Ngành thép thua lỗ thảm nhưng sẽ sớm được cứu?

26/01/2023 13:37

(CLO) Dù thua lỗ thảm trong quý 4/2022 nhưng ngành thép có thể được “cứu” sớm khi giá thép tăng mạnh trên thị trường thế giới.

Ngành thép thua lỗ thảm

Đầu năm 2022, trong bối cảnh giá cổ phiếu ngành thép giúp nhà đầu tư “hái quả ngọt”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đã “dội một gáo nước lạnh” vào sự hưng phấn đó khi đưa ra dự báo “thê thảm” cho ngành thép.

Trong quý 3/2022, nhiều đại diện ngành thép thua lỗ. Và đà thua lỗ đó được kéo dài tới quý 4/2022. Hiện tại, một số đại diện của ngành đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với bức tranh đầy u ám.

Công ty cổ phần Thép Nam Kim thua lỗ 356 tỷ đồng trong quý 4/2022 dù cùng kỳ năm ngoái lãi 452 tỷ đồng. Trước đó, trong quý 3/2022, công ty lỗ 419 tỷ đồng. Tính chung cả năm, Thép Nam Kim lỗ 66,7 tỷ đồng.

nganh thep thua lo tham nhung se som duoc cuu hinh 1

Ngành thép thua lỗ thảm trong năm 2022. Ảnh minh họa

Nguyên nhân thua lỗ là doanh thu giảm mạnh hơn giá vốn. Doanh thu năm 2022 của Thép Nam Kim giảm 5.078 tỷ đồng, tương đương 18% xuống 23.128 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán chỉ giảm 2.375 tỷ đồng, tương đương 9,9%. Nghĩa là trong khi doanh thu giảm, chi phí sản xuất theo sản phẩm của công ty lại tăng.

Công ty rơi vào tình cảnh âm nặng dòng tiền. Tại ngày 31/12/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Thép Nam Kim là âm 827 tỷ đồng.

Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) cũng ghi nhận khoản thua lỗ lên đến 410 tỷ đồng trong quý 4/2022, tăng so với lỗ 212 tỷ đồng của quý 4/2021; lũy kế cả năm 2022, Vnsteel lỗ 822 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu Vnsteel giảm từ 40.857 tỷ đồng xuống 38.733 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thép Nhà Bè – Vnsteel không nằm ngoài xu hướng. Trong quý 4/2022, công ty lỗ 1,6 tỷ đồng, lũy kế cả năm lỗ 8,5 tỷ đồng. Công ty lỗ thảm dù doanh thu tăng nhẹ từ 1.999 tỷ đồng lên 2.012 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) báo lỗ 17 tỷ đồng trong quý 4/2022; lũy kế cả năm lỗ 9,6 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng lỗ 36 tỷ đồng trong quý 4/2022, lũy kế cả năm chỉ lãi 7,8 tỷ đồng, giảm 333 tỷ đồng, tương đương 97,7% so với năm 2021.

Trong quý 4/2022, anh cả ngành thép lập kỷ lục về thua lỗ với con số 2.000 tỷ đồng. Trước đó, trong quý 3/2022, công ty này cũng lỗ tới 1.786 tỷ đồng.

Một số đơn vị khác trong ngành thép dù không thua lỗ nhưng chứng kiến đà trượt dốc.

Công ty cổ phần Cán thép Thái Trung ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm 6,2 tỷ đồng, tương đương 70% xuống 2,7 tỷ đồng. Tại Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức – VG PIPE, đà giảm này là 29 tỷ đồng, tương đương 22,5%.

Được dự báo kém lạc quan nhưng bất ngờ được “cứu” sớm?

Công ty chứng khoán SSI đã đưa ra cái nhìn kém lạc quan về ngành thép trong năm 2023.

