Nghị định 69/2019/NĐ-CP: Đảm bảo công bằng lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư

Thứ hai, 23/09/2019 10:15 AM - 0 Trả lời

(CLO) Từ 1/10/2019, Nghị định 69/2019/NĐ-CP (Nghị định 69) của Chính phủ về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng công trình theo hình thức BT có hiệu lực.

Nghị định 69/2019/NĐ-CP ra đời sẽ “cân bằng” lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư BT. Ảnh minh họa

Nghị định 69/2019/NĐ-CP ra đời sẽ “cân bằng” lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư BT. Ảnh minh họa

Tháo gỡ ách tắc cho các dự án BT

Trước đây, việc thanh toán cho các hợp đồng BT được thực hiện theo Quyết định số 23/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 2 năm triển khai Quyết định số 23/2015 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập khiến dư luận xã hội không mấy thiện cảm với hình thức đầu tư BT.

Câu chuyện các dự án BT trong lĩnh vực hạ tầng với những “lỗ hổng”, dẫn đến tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước trong khi các nhà đầu tư dự án BT được hưởng “siêu lợi nhuận” được dư luận đề cập nhiều lần.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước hồi cuối năm 2018, hầu hết dự án BT thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, từ đó làm giảm tính cạnh tranh trong thực hiện dự án. Cơ chế giao đất ở dự án đối ứng của dự án BT thực hiện chưa có sự thống nhất; việc triển khai thực hiện các dự án còn nhiều thay đổi về quy hoạch chi tiết, giá đất không sát với giá thị trường...

Tại nhiều dự án BT, các khâu như lập dự án, lập dự toán đầu tư, thẩm định dự án, giám sát dự án… mặc dù về hình thức do nhiều doanh nghiệp thực hiện nhưng thực chất đều do nhà đầu tư chỉ đạo thực hiện. Thậm chí có một số dự án BT biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý… Thực tế này dẫn đến không đảm bảo tính khách quan, thiếu minh bạch, gây thất thoát cho ngân sách.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, việc thanh toán dự án BT được xác định theo phương thức ngang giá, song thực tế triển khai ở địa phương thì đều cho phép chỉ định thầu.

Hệ lụy tất yếu của cách làm trên là gây ra lỗ hổng thất thoát kép: Các dự án BT được thực hiện không chào hàng cạnh tranh nên giá trị không được quy đổi ngang bằng, nhà nước thua thiệt; tình trạng định giá cao dự án, đổi đất giá thấp đã làm thất thoát lớn nguồn lực đất đai.

Trước những bất cập nêu trên của loại hình đầu tư BT, thậm chí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải xin ý kiến các bộ ngành góp ý về đề xuất “không nên tiếp tục thực hiện loại hợp đồng BT” trong xây dựng dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Chính vì những bất cập này mà các dự án BT đã bị đình trệ từ đầu năm 2018 khi không còn được áp dụng Quyết định 23/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, phải sau gần 2 năm thai nghén, Nghị định 69 mới chính thức ra đời với những quy định rõ ràng, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển, thu hút nguồn vốn tư nhân nhằm phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp khơi thông cho nhiều dự án BT đang bị tắc hiện nay.

Sai phạm khó tái diễn

Với 3 chương và 19 điều, Nghị định 69 đã quy định chặt chẽ và chi tiết hơn nhiều so với Quyết định 23/2015 chỉ gồm 3 chương, 7 điều.

Theo ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), Nghị định 69 sẽ xử lý dứt điểm các lo ngại trước đây về vấn đề như định thầu công trình hay thanh toán cho nhà đầu tư tài sản công có giá trị vượt quá giá trị của công trình...

Trước đây, cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư BT chỉ có một hình thức thanh toán bằng quỹ đất. Đến nay, theo quy định tại Nghị định 69, tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT sẽ bao gồm: Quỹ đất; đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân…; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các loại tài sản công khác.

Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư, xây dựng.

Ngoài ra, Nghị định 69 quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án BT theo hình thức đấu thầu rộng rãi và chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá và không thay đổi kể từ ngày Hợp đồng BT được ký kết; trong đó giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán, giá trị Dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.

Theo ông La Văn Thịnh, quy định như trên tại Nghị định 69 là nguyên tắc quan trọng để đảm bảo công bằng lợi ích của nhà nước cũng như nhà đầu tư.

Nghị định 69 cũng quy định, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Việc giao tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được thực hiện sau khi Dự án BT hoàn thành hoặc thực hiện đồng thời tương ứng với khối lượng xây dựng công trình Dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

Đánh giá về hiệu quả của Nghị định 69, ông La Văn Thịnh nhận định, Nghị định này sẽ khắc phục triệt để những sai phạm tại các dự án BT. Những quy định trong Nghị định tôn trọng nguyên tắc cơ chế thị trường và rất công minh nên những sai phạm khó có cơ hội diễn ra.

Thế Vũ

Tin khác

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

(CLO) Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.

Tin tức
Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

Hà Nội sắp tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làng nghề

(CLO) UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề.

Tin tức
Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo chủ chốt

(CLO) Ngày 25/4, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm nhiều công chức lãnh đạo, quản lý cấp cục, vụ về công tác cán bộ đối với lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương.

Tin tức
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do chìm thuyền trên sông Chanh

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung tìm kiếm những người còn mất tích với tinh thần khẩn trương nhất, kịp thời nhất.

Tin tức
Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

Xem xét cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp cột điện tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương, EVN, EVNNPT tiếp tục xem xét, nghiên cứu cho phép doanh nghiệp lắp đặt trực tiếp sản phẩm (cột điện - PV) tại thực địa Đường dây 500 kV mạch 3 nếu đáp ứng đủ điều kiện về năng lực thiết kế, công nghệ, quy trình kiểm chuẩn, kiểm soát chất lượng và có cam kết trách nhiệm.

Tin tức