và khả năng hỗ trợ sức khoẻ của điểm đến sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để du khách quyết định điểm đến của mình. Sự an toàn chính là lợi thế của du lịch Việt Nam hậu đại dịch Covid-19.

“Dịch bệnh đã tàn phá nặng nề nền kinh tế, viễn cảnh ảm đạm này sẽ khiến cư dân toàn cầu có xu hướng thắt chặt hầu bao, chi tiêu tiết kiệm. Những chuyến du lịch ngắn ngày, gần nhà chính là những gì khách hàng cần để tạm giải tỏa cảm giác “bí bách” sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Chúng giúp bảo đảm các yếu tố an toàn sức khoẻ, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro và chủ động trong các tình huống bất ngờ. Điều này đồng nghĩa với việc khách nội địa sẽ là chủ lực và đầu tiên phục hồi sau đại dịch. Trong khi đó nhóm khách du lịch quốc tế dự báo sẽ phục hồi rất chậm do những biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 giữa các quốc gia vẫn đang được thực hiện”, ông Nguyễn Đình Quý cho biết.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, đơn vị đã đẩy mạnh giảm giá và triển khai nhiều gói du lịch trọn gói cũng như đơn lẻ để kích cầu du lịch nội địa, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Ví dụ như khách hàng chỉ cần địa điểm lưu trú, phương tiện đi lại hay việc không cần hướng dẫn viên,...thì đơn vị cũng vẫn sẵn sàng đáp ứng.

Các CEO du lịch cho rằng, lúc này sự chung tay của cả mảng nội địa và inbound (đưa khách vào Việt Nam) với các nhà cung cấp là vô cùng cần thiết. Du lịch chỉ có thể khởi sắc trở lại khi khách hàng đang trong giai đoạn khó khăn với túi tiền gặp được sản phẩm hay, giá tốt.  

Theo Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan, khách nội địa có thói quen du lịch tự túc, vì thế các công ty lữ hành cần coi đó là cơ hội để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới. Đồng quan điểm này, Phó Giám đốc Công ty Vietravel - Chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy cho biết, công ty đã xây dựng thêm nhiều tour du lịch dành cho những nhóm nhỏ, đồng thời nâng cấp hệ thống đặt tour du lịch trực tuyến trên mạng xã hội Facebook, Zalo để khách hàng dễ dàng nắm bắt thông tin, thực hiện đặt tour du lịch.

Hàng loạt những biện pháp giảm giá, kích cầu du lịch được các đơn vị đưa ra để thu hút khách hàng

Hàng loạt những biện pháp giảm giá, kích cầu du lịch được các đơn vị đưa ra để thu hút khách hàng

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, khi các hãng lữ hành còn “ngủ đông” thì khách nội địa đã tự đi, đặt khách sạn, tự lái hoặc mua combo vé máy bay khách sạn. Nắm bắt nhu cầu này, các hãng lữ hành cần nhanh nhạy chuyển mình theo hướng số hóa hoặc tạo những sản phẩm đặc thù khác biệt, làm nổi bật điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện.

Bà Nguyễn Thùy Dương, CEO Eviva Tour cho biết, các “thủ lĩnh” của ngành du lịch đã quyết định thành lập những nhóm nghề nghiệp trên facebook để kết nối và trao đổi các vấn đề về xây dựng sản phẩm, marketing, truyền thông, cung cấp dịch vụ, khách sạn, tàu lưu trú du lịch, vé máy bay, homestay… Đặc biệt, họ cùng thống nhất giá và cùng bán sản phẩm. Những nhóm này hướng tới đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, chia sẻ nguồn lực để giảm chi phí thấp nhất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển bền vững.

Bà Dương và các đồng nghiệp hy vọng du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra nhiều kỳ tích mới trên thế giới về một điểm đến an toàn, thân thiện, trách nhiệm. Chung tay với các đơn vị lữ hành, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chuẩn bị khởi động lại chương trình “Liên minh kích cầu du lịch”, qua đó kêu gọi sự hưởng ứng, chia sẻ của tất cả các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhằm mang đến các sản phẩm du lịch hấp dẫn cho khách du lịch nội địa.

“Phá băng” cho ngành du lịch: Nói dễ làm khó?

Có thể thấy, với sự nỗ lực từ nhiều phía, thị trường du lịch nội địa có khả năng khởi sắc trở lại vào năm nay, trước mắt là mùa du lịch hè 2020. Tuy nhiên, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, để thị trường du lịch sớm hồi phục, cần có giải pháp mang tính dài hơi và đồng bộ. Trong đó, điểm mấu chốt là, dù thực hiện chính sách giảm giá, kích cầu, các đơn vị, doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm chất lượng các tour du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.

Để thị trường du lịch sớm hồi phục, cần có giải pháp mang tính dài hơi và đồng bộ

Để thị trường du lịch sớm hồi phục, cần có giải pháp mang tính dài hơi và đồng bộ

Theo bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn BIM, đây chính là thời điểm để thay đổi cách nhìn nhận đối với du lịch nội địa trong bối cảnh phải cạnh tranh với các tour nước ngoài có mức giá thậm chí rẻ hơn với dịch vụ hấp dẫn hơn. Việt Nam phải xây dựng chiến dịch trên diện rộng, toàn quốc để quảng bá du lịch nội địa, các địa phương cần quảng bá, tạo dựng thương hiệu riêng. Bà Mai đề xuất thực hiện chiến dịch theo từng tuần lễ, tập trung tại từng địa phương từ Bắc vào Nam và đi kèm cùng các sự kiện.

Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực của Tập đoàn FLC, mặc dù đang có sự “bùng nổ” về các chiến dịch kích cầu nhưng sự “kích cầu” ở đây cần được hiểu không đơn thuần chỉ là giảm giá mà còn là sự gia tăng thêm quyền lợi và giá trị cho du khách thông qua chuỗi liên kết, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhu cầu mới để đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Nếu ‘kích cầu’ chỉ chạy theo giá rẻ, bỏ bê chất lượng, mạnh ai nấy làm mà không có sự liên kết dịch vụ, đồng bộ về chính sách, thì đây sẽ lại là cuộc đua không có lợi về lâu dài cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Chúng tôi đang tận dụng hệ sinh thái du lịch tương đối đồng bộ để tạo ra nhiều sản phẩm liên kết trong hệ thống FLC, cũng như giữa FLC và cá DN khác. Mục tiêu là tạo ra các sản phẩm vừa có chi phí tốt hơn cho khách hàng, vừa kết nối đa dạng giữa các tiện ích vé máy bay, khách sạn, các dịch vụ ăn uống, giải trí, sân golf…

Bà Nguyễn Thị Yến, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Hanoi Trip cũng chọn cách đẩy mạnh du lịch nội địa. Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Yến sẽ xảy ra tình trạng dịch vụ nội địa tăng đột biến do cầu nhiều hơn cung. Vì vậy Hanoi Trip hướng theo dòng sản phẩm chăm sóc sức khoẻ. Sau dịch bệnh, người dân ý thức hơn về sức khoẻ và cuộc sống bình dị. Các sản phẩm của công ty hướng đến hướng đến đông đảo người dân. Đồng thời công ty tập trung khai thác du lịch tại các địa phương, phục vụ chính người dân địa phương. Bên cạnh đó xây dựng các Tour du lịch dành cho gia đình, nhóm bạn. Tập trung vào các điểm gần Hà Nội như Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Giang…

Ngoài ra, theo các chuyên gia, Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với mục tiêu hướng tới quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, giới thiệu các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng với giá hợp lý kèm theo những ưu đãi và cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình du lịch trọn gói hoặc từng phần cùng cần được thục hiện liên tục, thường xuyên, có “điểm nhấn” và đảm bảo chất lượng. Ngoài ra cần làm mới các sản phẩm du lịch để tăng cảm giác “lạ”, thu hút du khách.

Khó khăn trong lúc đại dịch có thể sẽ khiến các cơ sở du lịch, doanh nghiệp khai thác du lịch chỉ chăm chăm thu hút du khách bằng giá rẻ. Bên cạnh đó, sự liên kết chuỗi giá trị đầu vào để hình thành các sản phẩm du lịch “độc đáo” phục vụ du khách là vấn đề sống còn, nhưng để để vực dậy và tiếp tục phát triển, “phá băng” được tư duy về khai thác du lịch mới là thượng sách.

Hoàng Lan

Tin khác

Sắp đấu thầu vàng để tăng nguồn cung: Cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn

Sắp đấu thầu vàng để tăng nguồn cung: Cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn

(CLO) Việc tăng nguồn cung vàng ở thời điểm này chỉ mang tính ngắn hạn. Về lâu dài, việc đấu thầu vàng sẽ tạo ra nhiều bất ổn cho kinh tế trong nước.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia dự án dầu khí của Nga

Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia dự án dầu khí của Nga

(CLO) Các công ty Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án năng lượng của Nga trên đảo Sakhalin do tầm quan trọng của chúng đối với an ninh năng lượng của Tokyo, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố.

Thị trường - Doanh nghiệp
Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác cát sỏi 6,63 ha

Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác cát sỏi 6,63 ha

(CLO) UBND tỉnh Quảng Nam vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án khai thác cát, sỏi, cuội làm vật liệu xây dựng tại mỏ cát, sỏi BTM8-ĐC (thôn Thanh Trước, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My).

Thị trường - Doanh nghiệp
Viettel tặng miễn phí điện thoại 4G cho khách hàng 2G

Viettel tặng miễn phí điện thoại 4G cho khách hàng 2G

(CLO) Ngày 17/4/2024, Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết, nhằm hỗ trợ người dân sớm chuyển đổi lên 4G trước thời điểm dừng công nghệ 2G (dự kiến vào tháng 9/2024) nhường tần số cho các công nghệ mới, Viettel triển khai nhiều phương án hỗ trợ khách hàng có nhu cầu nâng cấp dịch vụ.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nhật Bản: Tâm trạng kinh doanh tụt dốc khi đồng yên yếu gây áp lực lên các hộ gia đình

Nhật Bản: Tâm trạng kinh doanh tụt dốc khi đồng yên yếu gây áp lực lên các hộ gia đình

(CLO) Niềm tin kinh doanh tại các công ty sản xuất và dịch vụ lớn của Nhật Bản giảm trong tháng 4 so với tháng trước, do áp lực chi phí sinh hoạt và điều kiện kinh tế không ổn định ở thị trường chủ đạo Trung Quốc.

Thị trường - Doanh nghiệp