Người dân Nhật Bản 'thắt lưng buộc bụng' trước làn sóng giá thực phẩm tăng cao
(CLO) Người tiêu dùng Nhật Bản chuẩn bị đối mặt với một đợt tăng giá thực phẩm mạnh trong tháng 7, làm gia tăng áp lực chi phí sinh hoạt.
Theo khảo sát của tổ chức Teikoku Databank, 2.105 mặt hàng thực phẩm sẽ tăng giá, cao gấp năm lần so với cùng kỳ năm ngoái, với mức tăng trung bình khoảng 15%.
Cuộc khảo sát trên 195 công ty thực phẩm lớn cho thấy nguyên nhân chính đến từ giá nguyên liệu, chi phí năng lượng, vận chuyển và nhân công tăng cao. Teikoku Databank cảnh báo xu hướng này có thể mạnh hơn trong năm 2025, khiến người dân càng khó khăn hơn trong việc cân đối chi tiêu.
Các mặt hàng dự kiến tăng giá bao gồm gạo, mì ống, sô-cô-la, khoai tây chiên và cà phê. Cụ thể, Ajinomoto AGF sẽ tăng giá cà phê từ 25% đến 55%, còn Meiji dự kiến tăng giá phô mai và sữa đến 11%.

Ngoài áp lực trong nước, các yếu tố quốc tế cũng góp phần thúc đẩy làn sóng tăng giá. Giá dầu thô tăng do căng thẳng Trung Đông cũng làm chi phí vận chuyển và sản xuất tăng theo. Theo Teikoku Databank, nếu tình hình này tiếp diễn, Nhật Bản có thể đối mặt với làn sóng tăng giá giống năm 2022, khi gần 26.000 mặt hàng thực phẩm và đồ uống bị điều chỉnh giá.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang chịu áp lực trong việc hoạch định chính sách tiền tệ. Lạm phát tiêu dùng cốt lõi trong tháng 5 đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, 3,7%, và vượt xa mục tiêu 2% của BOJ suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, lãi suất ngắn hạn ở mức 0,5% vẫn được BOJ duy trì từ tháng 1 đến nay.
Thời gian tới, người dân Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục phải thắt lưng buộc bụng, khi lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và các chính sách ứng phó vẫn đang được cân nhắc.