Ngành mía đường Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị “xoá sổ”
(CLO) Ngành mía đường đường Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị "xoá sổ", bởi lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan hiện đang chiếm gần 99%, trong khi đường sản xuất trong nước hầu như không tiêu thụ được...
Bài liên quan
Công ty Mía đường La Ngà bị phạt hơn 4 tỷ đồng vì gây ô nhiễm môi trường
Ngành mía đường phải chủ động tự đổi mới để phát triển bền vững

Theo các chuyên gia nghiên cứu, năng suất mía của Việt Nam vẫn thấp so với bình quân chung thế giới.
Việt Nam nhập khẩu gần 99% đường Thái Lan
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến, sau khi trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu (SXXK) số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884,285 tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (87,67%).
Không những thế, lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanma đều có xuất xứ từ Thái Lan (vì bản thân các nước này không đủ mía để sản xuất cho nhu cầu nội địa và đều nhập khẩu từ Thái Lan để có cơ sở phát chứng thư CO form D) khiến tổng đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan là 1,083,876 tấn, chiếm 97,7%.
Trên thị trường, đường với khối lượng lớn từ đầu năm đã tràn ngập thị trường với giá rẻ khiến nguồn cung đường dư thừa trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp dẫn đến giá đường trên thị trường duy trì ở mức thấp, thấp hơn giá thành sản xuất. Đường sản xuất từ mía hầu như không tiêu thụ được.
Trước thực trạng này, các nhà máy chỉ có hai sự lựa chọn, một là tiếp tục tồn kho đường để đối mặt với tình trạng cạn kiệt dòng tiền hoạt động. Hai là chấp nhận bán lỗ một số lượng đường để duy trì dòng tiền hoạt động. Thậm chí, nếu không có giải pháp kiểm soát dòng đường phá giá, ngành mía đường Việt Nam khó lòng tránh được tình trạng xóa sổ.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà PGSTS Vũ Thị Minh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã đặt vấn đề, “vì sao ngành mía đường có 15 năm chuẩn bị trước khi hội nhập nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện Hiệp định ATIGA? Làm thế nào để tăng cường năng lực cạnh tranh và bảo vệ được ngành mía đường của Việt Nam - ngành đang tạo việc làm cho khoảng 35.000 lao động công nghiệp và 1,5 triệu lao động nông nghiệp?
Đâu là sự bất công mà người trồng mía Việt Nam đang phải hứng chịu?
Lý giải cho thực trạng này, bà Minh cho rằng, chi phí nguyên liệu mía cao là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá thành sản xuất đường của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước khác. Trong khi chi phí mía nguyên liệu của Thái Lan chỉ là 230 USD/tấn đường và chỉ chiếm 61% giá thành sản xuất đường thì chi phí nguyên liệu mía niên vụ 2016-2017 của Việt Nam vào khoảng 440 USD/tấn đường, cao hơn các nước khác và cũng chiếm tỷ trọng cao hơn, bằng khoảng 85% giá thành sản xuất đường.
Theo bà Minh, nguyên nhân làm cho chi phí nguyên liệu mía của các nhà máy Việt Nam cao khởi phát từ 4 yếu tố như năng suất, trữ lượng và mức độ cơ giới hoá thấp, cùng với đó là vùng nguyên liệu nhỏ và phân tán.
Tuy nhiên, thực tế của ngành mía đường là hé lộ thêm những góc khuất khiến ngành mía đường Việt Nam bị đẩy vào thế “khó chồng khó” đó là việc các “đồng nghiệp” trồng mía trong khối ASEAN và Trung quốc và tại nhiều nơi đã giảm dưới giá thành trồng mía là khó khăn lớn nhất và là sự bất công lớn nhất mà người nông dân trồng mía Việt Nam đang phải hứng chịu. Giá mua mía không bù đắp nổi chi phí đầu tư khiến nhiều nông dân trồng mía nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ.

Ông Nguyễn Văn Lộc – Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lộc – Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông tin, ngành mía đường Việt Nam đang có trình độ tương đương và nhỉnh hơn so với các quốc gia trồng mía đã cam kết thực hiện ATIGA trong khối ASEAN.
Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam có đủ cơ sở thông tin để tự tin khẳng định rằng trình độ ngành đường Việt Nam không hề thua kém các đồng nghiệp trong cộng đồng ASEAN, do đó không chủ trương yêu cầu Nhà Nước phải thực thi các biện pháp bảo hộ trái với các nguyên tắc và thông lệ thương mại quốc tế của WTO, ngành mía đường và nông dân trồng mía Việt Nam chỉ cần nhận được sự đối xử tương đương và điều kiện cạnh tranh ngang bằng với ngành đường và nông dân trồng mía của các nước trồng mía trong khối ASEAN 6, là các quốc gia đã hội nhập trước Việt Nam, ông Lộc nhấn mạnh.
Vị này cho rằng, chỉ cần đạt giá đường tối thiểu của các nước trồng mía trong ASEAN, ngành đường Việt Nam có đủ khả năng cung ứng giá mía cho nông dân trồng mía Việt Nam đạt mức tương đương với nông dân trồng mía trong khu vực đang được hưởng.
Vì vậy, việc nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông khu vực trồng mía là giải pháp hỗ trợ nhằm giảm chi phí trong công tác thu hoạch vận chuyển, vốn đang là khâu yếu nhất trong trong chuỗi liên kết sản xuất và đang làm giảm thu nhập của người trồng mía. Cần có sự hỗ trợ của nhà nước và doanh nghiệp trong việc này.Cùng với đó là cơ chế khuyến khích và hỗ trợ phát triển các sản phẩm phụ của ngành đường như điện sinh khối, cồn nhiên liệu, phân vi sinh tương tự như các nước trồng mía trong khối ASEAN đã thực hiện.
Bên cạnh đó, nút thắt tín dụng đang là điểm yếu nhất của các doanh nghiệp ngành mía đường vốn đang rất cần vốn để phục hồi sản xuất và hỗ trợ nông dân phục hồi vùng nguyên liệu trong bối cảnh các ngân hàng đã thắt chặt tín dụng đối với ngành đường vốn đã bị thiệt hại nghiêm trọng dưới tác dụng của đường nhập khẩu bán phá giá (vốn được các chính phủ trợ cấp cho hành động phá giá). Ngành Mía đường đang cần các giải pháp hỗ trợ thiết thực trong vấn đề này từ các cơ quan nhà nước để thiết lập sự công bằng trong việc cạnh tranh, đại diện đến từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, vụ mía 2019-2020 là vụ sản xuất đầu tiên của ngành đường Việt Nam trong bối cảnh thực hiện cam kết ATIGA. So sánh với các quốc gia trồng mía chính trong khối ASEAN có thể thấy một số điểm sau: - Về trình độ sản xuất mía, Việt Nam hoàn toàn tương đương với các nước khác trong khu vực. Thậm chí trong cùng điều kiện thời tiết không thuận lợi (khô hạn) Việt Nam vẫn có năng suất cao hơn Thái Lan là quốc gia dẫn đầu về năng suất mía trong khu vực. Một số khu vực trồng mía của Việt Nam còn có mô hình sản xuất hàng đầu trong ngành mía đường thế giới với mức năng suất > 10 tấn đường/ha như vùng cù lao Dung, câu lạc bộ 200 tấn vùng Phụng Hiệp. - Về trình độ chế biến Việt Nam ở trình độ cao hơn Philippines và Indonesia.- Về cơ chế bảo vệ và hỗ trợ của chính phủ, các nước khác đều có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ nông dân và ngành đường khỏi tác động hủy diệt của dòng đường giá rẻ từ thị trường quốc tế. - Ngay lập tức sau khi mở cửa hội nhập, một khối lượng đường kỷ lục với giá rẻ đã tràn vào và hoàn toàn làm chủ thị trường. Dưới tác động của dòng thác đường giá rẻ tràn vào thị trường trong nước, giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã bị dìm xuống mức thấp nhất trong khu vực, từ đó dẫn đến giá mía của Việt Nam cũng là thấp nhất. Người nông dân trồng mía Việt Nam chưa được tạo điều kiện cạnh tranh ngang bằng với các đồng nghiệp trong khu vực và hầu như không có cách nào khác ngoài từ bỏ cây mía để tìm cây trồng khác dẫn đến diện tích mía nguyên liệu suy giảm trầm trọng. Trong tổng số 40 nhà máy mía của ngành đường Việt Nam, vụ sản xuất 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Đến niên vụ 2020-2021 dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Vụ 2019-2020 sẽ chỉ còn 25 nhà máy hoạt động, thêm 04 nhà máy đường đóng cửa gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong do không đảm bảo nguồn nguyên liệu… |
Ngọc An