Nghĩa đồng bào

Chủ nhật, 14/02/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nghĩa đồng bào là một trong những yếu tố cốt lõi của văn hóa Việt. Nghĩa đồng bào làm nên hạnh phúc, làm nên sức mạnh. Nhờ đó, dân tộc ta đã vượt qua muôn ngàn thử thách gian nan của lịch sử, từ thiên tai đến nhân họa để tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

Hiểu rõ nghĩa đồng bào, vun đắp tình nghĩa của “người trong một nước” là một trong những phương cách căn bản để đưa đất nước phát triển bền vững, đưa con người đến bến bờ hạnh phúc.

Trong quá trình hội nhập toàn cầu hiện nay, thế giới biết nhiều đến Việt Nam hơn. Trước hết, họ biết được sự cởi mở của người Việt Nam, cảnh đẹp của Việt Nam, món ăn của Việt Nam, gọi Việt Nam là “thiên đường ẩm thực”, là “miền đất không thể không đến”...

Điều quan trọng là, trong sự cọ xát ấy, chúng ta ngày càng biết rõ mình hơn, từ những hạn chế, đến những ưu trội khiến chúng ta có thể tự tôn, tự hào về dân tộc mình và vun đắp cho giá trị văn hóa dân tộc đã đạt đến đỉnh cao nhân loại. Trong văn hóa, quan trọng nhất là ứng xử giữa con người với con người. Trong ứng xử con người, người Việt coi trọng Tình – Nghĩa, đây chính là một đặc sắc mà thế giới ngưỡng mộ.

Thầy trò Hà Nội gói bánh chưng ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung. Ảnh: T.L

Thầy trò Hà Nội gói bánh chưng ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung. Ảnh: T.L

Nền văn hiến Việt Nam là một nền văn hiến thống nhất, được bồi đắp không ngừng qua mọi thời kỳ lịch sử, là một nền văn hiến không chỉ nhận thức thế giới, mà còn kiến tạo nên một thế giới tình thương. Cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xã, đất nước là một thể thống nhất, không thể tách rời. Người Việt từ lâu đã hiểu rằng: cả cộng đồng đều chăm lo cho sự phát triển của cá nhân (thí dụ: cả nhà, cả làng đều dồn sức cho một người có khả năng học tập, thành đạt). Từ trong máu thịt của mỗi người, đều nuôi chí vì nhà, vì nước; đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng và không  coi đấy là một sự hy sinh, thiệt thòi mà chính là hạnh phúc. Khi người thân mất đi, người Việt đau buồn hơn cả. Con cái, bố mẹ mất đi thì cuộc sống đã mất hầu hết ý nghĩa. Nhìn thấy đứa con ra đời, phát triển, có chết cũng thỏa lòng! Và đó là hạnh phúc.

Năm 2012, tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation (Anh) đã xếp Việt Nam là quốc gia có chỉ số hạnh phúc đứng thứ hai trên thế giới. Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc cũng xếp Việt Nam là đất nước hạnh phúc ở thứ hạng cao trong nhiều năm (năm 2020 đứng thứ 83 trên thế giới).

***

Năm 2020, Việt Nam và cả thế giới rơi vào thảm họa dịch Covid-19. Miền Trung Việt Nam còn bị lũ chồng lên lũ, hàng chục tỉnh thành bị nhấn chìm trong biển nước. Vậy mà, Việt Nam đã hạn chế được  thiệt hại ở mức thấp nhất, nền kinh tế vẫn có sự tăng trưởng.

Bác Hồ nói: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước... Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Ta cũng có thể nói: Dân ta có một tình thương bao la. Mỗi khi hoạn nạn, tình thương ấy kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn; tình thương ấy kết cả nước thành một khối cùng sống cùng chết để băng qua hoạn nạn; tình thương ấy không chỉ sưởi ấm một thời mà còn sưởi ấm và làm gương, làm bài học sống còn cho đời sau.

Xúc động biết bao khi bao nhiêu bà mẹ như mẹ Tửu, mẹ Ba (Hà Tĩnh) dốc hết tiền tiết kiệm dưỡng già, bòn mót từng cân gạo mớ rau để tiếp tế cho khu cách ly, để góp phần chống dịch. Xúc động biết bao khi bao nhiêu em bé ở độ tuổi tiểu học, đã biết góp sức mình bằng những đồng tiền được mừng tuổi như Phạm Khắc Ngọc Bảo (Hải Phòng), Nguyễn Ngọc Trinh, Nguyệt Anh (Hà Nội)... Các em bàng hoàng khi nghe nói “Hà Nội toang rồi”... Với lòng yêu Hà Nội, yêu đất nước Việt Nam, các em thấy Hà Nội không yên, đất nước không yên thì lòng mình sao yên được? “Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách” đâu chỉ dành cho người lớn. Hà Nội không thể mất, nước ta không thể mất, không thể bị đe dọa bởi bất cứ điều gì khi mọi người dân, từ trẻ thơ đều nhận thức, đều có tấm lòng như vậy!

Trong bão lũ miền Trung, ta cũng thấy cả nước thức cùng vùng lũ, sẻ chia cùng vùng lũ. Ca sĩ Thủy Tiên chỉ 2 ngày quyên được 20 tỷ đồng, lội sóng mang tấm lòng đến với đồng bào. Những vị tướng và bao nhiêu người lính đã đi cứu hộ và hy sinh. Một trang web cuuhomientrung ngay lập tức được lập ra để cập nhật thông tin, làm cầu nối cho – nhận. Một phong trào, một làn sóng vì miền Trung dấy lên khắp cả nước, mang sự tiếp tế kịp thời, đầy đủ đến mức, có nơi xin không nhận nữa. Những cây gạo ATM, những quán cơm miễn phí mọc lên khắp nơi, làm từ thiện không cần nêu tên...

***

Lại trở về văn hóa. Trong truyền thuyết người Việt, có truyền thuyết Âu Cơ. Mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nở thành trăm con, 50 đứa lên rừng, 50 xuống biển... Rất nhiều thông điệp trong truyền thuyết này. Đó là mơ ước sinh đẻ nhiều để duy trì và phát triển nòi giống. Và đó, quan trọng hơn là nhắc nhủ rằng, tất cả mọi người chung sống trên mảnh đất này đều từ một bọc (đồng bào) mà ra, là con của một mẹ. Trên đất này, có nhiều tộc người, dù không đồng tộc, cũng phải coi nhau như con một mẹ. Hàng nghìn đời nay, mỗi trẻ Việt lớn lên đều được nhắc nhở từ trong nôi rằng, “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “anh em như thể chân tay, rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”... Trong nhà là tình, tình thân máu chảy ruột mềm, ra ngõ là nghĩa, là đối nhân xử thế cho có nghĩa, có nghì. Tình sinh ra nghĩa, nghĩa nặng thêm tình. Người Việt khẳng định: không kể gì trai, gái; không kể dòng máu hay không, cái quan trọng nhất là phải có tình, có nghĩa. Ngày nhỏ, tôi cứ nghe ru Trai mà chi, gái mà chi/Cốt sao có nghĩa có nghì thì hơn (dị bản: sinh con có nghĩa có nghì thì hơn). Nghe câu ấy, tôi chưa hiểu nghĩa như bây giờ, nhưng cứ rưng rưng, cứ muốn sống sao cho có nghĩa, có nghì. Cái “nghĩa” nó rộng lắm, là sống cho phải phép, biết trên kính dưới nhường, biết trả ơn, biết làm điều tốt cho người khác, là biết hy sinh vì nước, vì nhà; là biết nghĩ phải, làm phải, không hại người, biết bênh vực kẻ yếu “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã”... Còn nghì là thích nghi, làm con phải hiếu, làm dân phải trung với nước, làm cha mẹ phải hiền từ, làm bạn phải tín nghĩa, bao dung...

Thầy trò Hà Nội gói bánh chưng ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung.

Thầy trò Hà Nội gói bánh chưng ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung.

Người Việt Nam nghèo, thiên tai địch họa liên miên. Vậy nên không chung lưng với nhau, không chia sẻ với nhau lúc hoạn nạn thì không ai sống được. Rồi lại làm ruộng nước, lấy nước, tiêu úng đều phải qua ruộng của nhau. Làm nhà, cưới hỏi nhờ nhau, vui với nhau. Vì thế mà sinh ra đoàn kết. Sự sẻ chia, đùm bọc thành một lối sống, một bản chất dân tộc, một kỳ diệu Việt Nam. 

Nạn đói năm 1945 có thể làm chết không chỉ 2 triệu người mà còn gấp nhiều lần thế nữa, nếu Chính phủ mới không có quyết sách kịp thời, nếu không có sự sẻ chia của đồng bào cả nước.

Ngày 2/9/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam DCCH ra mắt quốc dân đồng bào. Ngay hôm sau, Chính phủ họp phiên đầu tiên đã đặt việc cứu đói thành một nhiệm vụ đầu tiên, cấp bách.

Chính phủ ra Lời kêu gọi lạc quyên:  “chống đói cũng như chống ngoại xâm”, Báo Cứu Quốc ngày 28/9/1945 đăng thư của Hồ Chủ tịch: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” (Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H.1995, tr.31).

Tại buổi khai mạc lễ phát động phong trào cứu đói được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bác Hồ đã đem phần gạo nhịn ăn của mình đóng góp trước tiên...

***

Đó là nghĩa đồng bào. Nghĩa đồng bào là một trong những yếu tố cốt lõi của văn hóa Việt. Nghĩa đồng bào làm nên hạnh phúc, làm nên sức mạnh. Nhờ đó, dân tộc ta đã vượt qua muôn ngàn thử thách gian nan của lịch sử, từ thiên tai đến nhân họa để tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Hiểu rõ nghĩa đồng bào, vun đắp tình nghĩa của “người trong một nước” là một trong những phương cách căn bản để đưa đất nước phát triển bền vững, đưa con người đến bến bờ hạnh phúc.

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn