(Congluan.vn) - Ông Mai Xuân Bình - CTV Báo Thanh Niên – tố tại phiên tòa ngày 27/3: “Ngoài việc đánh đập, ép cung, tôi còn bị hù dọa giam chung với người nhiễm HIV”.
Vì sao tòa không hoãn xử?
Ngày 27/3, TAND thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Mai Xuân Bình (34 tuổi, ngụ Lâm Đồng, nguyên cộng tác viên Báo Thanh Niên) về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Bản án mà tòa tuyên là Bình lãnh 30 tháng tù giam.
Mai Xuân Bình quen biết bà Nguyễn Thị Thương (41 tuổi, biên tập viên Đài phát thanh - truyền hình Bình Phước). Bà Thương choBình biết là bà Hà Thị Huệ (38 tuổi, đồng nghiệp với bà Thương – vợ ông Điểu Điều, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập, vay tiền của mình. Ngoài vay tiền, bà Huệ còn nhận 50 triệu đồng để lo xin việc cho Nguyễn Viết San (33 tuổi, ngụ Bình Phước) vào Công an huyện Bù Gia Mập. Dù không xin được việc nhưng bà Huệ chưa trả lại tiền.
Sau khi nghe xong sự việc, Bình nhận một số giấy tờ có liên quan rồi tiếp xúc với vợ chồng Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập.
Thông qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi hứa giúp, bà Huệ đưa cho Bình một số tiền. Cụ thể, ngày 7/3/2013, bà Huệ đưa 2 triệu đồng cho Bình. Đến ngày 11/3/2013, bà Huệ đến phòng trọ đưa thêm 3 triệu đồng cho Bình. Rồi đến ngày 12/3/2013, bà Huệ mang theo 15 triệu đồng đến phòng trọ gặp Bình và đưa (kèm) hồ sơ cho Bình. Khi Bình tiễn bà Huệ ra cổng để về thì bị công an bắt giữ, khám xét hồ sơ mà bà Huệ vừa đưa cho Bình, công an phát hiện ra bên trong có 15 triệu đồng.
Từ điều tra, cơ quan chức năng kết luận Bình có hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Cơ sở để qui kết tội cho Bình chính là các cuộc điện thoại, tin nhắn và… mẫu giấy (là bìa gói thuốc mà Bình ghi “đòi” bà Huệ đưa 20 triệu đồng); 15 triệu đồng tiền mặt và các lời khai có liên quan.
Tuy nhiên với mức án 30 tháng tù, thì những “chứng cứ” mà tòa buộc tội là chưa thuyết phục. Cụ thể: Theo cáo trạng, khi Bình tiễn bà Huệ ra về thì công an ập vào và khám xét cái bao thư (hồ sơ) mà bà Huệ vừa mang tới có 15 triệu đồng, trong khi đó không có gì chứng minh là Bình biết trong đó có số tiền trên. Mặt khác, “tài liệu” mà cơ quan chức năng buộc tội Bình là “mẫu giấy” xé từ bao thuốc lá trên đó Bình có ghi 20 triệu đồng thì… không hề có ở tòa và hồ sơ của cơ quan điều tra, ngoại trừ có ghi trên Kết luận điều tra và cáo trạng! Lạ lùng hơn là những tin nhắn, điện thoại (mà bà Huệ ghi âm) không hề có dòng nào thể hiện Bình “tống tiền” hay “đòi tiền”…
Trước một diễn biến như vậy, thay vì HĐXX nên tạm hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung. Đằng này, tòa tiếp tục xử và tuyên án.
“Lạ” nhất tại phiên tòa là trong khi các cơ quan nội chính Trung ương đang rất lo ngại và tập trung giải quyết việc “bức cung, nhục hình” thì dấu hiệu này lại hiện diện ngay tại tòa Bình Phước ngày 27/3. Luật sư Trịnh Đức Duy (bảo vệ quyền lợi cho Bình) trưng bút lục nói rằng Bình bị đánh đập, ép cung. Rõ ràng ở góc độ một phiên tòa, HĐXX phải thấy “nghi nghi” về chứng cứ buộc tội mơ hồ này mà hội ý có nên xét xử nữa không. Tuy nhiên tòa đã không ngần ngại xử - xử cả khi Bình nói mình bị ép cung bằng… nghiệp vụ “đáng lên án” của các điều tra viên!
Ép cung của điều tra viên?
Một vụ việc ở một cơ quan điều tra cấp thị xã, song lộ rõ những âu lo cho những ai quan tâm tới “bức cung, nhục hình”.
Luật sư và phóng viên trong một vụ xét xử "đại án"
Cũng cần nhắc lại, cùng thời điểm phiên tòa này diễn ra, ngày 27/3, tại TP.HCM và TP Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có cuộc giám sát “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra”. Tại cuộc giám sát này, đáng lưu ý là Phó Giám đốc CA TP.HCM, Thiếu tướng Phan Anh Minh nói, nếu có việc bức cung, nhục hình thì chỉ xảy ra ở giai đoạn tiền khởi tố, việc bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra thường là do cán bộ điều tra thiếu kiên nhẫn, áp lực thời hạn điều tra, áp lực số lượng vụ án... Khi mà các lãnh đạo còn băn khoăn về “ép cung, nhục hình” và tìm “lối ra” ngõ hầu chấm dứt thì tại phiên tòa xử nguyên CTV Báo Thanh Niên lộ rõ nguyên trạng một thực tế nhức nhối.
Theo Mai Xuân Bình, sau khi bị bắt tạm giam, điều tra viên Công an tỉnh Bình Phước đã đánh đập, ép cung, buộc Bình phải nhận tội. Bình dù đau đớn cũng có lần không thừa nhận những bản cung (bị ép) trước đây. Tại phiên tòa, Bình phủ nhận hành vi phạm tội, một mực kêu oan.
Ngoài việc ép cung, đánh đập, luật sư bảo vệ cho Bình còn “kêu trời” về biên pháp “nghiệp vụ” mà theo vị luật sư là “nỗi ám ảnh của… thế kỷ trước”: bệnh sida! “Nếu mày không nhận tội, tao sẽ nhốt mày chung với mấy thằng bị nhiễm HIV cho mày chết luôn” đó là lời của điều tra viên Ngô Quý Hiền - bút lục mà luật sư công bố - còn thiếu tá Nguyễn Thái Vĩnh thì “Tao không cần đánh mày, còn nhiều người đánh mày lắm”.
Do buộc tội thiếu tính thuyết phục, luật sư Trịnh Đức Duy đã không ngần ngại đề nghị trả tự do ngay cho nguyên CTV Báo Thanh niên.
Theo vị luật sư thì bà Huệ chủ động ghi âm, tin nhắn... đều không có từ ngữ nào thể hiện hành vi đe dọa, dùng vũ lực “cưỡng đoạt tài sản” như cáo trạng nêu. Kết tội mà tang vật CQĐT không thu giữ thì làm sao thể hiện việc đòi tiền. Không có hồ sơ, chứng cứ nào thể hiện gì đến tiền bạc. Mai Xuân Bình phản cung nêu đích danh những điều tra viên đánh đập, dùng nhục hình… nhưng VKS không làm rõ. “Bình không phạm tội cưỡng đoạt tài sản, đề nghị HĐXX tuyên bị cáo vô tội và trả tự do ngay tại phiên tòa” luật sư Trịnh Đức Duy kiến nghị HĐXX....
Tuy nhiên, cuối cùng bản án cũng đã tuyên. Mai Xuân Bình lãnh 30 tháng tù vì tội "cưỡng đoạt tài sản".
Tân Châu
Không xử lý phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập: Theo cơ quan điều tra, ông Điểu Điều – Phó chủ tịch UBND Huyện Bù Gia Mập – có tìm hiểu thông tin về việc công an huyện Bù Gia Mập có nhu cầu tuyển dụng hay không để nói lại cho bà Huệ (vợ của Điểu Điều) biết.
Do chỉ có “tìm hiểu” mà không nhận tiền, không tác động… nên Cơ quan điều tra không đặt vấn đề xử lý Phó chủ tịch Điểu Điều.
Theo kết luận điều tra, bà Hà Thị Huệ - vợ ông Điểu Điều có nhận tiền lo xin việc (vào làm Công an huyện Bù Gia Mập – huyện mà chồng bà Huệ là ông Điểu Điều – đang làm Phó chủ tịch), bà Huệ có thỏa thuận nếu không xin việc được thì trả lại tiền. Khi vụ việc xảy ra, bà Huệ chưa xin được việc và chưa trả tiền nên bên xin việc “phản ánh” với CTV báo Thanh Niên là ông Mai Xuân Bình. Tuy nhiên kết luận điều tra đã cho rằng bà Huệ đã trả lại tiền nên Cơ quan CSĐT không đặt vấn đề xử lý? (T.C)