Nghệ nhân Lê Thị Thiết: 'Gìn giữ và quảng bá tinh hoa Phở quê hương là rất cần thiết'
(CLO) Tại Festival Phở 2025, giữa không gian rộn ràng hương sắc ẩm thực Việt, nghệ nhân ẩm thực Lê Thị Thiết – Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực tỉnh Nam Định, người sáng lập thương hiệu Phở Xưa Nam Định đã chia sẻ hành trình gìn giữ và quảng bá tinh hoa phở quê hương, với khát vọng đưa phở Nam Định trở thành di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Nghệ nhân Lê Thị Thiết bày tỏ niềm tự hào khi phở bò Nam Định đã được vinh danh là “Tri thức dân gian Phở Nam Định” – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024. Bà cho biết, mục tiêu tiếp theo của cộng đồng những người yêu phở là đưa món ăn đặc trưng này lên tầm di sản đại diện của nhân loại.
“Phở Nam Định có bí quyết gia truyền với 7 loại thảo mộc đặc trưng để tạo nên hương vị riêng biệt. Và một điều không thể thiếu, làm nên sự quen thuộc và thân thương của phở Nam Định với người Việt, chính là hương vị nước mắm đậm đà,” bà Thiết chia sẻ.

Theo bà Thiết, cái “tâm” của người nấu chính là yếu tố quyết định để tạo nên một bát phở ngon. Từ khâu chọn nguyên liệu, ninh nước dùng cho đến cách phục vụ, tất cả đều phải thể hiện sự trân trọng với văn hóa ẩm thực truyền thống. “Phở là món ăn khó tính, đòi hỏi sự tỉ mỉ từ người nấu đến người thưởng thức", bà Thiết nhấn mạnh.
Nghệ nhân Lê Thị Thiết còn tiết lộ một công thức mang đậm nét văn hóa của phở Nam Định: “3 không” là không mì chính, không chanh, không rau giá; còn “3 có” gồm có nước mắm, có dấm tỏi và có tương ớt. “Đây không chỉ là công thức nấu ăn, mà còn là câu chuyện văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác", bà Thiết nói thêm.
Trước những thay đổi về khẩu vị và xu hướng ẩm thực hiện đại, bà Thiết cho biết cộng đồng những người nấu phở Nam Định luôn lắng nghe thực khách để điều chỉnh phù hợp, song vẫn giữ vững cốt lõi truyền thống. Bà đánh giá cao tinh thần sáng tạo của giới trẻ với các biến tấu mới như phở tôm hùm, phở cá…, đồng thời mong muốn những sáng tạo này phải bắt nguồn từ sự thấu hiểu văn hóa phở.

“Trong kỷ nguyên số, sự chia sẻ của các bạn trẻ – từ food reviewer đến đầu bếp trẻ – sẽ góp phần đưa hình ảnh phở Việt ra thế giới một cách sâu sắc và đúng chuẩn hơn", nghệ nhân Lê Thị Thiết nhận định.
Điều khiến bà Thiết trăn trở là nhiều người nước ngoài vẫn hiểu phở Việt Nam một cách đơn giản – chỉ là bánh phở, thịt và nước dùng. Trong khi đó, đằng sau một bát phở là quá trình ninh nước dùng kỳ công suốt 30-40 tiếng, là sự cầu kỳ trong chọn gạo làm bánh phở hay cách chế biến thịt bò để cho ra từng loại tái, gầu, nạm, sốt vang…
“Phở không chỉ là món ăn, đó là một phần di sản, một linh hồn văn hóa. Nếu không có hồn cốt truyền thống, sẽ không có văn hóa bền vững. Chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan", nghệ nhân Thiết khẳng định.

Với chủ đề “Tinh hoa phở Việt – Di sản trong kỷ nguyên số”, Festival Phở 2025 không chỉ là nơi tôn vinh món ăn "quốc hồn quốc túy", mà còn là dịp để nghệ nhân như bà Lê Thị Thiết gửi gắm những thông điệp văn hóa đến thế hệ trẻ – những người sẽ tiếp bước bảo tồn và phát triển giá trị phở Việt trong tương lai.