Người đàn ông 16 năm hút đinh, lấy an toàn của người dân làm "lãi"
(CLO) Bất kể trời nắng hay mưa, đều đặn suốt 16 năm qua, ông Đinh Minh Cảnh (ngụ huyện Bình Chánh, TP. HCM) vẫn lái xe hút đinh, rong ruổi trên quốc lộ 1A, giúp bà con lưu thông an toàn.
8h sáng, người dân sống quanh khu vực đường quốc lộ 1A (đi qua huyện Bình Chánh, TP. HCM) lại được nhìn thấy chiếc xe màu vàng treo cờ, gắn theo biển hiệu “xe hút đinh, vật sắc nhọn” của ông Đinh Minh Cảnh.

Bài liên quan
TP. HCM nghiên cứu điều chỉnh những bất cập trong Quyết định tách thửa, hợp thửa
Cận Tết Nguyên đán, TP. HCM cảnh báo nạn “đinh tặc” trên QL1
Xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị để “đinh tặc” lộng hành
“Đinh tặc” có thể bị tù 12 năm, phạt đến 500 triệu đồng

Chiếc xe này chạy xuyên suốt hơn 10km trên tuyến quốc lộ 1A, hút hết các vật sắc nhọn để người dân bắt đầu ngày mới một cách an toàn.

Ông Đinh Minh Cảnh cho biết, trước đây nạn đinh tặc hoành hành trên tuyến đường này rất nhiều. Phải có đến hàng chục tiệm sửa xe lợi dụng “phương thức” này, để trục lợi từ tiền sửa xe, thay vỏ cho người dân.

Vào 16 năm trước, trong một đêm khi đang trên đường đi về nhà, ông bắt gặp hình ảnh hai vợ chồng cùng đứa con nhỏ bị ngã xe trầy xước khắp người do cán phải đinh do đinh tặc rải trên đường. Từ đó, ông nhen nhóm ý định làm công việc hút đinh tự nguyện.

Lúc đầu, ông Cảnh nhặt đinh bằng tay, rồi sau đó chế ra cây hút đinh từ những cục nam châm.

Lượng đinh xuất hiện ngày càng nhiều, ông tự mày mò thiết kế làm “chiếc xe hút đinh” tự động gắn vào xe máy kéo đi cho tiện. Nhờ vậy lượng đinh hút cũng nhiều hơn, người dân lưu thông trên đường cũng giảm bị cán đinh.

Theo ông Cảnh, không riêng thủ đoạn rải ách-rô để đâm thủng bánh xe của người đi đường, các đối tượng còn dùng dây thắng xe cắt nhỏ, nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Kể từ khi có chiếc xe hút đinh của ông Cảnh, cùng với sự phối hợp của lực lượng chức năng, nạn đinh tặc giảm hơn 2/3 so với trước.

Sinh sống bằng nghề lái xe ôm, thu nhập chỉ đủ sống qua ngày nhưng không ngày nào là ông Cảnh không lái xe đi ông hút đinh.

“Tôi không nghỉ ngày nào hết, kể cả lễ, Tết tôi còn làm gấp đôi, mỗi lần đi hút là 1 tiếng rưỡi vì đoạn đường 10 mấy cây số. Chỉ cần bà con an toàn là tôi vui, không cần lợi ích gì hết”, ông Cảnh nói.

Để bảo đảm an toàn giao thông, ông Cảnh luôn chạy rất chậm nên dòng chữ "xin lỗi đã làm phiền" trên biển hiệu sau xe, khiến ai nấy cũng ấm lòng mà không nỡ giận ông.

Theo lời kể của ông, thời gian đầu, người thân của ông phản ứng dữ dội, cho rằng việc này không mang lại lợi ích gì. Thậm chí, có nhiều ngày chân tay ông trầy xước chảy máu vì nhặt đinh, thì bị vợ bảo phải bỏ làm ngay lập tức. Không dừng lại ở đó, có lần đang lái xe thì ông bị những người lạ mặt đạp ngã xuống đường phải đi bệnh viện chữa trị. Nhiều lần khác, ông bị giang hồ đe doạ.

“Lúc đó vợ phản đối nhiều lắm. Nhưng từ khi đi xe về cán phải đinh thì… ủng hộ luôn. Bây giờ mỗi ngày hút đinh về, vợ là người giúp tôi lọc từng loại đinh ra rồi bỏ vào thùng để làm kỉ niệm”, ông Cảnh kể.

Chiếc xe hút đinh của ông Cảnh đã nhiều lần sửa chữa, nâng cấp. Mỗi lần chi phí tốn từ vài trăm nghìn đến hơn triệu đồng, tiền sửa xe lấy từ chính đồng tiền chạy xe ôm ít ỏi của ông.

Trải qua nhiều khó khăn là thế, ông Cảnh chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ dừng lại. Người đàn ông này chia sẻ rằng, làm việc này, ông lấy sự an toàn của người dân làm “lãi”, khiến ông cảm thấy bản thân đã là người “giàu” nhất.

Nhận ra lòng tốt của ông, nhiều người là tài xế xe ôm, chở hàng “lén” cho ông tiền. Đôi khhi chỉ tầm 10 nghìn, 20 nghìn đồng nhưng cũng làm ông rất xúc động. Bởi điều đó cho thấy những việc ông làm đã được ghi nhận.

Thấy nhà ông Cảnh trong hẻm sâu, lối đi nhỏ không thể chạy xe hút đinh ra vào, một chủ doanh nghiệp trên quốc lộ 1 đã dành một góc nhỏ tại cây xăng của mình để ông Cảnh có chỗ để xe, đặt các dụng cụ.
