Nguy cơ chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ hết sau cuộc hội đàm Putin-Biden?

Thứ tư, 08/12/2021 17:02 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden vừa có các cuộc hội đàm khẩn cấp, sau khi Ukraine lo ngại một cuộc tấn công từ phía Nga. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Liệu cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến này sẽ chấm dứt mối đe dọa quân sự của Nga đối với Ukraine?

Có thể nói ngay, chỉ một cuộc trò chuyện sẽ không kết thúc được khủng hoảng. Mọi thứ bây giờ phụ thuộc vào những gì ông Putin rút ra từ cuộc thảo luận và những tín hiệu mà ông sẽ gửi đi trong những ngày tới và có thể cả vài tuần tới.

nguy co chien tranh giua nga va ukraine se het sau cuoc hoi dam putin biden hinh 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vừa diễn ra với người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Không thể đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của tình trạng hiện tại. Quy mô và tính chất của việc Nga tập trung quân đội xung quanh biên giới Ukraine là rất khác thường. Các nguồn tin tình báo Mỹ cảnh báo rằng Điện Kremlin đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công từ nhiều phía, sớm nhất là vào đầu năm tới, với sự tham gia của khoảng 175.000 quân.

Michael Kofman, một trong những người theo dõi và am hiểu nhất về quân sự Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, nói rằng mọi người có quyền lo ngại.

Ông phân tích: “Tư thế quân sự hiện tại của Nga đang rất bất thường. Điều đáng chú ý là quy mô các đơn vị chiến đấu đã được tập hợp và lực lượng tiếp theo đang được triển khai. Nó trông giống như một chiến dịch xâm chiếm, lớn hơn rất nhiều các quy mô quân sự mà Nga từng huy động trong những năm trước”.

Vậy, tác động từ hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ vừa được dàn xếp vội vàng sẽ dẫn đến điều gì? Về cơ bản, có 3 khả năng có thể xảy ra sau đây:

Nga sẽ lùi bước

Đây là khả năng ít xảy ra nhất. Ông Putin đã đưa quân ra tiền tuyến và họ sẽ không trở về doanh trại nếu không ghi được một chiến công nào đó. Vả lại, một cuộc rút quân mà không đạt được kết quả gì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới vị thế và uy tín của Tổng thống Putin.

Những gì mà ông Putin từng nói về Nga và sứ mệnh lịch sử đối với Ukraine cho thấy, ông không chỉ rất lo lắng trước việc Ukraine đang trôi vào quỹ đạo của NATO, mà còn về hậu quả từ các vấn đề chính trị sẽ xuất hiện sau này tại Ukraine - nơi mà ông coi là một phần của trái tim nước Nga.

Tất nhiên, ông Putin sẽ phải cân nhắc về các mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt kinh tế, trong trường hợp tấn công Ukraine. Nhưng Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây trước đây. Ông có thể tin rằng phương Tây sẽ chùn bước trước sức mạnh về năng lượng và quân sự mà Nga đang sở hữu.

Giải pháp ngoại giao

Trước tiên, cũng có thể nói ngay rằng Tổng thống Mỹ Biden cũng không chấp nhận yêu cầu của Nga về việc phủ quyết việc gia nhập NATO của Ukraine, giống như việc ông Putin sẽ không chịu rút quân vô điều kiện.

Song trên thực tế, viêc gia nhập NATO của Ukraine còn phải trải qua một quá trình dài. Vì vậy, trong thời gian này, phương Tây có thể đưa ra cho ông Putin một số lợi ích ngoại giao để Nga có thể chấp nhận từ bỏ một cuộc chiến tranh?

Tổng thống Putin thực ra đã có chiến thắng ngoại giao đáng kể từ chính việc khiến Mỹ phải gấp rút dàn xếp họp thượng đỉnh với ông. Thậm chí, việc Nga tăng cường quân đội xung quanh Ukraine đã buộc Mỹ phải đặt mối quan tâm này lên hàng đầu trong chương trình nghị sự, thay vì các cuộc chiến thương mại và địa chính trị với Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương.

Nỗ lực giúp nước Nga lấy lại hình ảnh một quốc gia “siêu cường” rõ ràng là điểm cộng không hề nhỏ của ông Putin. Nhưng có lẽ, mọi thứ không chỉ dừng lại ở đó. Thực tế, cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Nga còn đề cập đến các vấn đề khác ngoài Ukraine, như năng lượng và hạt nhân tại Iran.

Nga rõ ràng đã nhận ra họ đang đi đúng hướng, chỉ đang cân nhắc sẽ đi bao xa mà thôi? Điều này sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Mỹ và NATO tới đây. Song, dù thế nào thì Nga sẽ duy trì mục tiêu không để Ukraine thoát ra khỏi quỹ đạo của mình.

Tấn công quân sự

Nga rõ ràng đang chuẩn bị cho một tấn công quân sự, dù nó có xảy ra hay không. Điều này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, từ một cuộc tấn công nhỏ, cho đến một cuộc tổng tiến công quy mô lớn vào phía đông Ukraine. Mục đích là buộc quân đội Ukraine phải ra trận và thất bại, khiến chính phủ nước này phải nghĩ lại về việc thoát khỏi quỹ đạo nước Nga, tức gia nhập NATO.

nguy co chien tranh giua nga va ukraine se het sau cuoc hoi dam putin biden hinh 2

Quân đội Nga đang được tập trung với quy mô lớn xung quanh biên giới với Ukraine. Ảnh: Reuters

Dẫu vậy, việc xâm chiếm lãnh thổ có những rủi ro đáng kể. Các lực lượng vũ trang của Ukraine đã có một số vũ khí và được huấn luyện bởi phương Tây, được củng cố nhiều kể từ năm 2015.

Tuy nhiên, các lực lượng của Nga cũng được cải thiện trong những năm gần đây. Hỏa lực mà Nga đang xây dựng là rất hùng mạnh. Trước vấn đề chủ quyền của Ukraine, NATO cũng không thể viện trợ cho Ukraine. Thậm chí, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể chỉ góp phần biện minh cho một cuộc chiến của Nga.

Cuối cùng sẽ là gì?

Tuyên bố của Mỹ đưa ra sau cuộc hội đàm trực tuyến cho thấy, các cuộc đối thoại giữa Nga và Mỹ về vấn đề này vẫn sẽ tiếp tục và sẽ được bỏ ngỏ tới đây. Vậy cơ hội để tránh chiến tranh là gì? Và các bên nên tìm kiếm điều gì để ngăn chặn điều tồi tệ này?

Chuyên gia Michael Kofman lưu ý rằng “chiến tranh là vấn đề của chính trị, các dấu hiệu phần lớn sẽ là chính trị”. Về mặt quân sự, một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine sẽ không sớm xảy ra, ít nhất cho đến trước khi một loạt các dấu hiệu và cảnh báo xuất hiện!

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế