Người dân Nepal đi bỏ phiếu tìm kiếm sự ổn định
(CLO) Phụ nữ Nepal mặc sari và đàn ông mặc quần jean, đội mũ bóng chày đang xếp hàng dài vào Chủ nhật (20/11) để bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử, với hy vọng tìm kiếm sự ổn định và hồi phục kinh tế ở xứ sở có đỉnh núi cao nhất thế giới Everest này.
Rajesh Kumar Subedi, một nhân viên 52 tuổi, người đầu tiên bỏ phiếu tại trung tâm bỏ phiếu Phaimlamchuli, ngoại ô Kathmandu, nói: “Tôi đã bỏ phiếu cho sự phát triển kinh tế, đảm bảo việc làm, thực phẩm, quần áo, giáo dục và y tế”.

Cử tri Nepal bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng cấp tỉnh. Ảnh: HT
Không có cuộc thăm dò trước bầu cử, nhưng các nhà phân tích chính trị kỳ vọng liên minh cầm quyền sẽ giữ được quyền lực. Prakash Thapa, 25 tuổi, cho biết: “Chúng tôi cần sự ổn định chính trị để nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và một chính phủ có thể đảm bảo an ninh cho các nhà đầu tư”.
Khoảng 18 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu cho quốc hội gồm 275 thành viên và 550 thành viên của bảy hội đồng cấp tỉnh.
Sự ổn định chính trị đã được chứng minh là khó nắm bắt đối với quốc gia nghèo, nằm trên dãy Himalaya giữa Trung Quốc và Ấn Độ này. Nepal đã có 10 chính phủ kể từ khi chế độ quân chủ 239 tuổi bị bãi bỏ vào năm 2008.
Các đảng chính trị đã hứa sẽ giảm giá, tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế tại các cuộc mít tinh trên toàn quốc. Một số ứng cử viên trẻ và độc lập, bao gồm cả các chuyên gia y tế và công nghệ thông tin, đang thách thức các nhà lãnh đạo cũ.
“Các nhà lãnh đạo cũ của đảng nên thay đổi phong cách hoạt động của họ sau cuộc bầu cử này”, cử tri Thapa nói.
Các nhà phân tích cho biết một chính phủ mới sẽ phải đối mặt với thách thức phục hồi nền kinh tế và kiềm chế giá cả cao. Có những lo ngại rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể làm giảm kiều hối, vốn chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Du lịch, ngành từng đóng góp 4% vào GDP của quốc gia có ngọn núi Everest cao nhất thế giới, vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Trong 10 tháng đầu năm nay, hơn 450.000 khách du lịch đã đến thăm Nepal, chưa bằng một nửa số lượng du khách trước COVID-19.
Mai Anh (theo Reuters)