Người lao động Việt Nam tại Nhật Bản lao đao vì đồng yên xuống giá
(CLO) Người lao động Việt Nam tại Nhật Bản đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi đồng yên xuống giá, trong khi đó giá điện, xăng, thuế đều tăng. Khó khăn bủa vây khiến nhiều người lao động muốn từ bỏ “giấc mơ” ở Nhật Bản.
Giá đồng yên lao dốc
Giá trị của đồng yên Nhật đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.

Giá trị đồng Yên Nhật lao dốc, tính đến ngày 31/3 còn 186,65 đồng/1 Yên.
Nguyên nhân chính khiến đồng yên tiếp tục suy yếu là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã quyết định sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện mục tiêu lạm phát 2%.
Quyết định này hoàn toàn đi ngược với các ngân hàng trung ương lớn khác là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay ngân hàng châu Âu (ECB).
Ngoài chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đồng USD đang có xu hướng tăng cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến đồng yên Nhật tiếp tục mất giá. Các chuyên gia tài chính dự báo giá trị đồng Yên có thể sẽ giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới.
Nhật Bản không còn là màu hồng…
Chị Nguyễn Thị Phương (Bắc Giang) hiện đang làm việc tại Mishima (Nhật Bản) chia sẻ: “Sang Nhật Bản được ba năm thì hai năm dính dịch. Năm thứ ba được tăng ca một ít thì thuế tăng, ga, điện tăng mà yên thì giảm. Nhật Bản không còn màu hồng nữa rồi”
“Mình đang phân vân giữa ở và về, ở thì chán mà về thì tiếc. Tháng vừa rồi đi làm được 24 ngày, tăng ca từ 6h30 phút được 125.000 yên, tháng vừa rồi phải trừ hẳn 80.000 yên vào tiền thuế, ga, điện… Gần hết tháng lương rồi còn đâu”, chị Phương nói.
Không chỉ chị Phương mà rất nhiều người lao động Việt Nam tại Nhật Bản cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi đồng yên xuống giá.
Chị Thanh Hải (Hà Tĩnh) đang làm việc tại Fukuroi (Nhật Bản) nói: “Công ty vừa tăng cho mấy đồng, mà đồng yên xuống thế này thì lương tính ra còn chả bằng ngày trước”.
“Mấy người ở nhà chuẩn bị qua Nhật Bản nên cân nhắc, dịch dã đã ít việc rồi thì chớ, đồng yên thì rẻ hơn bèo, lao đầu qua đây làm gì nữa. Đồng yên rớt kiểu này chắc ba năm làm việc không đủ phí đi ấy chứ, chưa kể là qua công ty có tăng ca hay không…”, chị Hải bộc bạch.
Anh Nguyễn Trọng Tín (Kiên Giang) hiện đang làm việc ở Nhật Bản cho hay: “Trong một ngày giảm tới 4 số rồi, còn dự báo yên giảm tới tháng sau nữa thì chắc còn nước ăn cháo thay cơm thôi..”.
Chị Hoàng Thị Thương đang làm việc ở Mito, Ibaraki (Nhật Bản) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì đồng yên xuống giá, chị chia sẻ: “Hai năm đầu dịch bệnh coi là nháp, năm ba dịch chưa hết, đồng yên thì giảm, thuế tăng. Lương thì thấp, yên thì giảm giá, kiếm ra đồng tiền thì vất vả…”.
Cẩn trọng với hình thức lừa đảo mua bán đồng yên
Chị Trương Thị Quỳnh Diễm (Hà Tĩnh) là một nạn nhân trong giao dịch mua bán đồng yên . Trong thời điểm đồng yên xuống giá mạnh, với nhu cầu muốn bán đồng yên, chị đã lựa chọn một tài khoản cá nhân đăng bài “thu mua man giá cao” trên mạng xã hội facebook để giao dịch.

Người Việt Nam tại Nhật Bản được khuyến cáo cần cẩn trọng trước những hình thức mua bán đồng Yên lệch giá trong thời điểm hiện tại.
Tin tưởng vì cùng là người sang Nhật Bản làm ăn, cộng thêm việc mua cao hơn những chỗ khác, chị Diễm đã nhẹ dạ chuyển 480.000 yên cho tài khoản này với giá 2xx.
Tài khoản này đưa ra nhiều giấy tờ như căn cước, thẻ ngân hàng để chị Diễm tin tưởng, sau khi chị Diễm chuyển 480.000 yên, tài khoản này cũng biến mất.
“Sang đây đều đi làm kiếm bữa cơm manh áo, ai cũng như ai, tiền mất cũng đã mất rồi, mong mọi người không vì thấy mua yên với giá cao hơn những chỗ khác mà nhẹ dạ rơi vào lừa đảo như tôi”, chị Diễm lên tiếng cảnh báo mọi người trên facebook trong hội nhóm “Mua bán Man Nhật”.
Giá yên biến động dẫn tới nhiều người nhẹ dạ, lo lắng nên chọn đổi sang tiền Việt Nam để tích trữ cho an toàn, đây cũng là cơ hội của các hình thức lừa đảo công nghệ cao. Vì vậy, khi lựa chọn chuyển tiền, đổi tiền cần phải hết sức cảnh giác, nhất là khi trao đổi qua hình thức “tay ba”, không nên nhẹ dạ tin vào những lời mời gọi “mua man giá cao”.
Bài và ảnh: Lê Trang