(CLO) Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được đánh giá là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội. Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của TCTD, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước. "Cục máu đông" đã dần tan Theo thống kê của NHNN, đến 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ước tính còn khoảng 2,46%. Còn theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến thời điểm 31/12/2016, chưa có một ngân hàng nào công bố tỷ lệ nợ xấu của mình vượt quá ngưỡng 3%. Giải quyết nợ xấu của các TCTD được sử dụng bằng tổng hợp các giải pháp: phát mại tài sản, cùng khách hàng xử lý tài sản, xiết nợ... trong đó, có tỷ lệ khá số nợ xấu được các TCTD bán cho VAMC. Trong 2016, theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hệ thống các TCTD đã xử lý khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6%, bán cho VAMC chiếm 21%. Chất lượng tín dụng theo báo cáo cũng cho thấy đã được cải thiện nhất định. Như vậy, từ 3 nguồn báo cáo khác nhau: của các TCTD, của NHNN và của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đều thống nhất điểm chung là tỷ lệ nợ xấu đều giảm, đồng thời, thừa nhận giải pháp xử lý nợ xấu qua VAMC có vai trò quan trọng. [caption id="attachment_174647" align="aligncenter" width="600"]
Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn, Nghị quyết 42 sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của TCTD, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước. (Ảnh internet)[/caption] Minh chứng cho điều này là ngay cả Eximbank (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam) - một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức khá cao sau báo cáo quý II/2016 (5,3%) song đáng mừng là trong 6 tháng cuối năm đã có 1.726 tỷ đồng nợ xấu được tái cơ cấu (phần lớn là được hoán đổi với trái phiếu VAMC) khiến tổng số nợ xấu của Eximbank đến cuối năm chỉ còn 2.558 tỷ đồng, chiếm 2,94% tổng dư nợ. Nhìn chung, trong năm qua, tình hình kinh doanh tại Eximbank đang có sự chuyển biến tích cực cả về lợi nhuận lẫn kiểm soát rủi ro tín dụng. Trong số 10 ngân hàng công khai minh bạch số liệu nợ xấu thì ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu) đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay thấp nhất với 0,87%. Đây cũng là ngân hàng duy nhất có con số dưới 1%. Tổng số nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2016 là 1.419 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Mới đây tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã khẳng định: Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, song từ đầu năm 2017 đến nay, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) một cách chủ động, linh hoạt, không chỉ duy trì ổn định trên thị trường tiền tệ mà còn góp phần quan trọng vào ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN đưa ra hàng loạt yêu cầu cho các đơn vị thuộc NHNN; các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Để triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Thống đốc NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung xây dựng và hoàn thiện ngay Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 với các nội dung tối thiểu sau: Đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động quản trị điều hành, cổ đông và sở hữu vốn điều lệ của TCTD; Xác định rõ mục tiêu, định hướng cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo từng năm trong thời gian từ nay đến năm 2020; Đề xuất các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và lộ trình thực hiện trên các mặt quản trị điều hành, cổ đông sở hữu cổ phần, thực trạng tài chính, mạng lưới hoạt động, khả năng cạnh tranh… đảm bảo phù hợp với các giải pháp cơ cấu lại nêu tại Đề án, các quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu khắc phục, xử lý các tồn tại, sai phạm, yếu kém của TCTD nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng? Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng ấn tượng từ đầu năm, và Nghị quyết 42 được coi là điểm tựa để nhóm cổ phiếu này tăng điểm và có thể tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm.
Nói về vấn đề này, ông Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường đào tạo BIDV cho rằng, có rất nhiều vấn đề sẽ được giải quyết nhờ Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Ví dụ như các khoản nợ xấu phải được mua bán theo cơ chế thị trường, đặc biệt cho phép các công ty định giá độc lập định giá nợ và tài sản thế chấp, cho phép phần chênh lệch so với sổ sách được phân bổ trong 10 năm, đặc biệt là phần tài sản đảm bảo được xử lý khá tích cực.
Trong khi đó, cách đây vài ngày, Toà án tối cao đã ban hành văn bản đầu tiên chỉ đạo các toà án địa phương tiến tới xử lý các văn bản liên quan đến nợ xấu. Chính phủ và NHNN cùng ban hành chỉ thị liên quan đến xử lý nợ xấu và NHNN cũng đã họp toàn ngành về việc triển khai nghị quyết như thế nào. Theo ông Lực, có 2 việc cần hết sức khẩn trương. Thứ nhất là rất nhiều văn bản sẽ phải được ban hành từ nay đến 15/8, thứ hai là phải xác định được quy mô chính xác hơn về nợ xấu. Bởi vì trong Nghị quyết của Quốc hội cũng có 1 số tiêu chuẩn về nợ xấu rõ ràng, cụ thể hơn. Như vậy, rõ ràng đó là tín hiệu tich cực đối với hệ thống ngân hàng. Đó cũng chính là lý do khiến cổ phiếu hệ thống ngân hàng tăng rất tốt. Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm kỳ vọng tăng tốt vì câu chuyện nợ xấu đang được xử lý. Việc có Nghị quyết là cơ hội rất lớn để xử lý triệt để câu chuyện nợ xấu vốn nhùng nhằng bao năm qua không được xử lý dứt điểm.
"Tôi tin tưởng rằng khi các bộ ngành vào cuộc xử lý rất quyết liệt thì sẽ có những kết quả tích cực, bản thân các ngân hàng cũng đang tiến hành rà soát phân loại nợ xấu", ông Lực chia sẻ. Điều thứ hai là đã tái lập những công ty mua bán nợ của ngân hàng.
"Những công ty này trước đây đã có nhưng hiện nay đã tái hoạt động. Các công ty này sẽ tham gia vào quá trình mua bán nợ. Lượng nợ xấu chiếm 10% dư nợ tín dụng sẽ tốn khoảng vài năm nữa để giải quyết xong và đưa nợ xấu xuống còn 3%", ông Lực nhận định
Bảo Quyên