Theo SSI, nhu cầu trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt. Theo Bộ Xây dựng, số lượng căn hộ mới được cấp phép xây dựng trong 3 quý đầu năm 2022 giảm 41% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tiến độ của các dự án đang tồn đọng cũng có thể bị chậm lại, do vấn đề thanh khoản của chủ đầu tư bất động sản.

nganh thep thua lo tham nhung se som duoc cuu hinh 2

Xuất khẩu thép được dự báo kém lạc quan từ đó khiến giá thép khó tăng tốc. Tuy nhiên, ngược với dự báo, giá thép đang tăng tốc mạnh. Ảnh minh họa

Kênh hộ gia đình (từng có khả năng phục hồi tốt hơn) cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nền kinh tế nói chung, với tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất cao hơn. SSI cho rằng nhu cầu thép thành phẩm trong nước có thể giảm ở mức một con số vào năm 2023.

Trong khi đó, SSI dự báo giá thép có thể ít biến động hơn trong năm 2023 do nhu cầu của Trung Quốc ổn định. Sau khi giảm từ 2%-4% trong năm 2022, nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ không thay đổi hoặc phục hồi nhẹ trong khoảng 1-2% trong năm 2023.

Nhu cầu của thị trường Trung Quốc có thể vẫn yếu, do doanh thu bán nhà ở mới giảm kể từ nửa cuối năm 2021, nhưng sẽ được hỗ trợ bởi các biện pháp gần đây của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản của các chủ đầu tư bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, sản lượng thép của các nhà sản xuất lớn nhất thế giới cũng sụt giảm do các nhà máy phải cắt giảm sản lượng sau một thời gian dài thua lỗ. Sau khi đạt mức cao nhất vào tháng 5/2022 ở mức 96,6 triệu tấn, sản lượng thép của Trung Quốc đã giảm dần xuống 74,5 triệu tấn vào tháng 11, gây ra sự cân bằng giữa cung và cầu.

Những yếu tố này có thể giúp giá thép khu vực ổn định hơn trong năm 2023. Tuy nhiên, ít có khả năng giá thép tăng mạnh, vì việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến nguồn cung tăng. Ngoài ra, mức giá hiện tại đã cao hơn 20-40% so với mức trước Covid.

SSI phân tích nhu cầu yếu ở Việt Nam cũng có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong việc tăng giá lên mức tương đương với giá trong khu vực.

Thị trường xuất khẩu vẫn chưa thuận lợi do suy thoái, nhưng có khả năng phục hồi vào cuối năm. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép dự kiến sẽ phục hồi 1% so với cùng kỳ, lên 1,8 tỷ tấn vào năm 2023, sau khi giảm 2,3% trong năm 2022. Nhu cầu ở cả thị trường Mỹ và Châu Âu dự kiến sẽ giảm trong năm tới do suy thoái kinh tế. Nhu cầu tại thị trường ASEAN dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm 2023, sau khi tăng trưởng 4-6% trong năm 2022.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang các đối tác thương mại lâu năm vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng công suất trong những năm gần đây ở các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia, và Philiphines.

SSI dự báo xuất khẩu thép thành phẩm có thể giảm hơn 10% so với cùng kỳ trong năm 2023.

“Chúng tôi cho rằng lợi nhuận của ngành thép sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm nhưng dần phục hồi vào cuối năm nhờ khả năng phục hồi nhu cầu ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu”, SSI đưa ra cái nhìn kém lạc quan với ngành thép.

Tuy nhiên, trái ngược với dự báo “giá thép ổn định” của SSI, trong những ngày cuối năm 2022 và đầu năm 2023, giá thép bất ngờ tăng nóng, hứa hẹn sẽ sớm “giải cứu” cho ngành thép.

Cụ thể, hôm thứ Sáu tuần trước (20/1), trong chỉ số thép của Sở giao dịch chứng khoán New York, giá một tấn thép được giao dịch ở mức 1964,12 USD, tăng 505,75 USD, tương đương 34,7% so với đầu tháng 10/2022. Trước đó, giá thép đã “lao dốc” từ mức cao kỷ lục được thiết lập trong tháng 4/2022.

Tại Trung Quốc, giá thép thanh vằn cũng tăng vượt 4.100 nhân dân tệ/tấn, mức cao nhất trong vòng 5 tháng trong bối cảnh nhu cầu có dấu hiệu tăng lên.

Với đà tăng mạnh này của giá thép, ngành thép có thể được “giải cứu” sớm hơn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngành thép thua lỗ thảm nhưng sẽ sớm được cứu?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO