Nguyễn Xuân Lương - Một tấm lòng với bến quê!

Thứ năm, 09/05/2019 09:57 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vào tuổi bát thập có lẻ, nhà báo Nguyễn Xuân Lương vẫn đắm say trên từng trang viết. Tuần nào tôi cũng bắt gặp tên anh - tác giả của những bài viết sinh động mà sâu sắc, chỉn chu về thời cuộc, ngẫm nghĩ chân dung bề trên hay đạo đức làm nghề trên các trang báo Trung ương, địa phương.

Và, cứ đều đặn một hai năm Nguyễn Xuân Lương lại có thêm cuốn sách mới trình làng.

Nhà báo Nguyễn Xuân Lương thuộc lớp học sinh trẻ tự nguyện xếp bút nghiên, hăng hái ra tiền phương thời kháng chiến chống Pháp. Ba năm sau chiến thắng chấn động địa cầu, với “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”, anh trở lại chiến trường xưa cùng đồng đội, cùng đồng bào các dân tộc miền Tây Bắc viết trang mới “Đất vỡ hoang- Điện Biên Phủ”. Nơi đây, Đất và Người, lịch sử và hy vọng, quá khứ và hiện tại của mảnh đất anh hùng với 56 ngày đêm chiến đấu và chiến thắng, của cơm vắt, máu trộn bùn non... đã tạo nên một người cầm bút- chiến sĩ- nhà báo Nguyễn Xuân Lương. Rồi ông tạm biệt Điện Biên, rời cây súng, ngưng tắm dòng sông Nậm Rốm mát trong để thành người của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam - làm lính cho “lão tướng” - nhà báo Trần Lâm dài ba thập niên.

Từ “Tiếng nói Việt Nam” Nguyễn Xuân Lương chuyển công tác về Hội Nhà báo Việt Nam, trở thành một trong những người “gác cổng” uy tín, tin cậy của lãnh đạo Hội. Với trọng trách Chánh văn phòng, Trưởng ban Quốc tế, phụ trách tổ chức nhân sự, có thời kỳ phụ trách Tuần báo Nhà báo & Công luận, chừng ấy công việc một lúc nhưng trọng trách nào Nguyễn Xuân Lương cũng chu toàn. Cựu Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhà báo, nhà văn Phan Quang, nhận xét về Nguyễn Xuân Lương: “Giá mà cây bút Nguyễn Xuân Lương được đời dành cho nhiều thời gian vật chất hơn để anh thoải mái rong ruổi theo đam mê của mình từ khi là anh bộ đội Cụ Hồ phơi phới tuổi hai mươi đã bộc lộ năng khiếu văn chương qua nhật ký hành quân, để rồi trở thành nhà báo chuyên nghiệp mấy năm sau tại Đài phát thanh Quốc gia. Cách làm việc của anh bài bản, chỉn chu. Hành xử của anh có lý, có tình. Anh thành thạo chế độ, chính sách văn phòng, quan hệ quốc tế. Và anh sẵn sàng phục vụ. Phân công anh phụ trách đối ngoại thì có thể yên tâm, không lo vấp những sơ suất ngoài ý muốn đối với bạn bè quốc tế, đồng nghiệp gần xa. Giao anh viết báo cáo tổng kết hay đề dẫn hội thảo... thì cầm chắc, dù thời gian hạn hẹp, tập thể khỏi phải chỉnh lí nhiều. Đã có lần tổ chức phân công anh phụ trách một tờ báo. Vừa làm xong đề án phát triển, anh đã phải giã từ đi nhận nhiệm vụ khác…(1)”.

 Nguyễn Xuân Lương viết không dưới 2.000 bài báo; một số bài đăng trên báo chí nước ngoài, xuất bản hơn 10 đầu sách. Tác phẩm báo chí, văn học nào của Nguyễn Xuân Lương cũng ngồn ngộn tư liệu và sự kiện, đầy ắp hơi thở cuộc sống. Nói theo cách nói của bậc lão làng văn chương, nhà văn Tô Hoài và nhà báo, nhà văn Đoàn Minh Tuấn, nhà văn nhà báo, dịch giả Phan Quang cảm nhận: “Chân thực, nhạy bén thời sự, sắc sảo chính kiến, phong phú nội dung. Đọc văn, đọc báo của Nguyễn Xuân Lương ta cảm như có cái gì đó cuồn cuộn, bồng bềnh như dòng nước sông La, quê hương của anh vậy … (2)”.

