Ngành Giáo dục muốn được chủ đông tuyển dụng, sử dụng bố trí giáo viên
(CLO) Theo ông Vũ Minh Đức, ngành Giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo khi Luật Nhà giáo ra đời.
Hiện nay, dư luận quan tâm đến những chính sách đãi ngộ liên quan đến nhà giáo đề cập trong dự thảo Luật Nhà giáo. Tuy nhiên, trong chia sẻ mới đây, có thể thấy bên cạnh rút đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo thì không thấy những điểm nhấn có tính đột phá trong chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo được nhấn mạnh.
Theo đó, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, dự thảo 5 Luật Nhà giáo gồm 9 Chương 45 Điều điều chỉnh bám sát và thể hiện nội dung của 5 chính sách đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua tại giai đoạn lập đề nghị xây dựng Luật;

Cần chính sách nhằm tôn vinh nhà giáo gắn bó lâu dài với ngành giáo dục (ảnh minh họa - nguồn internet).
Đồng thời làm rõ hơn định hướng: Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức, thực hiện các quy định của Luật viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo.
Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập là người lao động, thực hiện các quy định của Bộ Luật lao động và các quy định đặc thù của nhà giáo.
Để đảm bảo tính toàn diện, bình đẳng, đồng bộ về nhà giáo trong toàn hệ thống, dự thảo đã tăng tối đa các nội dung quy định chung không phân biệt giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập (tập trung ở các nội dung quy định về chức danh, chuẩn nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, quyền và nghĩa vụ, chính sách bồi dưỡng, chính sách hỗ trợ, thu hút, thi đua, khen thưởng);
Đồng thời có những quy định cụ thể với những nội dung chính sách cần có sự phân biệt giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập trong từng điều khoản (về thẩm quyền, phương thức tuyển dụng, về thử việc, trả lương…).
Theo ông Vũ Minh Đức, ngành Giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo vì có chế tài pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo thời gian qua, thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề.
Từ đó, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục trên cơ sở chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo về chất lượng.
Bênh cạnh đó, ông Vũ Minh Đức cho rằng, Luật Nhà giáo sẽ giúp nhà giáo được nâng tầm vị thế, vai trò của nhà giáo, được xã hội ghi nhận, tôn vinh, được bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp; mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp;
Tạo điều kiện và quy định trách nhiệm đối với nhà giáo trong tự học, tự bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và phát triển nghề nghiệp liên tục; góp phần nâng cao đời sống, giúp nhà giáo yên tâm công tác và tạo động lực để nhà giáo tận tâm cống hiến với nghề.
Ngoài ra, Luật Nhà giáo sẽ tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập, lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế của hợp đồng lao động.
Qua thông tin trên có thể thấy những nội dung liên quan đến lương nhà giáo không rõ nét trong dự thảo luật lần này.