Nghị quyết 68: Cánh cửa mở ra niềm tin, khát vọng vươn lên của kinh tế tư nhân
(NB&CL) Cộng đồng doanh nghiệp đón nhận Nghị quyết 68 với tinh thần, niềm tin phấn khởi vì lần đầu Đảng xác lập khu vực tư nhân là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế Việt Nam. Nhiệm vụ của doanh nhân là tăng tốc cất cánh, cùng xây dựng khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Mở “đường băng” thể chế cho cộng đồng doanh nghiệp
Sau 2 mốc đột phá là thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân và trao quyền kinh doanh, thì với Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, khu vực kinh tế tư nhân sẽ có sự thay đổi về chất. Với tinh thần xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện đột phá, nghị quyết là lời khẳng định mạnh mẽ của Đảng về vai trò then chốt, động lực quan trọng hàng đầu của khu vực kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển đất nước. Nghị quyết nêu rõ, sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.
Nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra và đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cần có những giải pháp tổng thể, toàn diện, đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là cần thiết và cấp bách.

Gần 40 năm thực hiện đường lối Đổi mới, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam ngày càng được khẳng định. Với hơn 940.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và hàng chục triệu lao động, khu vực này đã đóng góp khoảng 50% GDP, 30% thu ngân sách và hơn 80% việc làm cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, kinh tế tư nhân vẫn bị đặt trong tư thế “thứ yếu”, thiếu sự bình đẳng thực sự về cơ hội tiếp cận nguồn lực, thông tin, đất đai, tín dụng… Tình trạng chưa nhất quán giữa chủ trương và chính sách khiến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nhiều lúc bị bào mòn.
Chính vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 được xem là một bước ngoặt trong tư duy phát triển, khi không chỉ khẳng định vị thế và vai trò then chốt của kinh tế tư nhân, mà còn cam kết cải thiện môi trường thể chế, gỡ bỏ rào cản, tạo điều kiện để khu vực này bứt phá trong giai đoạn mới.
Từ tình hình trên, Bộ Chính trị yêu cầu tập trung quán triệt, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nội dung. Trong đó, quan điểm chỉ đạo được nêu rõ là “trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng”.
Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; cần được cụ thể hoá trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước.
Đồng thời, xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm.
Theo đó, Nghị quyết đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện.
Trước hết, đó là đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân. Trong đó, phải tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Sẽ thể chế hóa ngay bằng các giải pháp cụ thể
Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính – đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết 68 cho biết không chỉ dừng ở trên Nghị quyết, điều này sẽ được thể chế hóa bằng các giải pháp cụ thể. “Trong hơn 20 năm công tác, chưa bao giờ việc thể chế hóa lại được triển khai nhanh như hiện tại”, bà Thủy khẳng định. Cụ thể, khi xây dựng dự thảo Nghị quyết 68, Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể cũng đồng thời xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ.

Thủ tướng đã chỉ đạo, dự kiến cố gắng ban hành Nghị quyết của Quốc hội trước ngày 18/5, khi phổ biến Nghị quyết của Quốc hội cũng sẽ kèm theo chương trình hành động của Chính phủ. “Đến nay, chúng tôi cũng đã cố gắng thể chế hoá tối đa những gì nêu trong Nghị quyết 68 mà mình thấy rất rõ và làm được ngay. Có những vấn đề chúng ta cần thời gian nghiên cứu để đạt độ “chín” thì sẽ thể hiện ở các luật. Hiện nay như dự thảo, tinh thần là đưa toàn bộ, thậm chí có một số chính sách cũng đã có trong dự thảo các luật”, bà Thủy nói.
Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội đưa ra khoảng 9 nhóm giải pháp với những nội dung rõ ràng, cụ thể. Trong chương trình hành động của Chính phủ, dự kiến có khoảng 50 nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành. Phần lớn các nhiệm vụ này sẽ phải hoàn thành trong năm 2025. Những luật chưa trình kịp trong kỳ họp thứ 9 thì buộc phải trình tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025). Một số nội dung cần thêm thời gian sẽ được lùi sang năm 2026.
Nghị quyết lần này có tầm nhìn tới năm 2045, nhưng tất cả nhiệm vụ chính yếu vẫn được dồn lại trong 2 năm. Nhiệm vụ thường xuyên sẽ hoàn tất vào cuối 2025, chỉ một vài nội dung chuyển sang năm 2026. Mục tiêu là đến cuối 2025, công tác thể chế phải cơ bản hoàn tất. Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ là giai đoạn khơi thông, phát huy nguồn lực tư nhân để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng 8% và hướng tới tăng trưởng hai con số.