Nghề dạy nghề như "thước dạy thầy, cây dạy thợ"

Chủ nhật, 21/10/2018 08:15 AM - 0 Trả lời

(CLO) Đi tìm một dấu gạch nối hoàn hảo trong mối tương hệ giữa đào tạo sinh viên báo chí và thực tiễn đang là nỗi trăn trở của thầy và trò trường báo. Nhà báo tương lai cần trang bị cho bản thân hành trang thiết thực nào để có thể tự tin khi nhập cuộc, bắt nhịp trước những đòi hỏi khắt khe của nghề nghiệp trong tương lai? Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã có cuộc trao đổi cởi mở với Báo Congluan.vn về vấn đề này.

Lẽ ra học báo chí không nên đông quá thì học mới chất lượng

+ PV: Là một cây bút phóng sự có tên tuổi trong làng báo Việt Nam, hiện tham gia công tác  quản lý và giảng dạy báo chí cho sinh viên báo chí ở nhiều trường đại học, ông có thể đưa ra một vài nhận xét về chất lượng của sinh viên báo chí cũng như những bất cập trong công tác đào tạo của ngành báo chí hiện nay?

- Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Trong gần 20 năm chính thức đi dạy môn Phóng sự ở Khoa Báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam; tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi về chất lượng giảng dạy báo chí hiện nay. Trước đây có nhiều ý kiến hầu như chê nhiều hơn khen. Lần này tôi cảm thấy đã có một câu trả lời vui vẻ hơn. Công tác đào tạo sinh viên báo chí và phóng viên hiện nay đã có những thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, thực tiễn hơn và quy củ hơn. Việc chia ra từng chuyên lớp sâu như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử…hay mở lớp theo từng chủ đề, thể loại… giúp sinh viên, học viên nghiên cứu cụ thể và có định hướng rõ ràng hơn cho công việc mình sẽ chọn. Dạy và học theo tín chỉ làm giảng viên phải động não nhiều hơn, sinh viên báo chí phải tích cực và chủ động hơn. Việc chấm điểm thực hành rất cao làm cho sinh viên phải toát mồ hôi đi thực tế và từ đó chú trọng khâu thực hành hơn. Nhiều bài giảng còn nặng về lý thuyết, tư duy một chiều, không tạo điều kiện để tranh luận trao đổi. Người học chưa có cơ hội phản biện nên không khí các lớp học vẫn thuộc dạng đông vui chứ chưa chuyên sâu để đào xới đến tận cùng vấn đề … Lẽ ra học báo chí không nên đông quá thì học mới chất lượng.

Báo Công luận
 Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

 

Trường học cung cấp 60% kiến thức, 40% còn lại thuộc về năng khiếu và lao động, sự nỗ lực hoặc “cái duyên” với nghề báo

+ PV: Dường như vẫn chưa có một mối tương hệ mang tính gắn kết hữu cơ trong trục tam giác “nhà trường-sinh viên- cơ quan báo chí”. Không ít nhà báo tương lai gặp nhiều khó khăn khi  vào thực tập tại các tòa soạn báo. Trong khi, những kiến thức ở nhà trường còn có “độ vênh” rất lớn giữa lý thuyết và thực tiễn. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Hiện nay đang có tranh luận về ý kiến cho rằng các trường báo chí dạy lý thuyết nhiều, thực hành ít, một số giảng viên thì lại chưa qua thực tiễn làm báo mà đã đi dạy nghề báo.  Vấn đề nằm ở chỗ đại học báo chí đào tạo cử nhân hay đào tạo nghề? Phải xác định trường đại học báo chí nằm trong hệ thống Khoa học Xã hội và Nhân văn. Là đại học thì phải bảo đảm lý luận, khoa học, nghiên cứu. Trường chỉ cung cấp cho sinh viên báo chí kiến thức căn bản. Các môn chuyên ngành báo chí thì cần sự giúp sức của các nhà báo giàu kinh nghiệm. Bản thân sinh viên phải chủ động, rèn luyện, trau dồi kiến thức và học hỏi các phương pháp nghiệp vụ. Trong nghề báo yếu tố cá nhân rất quan trọng. Không ai có thể đào tạo một nhà báo giỏi nếu người ấy không có sự say mê với nghề. Thực tế, trường đại học là nơi đào tạo cử nhân chứ không phải đào tạo nghề nghiệp. Còn phần nghề nghiệp, hầu như báo nào cũng phải đào tạo thêm kỹ năng và kiến thức chuyên sâu cho phù hợp với báo mình. Nói đào tạo lại, đào tạo tiếp cũng không sai. Hội Nhà báo với chức năng của mình luôn mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cũng vì lẽ đó.

Tôi xin nhấn mạnh rằng, trong nghề báo không thể coi thường sự học tập, trau dồi tri thức thường xuyên, nhưng yếu tố chính vẫn là con người nhà báo. Trường học cung cấp cho người học 60% kiến thức, 40% còn lại thuộc về năng khiếu và lao động, sự nỗ lực hoặc “cái duyên” của anh ta với nghề báo.

+ PV: Chất lượng đào tạo ngành báo chí hiện nay là đáng báo động, bởi có rất nhiều sinh viên ra trường không thể làm nghề được. Có quan điểm cho rằng, nên để nghề dạy nghề, nói cách khác, chính thực tế mới thực sự là “ông thầy” dạy nghề khắt khe, sòng phẳng và hiệu quả nhất. Ông có đồng tình với nhận định này?

- Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Nói là đáng báo động thì hơi nặng nề. Bây giờ cách dạy và học cũng đã hiện đại hơn. Sinh viên đã chủ động vào nghề hơn. Giảng viên có nhiều đề bài rất thú vị, học viên hoặc sinh viên có muốn “học tủ” cũng không được. Đặc biệt là các lớp của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, thời gian đi thực tế chiếm khá nhiều. Tôi dạy môn phóng sự, dù thời gian ít đến đâu hay điều kiện khó khăn thế nào, tôi cũng cố kéo lớp đi thực tế một hai buổi. Khi về, các học viên đều bảo một buổi đi như thế bằng cả mấy ngày ngồi mòn trong lớp. Hàng năm, các trường đào tạo báo chí cho ra lò cả ngàn cử nhân báo chí. Tất nhiên không phải sinh viên nào ra trường cũng thành nhà báo. Chỉ có khoảng 30% trụ được với nghề. Số còn lại “rơi rụng” hay chuyển hướng làm nghề khác. Nhưng đáng mừng là nhiều sinh viên báo chí mới ra trường đã nhanh chóng trở thành lực lượng kế thừa cho các báo. 

Theo một thông tin tôi có được biết, sắp tới các trường sẽ đào tạo báo chí theo hướng học từng “gói” giáo trình. Trong các “gói” này việc thực hành sẽ nhiều hơn và quyền quyết định phần thực hành trong giáo trình do chính người giảng dạy quyết định. “Nghề dạy nghề” là một cách nói, giống như người xưa tâm niệm chính là “thước dạy thầy- cây dạy thợ”. Theo tôi, nên gắn kết hữu cơ cả hai yếu tố học ở trường nghề và trường đời. Bản thân người học phải tự lựa chọn, quyết định cho thành công của mình. Đơn cử,  có một cô sinh viên báo chí thực tập ở Tạp chí Nghề Báo (Hội Nhà báo TP. HCM) mà tôi làm tổng biên tập. Khi mới đến tòa soạn, cô ấy còn đi guốc cao gót lênh khênh như một tiểu thư; thế mà ba tháng sau, cô ta đã biết chạy hùng hục săn tin- bài khắp thành phố. Nghề dạy nghề đấy chứ…

+ PV: Một tờ báo của ngành nội chính ở TP.HCM khi tuyển dụng phóng viên có tuyên bố ngầm là không nhận hồ sơ của sinh viên tốt nghiệp đại học báo chí, mà chỉ chọn từ các ngành khác, sau đó đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn theo tôn chỉ, phong cách của tờ báo đó. Theo ông, đây có phải là một hướng chọn lựa hay có thể áp dụng cho các tờ báo khác?

- Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Theo tôi, đó là quyền của tờ báo đó. Cũng có thể hữu ích vì đó là con đường mà họ chọn người theo yêu cầu ngành nghề của họ. Thực tế, nhiều nhà báo cũng chưa tốt nghiệp đại học báo chí nhưng làm báo rất giỏi vì họ đã có nghề chuyên môn, thí dụ đã qua đại học Luật rồi học thêm nghề báo thì thường là họ viết mảng luật pháp sẽ tốt hơn là người học báo chí mà chưa học luật. Nhưng cũng là nói chung thôi. Hồi tôi làm ở Báo Lao Động có anh bạn phóng viên chưa hề học qua cả trường luật lẫn báo chí mà vẫn viết mảng này ngon lành. Cái chính là yếu tố năng lực và năng khiếu của con người.  Bill Gates- người giàu nhất thế giới- cũng đã học hết đại học đâu?

+ PV: Nhà báo-nhà văn Vũ Bằng từng nói “Nghề báo có thể đưa người ta đến bất cứ đâu, miễn là thoát được nó ra”. Ông hiểu câu này như thế nào với tư cách là một nhà báo, nhà giáo trong giảng dạy báo chí? Để đi đến đích đặt ra, những sinh viên báo chí cần có những hành trang tri thức thiết yếu nào để họ có thể đi xa hơn vạch xuất phát ban đầu của họ?

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Đúng là nghề báo có thể đưa người ta đến bất cứ nơi đâu. Khi đã theo nghề này ít ai biết được lối rẽ sắp tới sẽ là thế nào? Tôi bắt đầu lớn lên từ trường Mỹ thuật Hà Nội, rồi đi học  ngành Ngữ văn, rồi mới học báo chí và  bước vào nghề báo, chứ chưa hẳn đã chọn nghề báo từ đầu. Nói nghiêm túc hơn, trên thế giới này có những nhà báo trở thành chính khách hoặc là cố vấn thân cận của nguyên thủ quốc gia. Nhiều nhà báo đã đổi tính mạng của họ để có những bài viết, thước phim cũng chỉ vì lòng yêu nghề và uy tín lẫn danh dự của nghề báo. Nghề báo đưa những cô phóng viên trẻ lên tác nghiệp trên đỉnh núi Hymalaya hay tới Bắc cực, đến với bộ đội hải quân ngoài Trường Sa, bộ đội biên phòng nơi rừng núi biên cương. Song, nghề báo cũng có thể đưa nhà báo đến với những sai lầm, có khi phải trả giá đắt trước pháp luật. Nếu không giữ được đạo đức nghề nghiệp, hay đời thường thì cũng chịu những tổn thất đến đời sống riêng tư. Đó là một thực tế nghiệt ngã của nghề mà chúng ta ít nhiều đều đương đầu với nó lúc này hay lúc khác.

Nhìn chung, nghề báo vẫn là nghề được xã hội tôn vinh và được nhiều người yêu quý. Nếu bạn đã nhắc đến câu nói của nhà báo Vũ Bằng là “nghề báo có thể đưa ta đến bất cứ nơi đâu”, thì tôi cũng như những nhà báo đã và đang dấn thân với nghề này cũng phải nhắc đến thêm một câu nói nữa cũng của nhà báo Vũ Bằng mà tôi rất tâm đắc, rằng: “Mẹ ơi, nếu có một kiếp sau làm người, con sẽ xin lại được làm nghề báo…”.

+ Xin cám ơn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân!

Bảo Trung (Thực hiện)



Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn