Bảo tàng Báo chí Việt Nam:

Nghiên cứu khoa học để làm tốt… Bảo tàng!

Thứ năm, 10/10/2019 09:16 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tháng 3 năm 2017, tại Hội báo Toàn quốc năm đó, Bảo tàng Báo chí Việt Nam lúc bấy giờ chưa ra đời nhưng đã mạnh dạn trình làng một trưng bày nhỏ mang một cái tên khá “lớn”: “Báo chí Việt Nam – Một thế kỷ Đề tài nữ, Tác giả nữ”.

Quá trình nghiên cứu triển khai trưng bày của Bảo tàng đã có một phát hiện thú vị qua khảo sát những bài viết của Gia Định báo – tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, “đề tài nữ” đã xuất hiện từ những năm 1882 - 1885, khác với một số nghiên cứu khoa học, luận án tiến sĩ, sách đã xuất bản cho rằng đề tài nữ mới xuất hiện “từ khoảng những năm 1907 - 1908” trên báo chí Việt Nam…

Để mỗi hiện vật “kể” được những câu chuyện xác thực nhất, hấp dẫn nhất, những công việc quan trọng của Bảo tàng Báo chí Việt Nam luôn bắt đầu bằng việc triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học. Một trong những đề tài nghiên cứu mà họ làm được trong năm 2018 -2019 vừa qua, là đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm phát huy giá trị Di sản văn hóa Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”. Nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết đó chính là “cách làm Bảo tàng” mà bà và các đồng nghiệp trẻ của mình đã học tập được từ những người đi trước, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng.

Bảo tàng cũng dành rất nhiều thời gian gặp gỡ con trai của nhà báo Wilfred Burchett để hoàn thành được đề tài khoa học “Bước đầu nghiên cứu, phân loại nhóm hiện vật của Nhà báo Wilfred Burchett tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam”.

Bảo tàng cũng dành rất nhiều thời gian gặp gỡ con trai của nhà báo Wilfred Burchett để hoàn thành được đề tài khoa học “Bước đầu nghiên cứu, phân loại nhóm hiện vật của Nhà báo Wilfred Burchett tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam”.

Bà chia sẻ: Đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm phát huy giá trị Di sản văn hóa Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”, ngay từ đầu đã rất khó khăn, nhóm tác giả nghiên cứu phải bắt đầu từ việc khảo sát tìm kiếm và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn, nhiều kênh. Tiến hành khảo sát, nhóm tác giả nghiên cứu nhận thấy có rất ít tài liệu đề cập đến ngôi trường này và một số các bài báo đăng trên báo Cứu quốc, Nhân dân, một số hình ảnh tư liệu trong phim “Ký ức Bờ Rạ” của Đài Truyền hình Việt Nam. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã tiếp cận một số cuốn sách viết về báo chí kháng chiến có đề cập đến ngôi trường này ở các góc độ khác nhau như Những chặng đường báo Cứu quốc (Hồi ký) của nhóm tác giả: Xuân Thủy, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Văn Hải, Tô Hoài, Nguyễn Tiêu (NXB Hà Nội, năm 1987); Cuốn sách Báo Cứu quốc 1942 - 1954 của tác giả Nguyễn Văn Hải (NXB Tri thức, năm 2017); Cuốn sách Xuân Thủy, nhà hoạt động chính trị, ngoại giao xuất sắc, nhà báo, nhà thơ lớn (NXB Chính trị Quốc gia, năm 2012)... Điều khó khăn là, các kết quả khảo sát đều chưa tìm thấy công trình khoa học nào nghiên cứu kỹ lưỡng về ngôi trường báo chí đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp này.

Còn nhớ, vào thời điểm năm 2015, khi Bảo tàng còn chưa ra đời, các cán bộ Ban quản lý các dự án thành phần của Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã may mắn được tiếp cận cuốn vở cũ quý giá, gồm những bút tích viết tay của những nhà báo nổi tiếng đã từng tham gia giảng dạy tại trường Huỳnh Thúc Kháng năm 1949 như Tố Hữu, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Đình Thi…

Từ cuốn sổ, đã manh nha những ý tưởng đầu tiên về một ngôi trường, một sự kiện lịch sử và một thời điểm lịch sử cần được ghi dấu trong trưng bày tại ngôi nhà bảo tàng tương lai của giới báo chí. Kết nối lần lượt với từng nhân chứng còn sống, các cụ nguyên là học viên của trường, cùng thân nhân các giảng viên từng giảng dạy tại trường, Bảo tàng đã sưu tầm được nhiều tài liệu, hiện vật gốc quý giá. Để có được những cứ liệu ngày một dày thêm, họ phải kiên trì liên lạc, gặp gỡ từng nhân chứng, tiến hành kiểm tra, xác minh từng bức ảnh sự kiện và quay phim, ghi chép lại những thông tin và chuyện kể một cách tỉ mỉ, chân thực.

Nhà báo Trần Kim Hoa và bà Lý Thị Trung – một trong những học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Nhà báo Trần Kim Hoa và bà Lý Thị Trung – một trong những học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Học viên trường Huỳnh Thúc Kháng ngày ấy phần nhiều đã qua đời (người ít tuổi nhất còn sống cũng đã 90 tuổi), đó là các nhà báo Trần Kiên, Phạm Viết Thiệu, Lý Thị Trung, Mai Cương và nhà báo Ngô Như Mai, hiện sống tại Quảng Ninh. Để lập danh sách học viên ngày ấy của Trường và cố gắng không bị sai sót, các cán bộ bảo tàng phải từng bước tra cứu, đối chiếu, xác minh - đó là cách duy nhất để có được bản danh sách, dù chưa đầy đủ, trong bối cảnh gõ cửa cả những Trung tâm lưu trữ hàng đầu của Quốc gia vẫn không có bất cứ một bản danh sách chính thức nào còn sót lại và chỉ có thể căn cứ vào các bài báo, các tư liệu chữ viết khác và trí nhớ của các học viên cao tuổi còn sống… Ban đầu, danh sách có 38 người, sau phát hiện ra có người dùng bút danh khác nhau nên danh sách giảm xuống 36 người. Họ thấy mình vẫn “nợ” lịch sử báo chí bản danh sách đầy đủ đó khi với những tư liệu gốc có được từ những bài báo trong số báo Cứu quốc đặc biệt tháng 9/1949 đưa tin về lễ tốt nghiệp của Khóa học báo chí đầu tiên và duy nhất ngày ấy đều khẳng định con số 42 học viên là con số chính xác.

Một trong những khó khăn có tính lịch sử khác là việc xác định vị trí chính xác của lớp học khi mà xóm Bờ Rạ (Tân Thái, Đại Từ, Thái Nguyên) sau quá trình xây dựng và chính sách làm thủy lợi, của địa phương đã chìm xuống lòng Hồ Núi Cốc. Những người làm bảo tàng không bao giờ quên, rằng để có một khu đất dựng bia đẹp ngay trên địa bàn lịch sử năm xưa, Hội Nhà báo Việt Nam, cán bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên và Bộ Văn hóa - Thể thao – Du lịch đã phải quyết tâm, đồng lòng ra sao trên cơ sở những cứ liệu lịch sử thuyết phục và khoa học. Giờ đây, mỗi dịp về nguồn, ai về Tân Thái, đều có thể ghé thăm Bia Di tích Lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng dựng ngay bên bờ Hồ Núi Cốc như một nhắc nhớ khôn nguôi…

Và không chỉ vậy, một lần nữa, dựa trên những nghiên cứu khoa học sâu sắc về sự kiện lịch sử, đã có một trưng bày tư liệu, hiện vật gốc lần đầu tiên ra mắt công chúng góp phần làm sống lại hình ảnh và tầm vóc một ngôi trường đặc biệt của báo chí cách mạng sau bảy thập kỷ tại Hội báo Toàn quốc tháng 3/2019 (Hà Nội) và tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tháng 4/2019 (Thái Nguyên). Cũng chính những tư liệu đó, đã giúp Bảo tàng phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam hoàn thành bộ phim “Trung đội báo chí” phát sóng dịp 21/6 vừa qua trên VTV1 để giới thiệu với đông đảo công chúng về một tư liệu lịch sử quý giá liên quan trực tiếp đến lịch sử báo chí cách mạng, báo chí kháng chiến.

Có thể nói, với việc nghiên cứu sâu đề tài đã giúp Bảo tàng Báo chí Việt Nam hệ thống hóa và bổ sung làm rõ một số vấn đề về cơ sở lý luận và thực trạng di sản Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, qua đó đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của di tích này.

Đối với một Bảo tàng có tuổi đời non trẻ như Bảo tàng Báo chí Việt Nam, đứng trước lịch sử hào hùng của đất nước và lịch sử phong phú của báo chí nước nhà, phía trước còn nhiều gian khó, cùng với những đòi hỏi, thách thức của công tác sưu tầm, phân loại, các hoạt động trưng bày, giới thiệu di sản; hoạt động nghiên cứu khoa học luôn phải được coi là một nhiệm vụ hàng đầu. “Ngay từ khi ra đời, chúng tôi đã xác định được việc nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ chính quan trọng của Bảo tàng. Thông qua nghiên cứu khoa học, người làm bảo tàng mới có cơ hội hiểu rõ, nắm chắc và phát huy được tốt nhất những giá trị để lại của di sản” – Nhà báo Kim Hoa khẳng định.

Tháng 5/2019, Bảo tàng Báo chí Việt Nam hoàn thành Đề tài “Bước đầu nghiên cứu, phân loại nhóm hiện vật của Nhà báo Wilfred Burchett tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam”. Wilfred Burchett - nhà báo nổi tiếng ở Việt Nam cũng như thế giới, một trong những nhà báo tiêu biểu, có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta, được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất năm 1983. Đề tài nghiên cứu đã tiến hành trên cơ sở tập hợp tương đối đầy đủ nhất so với từ trước đến nay những tác phẩm báo chí của W.Burchett gồm ảnh, bài viết, thư từ, bản thảo, những cuốn sách đã xuất bản và những thước phim tư liệu… gắn liền với một nhà báo quốc tế có tình yêu đặc biệt đối với Việt Nam, một tinh thần làm báo quả cảm, một tấm gương nhà báo chiến trường luôn sẵn sàng “nhảy vào lửa” như lời nhận xét của Nhà báo Thép Mới nổi tiếng.

Hoàng Huy

Tin khác

Hội Nhà báo TP Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, dựng sản phẩm báo chí Longform

Hội Nhà báo TP Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, dựng sản phẩm báo chí Longform

(CLO) Ngày 27/3, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng, phương pháp, tư duy dựng sản phẩm Longform bằng Canva và Sway cho các học viên là biên tập, phóng viên của các cơ quan báo chí trên địa bàn.

Công tác hội
Hơn 200 vận động viên tham gia Hội khoẻ Báo Đảng các tỉnh Tây Bắc mở rộng

Hơn 200 vận động viên tham gia Hội khoẻ Báo Đảng các tỉnh Tây Bắc mở rộng

(CLO) Chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ; 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La, ngày 23/3, Báo Sơn La tổ chức giải thể thao Phan Xi Păng Báo Đảng các tỉnh khu vực Trung du - Miền núi phía Tây Bắc lần thứ XVI, năm 2024.

Công tác hội
Báo chí Cách mạng Việt Nam - thay đổi mạnh mẽ để giữ vững vị thế, hội nhập thế giới

Báo chí Cách mạng Việt Nam - thay đổi mạnh mẽ để giữ vững vị thế, hội nhập thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, Diễn đàn Báo chí Toàn quốc được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận, mổ xẻ và đưa ra giải pháp về các vấn đề bức thiết nhất của báo chí Việt Nam.

Công tác hội
Hội Báo toàn quốc 2024: Quy mô, sôi động, giàu cảm xúc, nhiều ý nghĩa thiết thực

Hội Báo toàn quốc 2024: Quy mô, sôi động, giàu cảm xúc, nhiều ý nghĩa thiết thực

(NB&CL) Hội Báo Toàn quốc 2024 - một trong những sự kiện quy mô của giới báo chí trong năm 2024 - đã thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người làm báo và công chúng báo chí cả nước, là điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Công tác hội
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội phóng viên thường trú địa phương, bài học từ báo Thanh Niên

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội phóng viên thường trú địa phương, bài học từ báo Thanh Niên

(CLO) Theo nhà báo Dương Danh Hữu: “Chính quyền địa phương cần có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí và phóng viên thường trú. Thông tin cần được cung cấp nhanh chóng, đầy đủ, thường xuyên, đặc biệt là thông tin liên quan đến các vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm”.

Công tác hội