316e40a7ab824edc1793

Cuốn sách mới nhất của Nguyễn Xuân Lương vừa xuất bản, phát hành rộng rãi trong cả nước, ngôn từ rất Hà Tĩnh “Gió từ rú thổi về”, gần 400 trang, in đẹp, nội dung phong phú. Có thể nghĩ rằng “Gió từ rú thổi về” là một thiên ký sự, tùy bút, bút ký hấp dẫn, cuốn hút, bổ ích cùng niềm tin cháy bỏng cả trong ngọt bùi lẫn đắng cay. Đó không chỉ là những áng văn với phong cách viết giản dị, sâu đậm lòng nhân ái, vị tha có thể chạm tới những chuyển động li ti trong bầu huyết quản những ai đã đọc; đó còn là những trang viết ngợi ca Tổ quốc, quê hương, làng xóm, xứ sở, Đất và Người - những con người bình dị, suốt đời chỉ làm bạn với thôn dã, quen hơi thở của ruộng lúa, đường cày nhưng rất mực thủy chung, nhân ái với nhiều người, mọi người. “Gió từ rú thổi về” có cả chân dung các bậc tiền bối từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới đến Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, một trong 10 vị tướng tài ba nhất của thế giới. Nhà văn Đoàn Minh Tuấn cảm nhận: “Gió từ rú thổi về lung linh tỏa sáng từ những con chữ. Mỗi dòng, mỗi câu của Nguyễn Xuân Lương viết ra dạt dào lòng trung trinh, yêu quê, yêu nhà, yêu nghề, gần dân, quý đồng nghiệp. Những luồng gió mát từ rú thổi về sẽ tiếp thêm sức để nhà báo họ Nguyễn thêm khỏe, thêm vui, ngập tràn sức thanh xuân với đời, với nghề …”

***

Có lẽ tôi và Nguyễn Xuân Lương đều sinh ra và lớn lên ở HƯƠNG - Hương Sơn và Hương Khê, cùng ở PHÚC - Phúc Trạch và Phúc Đậu, cùng là dân xứ Nghệ nên dễ nhận ra hai chữ tình quê, bến quê Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Ngàn Trươi - vốn rất thấm đậm trong trái tim anh. Tôi mạn phép dẫn bài viết của một bậc đại thụ báo chí và văn chương Phan Quang, để nhấn mạnh “TỊNH” trong hai từ Hà Tịnh - Không phải Tĩnh theo văn bản pháp quy mà Tịnh theo giọng nói dân gian từ nhạc phẩm để đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, phổ nhạc bài thơ của ông Nguyễn Xuân Linh từng giữ nhiều trọng trách, cuối đời trở về quê làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh: “Đi mô cũng nhớ về Hà Tịnh”. Dẫn ra Tịnh mà thêm thấm thía, lắng đọng cái bồng bềnh, mạnh mẽ của gió - nước La Giang, của Gió từ rú thổi về...

“Quê hương tôi ơi, mà biết mấy tự hào” - Nguyễn Xuân Lương đã thốt lên như vậy trong một áng thơ về Ngàn Phố - Phúc Đậu. Trong hơn 60 năm xa quê, rong ruổi trên con đường chiến dịch, đường dựng xây đất nước, hội nhập quốc tế, để rồi mỗi trang viết, con chữ, áng thơ không lúc nào trong trái tim anh, hai chữ quê hương đau đáu vắng bóng. Nguyễn Xuân Lương viết: “Hương Sơn - Phúc Đậu là một phần không thể thiếu, là một trong những điểm đậm đặc nhất đến độ hiếm hoi của bức họa đồ, thủy mặc. Có phải đó là bức họa thuần khiết đến độ hiếm hoi của Trời phú hay là sự kết hợp tạo dựng, bảo toàn của chính con người quê hương trải qua nhiều thế hệ, thấm đượm mồ hôi chát mặn và cả máu”.

Nguyễn Xuân Lương sinh ra và lớn lên ở vùng cửa Truông - được coi là con đường lên đại ngàn nằm ở làng Phúc Đậu, nay là xã Sơn Phúc, chung phên dậu di chỉ đồ đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Hậu duệ của ông cố Nguyễn Như Thùy, tướng quân được vua Lê Cảnh Hưng phong tước, đóng ấn đỏ. Phúc Đậu là quê hương người anh hùng Nguyễn Tuấn Thiện, người đã lập ra đội quân Cốc Sơn từ thế kỷ 15 phối hợp với nghĩa quân của Lê Lợi từ xứ Thanh vào cùng đắp lũy, dựng thành, đánh thắng quân Minh xâm lược trong trận Khuất Giang, giải phóng một vùng rộng lớn.

Sông Ngàn Phố quê anh bắt nguồn từ núi Đột Cốt - biên giới Việt - Lào, qua vùng nước Sốt; sông đổ về vùng Quát, nơi có danh y Hải Thượng Lãn Ông nổi tiếng, qua Choi để đổ về bến Tam Soa - 3 giải lụa đào - hợp thành dòng La Giang. Nơi đây có dãy núi Trời - Thiên Nhẫn, một trong những trung tâm thành lũy chống quân xâm lược Minh từ phương Bắc, như là một huyền thoại đất và người. Thiên Nhẫn với 999 ngọn nhấp nhô, từ xóm Bích Triều bên huyện Thanh Chương chạy dọc sông Ngàn Phố, dọc dải non sông “gạo trắng nước trong” vùng trung du huyện Nam Đàn & Hương Sơn, tựa như một bức tranh thủy mặc, đan xen có sông đẹp và núi cao hùng vĩ, ít nơi nào có được.

Như thương, như nhớ trong thẳm sâu cuộc đời đối với vùng vùng đất địa linh nhân kiệt (Năm 2019- Kỷ Hợi huyện Hương Sơn tròn 550 năm tuổi dựng nghiệp), Nguyễn Xuân Lương đã viết không dưới 20 bài bút ký, ghi chép và có một cuốn sách dày dạn mấy trăm trang, cảm nhận một “Hương Sơn - Phúc Đậu giàu truyền thống yêu nước” và một “Hương Sơn - Phúc Đậu Tam nông - đổi mới trong thời bình” rất đỗi tự hào. Hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và kháng Mỹ - tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh vắt qua huyện Hương Sơn anh hùng, quốc lộ 8 nối với nước bạn Lào, với 9 xã anh hùng gần 40 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 500 chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống dưới mưa bom bão đạn, cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Hương Sơn xưa và nay, dù thống kê chưa đầy đủ có khoảng 500 tướng lĩnh, chính khách, giáo sư, tiến sĩ, học giả, nhà văn hóa, các danh nhân, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà kinh tế, doanh nhân thành đạt. Tự hào thay vùng đất hiếu học và lắm hiền tài, nổi danh trong và ngoài nước… (Sách “Nhớ về Ngàn Phố”, Nguyễn Xuân Lương chủ biên- NXB Văn học, 2015).

Nhà báo Nguyễn Xuân Lương, một sự nghiệp báo chí - văn chương thành công; Một mái ấm gia đình viên mãn; Một tấm lòng nghĩa tình, son sắt với bạn hữu, đồng nghiệp và quê hương - sông Ngàn - Phố Giang; Đẹp mãi “Gió từ rú thổi về” là mùa xuân cuộc đời, nghề báo - nợ đời - tình người lắng đọng, như chính tên gọi cuốn sách anh từng ấp ủ và sẻ chia.

Phạm Quốc Toàn

.................................

Phan Quang - (1), (2): Tạp chí Người Làm Báo, số 382. 12/2015.

Tin khác

Khánh thành khu trưng bày chuyên đề “Sức mạnh Hậu cần trong chiến thắng Điện Biên Phủ”

Khánh thành khu trưng bày chuyên đề “Sức mạnh Hậu cần trong chiến thắng Điện Biên Phủ”

(CLO) Chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng ngày 26/4, tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Tổng cục Hậu cần (TCHC) chỉ đạo Cục Chính trị phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức khai mạc, cắt băng khánh thành khu trưng bày chuyên đề “Sức mạnh Hậu cần trong chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Các Nghị quyết, chỉ đạo quan trọng của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng quyết định thắng lợi Điện Biên Phủ

Các Nghị quyết, chỉ đạo quan trọng của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng quyết định thắng lợi Điện Biên Phủ

Trong bối cảnh cuộc chiến Điện Biên Phủ đang dần bước vào những thời khắc quyết định, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã đưa ra các nghị quyết, chỉ đạo quan trọng mang tính định hướng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.

Đời sống văn hóa
Du khách ấn tượng với 46 tác phẩm độc đáo tại Triển lãm 'Thăng Long hội tụ'

Du khách ấn tượng với 46 tác phẩm độc đáo tại Triển lãm "Thăng Long hội tụ"

(CLO) Nhân Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2024), ngày 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra khai mạc Triển lãm mỹ thuật mang tên "Thăng Long hội tụ" do các nghệ sĩ, họa sĩ tài hoa từ thị xã Sơn Tây và Hà Nội phối hợp tổ chức.

Đời sống văn hóa
Liên hoan Múa rối quốc tế 2024 diễn ra tại Hà Nội

Liên hoan Múa rối quốc tế 2024 diễn ra tại Hà Nội

(CLO) Theo dự kiến, Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2024 sẽ diễn vào tháng 10 tại Hà Nội. Sự kiện do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.

Đời sống văn hóa
Ngỡ ngàng với không gian nghệ thuật đặc sắc trên cầu đi bộ ở Hà Nội

Ngỡ ngàng với không gian nghệ thuật đặc sắc trên cầu đi bộ ở Hà Nội

(CLO) Những ngày gần đây, người dân Thủ đô Hà Nội đi trên cầu đi bộ bắc qua phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật được nên ý tưởng từ "hầm thủy cung" đẹp lung linh, qua nghệ thuật sắp đặt ánh sáng.

Đời sống văn hóa