Ngôi chùa cổ nặng hơn 1.000 tấn được "thần đèn" di dời 18m
(CLO) Thay vì phá chánh điện của ngôi chùa Diệu Đế (100 Bạch Đằng, thành phố Huế), "thần đèn" Nguyễn Văn Cư đã cho di dời đi xa 18m so với vị trí cũ.
Người đảm nhận việc dịch chuyển chánh điện là ông Nguyễn Văn Cư (Giám đốc Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư) cùng cộng sự. Với sự hỗ trợ của các phương tiện, máy móc hiện đại, đến nay, chánh điện đã kéo lui được 6m so với vị trí ban đầu.

"Thần đèn" Nguyễn Văn Cư chia sẻ với các cơ quan báo chí.
"Thần đèn" Nguyễn Văn Cư cho biết, sẽ được dịch chuyển lui 18m so với vị trí ban đầu. Tất cả đang được thực hiện đúng kỹ thuật, đảm bảo không xảy ra hư hại, ảnh hưởng đến kết cấu chánh điện với bề ngang 25m, chiều sâu 14m.
Theo ông Cư, ngôi chánh điện này có tuổi đời hơn 70 năm, khi xây dựng móng và tường không có sắt, thép, chỉ có gạch xây trên móng làm bằng đá hộc.
Quá trình khảo sát có rất nhiều phương án được đưa ra, bằng mọi giá phải giữ được nguyên trạng chánh điện cũng như các bệ thờ bên trong. Phương án cuối cùng là đào sâu xuống phần móng và cho đổ hệ đà bằng bê tông, kết nối với sắt thép để tạo nên kiên cố. Nếu thuận lợi, trong 6 ngày sẽ hoàn tất việc dịch chuyển.

Ngôi chùa cổ Diệu Đế.
Được biết, ngôi chánh điện cũ của Quốc tự Diệu Đế nổi tiếng với bức tranh “Long vân khế hội” (hay còn gọi là Cửu long ẩn vân) được vẽ ngay trần điện. Bức tranh có chiều dài hơn 10m, rộng gần 11m.
Chùa được vua Thiệu Trị cho xây dựng vào năm 1844, kết cấu gỗ theo lối kiến trúc cung đình đặc trưng của triều Nguyễn. Công trình đã trải qua nhiều lần trùng tu, quy mô về sau tuy không bằng ban đầu, nhưng vẫn giữ theo kiểu kiến trúc cũ cho đến năm 1951.

Kỹ thuật của Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư thực hiện công tác di dời.
Ngôi chùa Diệu Đế cũng chính là nơi nhà vua Thiệu Trị chào đời (năm 1807). Nhà vua đã cho xây dựng chùa Diệu Đế và sắc tứ làm quốc tự. Ngôi chùa tiếp tục được xây dựng, chỉnh trang quy mô dưới thời Tự Đức.
Đến nay, "thần đèn" Nguyễn Văn Cư đã di dời thành công hơn 100 công trình nhà ở, cơ sở tôn giáo.