Ngành nông nghiệp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung

02/12/2020 07:47

(CLO) Cùng với các giải pháp ứng phó, hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh miền Trung đã triển khai, thời gian tới, thúc đẩy khôi phục sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, hạ tầng nông thôn... sẽ là những yêu cầu cấp thiết, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán.

Hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp khu vực miền trung sau thiên tai. 

Hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp khu vực miền trung sau thiên tai. 

Từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11-2020, chỉ hai tháng, miền trung phải hứng chịu thiên tai chưa từng thấy trong lịch sử. Có chín cơn bão, xen vào đó là hai đợt áp thấp. 

Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, thiên tai hai tháng qua đã làm hơn 1.530 ngôi nhà của các tỉnh miền trung bị sập đổ; hơn 239 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính hơn 30 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp đều bị thiệt hại và cần biện pháp khôi phục. Hơn 43 nghìn con gia súc, hơn 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi…, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. 

Sau hàng loạt hình thức thiên tai cực đoan, một loạt các giải pháp đã được thực hiện để khắc phục hậu quả và thúc đẩy sản xuất. Trong đó, về chính sách: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 5.11.2020 về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng do thiên tai gây ra;

Về công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất, dân sinh, Chính phủ đã xuất cấp 15.804 tấn gạo; Bộ NNPTNT đã ký 4 Quyết định xuất hỗ trợ 23 tấn hạt giống ngô và 15,8 tấn hạt giống rau cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng hỗ trợ 13 tấn lúa, ngô giống các loại, để giúp người dân 4 tỉnh trên từ nguồn xã hội hóa.

Về kinh phí, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỉ đồng cho 9 tỉnh miền Trung; Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ NNPTNT đã kêu gọi các tổ chức quốc tế và một số quốc gia (Hoa Kỳ, Hàn Quốc...) hỗ trợ tiền và hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,53 triệu USD (tương đương với 500 tỉ đồng).

Các địa phương đã chủ động và phối hợp rất chặt chẽ với một số cơ quan đơn vị của bộ, ngành, doanh nghiệp tập trung khắc phục hậu quả, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, để phục hồi sản xuất nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn, cần thực hiện song hành nhiều giải pháp. Trước mắt, cùng với các giải pháp ứng phó, hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh miền Trung đã triển khai, thời gian tới, thúc đẩy khôi phục sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, hạ tầng nông thôn... sẽ là những yêu cầu cấp thiết, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán.

Sáng 27-11, tại thành phố Đông Hà, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp khu vực miền trung sau thiên tai. 

Tại hội nghị, Bộ NN và PTNT cho biết, biện pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp trước mắt là bộ đã hỗ trợ giống rau, xây dựng các mô hình điểm tái thiết sản xuất, trong đó có các mô hình bưởi Thanh Trà ở Thừa Thiên Huế, hồ tiêu ở Quảng Trị. Đây là các mô hình tập trung cả kỹ thuật, khuyến nông với sự tham gia trực tiếp của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia… Với thủy sản, ưu tiên nuôi ba đối tượng tôm, gia cầm, cá; vì chỉ cần sau ba tháng nuôi là thu hoạch. Đề nghị các tỉnh tập trung vệ sinh chuồng trại, ao nuôi, lồng bè để thực hiện.

Các tỉnh bị hiệt hại có tổng chiều dài hơn 160km kè với 800 điểm sạt lở. Vì vậy cần có nghiên cứu chi tiết để khôi phục vì còn liên quan đến khu dân cư cần làm trọng điểm. Với an toàn hồ đập, có 1.200 hồ chứa, đập ở sáu tỉnh miền trung vừa bị bão lũ nên địa phương cần phối hợp với T.Ư để giải quyết. Về nhà tránh lũ, Bộ NN và PTNT có hội thảo với Bộ Xây dựng và một số địa phương để giải quyết nội dung này.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất và giải pháp tập trung vào các nội dung: Thúc đẩy khôi phục sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, hạ tầng nông thôn…; quy hoạch lại sản xuất phù hợp với điều kiện vùng lũ, nguy cơ sạt lở cao; chuyển đổi đất, cây trồng, thời vụ; xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; xử lý môi trường sau thiên tai; đầu tư hạ tầng sản xuất…

Riêng tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các mô hình chuồng vượt lũ cho vật nuôi; sớm xem xét hỗ trợ 298 tỷ đồng để gia cố khẩn cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, đê kè, nước sạch nông thôn bị hư hỏng trong các đợt lũ vừa qua nhằm đảm bảo cho Nhân dân sử dụng nước hợp vệ sinh, kiên quyết không để dịch bệnh xảy ra do dùng nước ô nhiễm. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Bộ hỗ trợ mô hình nhà phao vượt lũ, nhất là địa bàn thường xuyên ngập lụt nặng như ở Tân Hóa; tiếp tục quan tâm báo cáo Thủ tướng hỗ trợ kinh phí xây dựng các dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lở do thiên tai khu vực Bản Cha Lo, xã Dân Hoá, vùng sạt lở xã Thạch Hóa, vùng sạt lở xã Thuận Hóa; vùng ngập lụt xã Minh Hóa, Bản Sắt xã Trường Sơn...; ưu tiên hỗ trợ Chương trình xây dựng nông thôn mới để tỉnh khôi phục các tiêu chí và tiếp tục ưu tiên xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ gói khắc phục cơ sở hạ tầng thủy lợi khoảng 1.808 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Bắc Trung bộ thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục nghiên cứu giải pháp thoát lũ cho vùng Lệ Thủy, Đồng Hới, Phong Nha.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương không được chủ quan, tuyệt đối không để dân thiếu đói do thiên tai, lũ lụt. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát đánh giá, phân loại các diện tích trồng trọt nguy cơ cao bị ảnh hưởng do thiên tai, có biện pháp chuyển đổi cơ cấu phù hợp; tiến hành phân vùng trọng điểm rủi ro, thiên tai trong lĩnh vực lâm nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn rừng có khả năng phòng hộ tốt, có sức chống chịu với bão, lũ, mưa lớn; quy hoạch lại vùng nuôi tập trung và đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai; nghiên cứu, lựa chọn vị trí các trang trại chăn nuôi tập trung, kết cấu bảo đảm an toàn trước thiên tai; đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn; bố trí nguồn vốn vay ODA để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai; đầu tư nâng cao năng lực ứng phó thiên tai và hạ tầng phục vụ sản xuất bền vững. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, theo chức năng nhiệm vụ, cần phối hợp, hướng dẫn cụ thể các địa phương trong quá trình thực hiện, bảo đảm phục hồi sản xuất nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.

Bộ trưởng cho biết, cần đánh giá lại toàn bộ mọi mặt của đợt thiên tai lịch sử vừa qua một cách khoa học nhất để đưa ra được đối tượng, quy trình sản xuất, giải pháp tổng thể phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Minh Anh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngành nông nghiệp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO