Nhà báo Đình Thắng – Báo Tiền Phong: Nước mắt rừng và lương tri người có trách nhiệm

Thứ năm, 23/12/2021 09:51 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhà báo Đình Thắng - Trưởng Ban Kinh tế, trưởng Đại diện khu vực Tây Nguyên - Báo Tiền Phong được biết đến với nhiều phóng sự điều tra công phu cùng các giải thưởng Báo chí Quốc gia qua các năm.

Năm 2021, loạt bài “Rừng bị thảm sát, gỗ lậu về đâu?” của nhà báo Đình Thắng và đồng nghiệp vừa đoạt giải C Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2021 ở nội dung phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí, ghi chép (Báo in). Báo Nhà báo & Công Luận đã có cuộc trò chuyện với anh để biết rõ hơn quá trình thực hiện loạt bài này.

Cây rừng không có chân để tự chạy vào nhà quan

+ “Rừng bị thảm sát, gỗ lậu về đâu?” không chỉ phản ánh thực trạng các loại gỗ quý, cây rừng lâu năm bị tàn phá mà còn trả lời được câu hỏi gỗ rừng đi về đâu. Anh có thể chia sẻ thêm về ý tưởng khi bắt đầu triển khai loạt bài?

- Khi vào điều hành Ban Đại diện Báo Tiền Phong tại Tây Nguyên, tôi thường xuyên đọc duyệt các tin, bài của phóng viên với tần  suất về phá rừng rất nhiều. Tình trạng đó diễn ra ở huyện này, huyện kia hết sức nhức nhối. Mà việc này xảy ra nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, nghĩa là phá rừng không giảm. Tôi biết, cảm giác của người duyệt bản tin nó bất lực thế nào trước thảm cảnh rừng xanh bị tàn phá.

nha bao dinh thang bao tien phong nuoc mat rung va luong tri nguoi co trach nhiem hinh 1

Ảnh trong loạt bài "Rừng bị thảm sát, gỗ lậu về đâu?".

Đương nhiên, tần suất vụ việc như vậy mà phóng viên chỉ triển khai những mẩu tin lặt vặt, bài ngắn thì không thể xứng tầm. Hơn nữa, nếu đặt mình vào vị trí bạn đọc, liệu có ai chấp nhận cách đưa tin đơn điệu, kiểu thống kê vô hồn kéo dài không. Ý tưởng xây dựng loạt bài công phu cũng bắt đầu từ đó.

Và, tất nhiên, cách triển khai tuyến bài cũng phải khác trước: Phóng viên sẽ phải đào sâu hơn, không chỉ len lỏi vào hiện trường và phải tiếp cận được nguồn gỗ về đâu? Câu trả lời là tại sao không tìm đến công sở hay những người có trách nhiệm bảo vệ rừng để chứng kiến gỗ quý chảy về đó. Người làm báo không thể bám mãi theo lâm tặc, chạy theo kiểm lâm để đưa tin như vậy được. Rõ ràng, cây rừng, gỗ rừng cổ thụ, gỗ quý trong rừng không có chân để tự chạy về nhà ai, về cơ quan, doanh nghiệp nào đó. 

+ Nói như vậy, nhóm phóng viên không chỉ tiếp cận hiện trường phá rừng, mà còn phải đến những nơi cơ quan công quyền, nhà quan chức, đại gia sử dụng nhiều gỗ quý?

- Nhóm phóng viên được chia làm 2 ngả. Một “biệt đội” sẽ vào rừng, theo dấu tàn phá rừng; phần còn lại sẽ tiếp cận những nơi, những người có trách nhiệm với rừng nhưng sính sử dụng gỗ rừng tự nhiên. Khi vào rừng, đương nhiên anh em phải vất vả trèo đèo, lội suối, ăn cơm nắm muối vừng theo dấu chân lâm tặc rồi. Nguyên tắc là phải nắm được nguyên lý hoạt động của người phá rừng, biết được từ cây rừng, trở thành gỗ và vận chuyển ra khỏi rừng như thế nào. Nguy hiểm là có thể gặp lâm tặc bất cứ khi nào và ở trong rừng sâu không thể biết được điều gì sẽ xảy ra với mình. Đường đi dù khó khăn, mỗi xe vận chuyển lại luôn có “tử thần” bảo kê, nhưng để có tư liệu, không còn cách nào khác. 

“Biệt đội” tiếp cận nguồn gỗ đã thành nội thất, nhà gỗ lớn tại cơ quan công quyền, nhà quan chức… cũng không dễ chút nào. Thông thường, không ai muốn phơi bày việc đốn cây rừng về làm nội thất nhà mình cả. Ngay cả việc chụp được căn nhà gỗ lớn được dựng hoành tráng tại trụ sở 1 cơ quan ở tỉnh Gia Lai, phóng viên cũng phải rất kỳ công, nói gì tới việc vào một số tư dinh quan chức tỉnh để quay, chụp những bộ tràng kỷ, nhà ốp gỗ quý… Khi có đủ dữ liệu, cách thức tiếp theo là hỏi trực diện từng vị.

Nước mắt rừng, nước mắt phận người mặn đắng 

+ Anh có nghĩ những kẻ phá rừng đã được “tiếp tay” bởi một số thế lực?

- Nếu không có nơi tiêu thụ và tiếp tay cho kẻ phá rừng thì cả xe gỗ như con voi, làm sao chui lọt qua lỗ kim. Người thường sử dụng gỗ lậu từ phá rừng, làm biệt phủ đã không nên rồi, nhưng nếu quan chức hoặc trụ sở cơ quan công quyền lạm dụng gỗ trái phép, càng không nên. Tôi định hướng cho phóng viên hãy đến gặp những người trách nhiệm cao nhất ở địa phương có tình trạng phá rừng. Xem họ dùng loại gỗ gì, có nguồn gốc hay hồ sơ hay không. Hoặc đến các cơ quan công quyền, xem họ dùng lại nhà gỗ nguồn gốc từ đâu. Hẳn nhiên là nhiều oái ăm như loạt bài đã đề cập. 

Không nằm ngoài dự đoán của chúng tôi, có trụ sở cơ quan công quyền đã sử dụng gỗ để trang trí, thậm chí là xây dựng nguyên khối bằng gỗ; chưa kể nhà quan chức còn bứng cây gỗ quý nhiều năm tuổi về trồng ở vườn nhà. Việc sử dụng nói trên vô tình cổ vũ một cách tiêu cực cho người dân cùng sử dụng gỗ như một cách thể hiện sự sang trọng, cao quý, đẳng cấp. Tôi nghĩ rằng, khi một cá nhân giữ một trọng trách, kể cả loại gỗ đó có nguồn gốc, có hóa đơn chứng từ đi nữa thì cũng không nên lạm dụng gỗ.

Giống như các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, người ta luôn tuyên truyền thông qua những cá nhân có địa vị, có ảnh hưởng trong xã hội (ngôi sao, quan chức…) tiên phong để lan tỏa. Trong loạt bài điều tra, tôi còn muốn nhấn mạnh rằng, sự xa hoa, vương quyền ảo qua việc sử dụng gỗ quý là một sự lố bên cạnh việc vi phạm pháp luật. Đó chắc chắn không phải là thước đo nào của quyền lực hay sang trọng. Hình dung mà xem, mỗi năm khi lũ lụt xảy ra, nhiều mạng người, nhà cửa đồ đạc bị cuốn phăng đi. Trong đó, có không ít tràng kỷ, nhà gỗ của một đại gia nào đó. Nước mắt của rừng, nước mắt phận người mặn đắng lắm.  

+ Một đề tài rộng, tốn nhiều công sức thời gian, anh có thể hé lộ một số kỹ năng nghề trong quá trình tác nghiệp?

- Trong mỗi một lần đi tác nghiệp, hay chuẩn bị cho một tuyến bài, tôi đều yêu cầu phóng viên đặt yếu tố an toàn lên trên hết, phải lường trước các tình huống có thể xảy ra. Không vì lấy tư liệu hình ảnh mà đánh đổi, liều lĩnh lao vào nơi nguy hiểm một cách mù quáng. Qua loạt bài, nhiều anh em phóng viên có thêm kinh nghiệm, làm việc theo nhóm. Trước đây, anh em mới chỉ đối mặt với lực lượng phá rừng, ít hiểu biết pháp luật, thì nay đã biết khai thác thông tin đối với những người có vai vế, quyền lực, có hiểu biết pháp luật. 

nha bao dinh thang bao tien phong nuoc mat rung va luong tri nguoi co trach nhiem hinh 2

Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch HNBVN trao giải cho nhà báo Đình Thắng tại GBCQG lần thứ XV năm 2021.

+ Sau khi loạt bài được đăng tải, chắc hẳn có tác động xã hội lớn?

- Có nhiều cán bộ các cấp, các ngành bị xử lý vi phạm về việc sử dụng gỗ quý trái phép. Thậm chí, một lãnh đạo huyện bị phanh phui vì xây dựng một tòa nhà gỗ lớn không phép. Loạt bài khiến cho nhiều lãnh đạo tỉnh ở Tây Nguyên quan tâm hơn đến bảo vệ rừng, nhiều cuộc họp tìm giải pháp với các cơ quan liên quan đã được tổ chức ngay sau đó. Ngay cả một tấm biển “Ở đây bán gỗ rừng Tây Nguyên nghìn năm tuổi” cắm nhiều năm gần trung tâm TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng được nhổ bỏ.  Đặc biệt, tờ báo được bạn đọc hoan nghênh, đánh giá cao; nhiều người gửi thư, nhắn tin gọi điện để có những lời khuyến khích động viên các nhà báo điều tra. 

+ Với nhiều năm kinh nghiệm, chuyên làm hoặc chỉ đạo những đề tài điều tra gai góc, theo anh người làm báo phải giữ cho mình những phẩm chất gì để vượt qua mọi khó khăn?

- Bản lĩnh là điều không phải bàn rồi. Tuy vậy phương pháp triển khai mới quan trọng. Hãy bắt đầu từ việc xây dựng đề cương bài bản, chi tiết và thường xuyên tự phản biện mình xem nếu công khai thông tin này, hiệu ứng sẽ ra sao, sự đối mặt thế nào… Bởi vì mỗi chi tiết đều có giá của nó. Đối với những vấn đề phức tạp, liên quan đến pháp luật, không thể thiếu đội ngũ tư vấn luật. Nhiều khi, anh em họp vẽ  cả biểu đồ, đánh giá các góc độ nữa ấy chứ. Người làm báo, mục đích cuối cùng là muốn tạo ra sự thay đổi tính tích cực hơn, chứ không phải điều tra để triệt hạ ai đó. Do vậy, từng câu, từng chữ phải hết sức thận trọng.

+ Trân trọng cảm ơn anh!

Lê Tâm (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo
Tạo môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động

Tạo môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động

(CLO) Chiều 17/4, Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động”. Hội thảo đóng góp nhiều ý kiến, trong đó có việc đổi mới trong xây dựng văn hóa, tinh thần cho người lao động, từ đó tránh xa tín dụng đen và tệ nạn xã hội.

Nghề báo