Nghiên cứu phương án giảm hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư Vành đai 4 TP HCM

10/11/2022 18:26

(CLO) Trong 3 phương án Sở GTVT TP HCM nghiên cứu sơ bộ, phương án 1 có diện tích đất thu hồi ít nhất nhưng tổng vốn đầu tư cao hơn hàng ngàn tỷ đồng so với 2 phương án còn lại.

Dự án Vành đai 4 TP HCM có chiều dài gần 200km, đi qua 12 huyện của 5 tỉnh thành gồm TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

nghien cuu phuong an giam hang nghin ty dong von dau tu vanh dai 4 tp hcm hinh 1

Đường Vành đai 4 TP CHm khi hoàn thành sẽ là động lực phát triển cho 5 tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh minh họa: Lê Giang.

Toàn tuyến có tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng, điểm bắt đầu tại đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và khép kín tại khu vực cảng Hiệp Phước (TP HCM). Dự án dự kiến khởi công năm 2024, đưa vào khai thác năm 2028, sẽ là trục đường vành đai huyết mạch nối liền các tỉnh thành trọng điểm kinh tế phía Nam. UBND các tỉnh thành là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đoạn qua địa phương mình.

Trên địa bàn TP HCM, dự án thành phần của Vành đai 4 có chiều dài hơn 17km từ đoạn cầu Phú Thuận (giáp Bình Dương) đến cầu kênh Thầy Cai (giáp Long An) sẽ được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Toàn tuyến được giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô hoàn chỉnh với 8 làn cao tốc cùng đường song hành 2 bên, chiều rộng tuyến đường là 74,5m

Giai đoạn 1, Vành đai 4 qua TP HCM sẽ được xây dựng 4 làn xe cùng 2 đường song hành quy mô cấp 4 đồng bằng. Giai đoạn hoàn thiện, tuyến đường sẽ được xây dựng đầy đủ 8 làn xe cao tốc cùng đường song hành 2 bên.

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP HCM, kết quả nghiên cứu sơ bộ về phương án hướng tuyến, cơ quan này nghiên cứu và đề xuất 3 phương án hướng tuyến mới để giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, bồi thường… cho dự án.

Cụ thể, phương án 1: Cơ bản trùng với hướng tuyến quy hoạch Vành đai 4 TP.HCM, dài 17,35km, có 50% đoạn tuyến đi trùng đường hiện hữu, diện tích giải phóng mặt bằng hơn 154ha.

Phương án này có mức đầu tư giai đoạn 1 gần 17.791 tỷ đồng, đến giai đoạn hoàn thiện là hơn 26.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 10.683 tỷ đồng. Đây là phương án có số hộ di dời nhiều nhất nên chi phí giải phóng mặt bằng cao nhất so với 2 phương án còn lại. Bên cạnh đó, phương án này khó kết nối giao thông khu vực.

Phương án 2: Chiều dài tuyến rút ngắn còn 17,29km khi nắn chỉnh đoạn 9,7km đầu về phía nam 0-160 m, tránh đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành hiện hữu; Đoạn tiếp dài 3,7km nắn về phía nam 0-120 m, tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo hiện hữu; Đoạn còn lại trùng tim quy hoạch.

Vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 13.800 tỷ đồng và đến giai đoạn hoàn thiện khoảng 22.300 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chỉ hơn 6.940 tỷ đồng. Ưu điểm của phương án  này là tránh các đường hiện hữu có nhiều khu dân cư nên chi phí giải phóng mặt bằng sẽ thấp hơn cũng như không ảnh hưởng nối kết giao thông khu vực.

Phương án 3: Chiều dài tuyến được rút ngắn còn 16,75km khi nắn chỉnh đoạn 14,1km tuyến về phía nam 0-1.300m, tránh xa các đường hiện hữu. Đoạn 2,5 km còn lại trùng tim quy hoạch.

Vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 13.600 tỷ đồng và giai đoạn hoàn thiện hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chỉ 6.799 tỷ đồng. Phương án này được đánh giá là có vốn đầu tư, số hộ dân phải di dời và tiền giải phóng mặt bằng thấp nhất trong 3 phương án.

Để giảm khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thi công, giảm thiểu ảnh hưởng đời sống người dân, tăng hiệu quả đầu tư… Sở GTVT TP HCM kiến nghị UBND TP chấp thuận phạm vi dự án, chấp thuận chủ trương nghiên cứu 3 hướng tuyến trên, trong đó có một số đoạn không trùng với tuyến quy hoạch hiện hữu.

Khi UBND TP chấp thuận, Sở GTVT dự kiến sẽ các đơn vị liên quan rà soát, thống nhất hướng tuyến, các nút giao trên tuyến để tham mưu UBND TP xin ý kiến Bộ GTVT.

Nếu được thống nhất của Bộ GTVT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm tham mưu UBND TP HCM báo cáo Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch hướng tuyến Vành đai 4. 

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị rà soát quy hoạch quỹ đất dọc theo hướng tuyến để tham mưu UBND TP.HCM chỉ đạo chủ trương thu hồi đất vùng phụ cận vành đai 4, tạo nguồn thu cho ngân sách.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghiên cứu phương án giảm hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư Vành đai 4 TP HCM
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO