Ngày 5/6: Số ca nhiễm tiếp tục giảm mạnh, chỉ có thêm 685 ca nhiễm COVID-19 mới
(CLO) Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 4/6 đến 16h ngày 5/6, hệ thống y tế cả nước đã ghi nhận 685 ca nhiễm COVID-19 mới, giảm 196 ca so với ngày hôm qua.
Số ca mắc COVID-19 giảm mạnh
Các tỉnh có số ca mắc cao có Hà Nội (207), Yên Bái (79), Vĩnh Phúc (46), Quảng Ninh (36), Tuyên Quang (31), Thái Nguyên (25), Phú Thọ (22), Quảng Bình (21), Lào Cai (21);
Thái Bình (20), Quảng Trị (18), Sơn La (14), Nghệ An (13), Hà Nam (13), TP. Hồ Chí Minh (10), Đà Nẵng (9), Cao Bằng (8 ), Nam Định (8 ), Thanh Hóa (8).

Hiện nay số người mắc COVID-19 giảm mạnh.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày 981 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.725.239 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.337 ca nhiễm).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 8.548 ca nâng tổng số ca được điều trị khỏi 9.504.955 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 35 ca.
Từ 17h30 ngày 4/6 đến 17h30 ngày 5/6 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua 0 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.080 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số liều vắc xin quan trọng hơn loại vắc xin
GS.TS Yong Poovorawan, chuyên gia nghiên cứu về virus hàng đầu ở Thái Lan cho biết hiệu quả của vaccine phụ thuộc vào số liều tiêm. Một hoặc hai liều là không đủ để tạo kháng thể chống lại biến thể Omicron hoặc ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng. Theo đó, chỉ trong trường hợp được chỉ định miễn trừ, tất cả mọi người được coi là chủng ngừa Covid-19 đầy đủ khi tiêm ít nhất 3 liều vaccine, gồm 2 liều chính và 1 liều nhắc lại.
Bên cạnh đó, ông Yong Poovorawan khẳng định chìa khóa để tăng cường miễn dịch là số liều, không phải nhãn hiệu hoặc phác đồ vaccine. Những người trong nhóm nguy cơ như người già trên 60 tuổi, người có bệnh nền hoặc người có khả năng miễn dịch thấp nên tiêm ít nhất 4 liều.
Liên quan người bị nhiễm Covid-19, GS.TS Yong Poovorawan cho rằng một lần nhiễm Covid-19 cung cấp khả năng miễn dịch tương tự như một liều vaccine. Những người đã tiêm hai liều vaccine và bị nhiễm bệnh sau đó nên được coi là “đã được tiêm chủng đầy đủ” với ba liều. Những người đã tiêm hai liều vaccine và sau đó bị nhiễm bệnh có thể được tiêm nhắc lại (liều thứ tư) 6 tháng sau khi nhiễm bệnh. Những người chưa được chủng ngừa mà bị nhiễm bệnh nên được tiêm liều tăng cường trong khoảng thời gian từ 1-3 tháng sau khi hồi phục.