(CLO) Nhân kỷ niệm 105 năm, Hồ Chủ tịch ra đi tìm đường cứu nước (1911-2016), 75 năm, Người trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc (1941-2016). Báo điện tử Công luận xin trân trọng giới thiệu bài viết "Nguyễn Ái Quốc - Hành trình “Đường Kách Mệnh” của Nhà báo Trần Đại Quyết nguyên TBT báo Nam Định, hiện nay là Chủ tịch HNB Nam Định.
Năm Bính Thân 2016, kỷ niệm 105 năm (từ năm Tân Hợi 1911) Hồ Chủ tịch rời Tổ quốc tìm “Đường kách mệnh”; 75 năm (đến Xuân Tân Tỵ 1941) Người trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Mùa xuân 2016, vào dịp Kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng (1930-2016), Đảng ta vừa tiến hành thắng lợi Đại hội toàn quốc lần thứ XII kế tục “Đường kách mệnh” - Học thuyết Tư tưởng Hồ Chí Minh. Những người làm báo Việt Nam tự hào trong hành trình tìm đường cứu nước, qua báo chí, Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với nghề báo, sử dụng báo chí làm công cụ chiến đấu, vũ khí tư tưởng sắc bén xây dựng Đảng cầm quyền, lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc.
[caption id="attachment_80462" align="aligncenter" width="640"]
Tác giả lấy tài liệu tại Phòng làm việc, nghỉ ngơi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tại địa chỉ 250 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc.[/caption]
Trong khóa đào tạo báo chí nâng cao Học viện Báo chí FoJo (Thụy Điển) tôi mới có đủ tư liệu thực hiện nguyện vọng chung của đồng nghiệp trước đó tại lớp quản lý nghiệp vụ Đại học báo chí Lille (Cộng hòa Pháp). Đó là việc đến Pari (Pháp) và Quảng Châu (Trung Quốc) tiếp tục tìm kiếm thông tin tại hai “Trọng điểm” trong hành trình “Đường kách mệnh” của Hồ Chủ tịch 30 năm ở hải ngoại. Khi đặt chân tới Pháp, nhà báo Trần Tứ Nghĩa, Tổng Biên tập Báo “Đoàn Kết”, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp và một số đồng nghiệp đã tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi thăm lại những nơi khởi đầu “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc ở Pari.
Đầu mùa xuân, bất chấp thời tiết còn giá buốt, cây cối ở Pari đã bừng bừng trổ lộc biếc đón nắng vàng. Nước sông Xen cuồn cuộn dâng cao do băng tuyết tan từ các nơi đổ về. Giữa kinh thành của những anh hùng “Công xã Pari” năm 1871, chúng tôi bồi hồi liên tưởng, chắp nối những sự kiện “khai môn” trong hành trình “Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. “Công xã Pari” là nơi cất lên “Tiếng kèn xung trận” đầu tiên của giai cấp vô sản toàn thế giới. Năm 1911, rời Bến Nhà Rồng, qua nhiều nước đế quốc, thực dân và thuộc địa, cuối năm 1917 Nguyễn Ái Quốc quyết định trở lại nước Pháp tìm “Đường kách mệnh” giải phóng dân tộc. Đây là quyết định có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mà là bước ngoặt lịch sử đối với vận mệnh dân tộc Việt Nam.
Thời điểm đó Pari được coi là “Trung tâm” của Châu Âu “Tất cả các con đường đều đến Pari” thay vì câu “Tất cả các con đường đều đến thành Rôm” thời trung cổ La Mã. Tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu sâu cuộc Đại cách mạng Pháp 1789 với lý tưởng “Tự do, bình đẳng, bác ái”; nâng cấp tổ chức “Hội thân ái” thành “Hội người Việt Nam yêu nước” ở Pari với tôn chỉ mục đích cao xa hơn; học viết báo rồi sáng lập Báo “Người Cùng Khổ” để từ đây sử dụng báo chí làm công cụ thực hiện mục tiêu cách mạng dân tộc; tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 và trở thành người đảng viên Cộng sản đầu tiên của Việt Nam; soạn thảo “Bản yêu sách” 8 điểm gửi Hội nghị Véc-xây đòi Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng cho dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc rất sung sướng khi đọc được “Luận cương” về vấn đề dân tộc và thuộc địa cùng lời hiệu triệu của Lênin: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại”. Người khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta”.
Từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản. Điều kỳ diệu là, năm 1941 sau khi về nước lãnh đạo dân tộc thực hiện “Đường kách mệnh” lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945 thì ngay năm sau (Bính Mùi 1946) Hồ Chí Minh trở lại Pari với cương vị thượng khách của Chính phủ Pháp để ngăn chặn thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam; cuộc thương lượng tại Pari không thành để rồi 9 năm sau (năm Giáp Ngọ 1954) quân Pháp phải cuốn cờ Pháp từ Hà Nội trở lại Pari. Gần 30 năm sau nữa, vào mùa xuân Quý Sửu 1973, giữa kinh thành Pari, Hiệp định về Việt Nam được ký kết buộc quân Mỹ (thế chân quân Pháp xâm lược Việt Nam) phải rời khỏi Việt Nam. Năm 1987 cũng tại Pari, Tổ chức UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Đến thời điểm đó, cả thế giới mới có 21 nhân vật lỗi lạc để lại những dấu ấn trong quá trình phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại.
Đứng trên tầng 3 Tháp Ép-phen, nhìn toàn cảnh thành phố Pari, các đồng nghiệp ở Pháp chỉ cho chúng tôi vị trí 20 quận nội thành xếp theo hình xoáy từ trái sang phải và các trọng điểm từng lưu “dấu chân” Nguyễn Ái Quốc, như Quảng trường Công-coóc, Điện Ê-li-dê, Bảo tàng Lu-vờ-rờ, Điện Păng-tê-ông, Nhà thờ Đức Bà, Khải Hoàn Môn, Đại học Soóc-bon… Chúng tôi tìm đến Quận 13 tìm nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh; Quận 4 số nhà 16 phố Giắc-cơ Ca-lô; Quận 17 nhà số 9 ngõ Công-poăng nơi Nguyễn Ái Quốc soạn thảo “Bản yêu sách” 8 điểm nổi tiếng năm 1919; nhà số 3 phố Mác-sê đề Pa-tri-át nơi xuất bản Báo “Người Cùng Khổ” năm 1922 (tờ báo đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập); trước đó năm 1921, Người tham gia thành lập “Hội Liên hiệp thuộc địa” kêu gọi các dân tộc đoàn kết chống thực dân đế quốc. Phố cũ nhà xưa nơi xứ người nay đều đã đổi khác, song tên tuổi và bước đường “khởi nghiệp” cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vẫn còn in đậm trong con người, cảnh trí, lịch sử văn hóa Pari. Đến Tòa thị chính Pari, mọi người nhớ lại sự kiện năm 1946, tại đây Hồ Chí Minh đã dõng dạc tuyên bố với chính phủ Pháp, quyết tâm của dân tộc Việt Nam nhất định không chịu làm nô lệ một lần nữa.
Còn tại Khải Hoàn Môn, cũng năm 1946 Người đã đến đặt hoa tươi tưởng nhớ các chiến sỹ Công xã Pari đấu tranh vì nền độc lập tự do của nước Pháp. Với mong muốn hòa bình, khi đến thăm Bảo tàng Noóc-măng-đi, Hồ Chủ tịch đã giơ bàn tay bịt nòng khẩu pháo của Pháp. Nhiều bà con Việt kiều Quận 13 nhớ lại, thời điểm 1920, ở Pháp có khoảng gần 9 vạn người Việt làm ăn sinh sống. Năm 1917 trở lại Pari, tại Quận 13, Nguyễn Ái Quốc đã gặp cụ Phan Chu Trinh (đỗ Phó Bảng Khoa thi năm 1901 cùng với Cụ Nguyễn Sinh Sắc) và Luật sư Phan Văn Trường cùng ở nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh. Qua hai ông, Nguyễn Ái Quốc mở rộng tiếp xúc với bà con kiều bào, nhưng đường lối cứu nước của Nguyễn Ái Quốc độc lập, không giống hai ông.
Ngày nay, bà con ở Pháp ai cũng mừng về sự phát triển của quê hương, đất nước và tình cảm của Đảng, Nhà nước dành cho người Việt Nam ở hải ngoại. Cùng với nhiều nhà khoa học, họa sỹ, nhạc sỹ người Việt nổi tiếng trên đất Pháp, mọi người vẫn thường nhắc đến Đội trưởng Cảnh sát Đặc nhiệm Pari Nguyễn Văn Lộc, quê Nam Định. Đặc biệt, ở Pháp, nói đến Bác Hồ, không chỉ người Việt mà người Pháp đều rất mực tôn kính tự hào. Tôn kính vì Người đã lãnh đạo một dân tộc nhỏ đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Tự hào vì chính tại Pari và qua Đảng Cộng sản Pháp, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra chân lý giải phóng dân tộc mình, góp phần giải phóng các dân tộc thuộc địa. Chúng tôi đến Trụ sở UNESCO, nơi đại diện các quốc gia trên thế giới đã ra Nghị quyết vinh danh một con người, bằng “Đường kách mệnh” do Người thiết kế từ Pari để giải phóng dân tộc Việt Nam.
[caption id="attachment_80463" align="aligncenter" width="640"]
Tác giả bên sông Xen Pari.[/caption]
Về Nguyễn Ái Quốc với báo chí và “Đường kách mệnh”, theo nhà báo Trần Tứ Nghĩa, “Bản yêu sách” của Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Véc-xây qua báo chí truyền thông lập tức có sức lan tỏa rộng rãi, được dư luận tiến bộ Pháp và các nước ủng hộ. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc với tầm nhìn trác việt đã ý thức sâu sắc vai trò, công cụ đắc lực của báo chí công luận trong hành trình “Đường kách mệnh”. Bởi vậy, Người ra sức học viết báo và xuất bản báo, ra sức học ngoại ngữ để đọc được, viết được các thể loại báo chí, văn học bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết cho các báo cánh tả, như “Nhân Đạo”, “Đời Sống Công Nhân”, “Dân Chúng”, “Nhân Dân Pari”… Bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc đăng Báo “Nhân Đạo” là “Quyền của các dân tộc thuộc địa” ra ngày 18-6-1919. Cũng chính từ Báo “Nhân Đạo”, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, đến với ý nghĩa cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga và con đường giải phóng dân tộc mà Người đang bôn ba tìm kiếm, học hỏi. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Hồ Chủ tịch đã để lại hơn 2000 bài báo các thể loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký, với khoảng 150 bút danh. Nguyễn Ái Quốc viết báo bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Hán, Việt… Thể loại nào, ngôn ngữ nào Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh cũng tỏ ra là cây bút hàng đầu.
Bối cảnh đầu thế kỷ 20 ở trong nước xuất hiện một số xu hướng cứu nước và đảng phái cách mạng, nhưng đều bị thực dân Pháp đàn áp, trong đó Phan Bội Châu “Đông du” chủ trương quân chủ lập hiến; cải cách “Tây du” của Phan Chu Trinh “Ỷ Pháp cường quốc”… Năm 1925, trong Thư gửi Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc), cụ Phan Bội Châu tin tưởng: “Việc thừa kế nay đã có người”. Một nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp hoạt động cùng thời với Nguyễn Ái Quốc tại Quốc tế Cộng sản viết: “Nguyễn Ái Quốc cho rằng chỉ có thành lập được Đảng Cộng sản thì chúng tôi mới có thể tổ chức và lãnh đạo đúng đắn công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam”. Về sự kiện này, năm 1951 tại Đại hội II của Đảng, Hồ Chủ tịch bổ sung khi nói về bản chất của Đảng “Là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam” - Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội 1995, tập 1.
Hoạt động ở Pháp đến năm 1923, Nguyễn Ái Quốc qua Đức đến Liên Xô dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản tháng 7-1924. Tại Đại hội, Nguyễn Ái Quốc đề nghị bổ sung dòng chữ “Gửi các dân tộc thuộc địa” vào Lời kêu gọi của Đại hội. Sau đó Người ở lại Mátxcơva làm việc tại Quốc tế Cộng sản, tiếp tục nghiên cứu có hệ thống lý luận Mác-Lênin; vận dụng, hoàn chỉnh lý luận “Đường kách mệnh” về xây dựng Đảng cách mạng và cách mạng giải phóng dân tộc theo đặc điểm Việt Nam. “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc là con đường độc lập, vận dụng sáng tạo nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi Lênin mất, Nguyễn Ái Quốc được phân công viết Lời Kêu gọi của Quốc tế Nông dân “Nông dân và công nhân tất cả các nước, hãy đoàn kết lại”, dự Lễ Truy điệu Lênin của Đại hội Xô Viết toàn Nga; là người nước ngoài duy nhất có bài đăng trang nhất Báo “Sự Thật” số đặc biệt tiễn đưa Lênin, nhan đề “Lênin bất diệt sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Năm 1924, trên Báo “Ngọn Lửa Nhỏ” của Liên Xô, nhà thơ Ô xíp-Manđenstam đã đăng bài về Nguyễn Ái Quốc sau cuộc tiếp xúc ở Đại học Phương Đông, nhận định như một lời tiên tri: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ, là nền văn hóa tương lai”. Đến Thụy Điển, chúng tôi được biết, cũng từ năm 1924, họa sỹ E-rích Giô-han-xen, sau khi gặp, ký họa Nguyễn Ái Quốc ở Mátxcơva, đã viết: “Người có thể trở thành lãnh tụ bằng học thức, trí tuệ của Người”.
