Nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển: Cháy mãi một tình yêu

Chủ nhật, 30/09/2018 06:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Chắc nhiều đồng nghiệp cũng đồng quan điểm với tôi khi nhận xét ở Nguyễn Uyển hiện lên 3 “con người” trong một, đó là: Nhà báo tận tụy, nhà quản lý có trách nhiệm cao và nhà văn lãng mạn hiện thực. Dù đã bước vào tuổi 80 nhưng đôi chân và trí óc của ông vẫn không ngừng nghỉ, ngày đêm ông vẫn trăn trở với những vấn đề của đời sống xã hội để rồi lại “mặn nồng” trong từng trang viết của mình.

Nghĩ mới, làm mới

Có dễ chẳng mấy ai như Nguyễn Uyển đang ở cương vị được trọng thị của thời bao cấp- (Hiệu trưởng Trường cấp II Cao Ðại, Vĩnh Phúc), lại rời bỏ để làm phóng viên báo tỉnh, rồi làm sinh viên Đại học Báo chí khóa I (1969 – 1973). Đành rằng người xưa vẫn bảo đó là do sự phân công của tổ chức, nhất là vào những năm 60 của thế kỷ trước khi miền Bắc mới được giải phóng cần bổ sung đội ngũ làm báo chuyên nghiệp, thế nhưng tôi dám chắc rằng nếu như không có niềm đam mê thì khó có thể rẽ ngang như thế. Hơn nữa ở cái thời mà bụng không đủ no, ông còn hoàn thành tốt “nhiệm vụ” của một sinh viên khi là một trong những sinh viên ít ỏi nhận tấm bằng xuất sắc.

Từ cậu phóng viên chân ướt chân ráo vào nghề, nhờ khẳng định được năng lực của mình mà Nguyễn Uyển đã không mất quá nhiều thời gian để được bổ nhiệm làm Phó tổng rồi Tổng biên tập báo Vĩnh  Phú (cũ); Được Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam Khóa IV (1983 – 1989) bầu vào Ban Chấp hành. Người trung du đất Tổ đều nhớ, tờ báo dưới thời ông đã gây tiếng vang lớn về sự đĩnh đạc, kiên định phục vụ sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước; quyết liệt chống tiêu cực cũng như cổ vũ cái mới, nhân tố mới, những điển hình tiên tiến; phát triển kinh tế đồi rừng.

Báo Công luận
 Nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển say sưa với cuốn sách với bậc tiền nhân
Ấy là việc chung, đồng nghiệp còn nhớ mãi thời ấy ông cũng nghĩ mới, làm mới ngay trong tòa soạn báo của mình; Khích lệ thi đua, khích lệ tư duy năng nổ, bồi dưỡng người tài tại chỗ thay thế mình. Ấy là cái cách ông làm: Chọn người tài tại chỗ “Thi tuyển Tổng biên tập” với đề bài sát thực: “Trong điều kiện hiện nay của tòa soạn, nếu làm Tổng biên tập, anh (chị) sẽ quản lí như thế nào và cần có thêm điều kiện gì”? Điều thú vị là “Ban giám khảo” bỏ phiếu kín gồm toàn thể cán bộ phóng viên, biên tập viên, công nhân viên trong tòa soạn và xưởng in báo (có tới 70 người). Các ứng viên đạt phiếu cao, sau này đều lên chức Tổng biên tập trong đó có người giờ đương nhiệm là Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo. Ngày ấy ông còn khởi xướng Hội thảo báo Đảng địa phương miền Bắc hằng năm (nay vẫn tiếp nối); Thi người đẹp Hội Hùng.... tất cả đều thành công vang dội.

Cuối năm 1989, Đại hội V - Hội Nhà báo Việt Nam, ông được bầu vào Ban Thư ký (nay là Thường vụ). Và, lại được tổ chức điều về Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đảm nhận chức Trưởng ban Công tác Hội suốt 17 năm liền. Ngày ấy, ông đã cộng sự chặt chẽ với anh em trong cơ quan phát huy cao độ tính sáng tạo, góp sức nâng cao vai trò của các cấp Hội Nhà báo, thu hẹp khoảng cách giữa các hội địa phương với hội Trung ương. Vì thế, cho dù ông đã rời nhiệm sở hơn 10 năm nay, vậy mà đồng nghiệp đó đây vẫn nói về ông, nhớ về ông với những kỷ niệm đẹp đẽ.

“Mặn nồng” trong từng trang viết của mình

Bên cạnh công tác quản lý, Nguyễn Uyển còn là một nhà báo say sưa, nhiệt huyết và thích “xê dịch”. Với thế mạnh bút ký, dưới ngòi bút tài hoa của mình, ông đã dẫn dắt bạn đọc đến biết bao vùng đất qua cái nhìn mới lạ, độc đáo. 11 tập bút ký cũng là đủ để hình thành nên một phong cách bụi bặm, phong trần Nguyễn Uyển trong lòng bạn đọc. Ông vẫn thường tâm sự rằng mình thiệt thòi hơn các đồng nghiệp khác khi phải giữ chức “quản lý nhàng nhàng” từ rất sớm, bởi làm quản lý theo quy chế thì lấy đâu thời gian để viết báo, viết văn. Thế nên sau khi về hưu (năm 2006), người ta thấy ông bận rộn hơn với những chuyến đi xa nhà, khi thì non cao rừng thẳm, khi thì chân trời góc biển để sẻ chia nỗi niềm, để thấu hiểu lòng dân, để viết về những tấm gương đẹp với dân với nước.

Đặc biệt, miền biên viễn Tây Bắc được ông dành ưu ái hơn cả, vì ông đã có hẳn cuốn bút ký đằm thắm “Tình người Điện Biên”, đó là chưa kể hàng trăm bài bút ký sau này đăng trên các báo. Chia sẻ lý do với tôi, ông cho biết 64 năm trước chiến dịch Điện Biên Phủ đã lấy đi một phần máu thịt người cha của ông. Đau xót hơn nữa, hai người chú ruột đều hy sinh trong chiến dịch này mà đến nay chưa tìm được hài cốt, chỉ lưu tên trên tấm biển ghi công. Nhưng có một điều đặc biệt là khi đến với Điện Biên, ông thường dành thời gian để tới những vùng xa xôi nhất nơi mà báo chí chưa phản ánh để khai thác tài liệu, để viết. Hơn 30 năm lăn lộn với miền đất này, ông thuộc từng đường đi lối lại, hiểu từng phong tục tập quán của các dân tộc, của tình người Điện Biên với Đảng và Nhà nước.

 Sau 52 năm chính thức cầm bút làm báo, viết văn, Nguyễn Uyển đã cho “ra lò” 24 đầu sách với ngôn từ, chữ nghĩa dung dị, chính chuẩn với từng thể loại như cuộc sống và con người của ông vậy. Dù viết văn hay làm báo thì ông vẫn luôn theo sát thời cuộc, hôi hổi sức sống của thời đại nên được người đọc dễ dàng đón nhận, yêu mến. Nói về ông, nhắc về ông một nhà văn, nhà báo tha thiết với nghề và cũng thiết tha truyền nghề không chỉ ở những bài giảng, mà còn trong cả những cuốn sách nghiệp vụ như: “Báo chí- Nghề nghiệt ngã”; “Xử lý thông tin- việc của nhà báo”; “Báo chí- mấy thể loại thông dụng”….Đặc biệt cuộc đời làm nghề thăng hoa của mình đã giúp Nguyễn Uyển chắt lọc ra những lời tự bạch thấm thía: “Nghề giáo- nghề mẫu mực, nghề văn- nghề nhọc nhằn, nghề báo- nghề nghiệt ngã”. 

Tôi nể phục vì ông có thể viết được cả tập sách đầy đặn, hấp dẫn về một đề tài vốn khô khan. Đó là tập bút kí “Sáng mãi niềm tin yêu” về những tấm gương tiêu biểu thuộc Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập ngành. Đặc biệt trong một chuyến thăm châu Âu, ông đã viết tập bút ký “Giữa đất trời Âu” sâu đậm về cuộc sống của cộng đồng người Việt xa xứ với những trăn trở và nỗ lực gìn giữ văn hóa dân tộc và những mong muốn được đóng góp xây dựng đất nước. Cuốn sách được cộng đồng nồng nhiệt đón nhận và là món quà quý giá biểu hiện cho tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam- Cộng hòa Séc. Đầu năm nay, NXB Hội Nhà văn xuất bản cuốn “Rìa rừng - Ngách phố” của ông gây được sự chú ý với bạn đọc ngay từ cái tên khá lạ lẫm. Đã có nhiều người thắc mắc tại sao ông lại đặt cái tên như vậy, Nguyễn Uyển giải thích rằng, ông sinh ra ở rìa rừng Quân Khê, Hạ Hòa, Phú Thọ sau này với cơ duyên nghề báo, ông lại về ở trong con ngách 34, ngõ Hòa Bình 7, phường Minh Khai, Hà Nội.

Con người luôn thấm đẫm hồn quê

Việc một nhà báo chuyển sang viết văn và trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng không phải là hiếm. Với Nguyễn Uyển, ông cũng không biết mình đến với nghiệp văn từ khi nào, nó dường như là một cái gì đó “mưa dầm thấm lâu” trong con người văn sĩ đất Tổ. Thế nhưng lần theo số sách đã xuất bản của ông, tôi nghĩ ông đến với nghề văn có thể từ khi ông còn chưa thành danh với nghề báo. Vì sao tôi có thể khẳng định chắc nịch như vậy, đó là bởi cuốn sách đầu tiên mà ông xuất bản không phải là tập bút ký hay tiểu luận thường thấy mà lại là tập truyện ngắn mang tên “Mùa cày”. Và, từ đó đến nay ông đã lần lượt cho ra mắt thêm nhiều tập truyện ngắn nữa và điều đáng nói ông còn cho in tiểu thuyết “Dòng chảy đất đai” với nhiều lần tái bản.

Báo Công luận
 Nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển trò chuyện nghề nghiệp với cháu nội
Là nhà báo, dấu ấn nghề báo không thể thiếu trong trang văn của ông và “Dòng chảy đất đai” là một minh chứng. Đó là tác phẩm xoay quanh quyền lực và sự tha hóa quyền lực của một bộ phận không nhỏ các cán bộ lãnh đạo cấp xã đồng thời ông cũng mạnh dạn chỉ ra con đường chân chính để đạt tới quyền lực chỉ có thể là phát huy dân chủ thực sự ở cơ sở. Lật mở từng trang của cuốn sách này, người đọc có thể thấy được tác giả đã rất bản lĩnh, thẳng thắn khi dám nhìn vào sự thật, nói lên sự thật bằng tư duy báo chí sắc sảo cùng với tư duy văn chương linh hoạt. Cuốn sách đã phản ánh kịp thời những mặt tiến bộ và cả những hạn chế ở vùng nông thôn miền núi trong bối cảnh đất nước đang thực hiện công cuộc Đổi mới.

Nói đến đây có thể hiểu rằng dường như Nguyễn Uyển đang “ẩn mình” trong văn chương bởi những điều này nói ra ở thời điểm ấy đâu phải dễ dàng. Hầu hết những truyện ngắn của ông đều tập trung khai thác chủ đề làng quê, nông thôn, nông nghiệp và những người nông dân. Ở đó người đọc cảm nhận được cuộc đời làm báo tràn đầy năng lượng của ông khi những chuyến đi thực tế ở các vùng nông thôn trong tỉnh trước đây cùng những thu lượm từ các cuộc trò chuyện với người dân đã cho ông một vốn sống phong phú, dày dặn, cách nhìn nhận vấn đề, sự kiện thấu đáo, đa chiều.

Dù sống ở Thủ đô gần 30 năm nay nhưng có thể nói con người, khí chất và tâm hồn của Nguyễn Uyển luôn thấm đẫm hồn quê. Và nếu không được biết trước thì có lẽ nhiều người khi tiếp xúc sẽ nghĩ ông là nông dân chân chất, thật thà. Cũng phải nói thêm rằng từ “cây cổ thụ” Nguyễn Uyển vươn rễ bám chặt vào lòng đất mát lành của quê hương tỏa ra bóng mát sum suê mà đến nay trong gia đình ông đã có đến 9 người con (trai, gái, dâu, rể và cháu nội) theo nghiệp mà ông gọi là “Nghề nghiệt ngã”./.

An Bảo

Tin khác

Khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023: Mùa giải có kỷ lục về số lượng tác phẩm

Khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023: Mùa giải có kỷ lục về số lượng tác phẩm

(CLO) Chiều 16/4, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023. Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải báo chí Quốc gia chủ trì buổi khai mạc.

Nghề báo
Ân tình của những chiến sĩ cầm bút

Ân tình của những chiến sĩ cầm bút

(CLO) Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới ngày nào nhận quyết định điều động lên tỉnh mới chia tách, nay được về dự kỷ niệm ngày thành lập Báo Lai Châu, bao cảm xúc ùa về. Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên ấy gian khổ nhưng thấm đẫm ân tình đồng nghiệp.

Nghề báo
Giải Bóng đá U11 toàn quốc 2024 quy tụ 50 đội bóng tranh tài

Giải Bóng đá U11 toàn quốc 2024 quy tụ 50 đội bóng tranh tài

(CLO) Sáng 16/4, tại Hà Nội, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tổ chức họp báo công bố Giải bóng đá U11 toàn quốc - Cup Nestlé Milo 2024.

Nghề báo
Bộ sách về Chiến thắng Điện Biên Phủ: Tư liệu chính xác, khách quan, đa dạng

Bộ sách về Chiến thắng Điện Biên Phủ: Tư liệu chính xác, khách quan, đa dạng

(CLO) Ngày 16/4, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam (VIETNAMBOOK) tổ chức ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Nghề báo
Phát động Chương trình bình chọn Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024

Phát động Chương trình bình chọn Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2024

(CLO) Ngày 16/4, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Tạp chí VietTimes đã chính thức phát động Chương trình bình chọn Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam lần thứ bảy - Vietnam Digital Awards năm 2024 (VDA 2024).

Nghề báo