Không để doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa người đi sang nước ngoài hoạt động massage tại các khu dịch vụ. Ảnh: TL
Đây là nội dung của dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hướng dẫn đưa người lao động sang Đài Loan (Trung Quốc), thực tập sinh sang Nhật Bản và người lao động sang Saudi Arabia giúp việc gia đình do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến.
Dự thảo quy định các khu vực cấm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đó là các khu vực có chiến sự hoặc có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực bị nhiễm xạ, khu vực bị nhiễm độc, khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.
Dự thảo cũng quy định những nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Đặc biệt, các công việc ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam cũng bị cấm.
Nghề massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí đứng đầu danh sách các công việc bị cấm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả cũng bị cấm.
Các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không được phép đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gồm: Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân; công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại; công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, disunfua cacbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh.
Các công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập, công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương) cũng là những nghề bị cấm đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Dự thảo cũng quy định cấm đưa lao động đi làm việc ở các khu vực, công việc mà nước tiếp nhận lao động cấm.
Thời gian lấy ý kiến cho dự thảo nghị định là đến hết 31/1/2019. Nghị định mới sẽ thay thế Nghị định số 126/2007/NĐ-CP về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
P.V