Nghi vấn thêm cuốn sách cổ ‘Việt âm thi tập’ bị thất lạc?
(CLO) Ngày 21/12, TS Nguyễn Xuân Diện, Phó phòng phụ trách Phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thông tin trên trang cá nhân cho biết, cuốn “Việt âm thi tập” tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng biến mất, giống như 25 cuốn sách cổ đã được xác nhận thất lạc trước đó.
Bài liên quan
25 cuốn sách cổ quý giá ‘biến mất khỏi kho lưu trữ’
Thêm một cuốn sách cổ Việt Nam vào danh sách di sản thế giới
Thông tin của TS Nguyễn Xuân Diện đăng tải vào trưa ngày 21/12 tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận, sau khi ông thông tin về việc 25 cuốn sách cổ quý giá biến mất khỏi kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong đó có 4 cuốn Toàn Việt thi lục thuộc 3 bộ khác nhau.
Hiện thông tin mà TS Nguyễn Xuân Diện đưa ra (giống thông tin 25 cuốn sách cổ thất lạc) vẫn chưa được Viện Nghiên cứu Hán Nôm xác nhận. Tuy nhiên, nếu việc này xảy ra thì đây thực sự là điều đáng lo ngại trước tình trạng thất lạc những cuốn sách được xem là “bảo vật” quốc gia, cũng như công tác bảo quản, lưu giữ những tài sản quý giá tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Trước đó, vào sáng 21/12, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã xác nhận với báo chí việc thất lạc 25 cuốn sách quý mà Viện này quản lý, sau khi TS Nguyễn Xuân Diện thông tin trên mạng xã hội. Theo lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đơn vị này đang tổ chức tìm kiếm và rà soát lại, cũng như báo cáo cấp trên.
Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nơi lưu giữ các cuốn sách cổ - Ảnh: Đắc Huy
Dư luận đang rất quan tâm việc 25 cuốn sách cổ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm bị thất lại và cuốn "Việt âm thi tập" cũng đang trong nghi vấn thất lạc - Ảnh: Viện Nghiên cứu Hán Nôm
TS Nguyễn Xuân Diện, Phó phòng phụ trách Phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thông tin trên trang cá nhân - Ảnh: FBNV
Hiện dư luận đang dành sự quan tâm lớn trước những thông tin mà TS Nguyễn Xuân Diện cung cấp, mới nhất là về cuốn Việt âm thi tập.
Việt âm thi tập (Tập thơ ghi lại âm thanh của nước Việt) là tuyển tập thơ viết bằng chữ Hán do Nhà sử học Phan Phu Tiên (1370 -1462) và Thị Ngự sử Chu Xa (1407 - ?) kế tục biên soạn. Đây là bộ hợp tuyển "đầu tiên" trong số ba bộ xuất hiện kế tiếp ở thế kỷ 15, đó là: Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi và Trích diễm thi tập. Cuốn Việt âm thi tập được xem là tuyển tập thơ đầu tiên của dân tộc ta.
Theo ghi chép về sự ra đời của Việt âm thi tập, sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thành công (1428), "vì binh lửa, số thơ (của các thi gia) còn lại chỉ được một hai phần nghìn", cho nên Phan Phu Tiên (lúc bấy giờ đang làm việc ở Viện Quốc Sử) bèn ra công thu thập lại, đến năm 1433 thì hoàn thành. Sau đó, ông đặt tên sách, viết lời tựa và định đem khắc in thì được bổ làm An phủ sứ ở Thiên Trường (Nam Định ngày nay), rồi ở Hoan Châu (Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay), nên đành phải gác lại.
Năm 1446, Thị ngự sử Chu Xa nhận thấy "Việt âm thi tập do quan làm sử trước kia là Phan Phu Tiên biên soạn còn chưa được đầy đủ", vì thế đã ra công sưu tập thêm, đến năm 1459 thì xong, được Lý Tử Tấn viết tựa, hiệu chính và điểm lời phê bình, và được vua Lê Nhân Tông cho phép in vào năm đó.
Căn cứ bài biểu dâng sách của Chu Xa, thì Việt âm thi tập gồm 6 quyển, với 624 bài thơ của 119 nhà thơ dưới các triều đại, từ Trần đến Lê sơ. Có thơ của người làm quan và không làm quan, của người Việt Nam làm quan ở Trung Quốc và của người Trung Quốc đi sứ sang Việt Nam. Mỗi nhà thơ đều có chua tiểu sử và sau mỗi bài đều có chua điển tích. Tuy nhiên, theo lời của Lý Tử Tấn, thì sách có hơn 700 bài.
Hiện nay, ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) chỉ còn lưu giữ được một bản nhưng không đầy đủ, mang ký hiệu số A. 1925. Đây chính là bản in lại một bản in năm Bảo Thái thứ 10 (1729).
Bản A. 1925 in bằng ván gỗ, giấy dó khổ 24 cm x 16 cm, tổng cộng 68 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 10 dòng. Bản sách A. 1925 chỉ có đủ 3 quyển đầu, gồm 288 bài thơ của 54 tác gia. Bản sách này chưa được số hóa.
Theo đánh giá, bộ Việt âm thi tập là một vốn cổ quý giá, không những về thơ văn, mà nó còn là một tài liệu quý hiếm về cả mặt sử học, vì lời chú dẫn có trong sách. Ngoài ra, nó còn cho biết kỹ thuật in ấn của Việt Nam lúc bấy giờ. Song, ưu điểm nổi bật hơn cả của Việt âm thi tập, đó là niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, nhất là về tiếng nói đặc sắc mang vẻ đẹp và tâm hồn Việt Nam. Ngày nay, có thể nói phần lớn thơ ca ở thời đại Trần - Hồ và đầu đời Lê còn giữ lại được cũng là nhờ Việt âm thi tập.
Năm 2004, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Đại học Sư phạm Hà Nội) phát hiện được một bản Việt âm thi tập khác với bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu trữ. Đó là cuốn Việt âm thi tập mang ký hiệu R.1629 hiện lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội.