Biến đổi khí hậu

Nghiên cứu: Băng tan khiến các vụ phun trào núi lửa dữ dội hơn

Hà Trang (theo The Guardian) 09/07/2025 06:49

(CLO) Một nghiên cứu tại Chile cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ phun trào núi lửa, khiến chúng có xu hướng bùng nổ dữ dội hơn, đồng thời cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn ở Nam Cực.

Sự tan chảy của các sông băng và chỏm băng do nhiệt độ toàn cầu tăng cao có thể dẫn đến một loạt vụ phun trào núi lửa dữ dội, theo một nghiên cứu mới. Khi băng tan, áp lực lên các khoang magma dưới lòng đất giảm xuống, khiến hoạt động núi lửa trở nên dễ xảy ra hơn.

Hiện tượng này từng được quan sát tại Iceland, nằm trên ranh giới mảng kiến tạo giữa đại dương, nhưng nghiên cứu ở Chile là một trong những bằng chứng đầu tiên cho thấy hoạt động núi lửa tăng mạnh ở lục địa sau Kỷ Băng Hà cuối cùng.

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm nóng hành tinh và góp phần làm tan các chỏm băng trên toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng khu vực tây Nam Cực, nơi có ít nhất 100 ngọn núi lửa dưới lớp băng, là khu vực có nguy cơ cao nhất nếu băng tiếp tục tan trong vài thập kỷ hoặc thế kỷ tới.

Screenshot 2025-07-08 165513
Núi lửa Erebus ở Nam Cực. (Ảnh: US Arctic Program)

Dù các vụ phun trào có thể tạm thời làm mát Trái Đất bằng cách đưa các hạt phản chiếu ánh sáng mặt trời lên khí quyển, các đợt phun trào liên tiếp lại thải ra lượng lớn khí nhà kính như CO₂ và methane, làm trái đất ấm lên thêm. Điều này có thể dẫn đến vòng luẩn quẩn nguy hiểm: băng tan gây phun trào – phun trào lại làm khí hậu nóng hơn.

Người đứng đầu nghiên cứu Pablo Moreno-Yaeger cho biết: “Khi sông băng rút vì biến đổi khí hậu, chúng tôi thấy núi lửa có xu hướng phun trào thường xuyên và dữ dội hơn”.

Nhóm nghiên cứu đã tập trung vào núi lửa Mocho-Choshuenco và sử dụng phương pháp xác định năm bằng đồng vị phóng xạ để phân tích các lớp đá hình thành trước, trong và sau Kỷ Băng Hà cuối cùng. Vào thời điểm đó, khu vực này bị bao phủ bởi lớp băng dày tới 1.500 mét.

Dữ liệu cho thấy lớp băng dày từng kìm hãm các vụ phun trào từ 26.000 đến 18.000 năm trước, khiến một hồ magma tích tụ ở độ sâu 10–15km. Khi băng tan khoảng 13.000 năm trước, áp lực giảm, khí trong magma giãn nở và gây ra các vụ phun trào bùng nổ.

“Chúng tôi phát hiện sau khi băng tan, núi lửa không chỉ phun trào nhiều hơn mà còn thay đổi thành phần” Moreno-Yaeger nói. Khi bị kìm nén, magma có thời gian hòa tan thêm vật chất từ lớp vỏ trái đất, khiến nó trở nên đặc hơn và dễ phát nổ hơn khi thoát ra ngoài.

Ông nhấn mạnh hiện tượng này không chỉ ở Iceland mà cũng có khả năng xảy ra tại Nam Cực và nhiều khu vực khác như Bắc Mỹ, New Zealand hay Nga cũng cần được giám sát kỹ hơn.

Trước đây, một số nghiên cứu cho thấy hoạt động núi lửa toàn cầu tăng từ 2 đến 6 lần sau Kỷ Băng Hà cuối cùng, nhưng nghiên cứu tại Chile là một trong những công trình đầu tiên làm rõ cơ chế của hiện tượng này. Một nghiên cứu tương tự từng được ghi nhận qua phân tích đá vào năm 2004.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghiên cứu: Băng tan khiến các vụ phun trào núi lửa dữ dội hơn
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO