Hiệu ứng nồi nước ấm
+ Thưa ông, ông được đánh giá như là một trong những chuyên gia người Việt hiếm hoi đang tham gia các nghiên cứu quốc tế về truyền thông và khủng hoảng. Một trong những đề tài mà ông thường được các tòa soạn báo lớn ở Việt Nam mời về thuyết trình là Big Data và trí tuệ nhân tạo (AI) trong truyền thông. Thực sự, những thứ này đang tác động thế nào với (cuộc khủng hoảng hiện nay) nghề báo và người làm báo, thưa ông?
- Thực ra thời gian qua nghề báo chúng ta đã có những ảnh hưởng nhãn tiền từ tác động của dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI). Đó là một cuộc cạnh tranh và “chọn lọc tự nhiên” của sự phát triển. Ví dụ điển hình nhất là việc người ta đã phát minh ra được rô-bốt có khả năng tường thuật và viết tin thể thao thay cho phóng viên mảng này. Hay như người ta nói việc mạng xã hội cạnh tranh với báo chí truyền thống, và làm cho báo chí truyền thống bị “lép vế”, thực ra là nói về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn lên việc cạnh tranh thu hút công chúng. Dưới tấm áo của những trang mạng xã hội thực chất là các thuật toán, về kỹ thuật thu thập hành vi của người dùng,… Từ đó họ biết cách điều hướng hành vi công chúng, dẫn dắt công chúng “đến nơi” mà họ muốn. Có một thực tế khá buồn là, thuật toán thì càng ngày càng thông minh hơn, trong khi sự tiến triển về công nghệ (làm) báo chí dường như chưa có gì quá nổi trội. Chính điều đó đang đưa báo chí truyền thống vào một tình thế bất lợi trên đường đua nhằm mục tiêu tiếp cận và điều hướng công chúng. Nghề báo và người làm báo chưa bao giờ đứng trước những thách thức cực lớn như hiện nay.
+ Để cụ thể hóa cho dễ hiểu, xin ông cho biết một ví dụ của ảnh hưởng mang tính thay đổi của dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đối với đời sống nói chung và nghề báo nói riêng?
- Dễ hình dung nhất là xu hướng ứng dụng robot trong hàng loạt công việc và nghề nghiệp hiện nay. Ngành ngân hàng ở Đức đang áp dụng robot vào làm việc thay thế con người ở nhiều khâu đoạn. Robot được sử dụng nhiều hơn ở các nhà máy để làm các công việc trước kia vốn dĩ là của con người. Trong nghề báo, người ta đã sáng tạo ra robot có thể đưa tin thể thao - công việc vốn dĩ là của phóng viên....
+ Vậy nhưng, rõ ràng, với làng báo của ta, việc ứng dụng Big Data dường như vẫn còn chưa được quan tâm một cách thực sự?
- Thực sự ở Việt Nam đang có một số đơn vị đầu tư khá lớn cho Big Data và AI, điển hình như Viettel và Vincom. Làng báo thì lại khác. Ở ta chưa mấy tờ báo chú trọng đầu tư vào phát triển công nghệ dành cho nghề báo, chứ đừng nói xa xôi tới Big Data hay AI. Đâu đó vẫn cảm nhận được là sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Vài cơ quan báo chí từng “làm mưa, làm gió” vì doanh thu “khủng”, nhưng mải mê trong hào quang, chìm đắm trong hiệu ứng “con ếch trong nồi nước ấm”: Rõ ràng nồi nước ấm lên, nhưng con ếch vẫn tận hưởng sự khoan khoái, mà không biết rằng chính nồi nước đó sẽ luộc chính mình. Điều này cũng khá phổ biến ở làng báo các nước phương Tây chứ không chỉ ở ta. Và thực ra cũng khó để trách được việc báo chí của ta khá tụt hậu về công nghệ, đơn giản là bởi vì nơi khởi phát những làn sóng công nghệ mới này là những nước tiên tiến, khởi đầu là nước Mỹ.
Nhà báo, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn
…Và cách sinh tồn của chúng ta
+ Nếu chỉ ra một “điểm yếu chết người” của các cơ quan báo chí ở ta, thì đó sẽ là...?
- Theo lẽ thường, mỗi tòa soạn báo chí đều vận hành như những doanh nghiệp. Doanh nghiệp để phát triển bền vững cần có những bộ phận nghiên cứu và phát triển (research and development - R&D). Đây là nơi nghiên cứu để giải quyết các bài toán mà cơ quan báo chí đang gặp phải về chiến lược lẫn công nghệ. Tuy nhiên, điều đáng buồn là ở ta hầu như chưa có cơ quan báo chí nào đầu tư bài bản cho R&D.
+ Nhưng đầu tư cho R&D thường tốn kém, vì nó là thứ không thấy “cái lợi trước mắt“, thưa ông?
- Thế nên mới cần có “tầm nhìn dài hạn” của lãnh đạo mỗi cơ quan báo chí. Cái tưởng chừng như tiêu tốn tiền bạc như đầu tư cho R&D, lại là cái giúp cho cơ quan báo chí phát triển bền vững. Nếu biết cách vận hành một bộ phận R&D, thì việc sinh lời trước mắt cũng có thể khả thi, thậm chí là có thể giúp cơ quan báo chí kiếm thêm nguồn thu. Chẳng hạn, nếu R&D có một bộ phận tập hợp nhiều kĩ sư giỏi chuyên viết phần mềm, thì việc tham gia vào thị trường phần mềm cũng có khả năng sinh lợi cao, bổ sung thêm một nguồn doanh thu bền vững cho cơ quan báo chí. Nghĩa là lúc đó chúng ta đã chuyển hướng tư duy “làm báo”, chúng ta không chỉ kinh doanh tin tức do nhà báo cung cấp, mà còn kinh doanh các lĩnh vực khác có liên quan.
Công nghệ làm báo có thể thay đổi, nhưng thiên chức của nhà báo thì không thể đổi thay
+ Vậy theo ông, cách thức sinh tồn của nghề báo và nhà báo trong thời đại dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, là gì?
- Để nghề báo giữ được sự chính danh và lẽ sinh tồn vốn có, trước hết nó phải phụng sự bạn đọc, phụng sự công chúng. Báo chí phải xác định lại điểm mạnh của mình. Trước đây khi chưa có mạng xã hội, các tờ báo cạnh tranh nhau bởi việc đưa tin nhanh. Nhưng khi có mạng xã hội, cạnh tranh dựa vào “nhanh” là không còn khả thi, vì một facebooker ở hiện trường có thể làm tốt việc đó hơn một nhà báo không ở hiện trường tại thời điểm đó. Vậy điểm mạnh là gì? Đó là kỹ năng phân tích, điều tra sâu, giúp bạn đọc hiểu phía sau hiện tượng sự việc là gì. Công nghệ làm báo có thể thay đổi, nhưng thiên chức của nhà báo thì không thể đổi thay. Bảo vệ những người yếu thế và lẽ công bằng.
Thêm nữa, phải sống được bằng nghề báo thì mới duy trì được nghề và thiên chức làm nghề. Như trả lời chị ở câu hỏi trước, chúng ta cần đa dạng hóa nguồn thu dựa vào việc đầu tư đổi mới công nghệ. Chuyển hướng tư duy từ “kinh doanh báo chí” sang kinh doanh các hoạt động liên quan đến báo chí (bao gồm công nghệ).
+ Xin cảm ơn chuyên gia về cuộc trò chuyện này!
Hà Vân (Thực hiện)