Nguồn tài nguyên 'vô hạn' của Nga là con dao hai lưỡi?

28/10/2024 13:54

(CLO) Nga đang đối mặt nguy cơ thiếu hụt mangan và crôm nghiêm trọng khiến sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu tăng cao.

Tài nguyên khoáng sản đóng vai trò nền tảng trong xuất khẩu của Nga, song nước này lại phải nhập khẩu nhiều tài nguyên thiết yếu phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng cũng có thể cản trở sản xuất các thiết bị như xe tăng. Vậy, điều gì còn thiếu trong tay Tổng thống Vladimir Putin?

nguon tai nguyen vo han cua nga la con dao hai luoi hinh 1

Nhà máy xe tăng Nga. Ảnh: Rostiech

Xuất khẩu của Nga chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và khí đốt. Dù bị áp đặt cấm vận, nhu cầu toàn cầu đối với các tài nguyên này vẫn cao, và một số khách hàng phương Tây mới đã thay thế các đối tác cũ. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là những nước đang tận dụng tình hình để mở rộng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Nga cũng nắm quyền kiểm soát vận chuyển tungsten – kim loại thiết yếu cho ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây và là nhà sản xuất lớn về uranium đã được làm giàu, một yếu tố quan trọng cho các nhà máy điện hạt nhân.

Tuy nhiên, dù truyền thông Nga thường nhấn mạnh Nga như một cường quốc tự cung tự cấp, thực tế không hoàn toàn như vậy. Một điểm yếu đáng kể trong hệ thống của ông Putin là sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ bên ngoài đối với mangan, một thành phần quan trọng trong công nghiệp quốc phòng hiện đại.

Tài nguyên cho ngành công nghiệp quốc phòng

Vấn đề này, một thử thách tiềm ẩn nhưng chưa được công bố rộng rãi của điện Kremlin, được thảo luận chi tiết hơn bởi ông Yevgeny Fyodorov từ trang tin Topwar của Nga.

Ông Fyodorov chỉ ra rằng mặc dù Nga sở hữu hai mỏ mangan lớn, nước này vẫn không thể khai thác hiệu quả và đang phải dựa vào các phương pháp khai thác từ thời Liên Xô mà không đầu tư vào nghiên cứu hay phát triển ngành khai khoáng.

Khai thác tại Nga chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng mangan toàn cầu, một con số rất nhỏ so với nhu cầu của ngành công nghiệp quốc phòng trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine.

Nguồn cung mangan của Nga

Nga đã vượt qua các lệnh cấm vận của EU, nhập khẩu mangan qua các tuyến đường từ Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, và các nước Baltic. Đặc biệt, Estonia và Latvia đã cảnh báo rằng nguyên liệu thô chiến lược vẫn đang đi qua cảng của họ để đến Nga. Tuy nhiên, với các quốc gia này, vốn tuân thủ luật pháp quốc tế, họ không thể ngăn cản hoàn toàn quá trình này.

Dù việc nhập khẩu thông qua các tuyến đường thay thế giúp Nga duy trì sản xuất, chi phí lại cao hơn và kém ổn định, dễ gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Đây là nguyên liệu thiết yếu cho ngành công nghiệp, nhất là quốc phòng, dù hàm lượng trong thép giáp chỉ là một phần nhỏ, vai trò của mangan lại vô cùng quan trọng.

Nhiều mỏ mangan lớn nằm gần Nga, và theo báo cáo của Cục Địa chất và Khoáng sản Ukraine, vào năm 2019, Ukraine chiếm khoảng 10% sản lượng mangan toàn cầu. Kết hợp với các tài nguyên thiên nhiên khác của Ukraine, điều này có thể là một trong những lý do gián tiếp dẫn đến việc Nga phát động chiến sự tại quốc gia láng giềng này.

Nhập khẩu crôm và vấn đề cạn kiệt tài nguyên

Crôm cũng đóng vai trò quan trọng tương tự như mangan với Nga, do thành phần này giúp gia tăng độ cứng, khả năng chịu nhiệt, và khả năng chống ăn mòn của thép. Nga phải nhập khẩu tới 60% nhu cầu quốc gia, phần lớn nguyên liệu công nghiệp thiết yếu này được vận chuyển qua Kazakhstan.

Thêm vào đó, các mỏ crôm hiện đang khai thác của Nga (cùng nhiều tài nguyên khác) đang cạn kiệt. Tháng 9 năm 2024, Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Nga, ông Alexander Kozlov, đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề này. Ông cho biết các mỏ tài nguyên quan trọng hiện nay có thể chỉ đáp ứng được nhu cầu trong vòng 5 đến 15 năm tới, tùy theo từng loại khoáng sản.

Ông Kozlov cho rằng tình trạng này xuất phát từ việc gần như ngừng toàn bộ các nghiên cứu địa chất và khai thác các tài nguyên thời Liên Xô mà không đầu tư dài hạn. Chính sách thiên về lợi nhuận ngắn hạn này đã buộc Nga phải chuyển sang khai thác tài nguyên ở Bắc Cực, gây nên căng thẳng khu vực và các biện pháp đối phó từ phương Tây.

Sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên nhập khẩu cũng ảnh hưởng đến khả năng đe dọa của Nga đối với thế giới. Mặc dù Nga có thể dừng cung cấp các tài nguyên quan trọng cho phương Tây, điện Kremlin thường không đề cập rằng bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu đều có thể gây hậu quả không chỉ cho phương Tây mà còn cho chính Nga.

Dũng Phan (Theo Daily Wrap)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nguồn tài nguyên 'vô hạn' của Nga là con dao hai lưỡi?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO