Nguồn cung căn hộ mới tăng 37% trong năm 2021: Thị trường vẫn “khát”
(CLO) Colliers International dự báo, năm 2021, Hà Nội sẽ có thêm 25.000 căn hộ mới mở bán; còn tại TP.HCM sẽ là 40.000 căn hộ. Mặc dù nguồn cung mới được dự báo sẽ tăng so với năm 2020, song chưa thể đáp ứng được lực cầu khổng lồ của khách hàng.

Nguồn cung căn hộ tuy tăng khá nhưng chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân (Ảnh minh họa)
Do hoạt động thanh kiểm tra lại các dự án bất động sản diễn ra dày đặc, nên kể từ năm 2018 tới nay, nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội và TP.HCM đã sụt giảm nghiêm trọng.
Cụ thể, năm 2018, nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội đã đạt “đỉnh”, với hơn 52.000 sản phẩm được đưa ra thị trường. Năm 2019, nguồn cung đã sụt giảm xuống khoảng 46.000 sản phẩm.
Năm 2020, trước những tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp quyết định tạm hoãn thời điểm mở bán dự án mới. Điều này khiến nguồn cung giảm sâu, xuống 18.400 căn hộ mới mở bán, giảm 64% so với năm 2018.
Tương tự, tại TP.HCM, nguồn cung căn hộ mới cũng giảm dần, từ 46.000 căn hộ (năm 2018), giảm xuống 40.000 căn hộ (năm 2019) và chạm “đáy” 25.000 căn hộ (năm 2020).
Dự báo của Colliers International cho biết, trong năm 2021, Hà Nội sẽ có thêm 25.000 căn hộ mới mở bán (tăng 26%); còn tại TP.HCM sẽ là 40.000 căn hộ (tăng 37%).
Theo nhận định của giới chuyên gia, mặc dù nguồn cung căn hộ mới trong năm 2021 sẽ tăng mạnh so với năm trước, song chỉ như “muối bỏ biển” và người dân vẫn đang trong tình trạng “khát” nhà ở.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020 các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, các đô thị lớn cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông An Tiến Hưng, chuyên gia bất động sản đánh giá: Trong số 25.000 căn hộ mới chuẩn bị mở bán tại Hà Nội và 40.000 căn hộ mới tại TP.HCM, phải đến 40% - 60% thuộc phân khúc cao cấp; 50% - 38% thuộc phân khúc trung cấp, dưới 10% còn lại là căn hộ bình dân.
Theo ông Hưng, không phải người Việt Nam nào cũng có tiềm lực tài chính mạnh để sở hữu các căn hộ cao cấp, có giá trị lên tới 50 triệu đồng/m2. Trong khi đó, thứ mà người mua cần chính là nhà ở bình dân lại đang thiếu trầm trọng.
Vì vậy, nguồn cung mới trong năm 2021 chỉ đáp ứng được một bộ phận nhỏ người có thu nhập cao mua nhà. Nếu tình trạng này kéo dài, rất có thể dẫn tới hiện tượng dư thừa căn hộ cao cấp.
“Người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị đang chiếm tỷ lệ lên đến khoảng 80%. Họ là đối tượng chính đang có nhu cầu mua các căn hộ có giá dưới 2 tỷ đồng, thuộc phân khúc phổ thông. Tuy nhiên, với tỷ trọng thấp như hiện nay, tình trạng “khát” nhà ở vẫn còn tiếp diễn trong vài năm tới”, ông Hưng nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng: Ngay cả khi nguồn cung tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với dự kiến, thị trường vẫn rơi vào tình trạng thiếu thốn nhà ở.
“Với tình trạng khan hiếm như hiện nay, giá căn hộ tại các thành phố lớn trong năm 2021 được dự báo sẽ tiếp tục tăng, trên dưới 10%”, ông Đính nói.
Lâm Vũ