Nếu Pari (Pháp), Mátxcơva (Liên Xô) là nơi Nguyễn Ái Quốc khởi phát, đặt nền móng lộ trình “Đường kách mệnh” theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, thì thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) là nơi Người vận dụng chủ nghĩa “Tam Dân” của Tôn Trung Sơn, bổ sung, làm rõ mục tiêu cách mạng dân tộc Việt Nam; biên soạn tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” gửi sang xuất bản ở Pari; mở lớp truyền bá học thuyết “Đường kách mệnh” cho cán bộ tiền bối của Đảng; chuẩn bị lực lượng và thời cơ về nước trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cách mạng là quá trình từ lý tưởng khát vọng đi đến hiện thực. Năm 1927, Trung Quốc nổ ra khởi nghĩa thành lập “Xô viết Quảng Châu” được ví như “Công xã Pari 1871”. Một số cuộc cách mạng ở nước này thời kỳ đó cũng đều thất bại, đã đặt ra bài học về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng mô hình chính quyền cách mạng.
Trong thời gian học tập ở Đại học Trung Sơn (Quảng Châu), Học viện Kim Dung Thượng Hải, và các chuyến công tác sau này đến Trung Quốc, tôi và các đồng nghiệp có nhiều dịp đến địa chỉ 250 đường Văn Minh, quận Đông Sơn (thành phố Quảng Châu); và đến các tỉnh, thành phố Trung Quốc còn lưu dấu bước đường hoạt động của Hồ Chủ tịch trước năm 1941 ở nước này. Những lần đến Quảng Châu, chúng tôi đều tới dâng hương lên phần mộ Liệt sỹ Phạm Hồng Thái tại Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, cùng 72 Liệt sỹ Cách mạng Tân Hợi 1911 do Tôn Trung Sơn lãnh đạo. Cổng Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương có 4 chữ đề của Tôn Trung Sơn “Hạo khí trường tồn”. Tại Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam tháng 8-2015, tôi tình cờ gặp lại một đồng môn Đại học Trung Sơn, anh là đại biểu Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh về dự Đại hội. Chúng tôi cùng nhau ôn lại những thông tin quý giá về địa chỉ 250 đường Văn Minh, Quảng Châu. Nơi Hồ Chủ tịch thành lập tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”, sáng lập Báo “Thanh Niên” (tờ báo cách mạng đầu tiên của Đảng), xuất bản Giáo trình “Đường kách mệnh” làm kim chỉ nam cho tiến trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng giải phóng dân tộc. Năm 1965, đúng vào dịp ngày sinh lần thứ 75 của Người, sau 40 năm, Hồ Chủ tịch có dịp đến Quảng Châu thăm lại địa chỉ này. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng đã đến thăm Khu di tích 250 đường Văn Minh.
Năm 2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đến thăm, đã lưu bút: “Tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vô cùng xúc động khi đến thăm Khu di tích “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” tại Quảng Châu, Trung Quốc. Sự ra đời của tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” là dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam” - Báo Nhân Dân ngày 14-10-2011. Tại Quảng Châu, sau khi ra Báo “Thanh Niên”, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Báo “Công Nông”, “Lính Kách Mệnh”… Mùa xuân năm Canh Ngọ 1930 tại Hồng Kông (cách Quảng Châu gần 200 km), Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ đạo xuất bản Báo “Tranh Đấu”, và Tạp chí “Đỏ”. Theo Trần Dân Tiên viết về Hồ Chí Minh (bản chữ Hán, Nhà Xuất bản Tam Liên - Thượng Hải năm 1949) thì chủ nghĩa “Tam Dân” của Tôn Trung Sơn (Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc) là 3 nguyên tắc “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” của nước Việt Nam do Hồ Chủ tịch sáng lập năm Ất Dậu 1945. Theo Người, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nhưng “Có độc lập tự do mà nhân dân không hạnh phúc thì tự do ấy cũng không nghĩa lý gì”.
Ngôi nhà 3 tầng số 250 đường Văn Minh kiến trúc kiểu Á Đông. “Giảng đường” huấn luyện “Đường kách mệnh” ở tầng 3, có treo ảnh Các Mác, Ăngghen, Lênin. Tầng 2 là nơi Nguyễn Ái Quốc, Tổng bộ “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” và học viên làm việc, nghỉ ngơi. Đồ dùng sinh hoạt, làm việc, học tập, như máy chữ, máy in, bàn ghế, một số sách báo, tài liệu… của Bác và học viên được lưu giữ bảo quản. Tại địa chỉ này, Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo hơn 200 cán bộ cách mạng tiên bối cho đất nước, như Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Văn Đồng… Tại đây, đồng chí Lê Hữu Lập được cử về Nam Định tuyển chọn số học sinh yêu nước trường Thành Chung đưa sang học tập, trong đó có đồng chí Nguyễn Thế Rục. Với tầm tư duy chiến lược cách mạng sâu sắc, ngay từ những năm 1926, 1927, Nguyễn Ái Quốc đã chọn 60 thanh niên từ trong nước đưa sang Quảng Châu học trường Quân sự Hoàng Phố thời kỳ “Quốc-Cộng hợp tác lần thứ nhất”, trong đó có Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Sơn… Ngay khi đến Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã gặp lại một số nhà cách mạng Trung Quốc thời kỳ hoạt động, học tập ở Pari (Pháp) và Đại học Phương Đông (Liên Xô).
Dịp đến công tác tại Hiệp hội Báo chí Thái Lan năm 1998, chúng tôi dụng công tìm kiếm “lộ trình” đầy cam go nguy hiểm của Nguyễn Ái Quốc thời điểm năm 1928 khi Người từ Liên Xô về Đông Bắc Thái Lan gây dựng phong trào cách mạng trong bà con Việt kiều. Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Pra-chun Xay-a-xan, tự hào với Đoàn Nhà báo Việt Nam “Quê tôi ở tỉnh U-đon, Bác Hồ thời kỳ đến đây đã ở gần nhà tôi. Trong tôi có hai dòng sữa, lúc mới sinh tôi được bú rình người mẹ Việt. Nước Thái có bài hát “Dòng sữa” ai cũng thuộc. Đó là dòng sữa mẹ và dòng sữa văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng phần xác và phần hồn mỗi con người”. Ông nói ở U-đon có đền thờ Anh hùng dân tộc Việt Nam Trần Hưng Đạo, từ lâu đời. Đến Đông Bắc Thái Lan thành lập Chi bộ “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”, cuối năm 1929 Nguyễn Ái Quốc qua Sinhgapo đến Hương Cảng chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mùa xuân 1930, sau đó quay lại Thái Lan tuyên truyền chương trình, cương lĩnh của Đảng, rồi xuống Ma-lai-xi-a, qua In-đô-nê-xi-a, Sinhgapo trở lại Hồng Kông làm đại diện Cục Phương Đông Quốc tế Cộng sản, với giấy tờ mang tên Tống Văn Sơ.
Người đến Hồng Kông để gần Tổ quốc trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Thời điểm đó, thực dân Pháp và các nước đế quốc ra sức truy lùng Nguyễn Ái Quốc, chúng tuyên bố tử hình vắng mặt Người. Sáng ngày 6-6-1930, tại ngôi nhà số 186 phố Tam Lung, Cửu Long (Hồng Kông), Người bị mật thám Anh bắt giữ. Ngày 25-6, Báo “Điện Tín” đăng tin ảnh “Nguyễn Ái Quốc lãnh tụ lớn của Đảng Cộng sản Đông Dương đã bị bắt”. Vụ án Tống Văn Sơ được Luật sư tiến bộ người Anh là Lô-dơ-bai dụng công đấu tranh, ủng hộ, buộc Tòa án Hồng Kông phải xóa bỏ mọi điều buộc tội đối với Nguyễn Ái Quốc. Nhưng ngay sau đó, Nguyễn Ái Quốc đến Sinhgapo lại bị cảnh sát nước này bắt giữ rồi trao lại cho cảnh sát Hồng Kông. May thay, lại được Luật sư Lô-dơ-bai can thiệp kịp thời, Nguyễn Ái Quốc bí mật cải trang rời Hồng Kông trở lại Liên Xô. Tại Liên Xô, tháng 10-1938, phân tích tình hình thế giới, trong nước, Người quyết định phải gấp rút trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng dân tộc. Từ Mát-xcơ-va, theo đường bộ dằng dặc gian nan, Người qua sa mạc Gô-bi, cao nguyên hoàng thổ Thiểm Tây, Sơn Tây, xuống tỉnh Hồ Nam, xuôi Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây), sang Côn Minh (Vân Nam), bắt liên lạc với đại diện của Đảng ta là Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Tháng 6-1940, từ Côn Minh, được tin Pari thất thủ, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Phải về nước để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với dân tộc”.
Mùa Xuân Tân Tỵ 1941, sau 30 năm vượt qua vô vàn gian khổ, không sợ hy sinh, xây dựng Học thuyết “Đường kách mệnh” và chuẩn bị lực lượng cho cách mạng đất nước, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh chính thức trở về Tổ quốc cùng Đảng ta lãnh đạo dân tộc tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đặt nền móng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sau đó 30 năm, vào Xuân Ất Mão 1975, thống nhất Tổ quốc, đúng như dự báo của Người trước đó 6 năm: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên chiến sỹ đồng bào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”-Thư chúc Tết của Bác Hồ Xuân Kỷ Dậu 1969. Về giáo dục lịch sử dân tộc, mọi người đều không quên, năm 1941 vừa về nước, trong bộn bề công việc của cách mạng, Hồ Chủ tịch vẫn dành thời gian soạn thảo “Lịch sử nước ta” tuyên truyền nhân dân phát huy sức mạnh truyền thống lịch sử đất nước để giành độc lập. Tác phẩm chỉ bằng 208 câu văn vần, điểm lại 30 thời điểm “Bước ngoặt lịch sử” dân tộc từ thời Hùng Vương dựng nước, dòng cuối Bác viết “1945: Việt Nam độc lập”.
Hồ Chủ tịch căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Xây dựng Đảng cầm quyền, chăm lo cho toàn dân là điều trăn trở, quan tâm xuyên suốt cả cuộc đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường kách mệnh” Người đặt ra 15 vấn đề lớn, thì “Tư cách một người cách mệnh” được đặt ở đầu sách, đề cập sâu sắc, toàn diện việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng “Thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Hồ Chủ tịch tuyên bố trước kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I ngày 28-10-1946: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”. Hồ Chủ tịch từng dạy: “Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành”, “Lý luận rất quan trọng, vì nó dạy ta hành động. Lý luận không đưa ra thực hành thì lý luận ấy thành lý luận suông”, Báo Nhân Dân ngày 19-7-1951. Ngay từ năm 1924, Bác đã “Xem xét chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông” Báo Nhân Dân 16-5-2015.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với “Đường kách mệnh” đã dẫn dắt Đảng ta, nhân dân ta “Lấy sức ta giải phóng cho ta”, giải phóng dân tộc, giải phóng nội lực đi tới giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc. Trước thềm Đại hội XII của Đảng, các thế lực thù địch, cơ hội, ra sức chống phá, xuyên tạc, để “diễn biến”, “tự diễn biến” chế độ chính trị nước ta, chế độ do Hồ Chủ tịch, Đảng ta, nhân dân ta dầy công xây dựng, vun đắp. Một lần trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Anna Lui dơ Xtrong, Bác nói “Nhân dân Việt Nam trong đó có cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi” – Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - Nhà Xuất bản Thông tin Lý luận 1992.
Khi đến các nước đế quốc, Nguyễn Ái Quốc càng hiểu rõ câu nói của Mác: “Một dân tộc đi áp bức các dân tộc khác không thể là một dân tộc tự do”. Nhà thơ Tố Hữu thấm thía: “Sáng 8-5-1954, tôi được gọi vào gặp Bác. Bác nói: Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ thù hùng mạnh hơn, hung ác hơn, đó là đế quốc Mỹ”. Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý. Con đường cách mạng chân chính, duy nhất của dân tộc Việt Nam đã được lịch sử khẳng định, chỉ có tuyệt đối trung thành với “Đường kách mệnh” - Học thuyết Tư tưởng Hồ Chí Minh, thì Đảng ta, nhân dân ta mới vững vàng trong sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập dân tộc, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước, định hướng xã hội chủ nghĩa./.
Trần Đại Quyết
Nguyên TBT báo Nam Định, hiện là Chủ tịch HNB Nam Định.