Nghề đặt trúm lươn ở Tây Nguyên

22/08/2015 08:43

Nghề đặt trúm lươn ở Tây Nguyên? Chuyện nghe qua tưởng chừng như vô lý. Đặc trưng nghề nghiệp ở mảnh đất này đâu phải thế ? Nhưng kỳ thực người K’Ho đã gắn bó với nghề này từ xa xưa.

CLO - Nghề đặt trúm lươn ở Tây Nguyên? Chuyện nghe qua tưởng chừng như vô lý. Đặc trưng nghề nghiệp ở mảnh đất này đâu phải thế? Nhưng kỳ thực người K’Ho đã gắn bó với nghề này từ xa xưa.

[caption id="attachment_36311" align="aligncenter" width="422"]kb r Thợ đặt trúm lươn K’Broi đang chuẩn bị đi hành nghề (Ảnh NVCC)[/caption]

Năn nỉ mãi rồi thì ý định theo chân thợ đặt trúm lươn của tôi cũng đã được chấp thuận. Tuy nhiên, thợ đặt trúm lươn K’Broi, ở thôn 4, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, vẫn nhìn tôi ái ngại: “Nghề này lầm lũi như vạc. Sợ rồi anh không theo nổi!”. Tôi bèn nói đại, cốt để anh yên tâm: “Coi bộ tôi mỏng cơm vậy chớ, chưa biết chừng thợ đặt trúm lươn chuyên nghiệp như bác lại không theo kịp đấy à nghe!”. Nghe vậy, K’Broi cười hiền, bảo: “Thôi, ta đi!”.

Như lệ thường, tầm 3 giờ 30 chiều, dưới sự chỉ dẫn của K’Broi, tôi xách cuốc đi đào giun đất. Còn anh thì nhóm lửa để rang những chú cua đồng đã bắt được từ đêm hôm trước. Trải bao đời nay với vô số những thay đổi, nhưng mồi nhử lươn vẫn chẳng hề đổi thay, vẫn cứ phải là giun đất. “Kỳ công hơn, thợ đặt trúm lươn có thể biến tấu giun đất với cua nướng rồi băm nhuyễn, trộn thành một thứ hỗn hợp có mùi tanh nồng để hấp dẫn lươn hơn. Ngửi thấy mùi này, lươn khó mà cưỡng nổi và sẽ thi nhau chui vào trúm”, K’Broi cho biết.

Theo thợ đặt trúm bắt lươn đêm K’Broi, nghề bắt lươn bằng trúm không cần vốn liếng nhiều, chỉ tốn công và sức. Dụng cụ dùng để bắt lươn cũng hết sức đơn giản và dễ kiếm. Chỉ cần có trên dưới 100 ống lồ ô rồi qua vài ba thao tác nữa là đã có bộ đồ hành nghề. Ống lồ ô sau khi chặt từ rừng về, một đầu thì để nguyên mắt, đầu kia dùng làm miệng trúm. Miệng trúm gắn thêm một cái hom hình phễu để lươn chui vào dễ dàng nhưng không thể thoát ra ngoài. Đầu để nguyên mắt cần đục thông một đôi lỗ nhỏ để cho dóc nước và không khí. “Cũng có nơi người ta làm ống trúm bằng cách đan các nan tre lại với nhau, hoặc làm từ ống nứa, ống nhựa PVC, loại phi 60. Tùy vào điều kiện vùng miền mà nguyên liệu làm ống trúm có thể thay đổi cho phù hợp”, K’Broi thông tin.

Tuy là nghề không cần nhiều vốn, nhưng công việc đặt trúm lại phải có kỹ thuật. Muốn rành rẽ nghề nhất thiết phải học hỏi qua một thời gian. “Con lươn nó tinh khôn lắm! Phải có kinh nghiệm mới bắt được chúng. Ngay cả cái cách đặt trúm thôi cũng phải học. Nếu đặt trúm cạn quá, lươn sẽ không chui vào. Còn đặt sâu dưới lớp bùn, mồi nhử không phát tán được xa để dẫn dụ lươn đến. Ngoài ra, để không bị thất lạc ống trúm, đòi hỏi thợ đặt trúm phải có một trí nhớ tuyệt vời cũng như cách bố trí sơ đồ trúm sao cho thật hợp lý, khoa học”, K’Broi giải thích.

Mồi nhử lươn đã chuẩn bị xong. Tôi và anh thi nhau thả mồi vào ống trúm. Trước đó, K’Broi đã phải rửa sạch ống trúm và cài lại hom cho chắc chắn. Mọi việc đâu đã vào đấy, anh bèn chất gần 100 ống trúm vào một cái bao tải, rồi buộc chặt sau chiếc xe gắn máy, bắt đầu hành trình đánh bắt lươn đêm. Tất nhiên, để đánh bắt được lươn nhiều, K’Broi đã phải điều nghiên trước khu vực đặt trúm. Sâu sát, lăn lộn trong nghề nhiều năm cho anh kinh nghiệm: “Lươn thường làm hang trú ngụ ở nơi có nhiều sình lầy sát bờ cỏ ngập nước, gốc cây mấp mé ao hồ, sông suối, đồng ruộng... Cứ nhắm những vị trí đó mà đặt, thể nào cũng bắt được lươn to, có con nặng từ 500 - 700 gram. Trong 15 năm hành nghề đặt trúm, con lươn to nhất tôi từng bắt được có trọng lượng lên đến 900 gram”, K’Broi nói.

Địa bàn hành nghề của K’Broi khá rộng, trải dài hầu khắp các xã của huyện Di Linh, từ xã Gung Ré, Tân Châu, Tân Thượng, Hòa Nam, Hòa Bắc, Hòa Ninh, Đinh Trang Hòa, Đinh Trang Thượng cho đến xã Gia Bắc, Sơn Điền... Trúm lươn là nghề chả hại đến ai, một nghề không có đồng nghiệp, đúng hơn ở mỗi vùng chỉ có một thợ trúm, hoặc đã có người làm trúm rồi, nếu người nào muốn theo nghề, phải sang vùng khác. Nghề đặt trúm gắn liền với bao nỗi vất vả, cực nhọc, nhất là gặp những hôm mưa gió, một nghề thường xuyên phải gội sương, tắm bùn. Tuy vậy, nghề này cũng đem lại thu nhập kha khá cho người làm nghề. Nghề đặt trúm lươn có lúc được, có lúc không. Nhưng dù được dù không, phần lớn thái độ của người làm nghề là khá bình thản. Bởi như K’Broi chia sẻ, đã là của trời cho thì được ngần nào hay ngần ấy, chẳng nên ta thán (khi không được) mà cũng chẳng cần phải quá phấn khích (khi được). Biết bằng lòng là một hạnh phúc. “Hôm gặp may thì kiếm cỡ 5 kg lươn. Hôm tà tà thì được tầm 3 - 4 kg. Gặp hôm xui xẻo không được con nào cũng chả sao. Phải lấy hôm nọ bù cho hôm kia. Chỉ có duy nhất một điều khiến cho thợ trúm yên tâm đó là không bao giờ ế hàng”, anh cho biết và nói thêm: “1 kg lươn loại 1 hiện có giá 200.000 đồng, loại 2 thì bán với giá 160 - 170.000 đồng, loại rẻ nhất cũng phải 100.000 đồng. Cứ gom đủ 10 kg lươn, khoảng 3 đêm đi đặt trúm, vợ tôi lại mang về Bảo Lộc bán cho các nhà hàng”.

Ở chuyến hành nghề với tôi, anh chọn địa bàn xã Sơn Điền. Sơn Điền là địa bàn cư trú của phần lớn bà con dân tộc Nộp, một sắc dân gốc Tây Nguyên, nơi có con suối Đạ Rsa chạy suốt giữa các cánh đồng Bờ Nơm, Đăng Gia, Bó Cao và Con Sỏ. Nhưng K’Broi lại không chọn những cánh đồng này, anh rủ tôi kiếm các ao, hồ, đầm hoang ở Hà Giang, Ka Liêng và Lang Bang, nơi có địa thế cao của Sơn Điền để đặt trúm. Tôi thắc mắc nguyên do tại sao lại có sự kỳ cục như vậy? K’Broi trả lời: “Giờ chỉ những khu vực đi lại khó khăn là còn chỗ cho loài lươn cư ngụ, sinh sản và cũng là địa bàn để thợ trúm hành nghề. Ruộng đồng bây giờ người ta sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, khiến môi trường sinh sống của loài thủy sinh này đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt, thì tìm đâu ra lươn nữa mà đặt!”.

Từ 5 giờ chiều, chúng tôi bắt đầu đi rải trúm. Rải xong gần 100 ống trúm thì trời đã tối om. Trời miền rừng hoang vu, gió thổi chừng như mạnh hơn, sương xuống cũng lạnh và nhiều hơn. Tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng bắt đầu kêu rỉ rả. Giữa khung cảnh ấy, K’Broi ngồi bệt ngay vệ cỏ, khoan thai châm một mồi thuốc, lơ mơ trông trời trông đất, mặc cho mình mẩy đang lấm lem bùn và ướt nhoẹt. Chiếc lều tạm che gió sương qua đêm nhanh chóng được chúng tôi dựng lên ngay cạnh hồ nước. Tiếp đó, một bếp lửa cũng được chụm lại để xua đi cái lạnh miền rừng. “Ngày trước, khi con lươn chưa được giá, chẳng cần phải canh giữ làm gì, đặt trúm xong là chạy về nhà ngủ thẳng giấc cho tới 3 giờ sáng thì dậy đi dỡ trúm. Nhưng giờ ăn trộm ghê lắm, canh giữ không cẩn thận là có kẻ gian lẻn đến dốc lươn liền!”, K’Broi cho hay.

Cuộc sống càng ngày càng khó khăn, để có thêm bát cơm, manh áo nuôi vợ con và lo bao khoản chi tiêu trong gia đình, thợ đặt trúm bắt lươn đêm vì thế lại càng phải vất vả hơn, tần tảo khuya sớm hơn. Những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống đời thường, như ăn bữa cơm tối cùng vợ con, hoặc giả cả gia đình quây quần bên nhau xem tivi, tám chuyện..., không phải ai cũng được hưởng trọn. Chuyến đi lần này cho tôi hiểu ra rằng, cái nhu cầu tưởng chừng giản đơn ấy, đối với người thợ trúm, nhiều khi lại là một thèm khát.

Có tôi thức canh trúm, nên ăn qua quýt nắm cơm chiều mang theo, nhâm nhi thêm vài chén rượu đế nữa, thợ đặt trúm lươn K’Broi lăn ra ngủ và ít phút sau thì đã ngáy khò khò. Tôi mò mẫn đi kiếm thêm củi, phòng đêm khuya sương xuống lạnh còn có cái mà đốt, rồi ngồi bó gối nhìn về phía ngôi làng miền Thượng, nơi có những ánh điện đang sáng nhập nhòe và thức canh trúm cho tới sáng.

Đến 3 giờ sáng hôm sau, chả cần đánh thức, K’Broi cũng thức giấc đúng giờ như một cái máy. Tôi lọ mọ theo sát chân anh, hồi hộp đi dỡ trúm. Quan sát K’Broi trong công việc, quả y như con vạc, lầm lũi, lặn lội, sũng ướt. Khi nhấc trúm, chả cần nhìn bên trong, anh đã biết trúm nào có lươn, trúm nào không. Trúm có lươn được K’Broi để riêng ra một chỗ, nhằm tránh lẫn lộn với những ống trúm khác. Sau khi thu đủ số trúm, kiểm tra và phân loại lại lần cuối (trúm có lươn bỏ một bên, trúm không có lươn bỏ một bên), thợ đặt trúm lươn K’Broi mới chất ống trúm vào bao tải, buộc chặt nơi yên xe gắn máy để chở về nhà, vẫn cái dáng dấp lầm lũi, khắc khổ như vạc.

Tờ mờ sáng, khi vợ con K’Broi vừa mới trở dậy, đã thấy đống trúm được chúng tôi xếp ngay ngắn giữa sân. Chậm rãi châm thêm một mồi thuốc, anh đánh bệt xuống cạnh đống trúm có lươn (đã để riêng ra từ trước), bắt đầu tháo hom từng cái, đổ vào chậu những con lươn vàng ngậy.

Một vùng quê Tây Nguyên thuần hậu, không thể thiếu hình ảnh những thợ trúm lươn bình dị như K’Broi, cứ chập tối thì mang trúm đi đặt, sáng sớm mai lại lặn lội dỡ trúm đem về, để rồi cứ thế lặng lẽ góp phần làm nên những món ăn thơm lừng, nào là món lươn tẩm bột rán, nào là món lươn nướng vỉ, lươn bọc sả ớt, miến xào lươn, súp lươn, cháo lươn, ruốc lươn, hay món lươn chiên khô bán túi... tại các nhà hàng, siêu thị.

Ghi chép của TRỊNH CHU

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghề đặt trúm lươn ở Tây Nguyên
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO