Nghĩa tình là thứ quý nhất

Thứ hai, 03/01/2022 15:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nghĩa tình là thứ vô giá. Tình yêu thương giúp cho cuộc sống trở nên nhân văn, tốt đẹp điều mà ông bà ta đã tổng kết: Nhiễu điều phủ lấy giá gương; Tối lửa tắt đèn có nhau; Chị ngã em nâng… Đại dịch COVID-19, đẩy thế giới trong đó có Việt Nam vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, vô cùng khó khăn...

1. Cụ Thái Duy - nhà văn, nhà báo Trần Đình Vân với tác phẩm “Sống như Anh” nổi tiếng thời đánh Mỹ, một cuốn sách sống mãi với thời gian, nhắc tôi:

- Năm mới cận kề, cậu viết một điều gì đó về nghĩa tình vào lúc này cũng hay.

Tôi trả lời cụ:

 - Nghĩa tình nhiều lắm, nhưng chọn viết cái gì vào lúc này không dễ?

Trên điện thoại, tôi không nghe cụ nói gì thêm mà chuyển sang chủ đề khác. Thái Duy là nhà báo, nhà văn tên tuổi có những năm tháng làm báo, viết văn, chiến đấu tại Mặt trận Sài Gòn - Gia Định, hành quân dài ngày trên đường Trường Sơn, một đời cày chữ, không có chức tước gì trong giới báo chí văn nghệ ngoài chức… phóng viên. Cụ Thái Duy sinh năm 1926, tuổi cao mà vẫn tỉnh táo, minh mẫn, bách niên giai lão, một trong những người được vinh danh nhà báo cách mạng tiêu biểu xuyên qua hai thế kỷ.

nghia tinh la thu quy nhat hinh 1

Nhà báo Cao Kim (Kim Toàn) và nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân), tại Hà Nội, tháng 4/2021.

Cụ Thái Duy thúc thắc kể chuyện:

- Quốc Toàn ơi, từ Hải Phòng, Cao Kim vẫn thường điện thoại lên Hà Nội mấy lời thăm hỏi nhau, quý lắm. Tớ vứt cái điện thoại cục gạch vào gầm tủ, con cháu nói sắm cái điện thoại thông minh nhưng tớ từ chối, già rồi cứ cái điện thoại bàn để đầu giường cho nó tiện.

Cụ Thái Duy tiếp tục:

- Hiện nay ở phía Bắc chỉ còn tớ và Cao Kim là phóng viên báo Giải Phóng còn sót lại. Sau Vũ Tuất Việt đến lượt Đinh Phong và nhiều bạn khác cũng đi rồi. Hai chúng tớ đang chờ dịp hàn huyên với nhau khi dự họp mặt kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống báo Đại Đoàn Kết. Cuộc đời mình cũng chỉ làm báo của Mặt Trận. Cứu Quốc, Giải Phóng, Thống Nhất cuối cùng vẫn quy về Đại Đoàn Kết.

Cụ Thái Duy nói vui:

- Vài lần nhập bệnh viện tim, nhưng Cao Kim giấu biệt, tọt về Hải Phòng êm xuôi rồi mới báo: Em đi viện nhưng không báo với ông anh, làm khổ ông già sắp trăm tuổi lọ mọ thăm chú em ngoại bát thập đâu có tiện? Mà suy cho cùng Cao Kim nói cũng có lý, thế là hai anh em cười khì.

Cụ Thái Duy húng hắng ho, giọng tưng tửng mà trong trẻo:

- Năm ngoái, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức khánh thành Bảo tàng Báo chí, đưa Bảo tàng đặc thù này vào hoạt động, cũng là dịp may Thái Duy đến dự gặp Cao Kim ở đó, có Quốc Toàn trong Nam bay ra. Xong việc, mình và Cao Kim đi làm vại bia với lạc rang chuyện trò tếu táo. Già rồi có uống được gì nữa đâu, ngồi lại là để nhớ về nhau, một thời gian khổ. Thân già, dịch COVID-19 chẳng có dịp gặp lại, hơn năm rồi.

Cụ Thái Duy vẫn mạch lạc:

- Sau lần đó tớ bị té ngã gãy chân, không phải một lần mà tới hai lần, chân lành thành chân què. Cao Kim đòi lên thăm, tớ ngãng ra, dịch bệnh, già cả thăm nom mà làm gì, a-lô hỏi thăm nhau vài ba câu là tốt rồi!

nghia tinh la thu quy nhat hinh 2

Nhà báo Kim Toàn và nhà báo Quốc Toàn, tháng 4/2015.

Cụ Thái Duy là vậy. Một ký giả lừng danh, thẳng thắn, cương trực, nghĩa tình trong đời thường và trên trang viết. Nhà nằm trong ngõ nhỏ phố Lý Thường Kiệt, hai cậu con trai, đứa ở Hà Nội, đứa ở bên Đức, 5 cháu nội, mấy đứa ở gần ông chúng cũng đi cả ngày. Cụ tâm tình, bạn bè một thuở sót lại chẳng nhiều, già lụ khụ cả rồi, dịch hay không dịch thì vẫn là ai ở đâu ở yên đấy. Điện thoại hỏi han nhau mấy câu là quý hóa lắm, nghĩa tình là thứ quý nhất trên đời, mọi cái rồi qua đi, giàu có cũng chẳng là gì, nghĩa tình là vĩnh cửu, sống mãi với năm tháng.

2. Tối 20/11, tôi lướt nhanh Facebook, bắt gặp mấy sự kiện nghĩa tình về ngày nhà giáo Việt Nam của bạn hữu xa gần.

Tuần báo Văn Nghệ số 47 ra ngày 20/11, trên trang 3 trong mục “Tiếng nói nhà văn” đăng Thư ngỏ, cũng là lời chúc mừng nồng nhiệt của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều gửi thầy giáo Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nêu hai khái niệm ĐỨC HẠNH và TRÍ TUỆ của nền giáo dục nước nhà. Nền giáo dục thành công làm cho tiềm năng trong mỗi con người được giải phóng và phát triển cao nhất chứ không phải sản xuất ra những USB biết chuyển động và coppy. Thầy Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói rằng, đức hạnh và trí tuệ của nền giáo dục tạo ra những tri thức lớn và những nhân cách lớn cho đất nước. Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ đổi mới việc dạy và học môn Văn - tiếng Việt, chấm dứt dạy theo bài văn mẫu; dạy và học môn Lịch sử - học Lịch sử, hiểu Lịch sử dân tộc để làm người. Đổi mới dạy và học văn, sử để tăng cường tính sáng tạo của học sinh. Mục tiêu cao nhất của giáo dục là làm ra sản phẩm cao quý, thiêng liêng nhất cho thế gian này: Rèn người. Học để có tình yêu thương. Chí khí trong tâm hồn, học sinh mới chứa đựng tình yêu thương và cái đẹp.

Nghĩa tình là cái lớn nhất, điều cần nhất. Cuộc sống nghĩa tình đơm hoa kết trái, sản phẩm nền tảng mà nền giáo dục mang lại. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại câu chuyện nghĩa tình của ngày xưa, cô giáo chủ nhiệm bị ốm, lũ học trò hô nhau mỗi đứa góp một quả trứng mang đến nhà thăm cô. Có bạn góp trứng gà, có bạn góp trứng vịt, nhà nghèo nên có gì góp thứ ấy. Cô giáo đã bật khóc vì xúc động nhìn những quả trứng gà vịt, lớn bé khác nhau, khóc về nghĩa tình mà các trò dành cho cô giáo. Tình cô trò ngày xưa chân thành, mộc mạc, từ trái tim, ngày nay không dễ gì tìm kiếm?

Một đồng nghiệp của tôi, nhà báo Lương Kiên Định nhiều năm tham gia Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập báo Khánh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Khánh Hòa điện thoại đúng vào đêm kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam:

- Bác ơi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có phải là con trai của bác Kim Toàn không?

Tôi trả lời:

- Đúng rồi, Bộ trưởng Kim Sơn chính là con trai của nhà báo Cao Kim

Lương Kiên Định hỏi thêm:

- Em hỏi có khi không phải, không biết bác Kim Toàn còn không?

- Vẫn còn, số điện thoại bác Kim Toàn đây 091.324.24 … chú Định có thể điện thoại chúc mừng. Ông vẫn viết sách viết báo, năm nào cũng có bài viết “Chuyện bây giờ mới kể”!

Tỉnh ủy viên, nhà báo Lương Kiên Định luân chuyển làm Bí thư Thị ủy Ninh Hòa, về tỉnh làm Bí thư Đảng ủy khối Dân Chính Đảng, nên mấy năm sau này ít có dịp gặp lại nhà báo Kim Toàn. Vậy mà khi đọc thư ngỏ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trên báo Văn Nghệ vẫn linh cảm được nhà báo Kim Toàn là thân phụ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cũng là nghĩa tình lắm!

- Em cứ nghĩ bác Kim Toàn họ Cao - Cao Kim Toàn?

- Không phải, Cao Kim là bút danh. Kim Toàn cao lênh khênh như lính tây, nên thời kỳ ở báo Giải Phóng, cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - Mặt trận B2, mọi người gọi luôn Kim Toàn là Cao Kim, bút danh Cao Kim có từ đó, hơn nửa thế kỷ nay.

Quốc Toàn làm cầu nối chuyển các tin nhắn của nhà báo Lương Kiên Định cho nhà báo Kim Toàn, Kim Toàn nhận ra ngay, còn nhắc đến thân phụ của Lương Kiên Định là nhà báo “lão” Lương Ngọc Chương, một thời làm sếp báo Đảng Hà Nam Ninh, báo Nam Hà, cùng thời với sếp báo Kim Toàn ở báo Hải Phòng, nhóm báo Đảng địa phương thân thiết khu vực Đồng bằng Bắc bộ.

Chuyện bạn bè, đồng nghiệp một thuở từ ngày ấy cứ móc nối với nhau ấm áp, rất nghĩa tình.

3.Nghĩa tình là thứ vô giá. Tình yêu thương giúp cho cuộc sống trở nên nhân văn, tốt đẹp điều mà ông bà ta đã tổng kết: Nhiễu điều phủ lấy giá gương; Tối lửa tắt đèn có nhau; Chị ngã em nâng… Đại dịch COVID-19, đẩy thế giới trong đó có Việt Nam vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, vô cùng khó khăn. Kinh tế suy thoái, cả hành tinh có hơn 5 triệu người tử vong, riêng Việt Nam có hơn 24.000 người mãi mãi đi xa, về với cõi vĩnh hằng, đảo lộn đời sống kinh tế, nếp sống văn hóa - xã hội. Ở Việt Nam, hai tiếng đồng bào trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Đêm tưởng niệm hàng vạn đồng bào tử vong và những chiến sỹ trên tuyến đầu chống dịch hy sinh dâng trào cảm xúc, tiếng chuông nhà thờ vang lên, tiếng mõ chùa gõ nhịp, còi tàu trên bến cảng hú vang, hàng ngàn ngọn hải đăng nhè nhẹ xuôi dòng, đau thương tưởng nhớ những người đã ra đi; tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp, nghĩa tình thủy chung, đồng lòng - chung sức chống dịch như chống giặc, hết lòng chăm lo sức khỏe người nhiễm bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

nghia tinh la thu quy nhat hinh 3

Từ phải sang trái: nhà báo Nguyễn Hồ (nguyên phóng viên báo Giải Phóng); Nhà báo, nhà văn Thái Duy; nhà báo Cao Kim; ông Hà Đức Thanh (cán bộ báo Giải Phóng) cùng gặp lại nhau trong cuộc Trưng bày chuyên đề và ra mắt bộ phim tài liệu "Giải Phóng- Tờ báo trên tuyến lửa" tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, cuối năm 2020.

Bộ lịch chào năm mới Nhâm Dần - 2022 với cành mai Vàng “An trú” tươi sắc màu, trên đó khắc lên những câu thư pháp thật ý nghĩa đối với cuộc sống hôm nay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Hãy lắng nghe nhau”, “Con trân quý những tháng năm còn lại”, “Ngồi thật vững chãi chuyện gì cũng qua”, nhắc nhở mỗi người cuộc sống nghĩa tình, an nhiên, tích cực, hướng tới cái đẹp, sự cao thượng. Nghĩa tình trái với thói ích kỷ, vụ lợi, kéo bè kéo cánh, chia rẽ nội bộ đang có ở đâu đó. Cuộc sống không nghĩa tình gây bao hệ lụy, tai tiếng. Về già mỗi lần gặp nhau, nên cười hay nên khóc? Trái lại, cuộc sống nghĩa tình tạo nên sức mạnh của dân tộc, cộng đồng, cơ quan, hiệp hội đủ sức vượt qua thiên tai, địch họa, dịch bệnh và mọi gian khó.

Xây dựng một nền giáo dục đức hạnh và trí tuệ như Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều gửi thư ngỏ tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; chuyện ngành giáo dục đang hướng tới, tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục, trong đó có việc đổi mới phương pháp dạy và học Văn, dạy và học Sử để từ đó mà dạy và học làm Người. Đổi mới để xây dựng văn hóa Nghĩa tình - Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy! …

Trước thềm năm mới 2022.

Nhà báo Quốc Toàn

Tin khác

Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

Giải thưởng Báo chí TTXVN 2023: Ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết với nghề

(CLO) Chiều 25/4, Lễ trao Giải thưởng Báo chí Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) năm 2023 đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Nghề báo
Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

Tạp chí Thanh niên phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận”

(CLO) Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

Nghề báo
Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ  2024”

Báo Quân đội nhân dân tổ chức Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2024”

(CLO) Cuộc đua xe đạp lần thứ 5 “Về Điện Biên Phủ năm 2024 - Cúp Báo Quân đội nhân dân” sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 5/5 trên tổng lộ trình 525 km từ Thủ đô Hà Nội tới thành phố Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

(CLO) Ngày 25/4/2024, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Q. Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập cao, sinh viên nghèo vượt khó tại Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Khoa Viết Văn – Báo chí, Đại học Văn hóa và Học viện báo chí và Tuyên truyền.

Nghề báo
Quỹ từ thiện 'Ước mơ xanh' - Báo Nhà báo & Công luận đồng hành với các bệnh nhi ung thư

Quỹ từ thiện "Ước mơ xanh" - Báo Nhà báo & Công luận đồng hành với các bệnh nhi ung thư

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao quà cho các bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều và Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội.

Nghề báo