(CLO) Sau hơn 10 năm bước vào nghề, Trung Ruồi từng bị xem là "hiện tượng" hài nhờ ngoại hình đặc biệt và lối diễn tưng tửng, dí dỏm. Nổi lên từ các clip hài trên mạng, anh dần khẳng định mình qua những vai diễn trong các tiểu phẩm truyền hình và chương trình Tết. Tuy nhiên, để thoát khỏi cái mác “hiện tượng mạng” và được công nhận là diễn viên thực thụ, Trung Ruồi đã không ngừng nỗ lực trau dồi kỹ năng diễn xuất, thử sức ở nhiều dạng vai khác nhau, từ hài kịch đến phim truyền hình, điện ảnh.
Nhân dịp đầu xuân năm mới Ất Tỵ 2025, báo Nhà báo và Công luận trích đăng cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Nguyễn Hà Trung, nghệ danh Trung Ruồi, về những trải nghiệm nghề và những kế hoạch trong tương lai của anh.
+ Xin chào nghệ sĩ Trung Ruồi, anh có cảm thấy hài là định mệnh của mình?
- Khi còn đang đi học, tôi không nghĩ rằng mình sẽ làm hài. Nhưng số phận đã dẫn tôi đến với con đường này. Ban đầu chỉ là những clip hài trên mạng, sau đó là những vai diễn nhỏ rồi lớn dần. Giờ đây, hài không chỉ là nghề mà còn là một phần cuộc sống của tôi.
+ Cơ duyên nào dẫn anh đến con đường này?
- Khi lần đầu thi vào trường nghệ thuật tôi không đậu, nhưng sau đó nhận ra rằng với ngoại hình của mình, nếu thi diễn viên Chèo thì tỷ lệ vào cao hơn. Cuối cùng tôi thi đỗ ngành diễn viên Chèo của trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội.
Mục đích ban đầu vẫn là chỉ muốn trở thành một diễn viên nổi tiếng và khi vào trường, tôi vẫn học Chèo với tâm thế đó. Tôi nghĩ, vào trường rồi thì mình sẽ có cơ hội tiếp cận với nghệ thuật, điều quan trọng là phải vào trường rồi mới tính tiếp được.
Diễn viên hài "Trung Ruồi" tên thật là Nguyễn Hà Trung, sinh năm 1993. Anh tốt nghiệp khoa Kịch hát dân tộc, chuyên ngành Diễn viên chèo, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Nickname "Trung Ruồi" xuất phát từ tính cách tự nhiên như ruồi, gặp chuyên gì cũng không ngại ngùng. Trung Ruồi là diễn viên hài được khán giả yêu mến bởi lối diễn xuất tự nhiên, sáng tạo, mộc mạc và rất có duyên.
Nhưng đến năm 2015, khi bố mất, gánh nặng kinh tế gia đình đè lên vai mẹ, tôi nhận ra rằng nếu tiếp tục đi học thì vẫn còn hai năm nữa mới tốt nghiệp. Tôi quyết định tìm việc để hỗ trợ mẹ, bất kể ở đâu có tuyển diễn viên, có casting phim là tôi đều đi thử sức. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, tôi đều thất bại do đăng ký những vai không phù hợp. Cuối cùng, tôi chuyển sang làm trống lân, biểu diễn nghệ thuật quần chúng để trang trải cuộc sống.
Rồi một ngày, tôi nhận được cơ hội thu thanh chất liệu hài cho Đài Phát thanh. Lúc đó, chỉ trong vòng vài tháng, tôi đã khiến đội ngũ 6 người giảm xuống còn 2. Bởi vì, tôi sáng tạo cách kể, gạt hết câu dẫn và thay đổi nhiều giọng để tạo nên nhân vật sinh động hơn như: đổi 5 giọng để diễn 5 vai từ ông già, thanh niên, trẻ con, bà lão, người ác, người thiện...
May mắn thay, lúc đó đơn vị thu thanh của Tập đoàn Viettel muốn sản xuất nội dung cho Youtube. Hồi đó Youtube bắt đầu nở rộ tại Việt Nam. Khi ấy, họ không biết tìm diễn viên ở đâu và một ngày họ được nghe nói trong phòng thu âm có "một thằng" diễn được 5 giọng… Họ đặt vấn đề và hỏi tôi có muốn diễn không. Thế là tôi bước vào hài một cách đầy bất ngờ, như cái duyên chứ không phải sự tính toán.
Sau đó, tôi có giới thiệu Quỳnh Cool, Yến Xôi, Thanh Bi... dần dần thành một nhóm. Đến cuối năm 2015, serie đó lên được 5 tập thì đã nổi tiếng và kéo dài hơn 100 tập thì hết serie Kem Xôi.
+ Những ngày đầu làm hài của Trung Ruồi ra sao?
- Thời điểm đầu tiên làm Kem Xôi, khán giả họ thấy có một diễn viên trẻ, mới, lạ lạ... Theo quan sát của tôi thì khán giả họ luôn muốn tìm món mới và họ thấy mình lạ và đó là cơ duyên khiến mình nổi tiếng.
Bản chất của tôi là có gì trong người thì diễn cái đó, dần dần một năm, hai năm, yêu cầu của khán giả khó hơn. Lúc ấy tôi nghiêm túc ngồi lại, nhận thấy cần tìm cho mình phong cách, nếu không thì sẽ phải nhường chỗ cho một bạn trẻ như mình tiếp theo. Đặc biệt, như ở thời điểm này có tiktok thì chỉ sau 6 tháng người ta đã muốn tìm người mới rồi.
Rất may mắn là cho tới cuối năm 2016, cũng nhờ Youtube mà đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã cho tôi đóng Gala cười và sau là Táo quân. Từ đó, tôi được gặp các thần tượng của mình "bằng xương, bằng thịt". Đầu tiên là tôi thần tượng anh Công Lý về diễn xuất, sau đó là anh Tự Long, anh Quang Thắng, chị Vân Dung… Gặp những tiền bối về hài, ngôi sao hạng A về hài ở miền Bắc – đó là may mắn của tôi.
Khi được gặp các thần tượng, tôi gần như bấu víu vào họ để tìm con đường biểu diễn chuyên nghiệp như họ. Đặc biệt, tôi có khả năng bắt chước rất giống lối diễn hài của các nghệ sĩ, chẳng hạn như bắt chước anh Công Lý, Tự Long... Tại sao lại bắt chước được như vậy, bởi vì tôi quan sát rất nhiều.
Bên cạnh đó, tôi thích cái hài gọi là “đời quá hóa cười”, “thật quá hóa cười”, tức là tôi muốn miêu tả lại cuộc sống này những chi tiết thật nhất, giống nhất có thể. Ví dụ khi biểu diễn một phân đoạn hài kịch hay, thường thì diễn viên họ sẽ tìm cảm xúc, ngồi đối thoại, nhưng nhiều khi tôi sẽ tìm ra lối diễn cho riêng mình.
Tôi cũng rất hâm mộ Châu Tinh Trì, diễn hài lãnh tiếu (lãnh là lạnh – tiếu là cười, tức cười lạnh). Tức là, không vống lên để gây cười mà tôi thích những thứ lạnh lạnh, gây cho khán giả những nụ cười không phá lên được mà cười lâu. Đến thời điểm hiện nay thì có 2 yếu tố đó định hình phong cách hài tôi đang làm.
Ngoài Châu Tinh Trì, tôi cũng rất thích Mr Bean, ví dụ bộ phim A Lử 10 tập gần như tôi đã "Việt hóa" Mr Bean.
Còn sau này, tôi nghĩ mình sẽ tích lũy thêm nữa, bởi với khán giả thì dù có làm thế nào họ cũng sẽ quen miếng của mình thôi.
+ Trong làng hài, rất nhiều nghệ sĩ phải bước qua những khó khăn trước khi đạt được thành công. Anh đã đối mặt với điều đó như thế nào?
- Khi mới vào nghề, tôi gặp không ít khó khăn. Ngoại hình không phải là lợi thế, giọng nói lại có phần đặc trưng, không theo kiểu trầm ấm hay nam tính như nhiều diễn viên khác. Có thời điểm tôi tự hỏi liệu mình có thực sự phù hợp với nghề không. Nhưng rồi tôi nhận ra, nếu không có lợi thế về ngoại hình thì phải bù lại bằng diễn xuất và cá tính riêng. Tôi học cách khai thác chính những điểm tưởng như là bất lợi ấy để tạo nên một nét duyên riêng trên sân khấu.
Khó khăn tiếp theo là tìm được cơ hội. Khi chưa ai biết đến, việc có vai diễn hay, được xuất hiện trước khán giả là không hề dễ dàng. Tôi đã trải qua giai đoạn chạy show với những vai rất nhỏ, đôi khi chỉ xuất hiện vài phút trên sân khấu hoặc trong các tiểu phẩm online. Nhưng tôi luôn tâm niệm: "Dù chỉ diễn một phút cũng phải khiến khán giả nhớ đến mình".
Cứ như vậy, từng bước, tôi có được sự ghi nhận của khán giả và đồng nghiệp.
Tôi thấy trong làng Chèo có rất nhiều nghệ sĩ thần tượng như nghệ sĩ Xuân Hinh, Quốc Anh, Tự Long… đều học Chèo và tôi thấy rằng bản thân cũng học Chèo nên sẽ có cơ hội trở thành một người như thần tượng của mình.
Trong quá trình học Chèo, tôi vẫn chạy sang học bạn bè ở ngành diễn viên kịch nữa. Vì thế, sau khi ra làm nghề thì những năm đầu nhiều người không nhận ra tôi là người học Chèo, bởi tôi có diễn cả theo kỹ thuật biểu diễn của kịch nói nữa.
Quá trình học kịch nói xuất phát từ tò mò và đam mê. Tôi tự xin vào lớp học, gặp các bạn chia sẻ và kết hợp với cái mình học được ở Chèo… Trong Chèo có rất nhiều cái hay, có tính ước lệ, tính châm biếm, tính âm nhạc, tiết tấu, hình thể và dân gian… có tuyến nhân vật hề Chèo, nó phụ trợ cho biểu diễn hài, tạo ra nét pha trộn giữa hài sân khấu kịch và hài của sân khấu Chèo trong tôi.
+ Làm nghệ thuật hài đã khó, nghệ sĩ hài có bản sắc càng khó hơn. Theo Trung Ruồi, điều khó khăn nhất với các nghệ sĩ hài là gì?
- Sau khi ít nhiều được khán giả biết đến và lại dừng Kem Xôi và Loa Phường, tôi quyết định lập kênh riêng Trung Ruồi Offical. Vì khán giả yêu mình qua hài rồi, nên tôi cần phải tiếp tục duy trì sự xuất hiện để phục vụ khán giả. Thực ra, khi làm kênh Trung Ruồi Offical thì tôi được mấy thứ: đầu tiên, đó là ngôi nhà của riêng mình, khi rảnh rỗi có thể tập trung xây dựng cho nó. Thứ hai, khi tôi chưa tìm được loại hình thể hiện mới thì chính kênh này là nơi để tiếp tục trau dồi kỹ năng diễn xuất.
Tuy nhiên, ước mơ của Trung Ruồi là thay đổi màu sắc để phục vụ khán giả. Trong quá trình đó, tôi được tiếp cận với nhiều người, nhiều môi trường và thể loại nghệ thuật.
Trước bộ phim 11 tháng 5 ngày, tôi có tham gia một số phim truyền hình, phim điện ảnh. Thời gian đầu tôi bị stress vì diễn kiểu gì cũng ra hài. Cầm kịch bản cố gắng, thậm chí còn nhăn nhỏ để cho đáng thương nhưng vẫn ra hài. Sau đó, đạo diễn giao luôn cho tôi vai hài, những vai gây cười trong phim truyền hình.
Cứ thế, tôi tìm hiểu dần về cách diễn, hỏi thêm bạn diễn của mình thời đó, hỏi thêm Thanh Sơn, hay tìm đến một số anh em làm truyền hình để hỏi họ. Chẳng hạn nhiều lúc khi hết phân đoạn của mình, các diễn viên khác thường nghỉ ngơi nhưng riêng tôi hay kéo ghế ra xem bạn diễn của mình, rồi cố diễn bằng được phân đoạn của họ, tìm bằng được cách khiến cho người ta không cười khi mà đóng chính kịch.
May mắn, cuối cùng thì bộ phim 11 tháng 5 ngày cũng thành công. Đến bây giờ, sau hơn 4 năm mà rất nhiều khán giả gặp tôi vẫn nhớ về phim đó.
Tôi nhớ, thời điểm quay bộ phim đó đúng vào đợt dịch, nên kéo dài tới 172 ngày. Đối với nhiều người, 172 ngày là quá dài, còn đối với tôi là may mắn. Thời gian giúp tôi hoàn thiện bản thân hơn. Bây giờ, gặp vai tương tự thì tôi tự tin hơn rất nhiều. Thời gian tới, rất có thể tôi sẽ thử vai mới, vai tội phạm nguy hiểm...
+ Sau khi trở thành một diễn viên hài được yêu thích, anh có áp lực gì để duy trì sức hút với khán giả?
- Áp lực thì chắc chắn có (cười), nhất là khi khán giả ngày càng khó tính và có nhiều lựa chọn giải trí hơn. Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để tiếng cười của mình không bị nhàm chán, không lặp lại chính mình. Bởi với nghệ sĩ hài, nếu khán giả đoán trước được miếng hài thì họ sẽ không còn cười nữa. Vì vậy, tôi không ngừng học hỏi, tìm tòi những cách thể hiện mới, đôi khi thử sức với những vai diễn có màu sắc khác biệt hơn để làm mới mình.
Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy rằng, sự nổi tiếng đến từ tình cảm của khán giả, nhưng để giữ được sự nghiệp bền lâu thì cần nhiều hơn thế. Tôi không muốn chỉ là một hiện tượng nhất thời, mà mong mình có thể đi đường dài với nghề. Vì thế, tôi luôn trau dồi diễn xuất, mở rộng kỹ năng, thử sức với các vai trò khác như dẫn chương trình, tham gia các dự án phim điện ảnh, truyền hình… để không bị đóng khung trong một hình ảnh duy nhất.
Tôi thích cái “thật quá hóa cười”, thế nên đầu tiên mình chỉ lấy mảnh ghép cuộc sống để gây cười. Khán giả đôi lúc cũng thấy tôi xuất hiện trong những thước phim từ 1 phút đến 3 phút thôi, nó chưa đủ truyền tải gì cả, chỉ là bê một tình huống buồn cười trong cuộc sống để mô tả.
Tuy nhiên, tôi thấy không chỉ riêng nghề nghệ thuật đâu, bất kể ngành nghề nào cũng vậy, chẳng hạn như một kiến trúc sư, họ ban đầu chỉ vẽ ngôi nhà bình thường thôi, dần dần họ đưa công năng, kiến trúc và văn hóa vào bản vẽ của họ theo quá trình tích lũy. Tôi cũng vậy, quá trình tuổi đời tăng lên thì sẽ có nhiều tích lũy hơn, nghệ thuật hơn.
+ Anh có bao giờ hối hận về những lựa chọn của mình?
- Tôi không hối hận, nhưng luôn tư vấn và suy nghĩ về những bước đi tiếp theo. Trong nghề này, nếu chỉ dừng lại và tận hưởng những gì đã đạt được sẽ không thể tiến bộ. Để tự nhắc nhở mình trước mỗi quyết định, tôi thường hỏi: "Lựa chọn này sẽ dẫn đến kết quả gì?". Nhờ vậy, tôi vẫn giữ được ngọn lửa nghề và sự nghiêm túc với công việc.
Thực ra, để làm mới mình, tôi tự viết rất nhiều, gần như các sản phẩm của tôi đều tự viết. Có một số sản phẩm mà chưa tìm được đạo diễn thì tôi tự diễn luôn. Tôi thường viết về những nhân vật chính trong xã hội, nhân vật "kèo dưới", nhân vật yếu thế… xuất phát từ tuổi thơ của mình cũng là một trong những người yếu thế, hoàn cảnh gia đình về kinh tế, dẫn đến việc mình trở thành người yếu thế hơn và thường nhân vật của tôi là nhân vật yếu thế.
Cũng có thể do cách sinh hoạt của mình khá dân dã, nên khi nổi tiếng hơn tôi nhìn nông dân cảm thấy... khoái hơn. Dần dần như thế, tôi đáp trả tình yêu của họ bằng việc cho ra sản phẩm liên quan đến người nông dân, người lao động, hay những người bình thường trong xã hội. Tôi nghĩ, đó là nhóm đối tượng lớn nhất của tôi.
Bên cạnh đó, tôi còn có nhóm đối tượng nữa là trẻ em, nên cũng thường nhận rất nhiều các show Trung Thu và 1/6...
+ Trung Ruồi có thể chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt ấn tượng của mình? Có kỷ niệm nào đến mức tác động thay đổi cách lao động nghệ thuật của anh không?
- (Cười) Tất nhiên có nhiều kỷ niệm, nhưng tôi vẫn nhớ người đầu tiên động viên tôi là anh Cù Trọng Xoay. Trước khi học Điện ảnh, tôi học Đại học FPT cũng được gặp anh Đinh Tiến Dũng rồi. Thời đó, tôi có một số kỷ niệm đáng nhớ.
FPT Polytechnic là cái nôi đầu tiên để mình thấy yêu nghệ thuật. Chính những hoạt động giao lưu được tổ chức thường xuyên tại trường, đặc trưng văn hóa, nhạc chế riêng có của FPT là cảm hứng sáng tạo bất tận cho mình trong các sản phẩm hài kịch, phim ca nhạc cho tới tận bây giờ. Ngoài ra, những kiến thức căn bản về dựng phim được học tại trường giúp mình hiểu và kiểm soát được công việc trong hiện tại.
Người thứ hai động viên tôi là NSND Tự Long, người mà tôi ấn tượng nhất ngoài việc hướng dẫn về nghề. Thứ ba là sự nhìn ra của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, người tạo điều kiện để tôi được tham gia, thể hiện mình trên những sân khấu lớn.
+ Ngoài những lúc phải đi diễn, Trung Ruồi thường làm gì? Anh cảm thấy thế nào khi trở nên nổi tiếng?
- Hiện tại, chỗ tôi ở có một xóm nghệ sĩ. Ngoài những lúc đi diễn thì tôi có tham gia chơi thể thao, tôi có lập CLB cầu lông toàn nghệ sĩ. Những buổi chiều rảnh, anh em nghệ sĩ chúng tôi thường tham gia chơi với nhau. Ngoài ra, tôi ở nhà còn viết lách thêm, chơi với con…
Việc trở thành người nổi tiếng thì sướng quá rồi (cười lớn). Khi ra đường cũng cảm thấy rất vui dù có những lúc hơi bất tiện. Có lần mình xác định dành buổi sáng hôm đó để đi lang thang giải trí, nhưng "thất bại" vì nhiều bạn trẻ xúm lại hỏi chuyện, xin chụp ảnh...
Dẫu có những lúc cũng không tránh được cảm xúc của mình, nhưng tôi chưa từng khước từ khán giả khi gặp ngoài đường.
+ Rất nhiều nghệ sĩ hay dính những thị phi khi lên mạng xã hội. Việc sử dụng mạng xã hội của Trung Ruồi như thế nào?
- Bản thân là diễn viên hài, nên tôi sử dụng mạng xã hội để phản ánh chính mình. Tôi chỉ đăng tải chia sẻ những thứ vui vẻ thôi. Nhiều khi mình cũng chia sẻ những nỗi buồn cá nhân, còn việc xã hội thì tôi ít đăng tải. Bởi vì, ở ngoài đời nếu vạ mồm còn xin lỗi được, còn trên mạng mà vạ mồm thì rất khó xin lỗi (cười).
Thực ra, tôi được các anh đi trước dặn dò về việc ứng xử của nghệ sĩ trên mạng xã hội. Tôi cũng nhìn thấy nhiều tấm gương tai nạn của các nghệ sĩ. Tôi tự nhủ rất có thể mình cũng sẽ dính tai nạn giống họ. Do vậy, tôi càng cảnh giác hơn. Nói thật, điều đó cũng rất tốt cho cả mình và xã hội.
+ Hiện tại, điều gì làm anh hài lòng nhất?
- (Cười) Là được làm nghề, được khán giả đón nhận và có một gia đình hạnh phúc. Có những người yêu thương và tin tưởng là điều quan trọng nhất với tôi.
+ Trung Ruồi có dự định hay kế hoạch gì lớn trong năm nay và những năm tới không?
- Năm 2016, tôi được đi diễn show ngoài đầu tiên. Tôi chủ động những tác phẩm sân khấu của mình để đi biểu diễn kiếm tiền. Khi mà có kinh tế thì nó cuốn. Có những tháng tôi từng diễn tới 28 show phục vụ công chúng. Thời gian biểu diễn rất cao, không có thời gian xin vào đoàn, dần dần thời gian cuốn mình đi, làm mình quen với tần suất làm việc, quen với tự do.
Đến bây giờ tôi bước sang năm thứ 10 làm nghề, tôi thấy rằng rồi vài năm nữa mình cũng phải phấn đấu để có một danh hiệu nào đó… Ngoài việc đã có khán giả rồi thì người nghệ sĩ nên có danh hiệu. Do vậy, thời gian gần đây thì tôi cũng rủ anh em tự do lập một sân khấu (đoàn nhỏ) để tham gia Hội diễn toàn quốc.
Hy vọng, từ đó sẽ có thói quen rèn giũa mình, dù giải này chưa được thì mình sẽ tập hợp anh em cố gắng cho giải sau. Đoàn này đều là anh em sân khấu học chuyên nghiệp ra, vì sân khấu tôi thấy nó tinh tế, khó hơn làm phim rất nhiều.
Về mặt sự nghiệp biểu diễn, trong tương lai tôi rất muốn làm show cho riêng mình. Quyết định làm show cũng có hai mặt, nếu thành công thì quá tốt, còn thất bại liệu có mất đi những thành công mà mình đã xây dựng không, là điều phải tính toán. Tôi đang cùng quản lý lên kế hoạch.
Còn về ước mơ, tôi rất muốn làm phim điện ảnh với vai trò là nhà sản xuất. Vài năm nay, mỗi khi đi làm phim cho người ta, tôi đều học và tìm hiểu thêm. Hy vọng trong thời gian sớm nhất tôi có thể làm được điều đó.
Thú thực, tôi vẫn đang tìm gặp những đạo diễn nổi tiếng, nhà sản xuất thành công trong điện ảnh mà tôi biết để học. Trên thế giới, tôi thích Châu Tinh Trì, còn ở Việt Nam là Trấn Thành.
Sắp tới có thể tôi sẽ quay lại trường để học về chuyên ngành đạo diễn điện ảnh. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình sẽ không trở thành đạo diễn điện ảnh mà học để trở thành nhà sản xuất.
+ Xin cảm ơn Trung Ruồi về cuộc trò chuyện thú vị này !
(CLO) Sáng nay, nhiều người dân đã trở lại Hà Nội để làm việc, học tập sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Có người phải dậy từ sáng sớm để bắt xe nhằm tránh ùn tắc và đây là sự lựa chọn đúng đắn.
(CLO) Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố đã chỉ thị Bộ trưởng Kinh tế thực hiện các biện pháp thuế quan và phi thuế quan nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, sau khi Mỹ áp thuế toàn diện lên hàng hóa Mexico.
(CLO) Chiếc xe điện Aptera chạy hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời, không cần dây sạc, sẽ đến tay khách hàng trước cuối năm nay, với phạm vi di chuyển 400 dặm và hơn 46.000 đơn đặt trước.
(CLO) Ngày 2/2 (mùng 5 Tết), lực lượng CSGT thuộc Đội 6, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đang làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khiến 3 người bị thương.
(CLO) TikTok, Microsoft, Amazon và Google đang đầu tư hàng tỷ USD vào trung tâm dữ liệu tại Thái Lan, biến quốc gia này thành điểm nóng công nghệ và trung tâm AI khu vực Đông Nam Á.
(CLO) Hơn 700 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ác liệt tại CHDC Congo tuần này, nhiều thi thể nằm la liệt trên đường phố do nhà xác quá tải.
(CLO) Ít nhất 54 người thiệt mạng và 158 người khác bị thương khi lực lượng bán quân sự RSF (Lực lượng hỗ trợ nhanh) tấn công chợ Sabrein ở thành phố Omdurman, Sudan vào ngày 1/2.
(CLO) Theo dữ liệu phân tích của Reuters, lượng khí đốt tự nhiên của Nga được vận chuyển qua đường ống TurkStream đã đạt mức cao kỷ lục và điều này xảy ra khi Kiev đóng cửa quá cảnh nhiên liệu tới các nước EU thông qua một đường ống đi qua Ukraine.
(CLO) Sau Tết Nguyên đán, nhiều người lao động trở lại các thành phố lớn làm việc với đồ đạc lỉnh kỉnh. Tuy nhiên, việc chở quá nhiều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và bị xem là vi phạm pháp luật nếu không đáp ứng quy định hiện hành.
(CLO) OpenAI ra mắt o3-mini, mô hình lý luận tiết kiệm chi phí, tối ưu hiệu suất cho khoa học, toán học và mã hóa. Nhanh hơn 24%, hỗ trợ nhiều tính năng cho nhà phát triển.
(CLO) Không phải Vios mà Innova mới là mẫu xe đầu tiên được mệnh danh là “vua doanh số” ở thị trường ô tô Việt Nam. Thế nhưng, tình cảnh của Toyota Innova đã hoàn toàn thay đổi.
(CLO) Theo cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hình thái thời tiết Thủ đô đã có những thay đổi ngay giai đoạn cuối kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.
(CLO) Dù 'Na Tra: Ma đồng giáng thế' tạo hình nhân vật không theo thị hiếu về cái đẹp, tính cách ngỗ ngược song thu hút nhiều khán giả, thu về tới thu gần 300 triệu USD sau 4 ngày công chiếu.
(CLO) Ca sĩ Rosé của nhóm nhạc Blackpink (Hàn Quốc) trở thành nghệ sĩ Kpop và nghệ sĩ châu Á có MV đạt 1 tỉ lượt xem nhanh nhất lịch sử, vượt thành tích tốt nhất mà MV “Gangnam Style” của PSY từng ghi nhận là 158 ngày.
(CLO) Sau thành công năm 2024, Liveshow “Dốc Mộng Mơ - Anh em kết đoàn 2025” sẽ tiếp tục được tổ chức tại Cung Điền Kinh Mỹ Đình (Hà Nội) với sự xuất hiện hiếm hoi của hai nghệ sỹ nổi tiếng Mỹ Tâm, Đan Trường.
(CLO) Sau 2 ngày chính thức ra rạp, phim 'Bộ tứ báo thủ' của Trấn Thành đang áp đảo các đối thủ đường đua phim Tết, thậm chí có nhiều cơ hội có thể vượt qua 'Mai' để trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử.
(CLO) Mới đây, Viện Nghiên cứu Kinh doanh Hàn Quốc vừa công bố bảng xếp hạng danh tiếng của các diễn viên Hàn Quốc trong tháng 1/2025. Theo đó, Lee Joon Hyuk được bầu chọn là diễn viên được yêu thích nhất đầu năm 2025.
(CLO) Với chất giọng trong trẻo, thánh thót, mang đặc trưng riêng của dòng nhạc dân gian, ca sĩ Ngọc Khuê đã chinh phục thính giả yêu nhạc bằng quãng giọng giả thanh độc đáo và cách nhả chữ điêu luyện. Nhờ đó, mà nữ ca sĩ 8X đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường nghệ thuật, đồng thời cô luôn mong muốn đưa âm nhạc dân gian Việt Nam bay xa hơn trên trường quốc tế.
(CLO) Chương trình “Táo Quân 2025” được giao cho Ban sản xuất các chương trình giải trí VTV3 thực hiện và phải ghi hình trong khoảng một tháng (ê-kíp thức từ 19h-3h sáng hôm sau). Đặc biệt, chương trình năm nay được cầm trịch bởi đạo diễn Đỗ Thanh Hải và nhà biên kịch Đinh Tiến Dũng.