Ngày Trái đất 2020: Cái nhìn từ Covid-19 và trách nhiệm của chúng ta

Thứ tư, 22/04/2020 12:58 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hôm nay 22/4, thế giới đang hướng tới kỷ niệm lần thứ 50 sự ra đời của “Ngày trái đất”. Những năm qua, các quốc gia đã làm nhiều việc để bảo vệ môi trường, nhưng thế vẫn chưa đủ và chúng ta nên suy nghĩ về những cách có thể làm cho 50 năm tiếp theo hiệu quả hơn.

Khí thải từ một nhà máy của Đức

Khí thải từ một nhà máy của Đức

1. Có một điều bất ngờ là đúng vào thời điểm diễn ra sự kiện Ngày trái đất, môi trường thế giới đang được cải thiện rất nhiều. Bầu trời trở nên trong xanh hơn, không khí sạch hơn. Nhưng điều tốt đẹp này xảy đến ở thời điểm đen tối: Toàn cầu đang gồng mình chống dịch Covid-19.

Hơn bốn tháng qua, virus Corona đã khiến thế giới trao đảo bởi sự nguy hiểm chết người của nó. Đến lúc này, hơn 2,5 triệu người đã nhiễm bệnh, gần 180.000 người chết vì virus Corona. Hết thảy mọi sự quan tâm đang đổ dồn về mặt trận chống Covid-19.  

Và trong cơn bĩ cực đến quay cuồng ấy, người ta chợt nhận ra, các thành phố không còn khói bụi; tiếng ồn là nguyên nhân gây các bệnh ù tai, mất ngủ và suy giảm trí nhớ với các cư dân thành thị, cũng hết; rừng không còn cháy; các con sông trong hơn bởi không bị hàng ngàn tấn nước thải từ các nhà máy làm đổi màu…

Các lệnh phong tỏa, hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona khiến mọi hoạt động sản xuất, khai thác tài nguyên, vận tải, du lịch… phải dừng lại. Sự ngưng trệ không mong muốn của thế giới bất ngờ trở thành “liều thuốc bổ” với môi trường.

2. Các nhà bảo vệ môi trường mất nhiều năm đấu tranh để yêu cầu các quốc gia đưa ra các biện pháp làm giảm lượng khí thải, ngăn chặn sự nóng lên của trái đất, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ không khí… trong lúc họ vẫn miệt mài kêu gọi, thì Covid-19 chỉ xuất hiện vài tháng đã “giúp” môi trường toàn cầu giảm ô nhiễm hơn.

Những người Ấn Độ gần đây chia trên Twitter rằng, lần đầu tiên họ nhìn thấy dãy Hymalaya sau gần 30 năm do bầu trời trong hơn. Trong khi đó, các vệ tinh của NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu phát hiện ra sự sụt giảm lớn về nồng độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc, Mỹ, Italy, Tây Ban Nha khi hàng triệu người bị buộc ở trong nhà hoặc cách ly để làm chậm sự lây lan của virus Corona.

Lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc trong tháng 3, so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc trong tháng 3, so với cùng kỳ năm ngoái.

Những đám mây nitơ dioxide trên bầu trời Trung Quốc vào tháng 1 đã biến mất vào tháng 2. Các nhà khoa học của NASA cho biết, việc giảm phát thải tương tự cũng được quan sát thấy ở các quốc gia khác trong thời kỳ này.

Theo Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch ở Phần Lan, những hạn chế di chuyển đã góp phần giảm 40% lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc trong tháng 3, so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích của Myllyvirta cũng cho thấy các hoạt động công nghiệp đã giảm từ 15% xuống 40% trong một số lĩnh vực và tiêu thụ than tại các nhà máy điện giảm 36%.

Trong khi đó, Ở San Francisco, công ty theo dõi dữ liệu TomTom ghi nhận, nồng độ trung bình của các vi hạt trong không khí thấp hơn gần 40% so với năm trước. Thành phố New York giảm 28% trong cùng khoảng thời gian và Seattle-Tacoma-Bellevue đã giảm 32%.

Hiệu ứng nhà kính cho đến thời điểm này cũng đã giảm 10% so với năm ngoái.

3. Sự kiện Ngày Trái đất đầu tiên được tổ chức vào năm 1970 tại Mỹ, thu hút được hàng triệu người dân tham gia hưởng ứng, sau khi chứng kiến hàng loạt con sông bị ô nhiễm – con sông Cuyahoga ở Mỹ thậm chí đã bốc cháy nổi tiếng vào năm 1969, rồi ô nhiễm không khí, với muội than và khói bụi giết chết hàng triệu người.

Vào ngày 22/4/1970, khoảng 20 triệu người Mỹ đã xuống đường tuần hành tại nhiều thành phố, cùng với các hoạt động của sinh viên được tổ chức tại khuôn viên các trường đại học để phản đối sự thiếu hiểu biết, nhận thức về môi trường và đòi hỏi một hướng đi mới để bảo vệ hành tinh.

Cuối năm 1970, “Đạo luật hành động làm sạch không khí Mỹ” ra đời như một chiến thắng của những nhà bảo vệ môi trường.

Sau đó, phong trào bảo vệ môi trường được nhân rộng ra các quốc gia khác. Ngày Trái đất được công nhận và ngày 22/4 hàng năm trở thành sự kiện được cả thế giới tổ chức, thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về môi trường và trái đất. Ngày Trái đất cũng được xem là sự kiện dân sự lớn nhất hành tinh.

Khối lượng băng ở Bắc Cực đạt mức thấp kỷ lục

Khối lượng băng ở Bắc Cực đạt mức thấp kỷ lục

4. Trong một báo cáo mới nhất của Tổ chức khí tượng thế giới, mực nước biển toàn cầu đang tăng với tốc độ trung bình 3,4mm mỗi năm; khối lượng băng ở Bắc Cực đạt mức thấp kỷ lục trong năm 2018; tốc độ tan băng ở Nam Cực đã tăng gấp ba lần trong 5 năm qua và con người tiếp xúc với các nguy cơ tự nhiên tăng gấp đôi trong 40 năm qua.

Còn theo Chương trình Môi trường của Liên hợp Quốc cho biết, nhiệt độ toàn cầu tăng trung bình 1,5% mỗi năm trong một thập kỷ qua, lượng khí CO2 thải ra bầu khí quyển hàng năm ở mức rất cao, với kỷ lục được ghi nhận năm 2018 là 55,3 tỷ tấn CO2.

Theo nghiên cứu của Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), thế giới có ít hơn 11 năm để thực hiện chuyển đổi cần thiết, nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.

Mức độ carbon dioxide trong khí quyển sẽ phải giảm 45% vào năm 2030 để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu trên 1,5 độ C. Nói cách khác, đây là ngưỡng mà tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu có thể được ngăn chặn.

Biến đổi khí hậu là thách thức rất lớn của thế giới trong tương lai và vì điều đó, chủ đề “Ngày trái đất” 22/4/2020 được Liên Hợp Quốc lựa chọn là “Hành động vì khí hậu”.

5. Mặc dù tác động của Covid-19 làm môi trường được cải thiện, nhưng theo đánh giá của Tổ chức khí tượng thế giới, đây chỉ là tác động ngắn hạn. Khi các quốc gia gỡ bỏ lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại, cỗ máy kinh tế khổng lồ thế giới tái vận hành sẽ lại nhanh chóng làm tăng lượng khí thải bởi các nhà máy, phương tiện giao thông vận tải và các hoạt động khác.

Covid-19 đã thay đổi thế giới một cách sâu sắc. Con người bắt đầu phải làm quen với cuộc sống mới, ít tương tác xã hội trực tiếp hơn. Công nghệ thông tin trở thành công cụ giao tiếp quan trọng. Và trong điều kiện khó khăn ấy, nhiều người nhận thấy vai trò quan trọng của môi trường đối với sự sống trên trái đất.

Hành động vì khí hậu, thông điệp quan trọng và phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Dịch Covid-19 dẫu có nguy hiểm, con người rồi cũng sẽ tìm ra phương thuốc để điều trị, nhưng môi trường một khi bị hủy hoại, sẽ không có cách nào để cứu vãn sự tồn vong của loài người, nếu tất cả không chung tay ngay từ bây giờ để bảo vệ môi trường.

Mỗi cá nhân cần có trách nhiệm với cộng động. Chỉ mỗi hàng động nhỏ như không xả rác bừa bãi, tiết kiệm điện, chỉ sử dụng nước khi cần thiết, trồng cây xanh… môi trường sống sẽ dần được cải thiện. 

“Thế giới cần bạn và những hành động của bạn” là lời nhắn nhủ của Liên Hợp Quốc dành cho tất cả mọi người, để cùng nhau bảo vệ thế giới cho hôm nay và mai sau.

Kiều Anh

Tin khác

Vụ sập cầu Baltimore: Lời cảnh báo mới từ cây cầu cũ

Vụ sập cầu Baltimore: Lời cảnh báo mới từ cây cầu cũ

(CLO) Con tàu container làm sập cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore (Mỹ) không chỉ gây tắc nghẽn một cảng sầm uất mà còn nhắc nhở về sự mong manh, dễ tổn thương của dòng chảy thương mại toàn cầu.

Tiêu điểm Quốc tế
Vì sao cầu Baltimore sập và những chi tiết đáng chú ý về vụ việc?

Vì sao cầu Baltimore sập và những chi tiết đáng chú ý về vụ việc?

(CLO) Cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ đã sập vào sáng sớm ngày 26/3 do bị một tàu chở hàng container đâm vào trụ cầu, khiến 6 người rơi xuống làn nước lạnh giá bên dưới và mất tích.

Tiêu điểm Quốc tế
Nơi người Israel và Palestine đoàn kết và chung tay cứu trợ Gaza

Nơi người Israel và Palestine đoàn kết và chung tay cứu trợ Gaza

(CLO) Trong khi tình hình Gaza, đặc biệt là thành phố Rafa, vẫn căng như dây đàn khi Israel quyết tiến vào đây để tiêu diệt các đơn vị Hamas, thì ở một thế giới khác, những người Israel và Palestine sống tại Đức đang… chung tay cứu trợ người dân Gaza.

Tiêu điểm Quốc tế
Mỹ 'hụt hơi' trước Trung Quốc trong cuộc đua khai thác khoáng sản dưới biển sâu

Mỹ 'hụt hơi' trước Trung Quốc trong cuộc đua khai thác khoáng sản dưới biển sâu

(CLO) Dù sớm nhìn ra khả năng khai thác các khoáng sản quan trọng ở đáy biển sâu nhưng Mỹ đã bị Trung Quốc bỏ lại phía sau trong cuộc đua này. Và vì thế, Washington đang phải tăng tốc.

Tiêu điểm Quốc tế
ISIS-K tàn bạo thế nào và tại sao tấn công khủng bố Moscow?

ISIS-K tàn bạo thế nào và tại sao tấn công khủng bố Moscow?

(CLO) Chi nhánh IS ở Afghanistan - hay còn được gọi là Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Khorasan (ISIS-K) - đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu tại Moscow hôm 22/3. Vậy nhóm khủng bố này có gì đặc biệt và vì sao chúng lại ra tay?

Tiêu điểm Quốc tế