Xem thường chính quyền địa phương?
Vụ việc gây bức xúc trong dư luận gần đây là trường hợp của gia đình bà Đoàn Thị Lý (ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom). Sau khi một số đối tượng ngang nhiên vào vườn tràm, chặt cây, xây hàng chục căn nhà trái phép dọc mặt tiền đường ĐT767, dù đã nhiều lần gõ cửa cầu cứu chính quyền địa phương, nhưng những tháng qua, gia đình bà vẫn chưa thể vào được vườn nhà trước sự hung hăng của những đối tượng đến chiếm đất.
Điều đáng nói là sau khi chính quyền địa phương nhận được phản ánh của nạn nhân, hàng chục căn nhà trái phép trên đất lấn chiếm không những vẫn tồn tại dọc hơn 100m mặt tiền đường ĐT767 mà còn tiếp tục được hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Trong khi đó, dù có hơn 3ha cây tràm đã đến kỳ thu hoạch nhưng người dân vẫn không thể nào vào khai thác.
Qua tìm hiểu, đây là khu đất lâm nghiệp do Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ giao cho gia đình bà Đoàn Thị Lý theo hợp đồng giao khoán rừng trồng từ năm 2003. Theo bà Lý, toàn bộ 3ha cây tràm do gia đình bà đầu tư trồng từ năm 2011 với chi phí hơn 400 triệu đồng, đang chuẩn bị thu hoạch thì bị chiếm dụng khiến chi phí phát sinh, nợ nần đến hạn chưa thể thanh toán được.
Hơn 100m mặt tiền trên phần đất gia đình bà Lý được giao khoán hiện đã có 17 căn nhà xây dựng trái phép đang trong giai đoạn hoàn thiện. Gia đình bà Lý đã có đơn cầu cứu chính quyền địa phương, đề nghị ngăn chặn, xử lý ngay từ khi mới phát hiện hành vi ngang nhiên chặt phá cây trồng, xây dựng trái phép. UBND xã Bắc Sơn cũng đã có một số động thái vào cuộc nhưng đến nay tình trạng này vẫn không có gì chuyển biến. Bản thân người dân không dám ngăn chặn vì sợ xung đột có thể gây mất an ninh trật tự tại địa phương, nguy hiểm đến tính mạng; mà trông mong vào sự can thiệp của các ngành chức năng thì mọi chuyện dường như rơi vào bế tắc. Những người chiếm đất vẫn thản nhiên xây nhà nên người dân chỉ biết kêu… trời!
Được hỏi vì sao để xảy ra tình trạng đó, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Nguyễn Văn Tuấn cho biết UBND xã đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở nhưng những người vi phạm vẫn cố tình làm lơ, thậm chí không hợp tác.
Chưa kể việc lấn chiếm, phá hoại tài sản trên đất của người khác, hành vi xây dựng trái phép quy mô lớn trên đất nông nghiệp, đất không được phép xây dựng nhà ở cho thấy rõ ràng các đối tượng đã vi phạm pháp luật! Vậy mà Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn lại cho rằng hành vi này vượt thẩm quyền của địa phương nên chỉ ghi nhận, lập biên bản rồi báo cáo lên cấp trên? Và đến nay không biết cấp trên của UBND xã Bắc Sơn giải quyết vụ việc như thế nào nhưng thực tế là các công trình trái phép vẫn chưa được xử lý theo đúng quy định, người vi phạm vẫn tiếp tục hoàn thiện công trình.
Đáng lo hơn, không chỉ người dân bất an với nhóm người này, ngay Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cũng đưa ra một trong những lý do chưa thể xử lý dứt điểm những căn nhà trái phép trên đất lấn chiếm này: “Những đối tượng này rất xem thường chính quyền địa phương, thậm chí có hành vi chống đối khi cơ quan chức năng đến kiểm tra”.
Hơn 100m mặt tiền công trình xây dựng trái phép trên đất chiếm dụng vẫn chưa có động thái xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Khi “giang hồ” tham gia giải quyết tranh chấp đất
Chưa đến mức ngang nhiên vào chặt phá cây trồng, xây dựng nhà trái phép, bất chấp pháp luật như ở xã Bắc Sơn, tuy nhiên tình trạng giải quyết tranh chấp đất ở trung tâm TP. Biên Hòa thời gian gần đây cũng có những diễn biến phức tạp về an ninh trật tự khi một trong 2 bên tranh chấp đưa “giang hồ” vào tạo áp lực với phía bên kia.
Đơn cử, một số hộ dân ở phường Tân Phong (TP. Biên Hòa) mấy tháng qua đang vướng một vụ tranh chấp có những diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự địa phương. Vụ việc xuất phát từ việc mua bán, sang nhượng đất chỉ bằng giấy tờ viết tay, và tranh chấp phát sinh sau hơn 12 năm sử dụng ổn định khi có người dẫn theo hàng chục thanh niên bặm trợn đến gây áp lực, bắt buộc những người đang sinh sống, canh tác lâu năm trên đất phải đi nơi khác hoặc bán lại đất với giá rẻ; thậm chí, có trường hợp buộc người dân đang sử dụng phải mua thêm lần nữa.
Bà Nguyễn Thị Điền (ngụ phường Tân Phong) cho biết, năm 2006 bà mua 5.000m2 và trồng tràm ổn định trên diện tích đất này. Thời gian gần đây, một người đàn ông ở TP.HCM xuống, dẫn theo hàng chục thanh niên “nhẵn mặt” trong các vụ tranh chấp đất với người dân địa phương để gây áp lực.
Cụ thể, nhóm người này ngang nhiên đưa xe, máy móc vào đất bà Điền cắt toàn bộ số cây trồng, phá dỡ nhà, tường rào… Sự việc sau đó đã được bà Điền trình báo chính quyền địa phương; Công an phường Tân Phong có đến nhưng theo bà Điền, vụ việc không những không được giải quyết mà hằng ngày bà vẫn bị nhóm người này kéo đến đe dọa.
Đối với vườn tràm rộng 6.600m2 của gia đình bà Mai Thị Hường (ngụ phường Tân Phong) mua và canh tác từ năm 1990, gần đây bỗng xuất hiện một nhóm người ngang nhiên vào dựng rào, bao chiếm khoảng 300m2. Khi bà phản ứng thì bị nhóm người này lại quay sang đe dọa.
Tại phường Tân Phong, cách đây hơn 3 tháng, bà Vũ Thị Quyên cũng đã phải làm đơn cầu cứu cơ quan Công an khi một nhóm người mang hung khí đến tranh chấp thửa đất có diện tích khoảng 2.400m2 mà bà đã mua và canh tác hơn một năm nay. Sau khi chính quyền lập biên bản, các đối tượng vẫn bất chấp, tiến hành rào thửa đất lại. Chưa dừng lại ở đó, nhóm người này còn tìm đến tận nhà cha mẹ ruột của bà Quyên để đe dọa…
Trước tình trạng “băng nhóm” tham gia giải quyết tranh chấp đất, một cán bộ phường Tân Phong cho biết người dân trong khu vực này rất hoang mang, lo lắng, cho dù hầu hết giấy tờ mua bán đất mà nhóm người này đưa ra để “tranh chấp” đất là giấy viết tay, nhưng đó lại là cái cớ để họ uy hiếp tinh thần, đe dọa người dân nhằm mục đích chiếm hoặc đưa người vào mua rẻ.
Thanh Hải