Ngược dòng thị trường, ngành Ngân hàng bứt phá giữa nền kinh tế chao đảo

Thứ bảy, 01/01/2022 10:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nền kinh tế Việt Nam đứng trước thách thức lớn nhất trong 30 năm qua khi các làn sóng COVID-19 liên tục ập đến và kéo dài. Trong bối cảnh khắc nghiệt này, ngành Ngân hàng càng thể hiện sức hút khi “lội” ngược dòng, liên tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng.

Tăng trưởng vượt trội

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ 2020 - mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

9 tháng đầu năm, GDP nước ta chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 tới mọi lĩnh vực. Nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đặc biệt là đầu tàu kinh tế TP.HCM bị bào mòn sức chống chịu.

nguoc dong thi truong nganh ngan hang but pha giua nen kinh te chao dao hinh 1

9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của 17 ngân hàng niêm yết đạt 132.000 tỷ đồng.

Giữa bức tranh có phần u ám của nền kinh tế cả nước, ngành ngân hàng được cho là điểm sáng khi có mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội. 6 tháng đầu năm 2021, không một ngân hàng nào sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến 3-5 lần.

Tính chung 9 tháng đầu năm, báo cáo ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) Việt Nam cho thấy, lợi nhuận trước thuế của 17 ngân hàng niêm yết tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 132.000 tỷ đồng. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành được duy trì ở mức cao, nhất là với những ngân hàng cổ phần, ngân hàng có vốn hóa vừa và nhỏ.

TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - tài chính, nhận định sự tăng trưởng này là tất yếu dù có hay không xảy ra dịch bệnh. Bởi, hệ thống ngân hàng đang có nhiều “đất dụng võ” giữa nền kinh tế đô thị hóa, hiện đại hóa.

Bên cạnh gia cố các lĩnh vực truyền thống như tín dụng, nhiều ngân hàng nỗ lực đẩy mạnh kinh doanh thêm các lĩnh vực khác như ngoại hối, bảo hiểm, đầu tư chứng khoán… ngày càng sôi động.

Việc tăng vốn cũng gia tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng, đồng thời có thêm nguồn vốn trung dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh. Vietnam Report đánh giá, năm 2021 là cuộc đua tăng vốn của nhóm ngân hàng khi vốn đăng ký tăng thêm khoảng 82.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, việc tiếp tục nỗ lực nâng cao cơ cấu tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tiếp cận nguồn vốn bán buôn với chi phí rẻ hơn là những yếu tố góp phần giúp các nhà băng giảm chi phí vốn.

nguoc dong thi truong nganh ngan hang but pha giua nen kinh te chao dao hinh 2

MBKE dự đoán tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 12,5-13% năm 2021 và khoảng 14% năm 2022.

Ngân hàng còn là một trong những ngành tiên phong chuyển đổi số để chủ động thích ứng với cuộc “chạy đua marathon” cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có đến 95% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược hoặc tích hợp trong định hướng phát triển kinh doanh và công nghệ thông tin.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), 9 tháng đầu năm nay đã thu hút thêm khoảng 870.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 9,2 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong 3 quý đầu năm 2021 tại nhà băng này lần lượt tăng 78,1% và 91% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 2 năm gần đây, các dịch vụ về ngân hàng có thu phí như tài khoản, thanh toán… cũng tăng mạnh đến 186%, góp phần tươi sáng hơn cho bức tranh lợi nhuận.

Là một trong số các ngân hàng dẫn đầu đà tăng trưởng lợi nhuận, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, thời gian qua nhà băng này tập trung đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ trên kênh online, gia tăng các tiện ích và ưu đãi cho khách hàng giao dịch trực tuyến. Cùng với đó là số hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng và quy trình nghiệp vụ, điều hành nội bộ.

“OCB theo định hướng bán lẻ, phát triển đa dạng các sản phẩm như mua nhà, mua xe, dự án năng lượng để phục vụ nhóm khách hàng cá nhân và nhóm đối tượng khách hàng doanh nghiệp mục tiêu. Từ đó, nguồn tín dụng của ngân hàng tận dụng được từ hệ sinh thái các đối tác và vẫn duy trì biên lãi ròng (NIM) cao. Thêm nữa, nguồn thu của OCB đa dạng, không chỉ phụ thuộc thu nhập lãi”, ông Tùng cho biết.

Bức tranh triển vọng

Đánh giá triển vọng, MBKE Việt Nam chỉ ra hầu hết các nhà băng đang trên đà hoàn thành mục tiêu năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, các ngân hàng đã đạt bình quân 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021. Riêng Techcombank, MBBank, ACB, MSB, SHB, LienVietPostBank và SSB hoàn thành đến 85-105% mục tiêu đề ra.

Theo đó, công ty chứng khoán kỳ vọng 17 ngân hàng niêm yết sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 10% trong quý IV/2021, tương đương 44 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nhờ tăng trưởng tín dụng và thu nhập từ phí mạnh hơn. Đồng nghĩa ngành ngân hàng sẽ kết thúc năm 2021 với mức tăng trưởng lợi nhuận 33% YoY.

nguoc dong thi truong nganh ngan hang but pha giua nen kinh te chao dao hinh 3

Lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam. Thiết kế: Kỳ Hoa.

Dựa trên nền kinh tế đang phục hồi hậu giãn cách, MBKE Việt Nam dự đoán tăng trưởng GDP có thể duy trì ở mức 5,5% năm 2021 và đạt 6,5-6,8% năm 2022. Tăng trưởng tín dụng theo đó sẽ đạt 12,5-13% năm 2021 và khoảng 14% năm 2022.

Nhận định những triển vọng trên hoàn toàn có cơ sở, các chuyên gia cho biết hầu hết doanh nghiệp đang đua nhau tăng tốc những tháng cuối năm, nhằm “lấy lại những gì đã mất”. Hệ thống ngân hàng theo đó sẽ tiếp tục tăng trưởng cho vay, tạo thêm sự lạc quan về thu nhập tín dụng.

Song, cho rằng “việc tăng vốn nhìn chung là tốt”, TS. Đinh Thế Hiển lưu ý các nhà băng phải đảm bảo được chiến lược hợp lý nhằm tạo sự tăng trưởng bền vững. Cùng với đó, việc chuyển đổi số cần tạo ra hệ sinh thái, thay vì “chỉ đưa công nghệ số vào”.

“Ngân hàng Việt Nam đang ở đầu giai đoạn 2 trong 3 giai đoạn của cuộc đua chuyển đổi số. Nhà băng nào thành công trong việc chuyển đổi số sẽ có lợi thế đứng đầu trong cạnh tranh. Song song với chuyển đổi số giữa các ngân hàng phải nâng chuẩn Basel rất mạnh, hướng tới Basel III. Đồng thời đầu tư về con người làm việc trong môi trường ngân hàng 5.0”, ông Hiển nêu.

Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mới đây của NHNN cũng xác định, mục tiêu hướng đến vào năm 2025 đảm bảo 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%.

Nêu quan điểm, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cho rằng, nếu các ngân hàng chấp nhận hy sinh phần nào lợi nhuận để hỗ trợ cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp sẽ giúp gia tăng lòng trung thành của khách hàng trong dài hạn. “Các sản phẩm hiện tại và tương lai của họ từ đó sẽ được sử dụng tốt hơn. Lợi nhuận của nhà băng khi đó có thể gia tăng dù chậm đôi chút nhưng bền vững và lâu dài”, ông Khánh nhấn mạnh.

Không quá lo về “bóng ma” nợ xấu?

Tình hình giãn cách xã hội nghiêm ngặt vừa qua đã gây ra áp lực đáng kể lên chất lượng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu tăng cao với mức trung bình khoảng 29% đối với 17 ngân hàng niêm yết. NHNN ước tính nợ xấu toàn phần (bao gồm cả các khoản nợ có khả năng tái cơ cấu) đạt khoảng 7,8% vào cuối năm 2021.

Song, các chuyên gia đánh giá mức nợ xấu này tương tự trong giai đoạn 2016 - 2017 và tin rằng sẽ không gây ra rủi ro có hệ thống cho hoạt động của các ngân hàng Việt Nam. Trên thực tế, với việc nền kinh tế đang dần phục hồi hậu giãn cách xã hội, nhiều khoản vay được cho là sẽ quay trở lại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nợ xấu chắc chắn chịu nhiều áp lực tăng trong năm nay. Tuy nhiên, không nên quá lo bởi các ngân hàng đã lường trước tình huống này nên đã có sự chuẩn bị thông qua việc quyết liệt xử lý nợ xấu tồn đọng và tăng trích lập dự phòng rủi ro. Vì thế, nếu có vấn đề phát sinh thì ngân hàng cũng đã sẵn nguồn trích lập dự phòng để xử lý, không để nợ xấu tăng đột biến.

Được biết, chi phí dự phòng rủi ro quý III/2021 của ACB gấp tới 5 lần cùng kỳ, đạt 820 tỷ đồng; con số này ở MBB tăng gấp so với cùng kỳ ở mức 1.778 tỷ đồng; Nam A Bank cũng tăng từ 82,8 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước lên trên 115 tỷ đồng…

Ngô Công Quang

Bình Luận

Tin khác

Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

(CLO) Trong phiên chứng khoán 28/3, cổ phiếu TCB của Techcombank trở thành tâm điểm khi được nhà đầu tư tranh nhau mua vào.

Tài chính - Bảo hiểm
Funtap liên tục báo lỗ, lộ diện pháp nhân liên quan cũng chỉ phát hành game Trung Quốc

Funtap liên tục báo lỗ, lộ diện pháp nhân liên quan cũng chỉ phát hành game Trung Quốc

(CLO) Không chỉ Funtap mà một công ty game liên quan cũng liên tục đăng ký mới phát hành game Trung Quốc.

Tài chính - Bảo hiểm
Nhận chuyến đi Pháp 5 ngày 4 đêm xem Olympic 2024 cùng thẻ Vietcombank Visa

Nhận chuyến đi Pháp 5 ngày 4 đêm xem Olympic 2024 cùng thẻ Vietcombank Visa

(CLO) Khách hàng sử dụng thẻ Tín dụng và Ghi nợ quốc tế cá nhân mang thương hiệu Vietcombank Visa có cơ hội nhận được Chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm đến Pháp và vé tham gia Thế vận hội Olympic 2024.

Tài chính - Bảo hiểm
Agribank: 36 năm: Kiên định, vững vàng cùng sứ mệnh “Tam nông”

Agribank: 36 năm: Kiên định, vững vàng cùng sứ mệnh “Tam nông”

(NB&CL) 36 năm hình thành và phát triển (26/3/1988 – 26/3/2024) là tròn 36 năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) kiên định và thực hiện xuất sắc sứ mệnh riêng vốn có của mình “vì Tam nông”.

Tài chính - Bảo hiểm
Hội thảo “Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank”

Hội thảo “Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank”

(CLO) Ngày 22/3/2024, Vietcombank đã tổ chức thành công Hội thảo “Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank” tại Trụ sở chính, 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tài chính - Bảo hiểm