Xã hội

Người đàn ông 33 tuổi đột quỵ giữa công trường: Cảnh báo căn bệnh không còn của riêng người già

Hồng Phúc 04/07/2025 06:35

(CLO) Đang khỏe mạnh, một thợ hồ tại TP Hồ Chí Minh (HCM) bất ngờ ngã quỵ giữa trưa nắng, liệt nửa người. Anh may mắn được cứu sống nhờ nhập viện trong “giờ vàng”, qua đó gửi đi lời cảnh tỉnh về căn bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa.

Giữa cái nắng gay gắt của một ngày làm việc, anh H.T.T. (33 tuổi, thợ hồ) bất ngờ ngã quỵ tại công trường xây dựng ở TP HCM, trước sự bàng hoàng của đồng nghiệp. Anh không thể đứng dậy, miệng ú ớ không rõ lời, nửa người trái rũ xuống hoàn toàn.

Ngay lập tức, anh được chuyển đến một bệnh viện có đơn vị điều trị đột quỵ chuyên sâu. Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân rơi vào cơn đột quỵ giờ thứ nhất còn trong "thời gian vàng" để can thiệp, giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong và tàn tật.

Ảnh BN
Anh H.T.T. (33 tuổi, thợ hồ) bất ngờ ngã quỵ tại công trường xây dựng ở TP HCM được các bác sĩ cấp cứu.

Kết quả chụp CT cho thấy không có xuất huyết não. Bệnh nhân lập tức được tiêm thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) – một loại thuốc có khả năng làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não, giúp phục hồi lưu thông máu não nhanh chóng.

Sau hai ngày điều trị tại khoa Nội thần kinh, anh T. có thể đi lại, cử động tay chân trái và nói chuyện bình thường, một kết quả đáng kinh ngạc sau biến cố tưởng chừng sinh tử.

Bệnh nhân còn rất trẻ và vô cùng may mắn vì được cấp cứu đúng cách, kịp thời. Điều này cho thấy tầm quan trọng sống còn của ‘giờ vàng’ trong điều trị đột quỵ”, BSCKI Nguyễn Văn Nhản, Khoa Nội thần kinh chia sẻ.

Hiện tại, anh T. đã được xuất viện, tiếp tục phục hồi chức năng tại nhà và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị để ngăn ngừa tái phát đột quỵ.

Theo thống kê y tế toàn cầu, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai và gây tàn tật đứng thứ ba trong nhóm bệnh không lây nhiễm. Trong năm 2021, có tới 12,2 triệu ca đột quỵ mới mỗi năm tương đương mỗi 3 giây có một người bị đột quỵ.

Ảnh BN2
Hình ảnh CT mạch máu não của bệnh nhân sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết.

Điều đáng lo ngại là bệnh lý này ngày càng trẻ hóa: 63% ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 70 tuổi; 16% xảy ra ở người dưới 50 tuổi; 89% tử vong và tàn tật do đột quỵ xảy ra tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình trong đó có Việt Nam.

Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận hơn 20.000 ca đột quỵ mỗi năm, con số trên toàn quốc lên tới 200.000 trường hợp”, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, cho biết.

Các bác sĩ khuyến cáo: “Mỗi phút trôi qua, 2 triệu tế bào não sẽ chết” nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Vì vậy, người dân cần ghi nhớ nguyên tắc F.A.S.T để phát hiện sớm:

  • F – Face: Méo miệng, lệch mặt
  • A – Arm: Yếu, liệt tay hoặc chân một bên
  • S – Speech: Nói khó, ú ớ
  • T – Time: Nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất có đơn vị điều trị đột quỵ

Việc thiết lập mạng lưới cấp cứu đột quỵ ở các tỉnh, thành, cùng với quy trình “đi đâu – về đâu” rõ ràng, sẽ giúp tận dụng tối đa “giờ vàng”, giảm tử vong và tàn tật cho hàng ngàn bệnh nhân.

Trường hợp của anh T. là minh chứng sống động cho thực tế: đột quỵ không riêng một ai. Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, hút thuốc, stress, thiếu ngủ, lười vận động... đang khiến người trẻ ngày càng tiến gần đến căn bệnh nguy hiểm tưởng chừng “chỉ của người già”.

Bảo vệ sức khỏe tim mạch, kiểm tra huyết áp, cholesterol, duy trì lối sống lành mạnh và trang bị kiến thức sơ cứu là những “vaccine tinh thần” quan trọng để bạn tự cứu mình trước khi bác sĩ kịp cứu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Người đàn ông 33 tuổi đột quỵ giữa công trường: Cảnh báo căn bệnh không còn của riêng người già
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO