Nghệ An thiệt hại nặng do ảnh hưởng của bão số 3
(CLO) Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Wipha), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hứng chịu mưa lớn diện rộng kèm dông lốc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp.
Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, tính đến 19h30 ngày 20/7, toàn tỉnh đã ghi nhận một trường hợp tử vong và bốn người bị thương do thiên tai.
Cụ thể, mưa lớn kèm dông lốc đã làm ông V.T.L (SN 1966, trú phường Vinh Lộc) tử vong; 4 người bị thương gồm N.T.D; N.H.K (SN 2012, trú xã Nghĩa Hưng); V.Đ.N (SN 1996, trú xã Minh Hợp) và H.T.T (trú xã Kim Bảng). Những người gặp nạn chủ yếu do cây đổ.
Bên cạnh thiệt hại về người, mưa lớn kèm lốc xoáy cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà cửa và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, 357 ngôi nhà bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau. Trong đó, 17 căn bị thiệt hại hoàn toàn trên 70%, 12 căn thiệt hại từ 50 – 70%, 71 căn hư hỏng nặng 30–50% và 257 căn nhà bị hư hại nhẹ dưới 30%.
Hệ thống giáo dục cũng chịu ảnh hưởng với 2 phòng học bị tốc mái, 2 phòng công vụ bị vỡ cửa kính và khoảng 80 mét tường rào tại các cơ sở giáo dục bị đổ sập.

Trong nông nghiệp, thiên tai đã làm thiệt hại 5,55 ha lúa; 56,7 ha hoa màu; 55,6 ha cây lâu năm và 42,25 ha cây trồng hàng năm. Bên cạnh đó, khoảng 116,6 ha cây ăn quả tập trung và gần 184 ha rừng cũng bị ảnh hưởng. Mưa lớn và gió mạnh còn làm gãy đổ 675 cây cao su và hơn 1.700 cây xanh đô thị, gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, toàn tỉnh ghi nhận 22 chuồng trại cùng nhiều trang thiết bị bị hư hỏng, khoảng 180 mét vuông mái trại bị cuốn bay. Khoảng 0,4 ha ao nuôi cá truyền thống bị ảnh hưởng, gây thiệt hại cho người dân vùng nuôi trồng.
Riêng với hệ thống công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật, dông lốc đã làm gãy 77 cột điện các loại, bao gồm 37 cột trung và cao thế, 26 cột hạ thế và 14 cột chiếu sáng công cộng. Hơn 2.450 mét dây điện bị đứt, khiến việc cung cấp điện tại một số khu vực bị gián đoạn, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và mức độ thiệt hại đã xảy ra, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản chỉ đạo khẩn, yêu cầu các địa phương triển khai ngay các phương án phòng, chống thiên tai, tập trung rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu.
Các phương án sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong mọi tình huống.