Ngôn ngữ Kẻ Chợ - xứ Đoài: Xu hướng hai trong một

03/04/2015 11:51

Ngôn ngữ Kẻ Chợ - xứ Đoài: Xu hướng hai trong một


Bảo tồn vẻ đẹp vốn có của tiếng Hà Nội là do ý thức của người dân Thủ đô


Diện tích Hà Nội tăng gấp 3 (3.325km2) và dân số cũng đạt tới ngưỡng xấp xỉ 6,5 triệu người (tính đến 1-4-2009).

Tiếng Hà Nội - một phương ngữ đặc biệt

Việt Nam có 3 vùng phương ngữ chính: Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Đó là sự phân chia khái quát dựa trên cơ sở phân vùng địa lý. Thực chất, các tiêu chí phương ngữ cho thấy ta còn có thể chia nhỏ theo các vùng miền. Tiếng Hà Nội từ xa xưa đã là một ngôn ngữ khá đặc biệt. Nó là một phân nhánh của phương ngữ Bắc bộ.

Cũng bởi là một thành phố Thủ đô, giao lưu thông thương và hội tụ, Hà Nội tập hợp cư dân ở nhiều vùng. Dân bản địa gốc Hà Nội cũng có nhưng ngày càng bị “lép vế” với số lượng lớn cư dân ở “bốn phương tám hướng” đổ về. Tuy nhiên, tiếng nói của một vùng đất có từ lâu đời thì vẫn giữ nguyên cốt cách.

So với nhiều nơi khác, người Hà Nội nói chuẩn, từng đầy đủ 6 thanh điệu, chỉ không phân biệt 3 âm rung (quặt lưỡi) là [r], [tr], [s]. Nếu người miền Trung nói rõ: trời trong trẻo thì âm Hà Nội là chời chong chẻo, sạch sành sanh sẽ phát âm thành xạch xành xanh, rung rinh rơi thành dung dinh dơi… (dĩ nhiên, viết chính tả thì phải đúng). Tuy nhiên, người Hà Nội chính hiệu không nói ngọng (lẫn lộn l/n, s/ch).

Về mặt phát âm, tiếng Hà Nội được người nghe thấy hay vì rõ ràng, nhẹ nhàng, âm sắc mềm mại. Bao thiếu nữ Hà thành đã làm các chàng trai khắp nước “mê hồn” vì thanh âm quyến rũ, nghe mơ màng “như chim hót trên cao”. Dù chưa đưa vào văn bản chính thức mang tính pháp quy nhưng tiếng Hà Nội mặc nhiên được coi là tiếng “chuẩn” trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay.

Một nét của văn hóa xứ Đoài

Hà Tây cũ với diện tích rất lớn và một khối cư dân hơn hẳn Hà Nội cũ, rõ ràng là một vùng đất rất đáng tự hào. Gọi là “cửa ngõ Thủ đô” nhưng mảnh đất này xưa nổi danh với các danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc về thành cổ, đền chùa, miếu mạo, nhà cổ và các làng nghề cổ.

Chùa Hương, chùa Trăm Gian, chùa Thầy, chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Đậu… toàn là những ngôi chùa lớn. Lụa Hà Đông đã trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở phạm vi quốc nội. Làng cổ Đường Lâm với gạch đá ong “âm thầm mang lời đất” với cảnh quan rất đặc sắc, hữu tình. Rõ ràng, có một văn hóa xứ Đoài hiện hữu từ bao đời chìm sâu vào nền văn hóa Việt.

Về ngôn ngữ, tiếng nói người Hà Tây cũng khác. Có khá nhiều vùng đất có sắc thái “thổ ngữ” riêng. Một số vùng phát âm nghe hơi nặng. Một số vùng phát âm “nuốt” thanh điệu. Chẳng hạn, con bò vàng nói thành con bo vang, buổi chiều thành buổi chiêu, nói thầm thì thành nói thâm thi.

Nhiều lối nói của cư dân bản địa còn khác về từ ngữ. Trong gia đình không gọi bố mẹ, cậu mợ mà gọi thầy u, thầy mẹ… Đó là hệ quả của lối sống vùng miền, “khép kín” vì thói quen sản xuất “tự cấp tự túc”, phong tục có phần địa phương chủ nghĩa, ít giao lưu… Những “ốc đảo” ngôn ngữ ít có ở nơi thị thành thì ở các vùng nông thôn xưa ta gặp tương đối nhiều.

Hai trong một: Điều gì sẽ xảy ra?

Nhiều người Hà Nội cũ băn khoăn tự hỏi, không rõ là tiếng Hà Nội ngàn đời với bản sắc riêng kia sẽ thế nào khi Thủ đô mở rộng. Tất nhiên, cư dân tăng (mà tăng mạnh mẽ) góp phần làm thay đổi diện mạo ngôn ngữ. Thực tế, khi chưa hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội, một số lượng lớn cư dân ở khắp nơi đã đổ về Thủ đô (qua con đường nhập cư, chuyển công tác, kết hôn…).

Nội thành Hà Nội đã mở rộng đến nỗi “ba sáu phố phường” xưa chỉ là một “ốc đảo bảo tồn”. Có còn mấy gia đình thuần “Hà Nội gốc” trong sự giao lưu biến đổi mạnh mẽ từ bao đời nay? Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập, sự hòa đồng ngôn ngữ cũng không đứng ngoài so với những sự hòa nhập khác.

Nhưng sự hội nhập của Hà Tây cũ với Hà Nội sẽ không giống như thế. Vì địa bàn cư dân không thay đổi. Người Quốc Oai vẫn giọng Quốc Oai và cư dân quận Hoàn Kiếm kia vẫn ăn nói như chẳng có điều gì xảy ra. Bức tranh phương ngữ hẹp của Thủ đô sẽ vẫn có sự phân cách nhất định. Và nếu có cô gái nào đó từ Thạch Thất ra Cầu Giấy học đại học thì người ta vẫn nhận ra ngay giọng nói của cô em “không trộn lẫn vào đâu được”.

Về nhiều vùng Hà Tây cũ, chất giọng riêng của họ vẫn có “độ chênh” so với tiếng Hà Nội và ngôn ngữ toàn dân. Nói như vậy cũng không hẳn là không có sự xô lệch nào đó về ngôn ngữ. Sự sáp nhập hành chính kéo theo sự chuyển cư hợp pháp theo nhu cầu tự nhiên và theo sự điều động cơ cấu cư dân. Cơ cấu lao động thay đổi. Đội quân làm thuê (lao động tự do, chợ búa, lao động thời vụ) tiến về nội thành mạnh mẽ hơn. Người Hà Nội cũ mua đất, chuyển nhà ra các huyện ngoại thành cũng nhiều hơn.

Sự đan xen về mật độ cư dân các vùng làm cho ngôn ngữ bị tác động. Khi hội nhập, xu hướng “đồng hóa trên thế mạnh” sẽ xảy ra. Về vấn đề này, tiếng Tràng An có vẻ đang ở thế thượng phong? Rất có thể vì tiếng Hà Nội gốc có nhiều ưu thế. Sinh hoạt đô thị cũng làm cho sự hòa đồng ngôn ngữ diễn ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu không có thái độ đúng đắn, không có một cơ chế bảo tồn văn hóa ngôn ngữ, rất có thể chúng ta sẽ làm cho tiếng Hà Nội “lộn xộn”, làm mất đi vẻ đẹp vốn có của mình.

Đó là sự thâm nhập của những cách nói tùy tiện, không phù hợp với cách ứng xử ngôn ngữ được coi là hào hoa thanh lịch, như lối nói trống không, xách mé, nói tục, chửi bậy… Rồi cách nói theo ngôn ngữ hiện đại như tiếng lóng, ngôn ngữ mạng (chat), ngôn ngữ đường phố… cũng mau chóng lan truyền.

Đáng buồn hơn là đối tượng chủ yếu lại là giới trẻ. Sẽ có nhiều hướng tác động và lan tỏa lẫn nhau: Từ đô thị về nông thôn và ngược lại. Cái hay cũng có và cái dở cũng nhiều. Oái oăm thay, nhiều khi cái dở lại dễ lây lan và phổ biến hơn cái hay đáng khuyến khích. Thật buồn là giữa Thủ đô vẫn còn nhiều người nói ngọng.

PGS. Phan Văn Tình
(Theo ANTĐ)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ngôn ngữ Kẻ Chợ - xứ Đoài: Xu hướng hai trong một
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO