Nghệ thuật sân khấu loay hoay đổi mới. Ảnh: HM
Sân khấu đang mò mẫm theo thị trường
Nhìn lại sân khấu những năm vừa qua, có thể thấy sân khấu còn lạc hậu, chậm phát triển so với hiện thực đang thay đổi nhanh theo đà phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều mâu thuẫn mới nảy sinh, thậm chí cả xung đột giữa các thế giới mới - cũ, sự nở rộ các đơn vị biểu diễn, sự bùng nổ các phương tiện giải trí nghe nhìn công nghệ cao, sự thay đổi tích cực của Điện ảnh và Phim truyền hình đã có những tác động thu hút khán giả, phân tán người xem khiến khán giả sân khấu giảm một cách đáng kể. Trong khi đó, sân khấu truyền thống nước ta vẫn chỉ quanh quẩn với các đề tài về quá khứ lịch sử, về đời sống hằng ngày với những mâu thuẫn cá nhân, vụn vặt, đời thường.
Trong quá khứ, sân khấu nước ta có nhiều thành tựu. Đã làm trọn sứ mạng biểu dương chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, đã xây dựng được hình tượng Người lính trong thời đại mới…
Tuy nhiên, từ khi đất nước hòa bình thống nhất, mặc dù nghệ thuật sân khấu đã chập chững bước vào thị trường cạnh tranh nhưng vẫn còn nhiều yếu kém, ít hiểu biết về thị trường nên ngày càng lép vế trước các phương tiện nghe nhìn công nghệ cao.
Đồng thời, sân khấu đang mò mẫm làm theo thị trường mà không nắm được quy luật đã dẫn đến những bế tắc. Chẳng hạn, các sân khấu xã hội hóa ở phía Nam càng chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả “tầm thấp” đã biến sân khấu thành một thứ “nghệ thuật tiêu dùng”, biến khán giả thành người thụ động, người chứng kiến những “trò” kinh dị, đồng tính, ma mị… Còn khán giả biết hưởng thụ cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa của sân khấu thì không muốn bước vào rạp chỉ để giải trí. Họ không còn là người thẩm định những giá trị đích thực của sân khấu. Không còn là chỗ dựa cho công tác phê bình.
Bên cạnh đó, người làm sân khấu, nhất là giới phê bình lý luận cũng hoàn toàn bế tắc trước hiện trạng của sân khấu xã hội hóa. Người làm phê bình lý luận phải là khán giả đích thực, có hiểu biết, có lập luận vững chắc, nắm được các chuẩn mực và nhìn sân khấu bằng cái nhìn “khắt khe” nhất mới có thể định hướng nghệ thuật cho sân khấu. Rất tiếc là giới lý luận phê bình trong nước vừa yếu lại vừa thiếu.
Mặc dù những người sáng tạo ra vở diễn đã có nhiều tìm tòi đề tài trong sáng tác, tìm các hình thức cho vở diễn, các tính cách cho nhân vật. Song nếu nhìn sâu hơn vào thực trạng của các vở diễn, phải chấp nhận một sự thực là sân khấu nước ta còn đơn điệu trong hình thức thể hiện. Sân khấu chưa đẹp, chưa hấp dẫn về hình thức. Ngoài một vài thử nghiệm thành công về ngôn ngữ thể hiện, sân khấu vẫn bình chân trong tả thực, ít thấy những đột phá trong cách thể hiện.
Hướng đi nào cho nghệ thuật sân khấu?
Theo NSƯT Trần Minh Ngọc, cần phải thay đổi, đó là sự sống còn của sân khấu. Trước hết là làm sao để khán giả đến với sân khấu hay nói đúng hơn sân khấu đến với khán giả. Phải đào tạo họ, giáo dục họ hiểu sân khấu, yêu sân khấu. Những nhà quản lý nên nghĩ đến việc sẽ có bằng Trung học phổ thông Nghệ thuật (tú tài Nghệ thuật) cung cấp nguồn cho các trường Đại học sân khấu điện ảnh hoặc chí ít cũng tạo nguồn khán giả cho sân khấu. Các trường chuyên ngành nghệ thuật hệ đại học sẽ bớt gánh nặng đào tạo đại cương, dành thời gian nhiều hơn cho thực hành, giảm gánh nặng lý thuyết…
Các nhà quản lý cần thay đổi cách làm kiểu xin - cho, đối xử công bằng, hợp lý giữa trong và ngoài công lập. Việc đầu tư cho sáng tác nên theo việc xét duyệt các dự án thông qua thẩm định chất lượng và ý nghĩa của ý tưởng, của triết lý.
Thay vì quan điểm nâng cao dân trí, đào tạo số đông, cân bằng mọi trình độ và năng khiếu nên đào tạo tinh hoa có chất lượng cao trong sáng tạo và thực hành để đạo diễn, diễn viên có đủ kỹ năng độc lập “tác chiến”.
Mở cửa, hội nhập, giao lưu văn hóa văn nghệ với bạn bè khu vực và thế giới cho phép chúng ta lấy cái tinh hoa của thế giới làm giàu có tinh hoa của ta. Lấy những cách làm hay của thế giới bổ sung cho cách làm mới của ta vừa là trách nhiệm của quản lý và là trách nhiệm của giới sân khấu chúng ta.
Theo NSND Bùi Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội, muốn đổi mới cần phải đồng bộ từ định hướng, kịch bản, đạo diễn, diễn viên và các nhà quản lý nghệ thuật…, phải làm sao cho đúng, phù hợp với sự đổi mới đang diễn ra từng ngày, từng giờ của đất nước và quan trọng nhất phải mang tính chuyên nghiệp về nghệ thuật để đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật mới của khán giả hiện nay. Chúng ta phải kiến nghị với Nhà nước về cơ chế chính sách, đầu tư thỏa đáng với sự sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ. Một vấn đề đặt ra đòi hỏi các nghệ sĩ muốn theo nghiệp Tổ phải yêu nghề, không ngừng sáng tạo để đưa nền sân khấu nước nhà ngày càng lớn mạnh, gìn giữ nét nghệ thuật độc đáo của nghệ thuật sân khấu và gìn giữ bản sắc dân tộc của sân khấu nước nhà.
Theo PGS.TS. Trần Trí Trắc, Nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay đang bước vào thời kỳ mới – thời kỳ sắp xếp lại theo cơ chế tự chủ của Nghị định 16/20015/NĐ-CP. Nghĩa là thời kỳ nghệ thuật sân khấu Việt Nam phải hóa thân vào kinh tế thị trường theo quy luật mới của hậu hiện đại, công nghệ số, cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó, nó phải tuân theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán” theo nhu cầu thị hiếu tự do lựa chọn trong xã hội tiêu dùng. Nghệ sĩ cần sản xuất ra những mặt hàng mà thượng đế muốn, chứ không phải những thứ của mình vốn có; nghệ sĩ phải là một doanh nhân; tác phẩm phải là một dạng hàng hóa đặc biệt và phải biết tư duy về lợi nhuận.
Hằng Minh