(CLO) Thượng tá cựu sỹ quan Công an Nguyễn Viết Dưỡng đưa tôi xem một vật kỷ niệm mà anh đã nâng niu cất giữ gần 47 năm, đó là chiếc băng tang anh đeo vào lễ tang Bác Hồ 3/9/1969. Anh nói: “Đời tôi có hai kỷ niệm thiêng liêng về Bác Hồ. Bác mãi mãi là niềm tin và hy vọng của cả dân tộc ta. Tôi nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức trong sáng của Bác”
Những kỷ niệm khó quên
Tuy đã bước sang tuổi 68, song có lẽ cuộc đời lăn lộn, gắn bó gần 4 thập kỷ với nghiệp nhà binh đã tạo cho Nguyễn Viết Dưỡng những tố chất đáng nể cả trong tư cách lẫn ngoại hình. Nhanh nhẹn, hoạt bát, nụ cười ấm áp, trẻ trung cộng với mái tóc đẹp, trắng xóa như bông, trông anh bao giờ cũng vui tươi, dễ mến.
Anh kể, đời anh có hai sự kiện lớn gắn bó với Bác mà lòng anh rất đỗi tự hào.
Đó là những năm từ 1967-1970, sau khi tốt nghiệp trường Công an sơ cấp 4, Nguyễn Viết Dưỡng được về công tác tại Đội cảnh sát khu vực 3, khu công an Hai Bà thuộc Sở Công an Hà Nội. Được giao phụ trách 3 khối dân thuộc Ô Đông Mác cuối phố Lò Đức, tôi rất lo. Bởi trong ba khối thì có hai khối 51,52 lâu nay phong trào rất yếu, lại gần bến sông nên tình hình an ninh trật tự có nhiều vấn đề. Với sự say mê cống hiến của tuổi trẻ, tôi bám sát địa bàn, gắn bó với từng hộ dân, dựa vào các chi bộ và tổ chức quần chúng xây dựng được phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc khá tốt. Từ yếu kém, hai khối phố 51,52 trở thành khối tiên tiến. Hai đội dân phòng 1 nam, 1 nữ do tôi dày công xây dựng được Khu chọn đi thi đấu cấp thành phố. Có đêm, nhờ sự hợp tác của dân, chúng tôi bắt giữ 2 đối tượng, phá được hai vụ ăn trộm 24 xe đạp, được quần chúng phấn khởi, tin tưởng.
Giữa tháng 8/1968, một trận bão lụt lớn xẩy ra trên địa bàn Thủ đô. Tôi cùng nhiều anh em trong toàn lực lượng được điều động đột xuất đi làm nhiệm vụ. Ba ngày, hai đêm, chúng tôi dầm mình trong mưa bão, bất chấp nguy hiểm nước to, sóng lớn giúp dân chống bão, chạy lụt, bảo vệ tài sản một cách an toàn.
Nói đến đây, anh đưa cho tôi một tờ giấy khổ A4 được đánh máy và trình bày như tờ Thông tin nội bộ. Trên đầu trang ghi rõ “Thông báo thi đua tháng 8/1968” của Công an Hà Nội. Dưới bài viết mang tựa đề “Cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Nội khẩn trương, hăng hái, dũng cảm trong công tác đột xuất: chống bão, lụt”, có đoạn viết: “Đội CSKV3 (Cảnh sát khu vực) Hai bà đã cùng với bảo vệ dân phòng vận động, giúp đỡ 22 hộ, 117 người dân ở các khối vào đê và các nơi an toàn, trong đó có 65 trẻ em ở các khối 43,45 bị ngập nước, bố mẹ đi làm vắng. Các đồng chí Bùi Cự Viết, Nguyễn Minh Hải, Trần Minh Túy, Lê Văn Pho, Nguyễn Viết Dưỡng đã mượn xuồng, đến từng nhà bế các cháu lên thuyền, đưa vào đê an toàn…” Cảm phục trước tấm gương người CSKV tận tụy, hết lòng vì dân này, một Việt kiều ở Thái Lan sau khi về bên đó đã gửi thư phản ánh lên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội lúc bấy giờ là Bác sỹ Trần Duy Hưng: “Tôi là một người dân sống trong chế độ tư bản, nay về nước mới thấy một chiến sỹ cảnh sát làm việc trung thực, thẳng thắn hết lòng vì dân như anh Dưỡng. Cảm ơn các ông đã đào tạo nên những con người đáng quý đó!”
Đích thân Chủ tịch Trần Duy Hưng đã chuyển lá thư đó cho Giám đốc Công an Hà Nội. Với những thành tích trên, cộng với 4 năm làm CSKV liên tục được tặng danh hiệu “Người cảnh sát giỏi”, Nguyễn Viết Dưỡng vinh dự là 1 trong 2 người được thành phố chọn ra trong số 40 đối tượng Đảng để kết nạp vào lớp đảng viên Hồ Chí Minh đầu tiên, đúng vào ngày 2/9/1970.
[caption id="attachment_100448" align="aligncenter" width="800"]
CSKV Công an Hai Bà Nguyễn Viết Dưỡng đang làm nhiệm vụ tại căn hầm trực chiến tháng 6/1968[/caption]
Hôm đứng tuyên thệ dưới cờ Đảng, tôi hướng về nhà sàn của Bác, nơi Người đã từng bao ngày đêm khôn nguôi lo việc nước lòng tự nhủ lòng: Thế là cháu đã và đang học Bác, làm theo gương Bác. Cháu nguyện suốt đời làm một người chiến sỹ công an tốt để Bác vui lòng! Kể đến đây Nguyễn Viết Dưỡng vẫn ngập tràn cảm xúc, dù cho câu chuyện đã xẩy ra gần 46 năm về trước.
Sau 4 năm Bác đi xa, ngày 2/9/1973 Đảng và nhà nước ta chính thức khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Đình – Hà Nội. Nhiều tổ chức chính trị, xã hội, nhân dân, lực lượng vũ trang trên địa bàn Thủ đô vinh dự được góp phần mình vào sự kiện lịch sử đó.
Vào đầu tháng 6/1974, chúng tôi gồm những đảng viên trẻ và đoàn viên ưu tú của lớp đào tạo sỹ quan an ninh khóa 2 được chọn cử đến công trường tham gia công đoạn đổ bê tông cốt thép lớp tường bên ngoài tầng một của Lăng. Tất cả chúng tôi đều háo hức, vui mừng, chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo để làm việc một cách hiệu quả nhất.
Đúng 5h30 sáng một ngày đầu tuần, chúng tôi có mặt tại điểm tập kết, điểm danh, nhận một băng vải màu đỏ có hàng chữ vàng “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” dán lên mũ cối. Sau đó qua trạm kiểm soát đổi chứng minh thư công an lấy thẻ có số, vào từng phòng hầm làm việc. Trong công trường mọi người phải chấp hành nghiêm quy định đi lại, không ai được vào khu vực khác nơi làm việc của mình.
Là một phó Bí thư chi bộ, ủy viên BCH Đoàn trường tôi vô cùng xúc động khi thấy mình được đóng góp phần công sức nhỏ bé vào công trình thiêng liêng của cả dân tộc. Đang miệt mài chuốt rỉ, đánh bóng cốt thép, tôi bỗng sững lại, nước mắt trào ra khi chợt nghĩ về Người. Đó là ngày 5/9/1969 tôi được cùng đơn vị tham gia bảo vệ Lễ tang Bác.Được giao nhiệm vụ hướng dẫn các đoàn đại biểu của Hà Nội vào viếng Bác, tôi thật sự nghẹn ngào khi thấy Bác nằm bất động trong quan tài bằng kính. Lần này, được làm một người lính xây dựng nhà vĩnh cửu cho Bác, tôi cùng anh em hăng say làm việc không biết mệt mỏi. Mặc dù mùa hè nóng bức, mồ hôi đẫm ướt cả áo quần những chẳng ai muốn nghỉ ngơi, thậm chí hết giờ vẫn chưa chịu ra về.
Mười bốn ngày cùng đồng đội làm việc trên dàn thép buộc, tôi được tận mắt chứng kiến cả một công trường rộng lớn với hàng ngàn người tham gia, nhưng người nào, bộ phận nào cũng rất tự giác, phối hợp nhịp nhàng, ăn ý. Ai nấy đều chung một ước nguyện phải góp sức mình cho “ngôi nhà vĩnh hằng”, nơi an nghỉ ngàn đời của Bác được nhanh nhất, đẹp nhất, an toàn nhất. Mười bốn ngày cần mẫn chuốt sạch từng rỉ sắt, đánh bóng từng đoạn cốt thép để đổ bê tông xây Lăng là những ngày chúng tôi cảm nhận tâm hồn mình như trong sáng hơn, thánh thiện hơn. Chợt một lần, mấy câu thơ văng vẳng đến trong tôi:
An ninh tổ quốc tấm lòng son
“Bên Bác lòng ta trong sáng hơn”
Quyết giữ vẹn tròn non nước Việt
Giang sơn gấm vóc mãi trường tồn
Đã hơn 40 năm trôi qua, mỗi lần vào viếng Bác hoặc có dịp đi qua Lăng của Người, tôi không khỏi tự hào vì đã có dịp được đóng góp công sức nhỏ bé và cả tấm lòng kính yêu, ngưỡng mộ của mình cho công trình thiêng liêng vĩnh cửu này.
Mãi mãi đi theo người
Sau 5 năm theo học và tốt nghiệp Trường sĩ quan An ninh, tháng 6/1975 ra trường, Nguyễn Viết Dưỡng được Bộ Công an bổ sung cùng đơn vị vào tiếp quản Thành phố Quy Nhơn vừa được giải phóng. Với cương vị Đoàn phó, anh được phụ trách 61 anh em làm nhiệm vụ khai thác hàng trăm tấn tài liêụ của địch nhằm tìm ra bọn điệp chìm do địch cài cắm lại. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh được Bộ giữ lại làm cán bộ bảo vệ nội bộ của Trường Đại học An ninh.
Thời gian cứ thế trôi đi, do hoàn cảnh gia đình, tháng 7/1980 anh xin chuyển về Công an Nghệ Tĩnh, rồi Hà Tĩnh. Hết làm Hiệu phó trường nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ Tĩnh, Phó Chánh Thanh tra Công an Hà Tĩnh đến Trưởng phòng Bảo vệ an ninh văn hóa- tư tưởng (PA 25) công an tỉnh, tháng 9/2004 anh được trên cho về hưu với quân hàm Thượng tá.
Nguyễn Viết Dưỡng tâm sự, gần 40 năm gắn bó với nghiệp an ninh, tôi luôn tâm niệm lời dạy bảo ân cần mà cũng rất đời thường của Bác với cán bộ chiến sĩ công an. Đó là “Đề cao cảnh giác, kiên quyết mưu trí, dũng cảm đấu tranh phòng chống các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật”. Nhờ vậy, chẳng những anh đã cùng anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với phương châm: “tích cực bảo vệ mình, chủ động tiêu diệt địch”, kịp thời phát hiện mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù, mặt khác bảo vệ được sự công bằng, không gây oan sai cho người nào.
Hơn 12 năm về hưu nhưng anh đã bao giờ được nghỉ ngơi một cách đúng nghĩa. 8 năm làm Chủ tịch Hội Người Cao tuổi của phường Nguyễn Du, Thành phố Hà Tĩnh; gần 4 năm làm ở Hội Luật gia Hà Tĩnh, Nguyễn Viết Dưỡng vẫn giữ cho mình bầu nhiệt huyết với công việc chung. Thấy anh tuổi đã cao, sức khỏe có hạn vẫn lọ mọ ngày đêm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động hội viên, bà con đóng góp sức mình cho phong trào của phường xã, vợ con khuyên anh nghỉ ngơi cho khỏe. Anh trả lời thẳng thừng “Ai cũng chỉ nghỉ cho riêng mình thì lấy ai để lo việc chung cho xã hội. Bác Hồ đã dạy, việc gì có lợi cho dân thì nên làm cơ mà!”.
[caption id="attachment_100449" align="aligncenter" width="800"]
Nguyễn Viết Dưỡng bồi hồi xem lại bức ảnh của PV Vũ Tín (TTXVN) chụp tặng anh ngày vào Đảng[/caption]
Chính vì thế mà 8 năm làm Chủ tịch, anh đã góp phần chủ chốt đưa Hội Người Cao tuổi phường Nguyễn Du đạt dược nhiều thành tích nổi bật, được Trung ương Hội tặng bằng khen. Bản thân anh cũng đã được hai lần Hội Luật gia Việt nam tặng bằng khen. Tháng 11/2007, anh vinh dự được nhận giải thưởng trong cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhân dịp sơ kết Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị do thành phố tổ chức.
Về hưu anh là hội viên HVHNT Hà Tĩnh, xuất bản 4 tập thơ “Sóng thời gian”, “Tình quê”, “Lấp lánh nắng quê”, “Hương đời” và hiện đang chuẩn bị cho ra tiếp tập thơ “Miền ký ức” vào cuối năm nay. Anh coi đó như là sự tri ân của mình với cõi đời này.
“Dù một ngày còn sống trên cõi đời này, tôi vẫn luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Khi tuổi trẻ tôi đi làm cách mạng theo lời kêu gọi của Bác, nay về già, tôi vẫn giữ cho mình niềm tin yêu suốt đời đối với lý tưởng mà Người đã chọn!”
Nguyễn Viết Dưỡng, người đảng viên 46 tuổi Đảng, người cựu sỹ quan công an nói những lời gan ruột, rồi bắt chặt tay tôi như một sự nguyện ước trước khi chào ra về.
Khắc Hiển