Đời sống văn hóa

Người trẻ và hành trình đánh thức ký ức từ những bức ảnh liệt sĩ

Trung Nguyễn 09/05/2025 14:08

(CLO) Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, không ít bạn trẻ đang lặng lẽ viết nên câu chuyện về lòng tri ân và tình yêu quê hương theo cách rất riêng – không cần những lời hoa mỹ, mà bằng những hành động âm thầm nhưng đầy rung cảm. Trong bức tranh ấy, nhóm phục dựng ảnh Skyline nổi bật như một nốt trầm giàu nhân văn, khi từng ngày hồi sinh ký ức cho hàng nghìn gia đình liệt sĩ từ những bức ảnh đã nhòe mờ theo năm tháng.

Khi lịch sử không chỉ là trang sách

Không còn khô khan, nặng nề như trong sách giáo khoa, lịch sử ngày nay đang được các bạn trẻ tiếp cận bằng nhiều phương thức sáng tạo và cảm xúc hơn. Từ trào lưu mặc cổ phục, học chơi nhạc cụ truyền thống, đến các nhóm nghiên cứu văn hóa, lịch sử trên mạng xã hội – tất cả đang cho thấy một sự thức tỉnh mạnh mẽ trong giới trẻ về cội nguồn dân tộc. Đó là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi nhu cầu khẳng định bản sắc văn hóa và gìn giữ ký ức lịch sử trở thành điểm tựa tinh thần của thế hệ mới.

Trong dòng chảy ấy, Skyline không chỉ là một nhóm phục chế ảnh đơn thuần. Họ là những người trẻ đi ngược thời gian, tìm lại hình hài quá khứ cho những người đã nằm lại trong lòng đất mẹ, và mang ký ức trở về với hiện tại.

Ảnh màn hình 2025-05-09 lúc 12.45.15
Nhóm Skyline chuyên phục dựng lại ảnh cũ các chiến sỹ, thân nhân của các gia đình trên khắp đất nước Việt Nam. Ảnh: FBNV

Phùng Quang Trung, sinh năm 1996 tại Hải Dương là người khởi xướng nên hành trình đặc biệt này. Giữa thời điểm giãn cách xã hội năm 2021, anh vô tình đọc được câu chuyện về một gia đình liệt sĩ ở Nghệ An mong mỏi có được tấm ảnh thờ người con trai đã hy sinh. "Cảm động trước mong muốn tưởng như rất nhỏ nhưng lại chất chứa cả một niềm đau đó, tôi bắt đầu tự học phục dựng ảnh – không qua trường lớp, chỉ với sự kiên nhẫn, lòng trân trọng và cả trái tim", anh Trung cho biết.

Anh Trung tiết lộ, bức ảnh đầu tiên được hoàn thiện và trao đi chính là khởi đầu cho những gì sau này trở thành nhóm Skyline – nơi tập hợp những người trẻ cùng chung một tình yêu với công nghệ, nhiếp ảnh và quan trọng hơn cả, với ký ức dân tộc.

Công việc của Skyline không đơn giản là “chỉnh sửa ảnh”. Đằng sau mỗi bức ảnh phục dựng là hàng giờ kiên nhẫn, là sự kết hợp giữa công nghệ AI hiện đại và cảm quan nghệ thuật tinh tế. Có khi, chỉ một chi tiết nhỏ như ánh mắt, dáng mũi, hay nếp gấp của chiếc áo cũng được cân nhắc cẩn trọng. Bởi với họ, đó không chỉ là nét vẽ – mà là hồn người.

Ảnh màn hình 2025-05-09 lúc 13.00.47
Khoảnh khắc mà các thành viên Skyline hiểu rằng công việc của họ không chỉ là trao đi một bức hình – mà là mang lại sự đoàn viên cuối cùng, là chiếc cầu nối vô hình giữa hai thế hệ. Ảnh: FBNV

Không ít bức ảnh được gửi đến chỉ còn là mảnh giấy ố vàng, nhòe nhoẹt vì thời gian hoặc chiến tranh. Để tái hiện một gương mặt chân thực, các thành viên Skyline phải trò chuyện sâu với thân nhân liệt sĩ, nghe lại từng mẩu ký ức rời rạc: “Anh ấy mắt tròn”, “nụ cười hiền lắm”, “mũi hơi gãy một chút”… Từng câu nói ấy được họ nâng niu như chỉ dẫn quý giá để hoàn thiện bức chân dung không chỉ đúng kỹ thuật, mà còn chân thực về tâm hồn.

Khoảnh khắc không thể quên

Có lẽ kỷ niệm khiến tôi day dứt và nhớ nhất là câu chuyện về một mẹ Việt Nam anh hùng ở Bắc Giang", anh Đinh Hoàng Giang, thành viên nhóm Skyline chia sẻ. “Người cháu liên hệ nhóm khi mẹ đã yếu lắm rồi, mong có bức ảnh mẹ được ngồi cùng con trai – liệt sĩ – trước khi bà nhắm mắt. Lúc ấy, nhóm vừa trở về từ một chuyến đi thiện nguyện ở vùng lũ, rất mệt, nhưng cả đội quyết định làm ngay trong đêm. Ảnh được hoàn thành và gửi về kịp. Gia đình bảo rằng sau khi nhận ảnh, mẹ khỏe hơn, ăn uống và trò chuyện được. Nhưng không lâu sau, bà mất ở tuổi 100 – rất thanh thản".

Đó là những khoảnh khắc khiến các thành viên Skyline hiểu rằng công việc của họ không chỉ là trao đi một bức hình – mà là mang lại sự đoàn viên cuối cùng, là chiếc cầu nối vô hình giữa hai thế hệ.

Ảnh màn hình 2025-05-09 lúc 12.50.46
Tấm ảnh trước và sau khi phục dựng một liệt sĩ do nhóm Skyline thực hiện. Ảnh: FBNV

Skyline chưa từng thu phí cho bất kỳ bức ảnh nào. Tất cả chi phí đều do các thành viên tự đóng góp hoặc kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng. Trong thế giới số hóa, nơi những xu hướng phù phiếm dễ lấn át điều tử tế, thì những hành động như của Skyline là minh chứng sống động rằng lòng biết ơn và tình yêu đất nước vẫn đang được gìn giữ – không cần phô trương, chỉ cần chân thành.

Ở đâu đó, giữa phố thị đông đúc, vẫn có những người trẻ lặng lẽ ngồi trước màn hình máy tính hàng giờ liền, nâng niu từng chi tiết nhỏ trong một bức ảnh cũ – để ký ức được sống lại, và để lịch sử không chỉ là chuyện đã qua.

Ảnh màn hình 2025-05-09 lúc 13.03.25
Hơn 30 bức chân dung anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ được các thành viên nhóm Skyline hoàn thiện để gửi cho các người thân của các chiến sĩ. Ảnh: FBNV
    Nổi bật
        Mới nhất
        Người trẻ và hành trình đánh thức ký ức từ những bức ảnh liệt sĩ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO