Người lao động bỏ phố về quê: Bài toán khó với doanh nghiệp

Thứ năm, 14/10/2021 11:28 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo Tiến sĩ Phan Tân - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Chính phủ phải tính toán đến phương án phân bố lại các khu/cụm công nghiệp đều khắp các tỉnh/thành tùy vào lợi thế vùng miền với từng loại hình sản xuất hàng hóa để giải bài toán lao động bỏ về quê hiện nay.

Bất chấp mưa bão, đường xa hàng nghìn km, hàng nghìn người di cư bằng xe máy, đi bộ về quê trong nhiều ngày mặc cho chính quyền ở các thành phố kêu gọi, vận động họ ở lại đã trở thành hiện tượng xã hội đặc biệt trong thời gian qua. Để có góc nhìn và phân tích thấu đáo về hiện tượng này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với Tiến sĩ Phan Tân - hiện công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Vấn đề an cư với người lao động đang bộc lộ nhiều bất cập

+ Thời gian qua, di biến động dân cư, người lao động tiếp tục rời thành phố về quê, theo ông đâu là nguyên nhân?

- Khoảng tháng 7/2021, chúng ta đã chứng kiến một đợt “hồi hương” (nhiều người còn dùng từ “tháo chạy”) của người lao động từ Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh... về các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam Bộ, và đúng 02 tháng sau, chúng ta tiếp tục chứng kiến đợt “hồi hương” lớn thứ hai; trong đó có một lượng lớn những bà con người dân tộc thiểu số các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn...

Họ ra về với bất kỳ phương tiện nào có thể di chuyển được như: ô tô, xe máy, xe đạp, xe tự chế và thậm chí là… đi bộ. Đặc biệt, trong dòng người về quê có những câu chuyện không thể không làm cho chúng ta chỉ im lặng ngồi quan sát. Có thể kể ra các trường hợp: con mấy ngày tuổi cũng đưa lên xe vượt hàng ngàn cây số về quê; phụ nữ bụng mang dạ chửa sắp sinh cũng về; nhiều người biết trên đường đi không an toàn và có thể không về đến quê cũng liều ra về.

nguoi lao dong bo pho ve que bai toan kho voi doanh nghiep hinh 1

Người lao động về quê trở thành hiện tượng xã hội đặc biệt sau thời gian dài chống dịch.

Theo tổng hợp của Tổng cục Thống kê, trong thời gian từ tháng 7 đến 15/9 đã có khoảng 1,3 triệu lao động về quê tránh dịch, cộng thêm đợt nới lỏng giãn cách này con số sẽ là khá lớn. Hiện tượng về quê bằng mọi giá như thế này, theo tôi có nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là những lao động không có tích lũy. Lương/thu nhập của họ chỉ vừa đủ để sống nếu không có tình huống rủi ro. Cho nên mới chỉ dừng thu nhập trong 3-4 tháng mà họ đã khánh kiệt. Không có tích lũy nên cái đói đã dồn họ vào bước đường cùng, trong khi cứu trợ của Nhà nước hay mạnh thường quân thì có hạn.

Người dân không thể sống lâu dài bằng việc trông chờ vào nguồn cứu trợ “nhỏ giọt”, ở lại thì lấy gì để tồn tại. Bằng chứng cho sự “khánh kiệt”, không có tích lũy là việc nhiều người phải nhịn ăn ở khu cách ly bởi không có tiền trả phí; hay như trường hợp phụ nữ mang thai đe dọa đẻ non trên đường mà không dám ở lâu trong bệnh viện vì không biết lấy đâu tiền trả. Thậm chí có cặp vợ chồng trẻ quê Nghệ An, chồng phải tự đỡ đẻ cho vợ tại nhà trọ vì không có tiền đi bệnh viện, sau đó con được 15 ngày tuổi cũng phải dắt díu nhau về quê.

Người lao động chọn về quê vì không có gì đảm bảo cuộc sống của họ ổn định lâu dài ở đô thị (họ không có các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...). Khi mà không có cái gì bảo đảm cuộc sống thì sẽ không có cái gì để níu kéo chân họ ở lại. Điều này cho thấy sự tạm bợ trong công việc của các lao động này thời gian qua. Chính vì những người lao động không có tích lũy nên không lấy đâu ra tiền để mua nhà, lo cho con cái học hành, hay bảo đảm an sinh tuổi già... Không có “an cư” để “lạc nghiệp”, không có tương lai cho con cái thì đương nhiên họ phải lựa chọn về quê.

Chúng ta có thể đặt câu hỏi, nếu không làm ăn được tại sao trước đây họ không về? Tôi cho rằng mỗi người khi bước chân ra đi tha hương để mưu sinh thì ai cũng đều mong muốn “đổi đời”. Nếu về quê khi chưa “đổi đời” hay vì sự “yếu kém” nào đó thì khó tìm được sự thông cảm từ gia đình, họ hàng - những người vốn luôn kỳ vọng vào họ. Nên dù không có thu nhập nhiều, họ cũng “cố sống cố chết” bám trụ ở lại. Nay dịch giã nên cùng đường phải họ trở về.

Một trong những lý do mà người lao động trở về quê đông chính là việc nghi ngờ đại dịch đã hết hay chưa, còn bùng phát nữa hay không. Điều này không ai có câu trả lời chắc chắn, trong khi ranh giới giữa sự sống và cái chết mà họ đã chứng kiến thật mong manh.

Ngoài ra, theo tôi, nhận thức về công ăn, việc làm và an sinh, an toàn của người lao động chắc chắn sẽ đổi khác sau đại dịch. Vậy nên, khi mà nơi tưởng chừng là “miền đất hứa” đã không cho họ một cơ hội tồn tại lâu dài, bảo đảm, thì khi được tạm nới lỏng giãn cách và việc mưu sinh tiếp theo chưa biết thế nào thì con đường về với quê - nơi còn có chút ruộng đồng để sinh nhai - là lựa chọn tối ưu nhất của họ.

Cần giải pháp căn cơ, gốc rễ

+ Ông có cho rằng việc người lao động về quê trong khi các nhà máy, xí nghiệp đang bắt đầu hoạt động trở lại sẽ tác động đến việc khôi phục sản xuất sau thời kỳ giãn cách xã hội không?

- Đây là một thực trạng mà chúng ta đang đối diện. Nhà máy, xí nghiệp không thể không hoạt động trở lại và muốn hoạt động phải đủ nhân lực nhưng một bộ phận lớn người lao động đã về quê. Mà để họ quay trở lại còn là cả vấn đề. Những người về là những người đã có thời gian làm việc mà không có tích lũy. Họ đến bằng “tay trắng” và đã ra về cũng bằng “tay trắng”.

Và nếu họ có quay trở lại làm việc chắc cũng còn phải một thời gian không ngắn nữa bởi những cái hấp dẫn họ đã không còn nhiều. Nhiều khả năng họ sẽ trở về tăng gia sản xuất trên mảnh ruộng quê hoặc tìm việc ở các doanh nghiệp hoặc làm gì đó ở chính địa phương của họ là chính. Tôi cho rằng số quay trở lại nơi họ bỏ chạy không nhiều. Bài toán thu nhập thấp nhưng được gần gia đình và an toàn dễ được họ lựa chọn nhiều hơn là “thu nhập cao” nhưng phải xa gia đình và thiếu an toàn!

Cho nên, nguy cơ thiếu hụt lao động đối với các nhà máy, xí nghiệp trong thời gian trước mắt là hiện hữu và không dễ bù đắp trong ngày một ngày hai.

+ Theo ông, để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động sản xuất, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, cần thiết phải làm như thế nào?

- Theo tôi, với bài toán cụ thể thì lúc này hơn lúc nào hết, các nhà máy, xí nghiệp phải có tính toán lại nguồn lực sản xuất, đặc biệt là tính toán lại xem việc phân phối lợi tức thời gian trước đây đã hợp lý chưa. Phần trả cho người lao động lâu nay đã xứng đáng chưa để có những điều chỉnh hợp lý, phải cho người lao động thấy được phần thu nhập họ có thể tích lũy, dự phòng rủi ro.

Người lao động phải thấy được các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... được bảo đảm một cách thực tế. Đặc biệt, người lao động phải có được tình huống “an cư” bền vững, mà ở đây là việc xây dựng các ký túc xá, các khu nhà ở công nhân giá rẻ... Với những bảo đảm này không khó để thu hút lao động ngoại tỉnh trở lại làm việc thời gian tới.

Bài toán chiến lược mà Chính phủ phải tính toán đến là phương án phân bố lại các khu/cụm công nghiệp đều khắp các tỉnh/thành tùy vào lợi thế vùng miền với từng loại hình sản xuất hàng hóa để người lao động có cơ hội làm việc trên quê hương mình theo đúng chủ trương “ly nông bất ly hương”. Đây mới là bài toán phát triển bền vững.

+ Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”,  theo đó bãi bỏ việc thực hiện Chỉ thị 15, 16 ở các địa phương. Theo ông, các địa phương cần phải làm gì để bắt kịp chủ trương mới?

- Hiện nay, chúng ta đã nói nhiều đến trạng thái “sống chung với dịch”, vậy nên cần phải hành xử theo đúng kiểu “sống chung với dịch”. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn sợ hãi với những trường hợp nhiễm bệnh một cách thái quá dẫn đến có những hành động cực đoan với người về từ vùng dịch.

Bên cạnh đó, hiện tượng cát cứ, hay mỗi nơi một chính sách trong việc đón dân về quê, lưu thông hàng hóa, mở cửa sản xuất... đang diễn ra ở một số địa phương. Do vậy, giữa các địa phương cần có sự liên thông, thống nhất, tránh mỗi nơi làm một kiểu và cần có sự bình đẳng đối xử giữa các địa phương với người về quê. Điều này cũng tránh được những phê phán không đáng có.

Trinh Phúc (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

(CLO) Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô
VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: 'Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: "Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

(CLO) Việc VIPFA khai trương cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái kinh doanh kết nối cơ hội đầu tư và xúc tiến FDI vào Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô
Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

(CLO) Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa khô.

Kinh tế vĩ mô
Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức buổi công bố điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 4/2024, với chuyên đề "Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo".

Kinh tế vĩ mô
Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Hungary

Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Hungary

(CLO) Tỉnh Thái Bình mong muốn được hợp tác toàn diện với các đối tác, nhà đầu tư Hungary, trong đó đi sâu trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục, đào tạo, y tế.

Kinh tế vĩ mô