Nhà báo Đăng Khoa và hành trình lật tẩy trường “ma” GWIS

Thứ ba, 25/06/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày 07/04/2018, Báo Thanh Niên bắt đầu khởi đăng loạt bài về trường “ma” George Washington International School (GWIS) gây chấn động dư luận xã hội. Bằng sự dốc tâm, nỗ lực của các nhà báo, sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc, hệ thống GWIS đã buộc phải đóng cửa chỉ khoảng 2 tuần sau đó.

Mạng xã hội là nguồn tin, báo chí là “màng lọc”

Tác giả loạt bài, nhà báo Nguyễn Phạm Đăng Khoa chia sẻ: “Vào đầu tháng 4/2018, tôi nhận được thông tin từ một người chị, từng là đồng nghiệp, gửi đến. Chị hay viết về du học và đã đăng trên Facebook cá nhân về trường GWIS, sau đó đề nghị tôi vào cuộc xác minh. Chỉ qua ít phút trao đổi, tôi nhận ra đây là vấn đề nghiêm trọng…”

Nghiêm trọng ở đâu? Theo Đăng Khoa, trước đây đã có rất nhiều trường hợp bị phát giác là đi học các trường nước ngoài không được công nhận, mua bằng từ các trường “ma” ở nước ngoài,... thì câu chuyện trên nghiêm trọng ở chỗ GWIS có mặt ngay tại Việt Nam, liên kết giảng dạy khắp các tỉnh, thành, ở những trường tư thục lớn.

Nhà báo Đăng Khoa tác nghiệp tại Liên hoan thanh niên thế giới tại Ecuador.

Nhà báo Đăng Khoa tác nghiệp tại Liên hoan thanh niên thế giới tại Ecuador.

Nhưng qua tìm hiểu, GWIS lại là một trường “ma” đúng nghĩa đen: Website của trường không có học sinh tại Mỹ, chỉ có học sinh Việt Nam và nhận bằng tại Việt Nam; Trường không có thông tin học sinh mà chỉ giới thiệu các đại lý và 3 chi nhánh tại Hà Nội, Trung Quốc và Ấn Độ; Trường không có năm thành lập, không có hoạt động học tập, không có thông tin giáo viên, bằng cấp; Trường không được chứng nhận kiểm định (quốc gia và vùng) bởi những tổ chức uy tín của Mỹ;…

Tiếp tục đào sâu, nhóm phóng viên Thanh Niên đã phát hiện ra một sự thật bất ngờ: Địa chỉ trường công bố trên website chính là Trung tâm biểu diễn nghệ thuật và giáo dục California (California Education and Performing Arts Center). Dĩ nhiên ở đây không có bất cứ phòng học, giáo viên, học sinh,… nào. Dù trên website, trường này vẽ ra những hình ảnh hết sức hoành tráng…

“Thông tin bước đầu là như vậy. Và tại Việt Nam nhiều năm qua, định nghĩa về nguồn tin báo chí đã mở rộng hơn, mở rộng hơn cả về phía mạng xã hội. Chúng tôi tiếp nhận sự việc từ mạng xã hội, lập tức vào cuộc xác minh, đưa sự thật ra ánh sáng…”, nhà báo Đăng Khoa chia sẻ.

Nhà báo Đăng Khoa làm MC chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên.

Nhà báo Đăng Khoa làm MC chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên.

Những sự hỗ trợ quý giá

Sau khi bài báo đăng, đại diện trường GWIS - ông Nguyen Philip lập tức gửi văn bản kiến nghị đến Báo Thanh Niên, cho rằng trường hoạt động đúng quy định. Tuy nhiên, Báo Thanh Niên đã có đủ cơ sở để phản bác tất cả những thông tin ông này đưa ra.

Theo Nhà báo Đăng Khoa, tuyến bài về GWIS không đòi hỏi phải đi quá nhiều nơi, mất quá nhiều thời gian để thực tế. Tuy nhiên, Thanh Niên đã phải tìm hiểu, thu thập và xử lý một kho tư liệu khổng lồ, vì biết rằng chỉ cần một chứng cứ yếu, tờ báo sẽ “thua ngược”.

Trong loạt bài này, điều đáng… ngạc nhiên nhất có lẽ là việc Thanh Niên điều tra một trường “gốc Mỹ” nhưng không phải qua Mỹ thực tế, thu thập tư liệu. Theo Đăng Khoa, đó là điều quá may mắn. “Tôi chỉ tham gia nhóm Kết nối Việt, một nhóm trên Facebook gồm những người Việt ở Mỹ. Khi nghe tôi trình bày và nhờ giúp đỡ, anh Cường Lê, một trong các quản trị viên, đã nhận lời. Anh đăng thông tin rằng đang cần hình ảnh thực tế GWIS ở California, chụp hình thực tế. Chỉ ít phút sau, một thành viên đang ở gần địa chỉ đó đã chạy xe đến và chụp ảnh. Đó là một ngày mưa rả rích ở California, khiến người ta ngại ra đường. Và sáng hôm sau, bức ảnh này ghi một điểm quan trọng trong bài viết đầu tiên Thanh Niên bóc gỡ về sự mập mờ của GWIS tại Việt Nam…”, nhà báo Đăng Khoa kể lại.

Tiếp đó, nhóm phóng viên còn “đi thực tế” tới một địa điểm tại Florida, nơi GWIS từng đặt trụ sở, nhưng qua… Google Earth. Những hình ảnh từ Google Earth cho thấy địa chỉ trên chỉ là một đại lý thư tín, nhưng chưa biết kiếm đâu ra hình ảnh thực tế. Một lần nữa nhóm phóng viên lại gặp may khi nhận được clip từ Hiệu trưởng một trường tư thục quốc tế tại Việt Nam. Ông từng nhận được lời mời hợp tác với GWIS nhưng thấy sự mập mờ và đã cất công sang Mỹ để tận mục sở thị. Ông đã quay cả địa điểm cũ, mới của GWIS gửi cho tác giả, để sự thật được phơi bày.

Rất nhiều thông tin, tư liệu về GWIS, theo nhà báo Đăng Khoa, là nhờ các chuyên gia về giáo dục Mỹ, các luật sư,… là những người cộng tác thường xuyên với Báo Thanh Niên hỗ trợ. “Những lời động viên luôn luôn tràn ngập sau mỗi bài viết. Bạn đọc cũng chỉ ra những hướng, điểm mấu chốt mà chúng tôi cần tiếp tục, đã gửi các thông tin, chứng cứ giá trị để bài viết có cơ sở vững chắc hơn…”, Đăng Khoa bày tỏ.

Đặc biệt, trong loạt bài này, nhóm phóng viên còn thấy “thiếu nợ” một bạn đọc đặc biệt, người đã đọc kỹ từng bài viết, đã nhận xét giúp Thanh Niên tìm ra những hướng đi mới, chỉ ra những điểm mấu chốt cần khai thác sâu hơn. Đăng Khoa nói: “Chính anh, bằng những kiến thức chuyên môn của mình đã tự tìm hiểu, tự chứng minh những gì lãnh đạo GWIS nói không đúng sự thật để hỗ trợ chúng tôi. Vài ngày trước khi GWIS bị Bộ GD&ĐT tuýt còi, bố anh mất. Anh chỉ thông báo ngắn gọn và gần như không còn hoạt động gì trên mạng. Chúng tôi vẫn chưa liên hệ lại được với nhau. Chỉ còn nhớ rằng, Thanh Niên từng có một bạn đọc đặc biệt như thế”.

Nhà báo Đăng Khoa phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Nhà báo Đăng Khoa phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Sẽ còn nhiều GWIS nữa xuất hiện, nếu…

Khi bắt đầu loạt bài, nhóm phóng viên Báo Thanh Niên còn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ từ các cơ quan quản lý giáo dục, ngoại giao trong và ngoài nước.

Tác giả Đăng Khoa cho rằng, một trong những thuận lợi trong quá trình điều tra về GWIS là thông tin ở các cơ quan công quyền Mỹ gần như đều minh bạch trên mạng, biết cách là có thể tìm hiểu khá dễ dàng. Hơn nữa, khi được đề nghị trả lời, các đơn vị phụ trách giáo dục ở Florida và California đều rất nhiệt tình. Nhưng theo Đăng Khoa, bước ngoặt chuyển biến lớn nhất của vụ việc đến từ Đại sứ quán Mỹ, bởi khi thông tin về GWIS tràn ngập trên báo chí Việt Nam, cơ quan này đã nhanh chóng vào cuộc xác minh.

Đại sứ quán Mỹ sau đó đồng ý để phóng viên Báo Thanh Niên có mặt trong cuộc trao đổi thông tin xung quanh GWIS, đã chính thức thông báo việc “không tìm thấy thông tin chính thức về GWIS”. Nhóm phóng viên đã vững tin rằng mình chiến thắng. “Các cơ quan Việt Nam cũng đã vào cuộc. Dĩ nhiên họ rất thận trọng vì GWIS đăng ký tại Mỹ. Tuy nhiên, Cục Hợp tác quốc tế đã đưa ra quyết định khá nhanh chóng sau khi xem xét, thẩm định. Và chính Bộ GD&ĐT là nơi đưa ra phán quyết cấm GWIS hoạt động tại Việt Nam”, Đăng Khoa nói.

Về hành trình điều tra, phanh phui trường “ma” GWIS, theo Đăng Khoa, sau thời gian gần 15 năm viết về mảng giáo dục, anh đã chứng kiến quá nhiều lừa lọc, dối trá. “Năm 2006, trung tâm Anh ngữ SITC biến mất khỏi Việt Nam sau khi đạt số lượng học viên nhiều khủng khiếp. Năm 2012, hàng loạt trường Singapore sụp đổ, có chủ đầu tư bỏ trốn, kéo theo hàng ngàn học viên bị ảnh hưởng. Còn rất nhiều vụ việc khác nữa. Và vừa qua là GWIS. Tất cả cho thấy phụ huynh Việt Nam khát khao tìm con mình có một môi trường học quốc tế như thế nào. Họ sẵn sàng nhịn ăn, nhịn mặc để con mình được học tại một ngôi trường tiếp cận gần nhất với tiêu chuẩn quốc tế…”, Khoa bày tỏ.

Anh cũng nhận thấy rằng, trước khát khao của phụ huynh Việt Nam, đã có kẻ lao vào trục lợi. Và khi mọi chuyện qua đi, chính phụ huynh, học sinh là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mất tiền đã đành, mất mát lớn hơn chính là sự kỳ vọng, niềm hy vọng. Tội lớn nhất của GWIS là đã cướp đi của họ những điều đó.

“Tương lai sẽ còn nhiều GWIS nữa xuất hiện, nếu cơ quản quản lý không tạo ra một “màng lọc” chặt chẽ, và phụ huynh không tỉnh táo với kỳ vọng của chính mình”, nhà báo Đăng Khoa kết lại.

Kiên Giang

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo