Nguy cơ từ khe co giãn hư hỏng, cầu Rác được 'chống đỡ' bằng ván gỗ
(CLO) Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật tạm thời tại khu vực cầu Rác (xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), trong đó đáng chú ý là việc giới hạn tốc độ tối đa xuống 40 km/h và gia cố mố cầu bằng ván gỗ.

Hiện nay, trên quốc lộ 1A đoạn qua Km539+591 (gần cầu Rác, hướng Nam - Bắc), xe khách và xe tải đều phải giảm tốc độ xuống 40 km/h theo biển báo giới hạn được lắp đặt cố định. Trước đó khoảng 200m, biển báo tốc độ 60 km/h cũng đã được cắm để cảnh báo sớm cho các tài xế chuẩn bị điều chỉnh tốc độ.

Theo phản ánh của nhiều tài xế, quy định hạn chế tốc độ này đã được áp dụng trong thời gian khá dài. Anh Nguyễn Đăng Tài (SN 1987, trú tại Nghệ An), tài xế xe đầu kéo chia sẻ: “Tôi từng nghĩ đây là biển báo tạm trong thời gian sửa chữa, nhưng qua nhiều tháng vẫn không thấy gỡ bỏ. Việc giới hạn tốc độ khiến hành trình kéo dài hơn, nhưng nếu để đảm bảo an toàn thì cũng rất cần thiết”.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến việc giới hạn tốc độ là do cầu Rác đang gặp sự cố kết cấu, cụ thể là hư hỏng khe co giãn và phần bê tông bản cánh dầm tại mố cầu phía Nam bị nứt vỡ. Để tránh tình trạng hư hỏng lan rộng, cơ quan quản lý đã sử dụng các tấm ván gỗ kê bên dưới khu vực hư hỏng nhằm giảm lực tác động khi phương tiện qua lại.

Theo lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ II cho biết, việc chèn ván gỗ là giải pháp tạm thời trong lúc chờ triển khai dự án sửa chữa khẩn cấp. Biện pháp này giúp hạn chế xung lực tác động vào phần bê tông đã bị nứt, đảm bảo cầu không bị xuống cấp thêm.

Cuối năm 2024, qua công tác kiểm tra định kỳ, đơn vị đã phát hiện khe co giãn và mố cầu bị hư hỏng. Ngay sau đó, Khu Quản lý đường bộ II đã báo cáo hiện trạng lên Cục Đường bộ Việt Nam và đề xuất dự án sửa chữa khẩn cấp. Hiện dự án đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, dự kiến sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Cầu Rác gồm hai đơn nguyên: phần cầu bên phải (hướng Bắc – Nam) được xây dựng trong giai đoạn nâng cấp quốc lộ 1 vào năm 2013; đơn nguyên còn lại đã đưa vào sử dụng từ nhiều năm trước. Sau thời gian dài khai thác với lưu lượng phương tiện tăng cao, đặc biệt là xe tải nặng từ tuyến mỏ đá gần đó, đơn nguyên cũ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Không chỉ phần cầu, mặt đường dẫn vào cầu Rác theo hướng Nam – Bắc cũng đang bị lún, bong tróc và hằn vệt bánh xe. Tình trạng này gây mất an toàn cho người tham gia giao thông và ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác tuyến huyết mạch quốc gia.
