Nghệ nhân Kray Sức – Người “giữ lửa” cho văn hóa Pa Cô

Thứ ba, 24/07/2018 14:10 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đến với Quảng Trị vào những ngày tháng 7, chúng tôi không chỉ được ngắm nhìn những cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng mà còn cảm nhận được những dấu mốc lịch sử hào hùng của dân tộc vô cùng linh thiêng. Ở đó chúng tôi còn được thưởng thức nhiều bản nhạc của văn hóa Pa Cô do nghệ nhân Kray Sức và nhiều người khác đang ngày đêm gìn giữ và bảo tồn.

Báo Công luận

Ông Kray Sức (mũ trắng) là người đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. 


 

Anh sẽ về Quảng Trị cùng em

Qua Triệu Phong ghé vào thăm Thành Cổ

Thắp nén nhang cho người nằm dưới cỏ

Đứng lặng nhìn, nước mắt ngỡ trời mưa (Thơ của Lê Trung Sơn).

Không chỉ thổn thức về những hy sinh mất mát không gì có thể bù đắp của các thế hệ cha ông. Trong thời bình, vẫn còn đó những trăn trở khôn nguôi. Có một người đàn ông mà hầu như suốt cả cuộc đời mình vẫn đi tìm chỗ đứng cho văn hóa Pa Cô. Đó chính là Nghệ nhân Kray Sức – Người níu giữ văn hóa Pa Cô.

Từ thị xã Đông Hà vượt qua hơn 130 km đường trường chúng tôi có mặt tại UBND xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) được anh Hồ Văn Nhiếp – Chủ tịch xã hướng dẫn đường đến với Nghệ nhân Kray Sức – Người đang lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ nhiều bài hát, đạo cụ của văn hóa Pa Cô.

Thật bất ngờ, đến đây chúng tôi đã thấy cả đội văn nghệ mặc đồng phục của dân tộc Pa Cô ngồi quây quần và hát các điệu hát cổ của bản làng theo các dịp, điệu, phách của nhiều dụng cụ như đàn, khèn…

Nghệ nhân Mai Sen người rất tâm huyết với văn hóa Pa Cô và sát cánh cùng Kray Sức nhiều năm nay chia sẻ: “Mỗi lần họp hoặc diễn tập văn hóa, văn nghệ thì tôi phải đi bộ băng qua nhiều đồi núi, sông suối từ nhà mình ra trung tâm xã Tà Rụt khoảng 12 km. Tuy nhiên, tình yêu với cái đàn, cái khèn và những điệu nhạc cổ đã ăn vào máu. Chúng tôi muốn được thường xuyên tập luyện và truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ để văn hóa Pa Cô không bị mai một theo thời gian”.

Kray Sức năm nay đã 54 tuổi, người dân tộc Pa Cô, ở thôn A Vương, xã Tà Rụt. Trước đây ông là cán bộ chuyên trách văn hóa xã Tà Rụt. Ông đã sưu tầm được gần 100 cồng, chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống của người Pa Cô như: trống Toong, sáo Khui, khèn Bè… Ông cũng đã biên soạn hàng chục giáo án để truyền dạy các loại nhạc cụ truyền thống cho thế hệ sau. Ông đã dìu dắt và đào tạo hàng chục người trẻ tuổi biết đánh cồng chiêng, thổi khèn, hát các làn điệu dân ca Pa Cô. Với những nỗ lực của Kray Sức cùng nhiều nghệ nhân cao tuổi nơi đây, họ đã thổi bùng “ngọn lửa” bảo tồn văn hóa vốn làm nên hồn cốt của dân tộc Pa Cô từng một thời có nguy cơ bị mai một.

Hiện nay, Kray Sức vẫn thường xuyên đến các bản làng trong xã gặp các nghệ nhân để sưu tầm, ghi chép các làn điệu Pa Cô. Không chỉ ghi chép, sưu tầm mà Kray Sức còn sáng tác, xây dựng nhiều kịch bản múa cồng chiêng, các tiểu phẩm lồng ghép dân ca Pa Cô. Điển hình như kịch bản múa cồng chiêng “Ngày hội đoàn kết”, “Hội mùa”; các tiểu phẩm “Tìm hiểu Nghị quyết 30a”, “Ba lần quên” tuyên truyền về an toàn giao thông…

Đội văn nghệ cùng nghệ nhân Kray Sức biểu diễn nhiều điệu hát và giải thích ý nghĩa từng bài, từng câu, từng chữ cho chúng tôi nghe. Đó là những bài hát ngợi ca cuộc sống vui tươi, tạ ơn trời đất đã ban cho mùa màng bội thu hay tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, điều mà nghệ nhân day dứt là làm sao để đồng bào dân tộc Pa Cô, nhất là các em học sinh, không chỉ riêng xã Tà Rụt mà nhiều xã khác trên địa bàn huyện Đakrông được học chữ viết Pa Cô - Tà Ôi. Đó cũng chính là lý do mà Kray Sức đã viết đề án chỉ dẫn cho người Pa Cô đọc và viết ngôn ngữ của dân tộc mình.

Báo Công luận

Nghệ nhân Mai Sen đang hướng dẫn cho tác giả cách cầm nhạc cụ.

 

Trong tài liệu mà Kray Sức ghi chép, sưu tầm để bảo tồn và truyền lại cho thế hệ mai sau có cả các nghi thức của lễ hội Kăl Năng Mương (hoàn ân thổ thần). Ông Kray Sức cho biết, ngoài các lễ hội tổ chức hàng năm cũng như vài năm một lần như lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), lễ hội Aya (hội mùa), lễ hội Ariêu Piing (lễ bốc mả)… lễ hội Kăl Năng Mương được tổ chức để tạ ơn các thần liên quan đến đất đai bởi các thần đã che chở cho sự sống của loài người và muông thú…

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu là lễ cúng tẩy uế, lễ vật gồm một con dê (được buộc vào cây nêu dựng ở khu đất trống trung tâm của bản), gà luộc chín, rượu, bát xôi, bát nước sạch, cây kiếm… Tất cả các lễ vật này đều được bỏ vào A Điên (mâm lễ) trừ con dê và đặt cạnh cây nêu. Sau đó, các trưởng họ trong hội đồng già làng quay về nhà mình đứng trước bàn thờ tổ tiên để trình bày sự việc sắp diễn ra và cầm cây axec (chổi) quét từ trong ra ngoài nhà.

Khi công việc đã xong các trưởng họ cầm cây axec tới đặt ở cây nêu để bắt đầu tiến hành lễ cúng. Vào lễ cúng, ông chủ cúng hô và đọc văn cúng đầu tiên rồi tất cả hội đồng già làng đồng thanh cúng theo với ý niệm là tẩy uế cho cả làng.

Trong nhiều năm làm cán bộ chuyên trách văn hóa xã Tà Rụt, Kray Sức đã băng rừng, lội suối để sưu tầm, ghi chép, biên soạn 25 kịch bản múa cồng chiêng, nghi thức lễ hội, phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca dân tộc Pa Cô.

Ngoài ra, Kray Sức cùng với các nghệ nhân cao tuổi của xã Tà Rụt trực tiếp truyền dạy cho hàng chục học viên trẻ của các xã A Bung, A Ngo, A Vao, Tà Rụt đánh cồng chiêng, đàn Âmpreh, Ta Lư, thổi kèn cũng như hát các làn điệu dân ca Pa Cô. Với những nỗ đó, năm 2015 Kray Sức vinh dự được nhận Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú của Chủ tịch nước trao tặng vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2017, Kray Sức được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước...

Dù tuổi đã cao, sức không còn khỏe nhưng Kray Sức vẫn không quản khó khăn vượt đèo lội suối bất kể ngày đêm tìm đến các già làng, trưởng bản để để tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu phục hồi các truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Pa Cô. Ông Chính là người đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Kray Sức thật xứng đáng với danh hiệu Người “giữ lửa” cho văn hóa Pa Cô. 

Bài và ảnh: Bá Quỳnh

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương